Có lần, tôi đánh bạo xông thẳng tới tòa soạn báo Văn
Nghệ, định bụng sẽ hỏi cho ra nhẽ, nhưng vừa tới cổng thì sự hăng hái ban đầu
cũng tiêu tan hết, tôi lẳng lặng đi qua, đi lại, nhìn vào, rồi lại đi qua, đi lại...
Rồi phát chán, bỏ về.
KỶ NIỆM VỀ MỘT TỜ BÁO
NGUYỄN DUY
NHỮNG BÀI THƠ ĐẦU TIÊN
Cái kỷ niệm đầu tiên là, gửi bài mà không được in. Tôi
đã gửi thơ cho báo Văn nghệ nhiều lắm, gửi cả tập giấy mỗi lần, gửi
liên tục từ năm 1962 cho tới 1972 mới được đăng bài đầu. Từ hồi còn đi học ở
trường cấp ba Lam Sơn (Thanh Hóa) tôi đã “làm thơ” và lẳng lặng gửi, chỉ gửi
cho báo Văn Nghệ thôi, tôi nghĩ, đó là tờ báo đáng tin cậy về “tiêu
chuẩn nghệ thuật”. Và, cố nhiên là tôi cứ lẳng lặng mà chờ đợi... Lại lẳng lặng
chép, lẳng lặng gửi, và lẳng lặng chờ... Nhưng ai lại đi in cái thứ mà tôi gọi
là “thơ” của mình hồi đó. Thí dụ:
“Người vợ của tôi
Tôi hình dung người vợ của tôi
da thịt bằng gang, tim gan bằng chì,
và ruột bằng cứt sắt
cái mặt nửa đỏ, nửa đen
răng lợn lòi chìa ra nhọn hoắt
đôi mắt là đôi đèn pha phòng không sáng quắc
khi trợn lên - mắt thiên hạ nhắm liền
nụ cười dịu hiền ngoác ra như hố bom
khi xuất hiện thì miệng đời méo xệ
và, giọng nói là xe tăng gầm ré
khi cất lên - tất cả phải im hơi...
Bởi rất yêu người vợ của tôi
nên tôi phải hình dung như thế”
Tiếc thay, hồi đó tôi đã cho rằng đấy là thơ, thơ hay
nữa là khác, ít ra thì cũng hiện đại! Tôi cũng đã tốn mất mấy năm mò mẫm theo
cái cách làm thơ mà tôi cho là “hiện đại hoá” này, để rồi chán nản, để rồi oán
ban biên tập báo Văn Nghệ là vô trách nhiệm với bạn viết...
Chiến tranh. Tôi nhập ngũ. Vẫn cặm cụi viết, gửi bài
đi và chờ đợi. Cuối năm 1967 tôi mới được in bài thơ đầu tiên, in trên Tạp
chí Văn Nghệ Quân đội, rồi sau đó được xuất hiện khá thường xuyên trên
báo Quân đội nhân dân. Còn báo Văn Nghệ thì chưa, cũng chưa có lấy
một câu nhắn nhe trả lời của tòa soạn. Tôi càng oán báo Văn Nghệ nhiều
hơn trước. Càng oán, càng cay cú, càng gửi, bao thư trang trọng, giấy trắng,
chép nắn nót, thỉnh thoảng lại có cả thư “kính thưa ban biên tập” đàng hoàng,
kèm luôn cả bao thư dán tem sẵn để báo trả lời cho tiện nữa... Vẫn không ai trả
lời tôi.
Có lần, tôi đánh bạo xông thẳng tới tòa soạn báo Văn
Nghệ, định bụng sẽ hỏi cho ra nhẽ, nhưng vừa tới cổng thì sự hăng hái ban đầu
cũng tiêu tan hết, tôi lẳng lặng đi qua, đi lại, nhìn vào, rồi lại đi qua, đi lại...
Rồi phát chán, bỏ về. Cũng may là tôi chưa chán viết, và cũng chưa chán gửi.
Tôi xoay lối viết theo cách chơi đồ cổ, làm thơ lục bát với những chi tiết thực,
gần gũi với mình. Cứ “hiện đại hóa” mãi hóa tắc tỵ.
Sau một chuyến đi “B-ngắn”, chiến dịch đường 9 Nam Lào
(1971), tôi có được mươi bài thơ mới. Tôi viết thoải mái hơn, có khá hơn, tôi tự
nghĩ như vậy. Tôi nảy ra ý định đổi bút hiệu, một ý định chỉ là để chơi thôi. Họ
và tên tôi gồm ba từ, số lẻ, nghe chừng xui xẻo quá, thôi, bỏ cái tên đi, giữ lấy
cái họ, họ kép, thế là còn hai từ. Có thể gặp may đây!
Rồi một đêm, tình cờ tôi nghe radio, cụ Hoài Thanh
đang tán về tính dân tộc trong thơ hiện đại... Tôi khoái quá, vì những điều cụ
Hoài nói sao mà “hợp ý mình thế!”. Tôi chép liền một bài, bài “Khúc dân ca”,
gửi tới “ông Hoài Thanh - nhờ Đài Tiếng nói Việt Nam chuyển”. Tôi không hề có ý
định gửi bài thơ này cho báo Văn Nghệ, nó quê quê thế nào. Bất ngờ, mấy
hôm sau, tôi nhận được thư của anh Phạm Hổ, đề nghị “cho báo Văn Nghệ in
bài “Khúc Dân Ca” do bác Hoài Thanh chuyển tới” và “đồng chí, nếu có
thể được, gửi cho chúng tôi mấy bài thơ khác nữa, để báo Văn Nghệ chọn
in trong các số sau...”.
Tôi ngẩn người, vừa mừng, vừa lấy làm lạ. Lúc tôi gửi
bài như điên thì họ không trả lời, lúc tôi không gửi thì họ lại đề nghị cho in.
Cố nhiên là tôi rất sung sướng, tôi chép ngay, không được cẩn thận như những lần
trước, mấy bài thơ mới cùng mấy bài thơ cũ đã chép gửi đến chai cả tay. Tôi lại
nhận được một văn bản đánh máy, dấu báo Văn Nghệ đỏ tươi như hoa đào,
anh Vũ Tú Nam - thư ký tòa soạn ký, mời tôi tới tòa soạn chơi, và trao đổi về
việc báo sẽ in cho tôi hẳn một chùm thơ. Chao ôi, tôi có bao giờ mong được như
thế đâu!
Tôi xúng xính trong bộ quần áo lính mới toanh, rộng
thùng thình, lần đầu tiên bước qua bậc cửa tòa soạn báo Văn Nghệ gặp
ai cũng chào một cách cung kính và e dè. Ấy là lần đầu tiên tôi biết mặt anh Vũ
Tú Nam, anh Phạm Hổ, lần đầu tiên tôi nhìn thấy chị Ngọc Tú, chị Xuân Quỳnh...
Đến đó tôi mới biết là bác Hoài Thanh đang làm chủ nhiệm báo, bác bị ốm, ở nhà.
Anh Phạm Hổ hẹn tôi tới thăm bác vào buổi tối. Tôi nhớ mãi cái buổi tối cuối
đông năm 1971, gió bấc, rét căm căm và lất phất mưa phùn, anh Phạm Hổ ho nhiều,
mặc dù đã quấn chiếc khăn len to xù, đạp cái xe Liên Xô cao lêu đêu mà từ xa đã
nghe tiếng lọc xọc, lạch xạch. Anh đưa tôi tới nhà bác Hoài Thanh, ở cùng phố
Trần Quốc Toản với tòa soạn.
Bác Hoài Thanh rất gầy, giọng nói yếu ớt, nói chậm,
nói ít, nhưng lượng thông tin trong câu chuyện lại nhiều. Từng lời, từng chữ
cân nhắc và chính xác, bác nhận xét về những bài thơ của tôi mà bác đã đọc trên
bản thảo, qua đó, đoán về tâm tính của người viết, tôi càng ngẫm về sau, càng
thấy bác “bói” đúng quá. Sau ít phút trao đổi với anh Phạm Hổ, bác nói,
báo Văn Nghệ sẽ in cho tôi hai bài trong số Tết sắp tới (tháng giêng
năm 1972), sau đó in tiếp một trang, sau đó nữa, là bài phê bình của Hoài Thanh
về một số bài thơ của tôi... Tôi lại ngẩn người, ngỡ là mình nghe lầm. Nhưng mọi
việc đã diễn ra tuần tự đúng như lời bác nói.
Vậy là, bài thơ đầu tiên tôi được in trên báo Văn
Nghệ cách bài thơ đầu tiên tôi gởi tới báo Văn Nghệ đúng mười
năm trời - mười năm lẳng lặng viết, lẳng lặng gửi, và lẳng lặng chờ đợi.
NGƯỜI THẦY ĐẦU TIÊN
Người đầu tiên của tòa soạn báo Văn Nghệ mà
tôi được gặp, cũng chính là người thầy đầu tiên dạy và dỗ tôi làm thơ một cách
độc đáo nhất, là anh Trang Nghị.
Tháng Tám năm 1966, tôi là lính thông tin, binh nhất,
giữ đường dây liên lạc quân sự ở Hải Phòng. Nhà báo Trang Nghị tới đơn vị tôi để
viết bài. Tôi thuộc loại chiến sĩ đang nổi, có thành tích chiến đấu và phục vụ
chiến đấu, bí thư Chi đoàn, được đơn vị chọn ra để làm “nhân vật” cho nhà văn,
nhà báo. Nhà văn, nhà báo quần tôi một ngày ròng, nào là “bối cảnh” các trận
máy bay Mỹ oanh kích ác liệt nhất, nào là băng qua bom đạn nối đường dây liên lạc
thế nào, tâm tư tình cảm ra sao, rồi lý lịch, quê hương bản quán... cho đến khi
chả còn gì để mà khai báo nữa, tôi mới hỏi, nhà báo làm ở báo nào vậy? Văn
Nghệ!
Ối trời ơi, thế là tôi tóm được một ông Văn Nghệ đây
rồi! Tôi liền trút bầu tâm sự, ca cẩm... Anh Trang Nghị ôn tồn giải thích, bài
vở gởi về tòa soạn nhiều vô kể, biên tập viên không tài nào đọc cho xuể, bạn viết
phải thông cảm cho báo, và nên kiên nhẫn gởi bài cho báo, gởi tiếp nữa đi...
Tôi quần lại ông Văn Nghệ bằng cách đọc liền tù tì một thôi một hồi
những bài thơ mà tôi sắp gởi tiếp cho báo Văn Nghệ đây. Anh Trang Nghị
cười hớ, hớ, hớ... Tiếng cười thật hồn nhiên, sảng khoái. Giọng Nam Bộ diễn cảm:
“Thơ chú mày dở ẹc!”. Tôi đề nghị anh dạy cho tôi vài bí quyết, làm sao cho thơ
hay lên được? Anh Trang Nghị gãi gãi vành tai, nói thản nhiên như không: “Dễ
thôi mà, mày cứ đọc báo Văn Nghệ ba năm liền là thơ của mày sẽ hay
lên liền” và anh lại cười một tràng dài hớ, hớ, hớ...
Từ đó, tôi không gặp lại anh nữa. Cũng không thấy bài
viết của anh đâu. Nghĩ mà buồn, mình muốn làm tác giả trên báo Văn Nghệ đã
không được, làm nhân vật trên báo Văn Nghệ cũng không xong, thôi thì
cứ theo lời khuyên của “thầy” Trang Nghị mà làm bạn đọc của báo Văn Nghệ vậy.
Khốn nỗi, cũng không có báo Văn Nghệ mà đọc nữa. Tôi lang thang nay
đây mai đó theo các tuyến đường dây liên lạc, họa hoằn mới vớ được một số Văn
nghệ đã cũ rích.
Mãi cho tới cuối năm 1973, khi được tặng giải nhất cuộc
thi thơ 1972-1973 (cho trang thơ đầu tiên của tôi in trên Văn Nghệ), tôi mới
mò tới tòa soạn lĩnh tặng phẩm, bất ngờ gặp lại anh Trang Nghị. Anh bắt tay
chúc mừng tôi trúng giải. Tôi hỏi, anh có nhớ tôi không? Không! Anh Trang Nghị
nói, tao đã gặp mày hồi nào đâu mà nhớ. Tôi kể lể, cái hồi ở Hải Phòng... Á
a... Tao phải đãi chú mày một chầu bia mới được. Anh kéo tôi ra quán bia hơi
góc đường Trần Hưng Đạo - Phố Huế, lấy cái nắp hầm cá nhân làm mâm, bày lên đó
mấy vại bia sủi bọt cùng một dĩa lạc rang húng lìu. Chúng tôi ngồi xổm, vừa uống
bia hơi vừa ôn lại cái thời Hải Phòng bị oanh kích ác liệt, và tôi kể anh nghe
công việc của tôi lúc này... Sau vài vại bia, anh Trang Nghị sôi nổi hẳn lên:
“Mày thấy chưa, anh mày nói có đúng không nào, cứ đọc báo Văn Nghệ ba
năm là nên người”. Anh lại cười một tràng dài hớ, hớ, hớ...
Năm 1976, tôi lại cùng anh Trang Nghị làm việc cho tờ
báo Văn Nghệ Giải phóng, cùng ở một chung cư. Bây giờ tôi là bạn nhậu của
anh rồi, thỉnh thoảng hai thầy trò gật gù với nhau, nhắc lại cái ngày xửa ngày
xưa, cái lần gặp gỡ ở Hải Phòng, cứ ngỡ là thoảng qua, mà hóa ra một kỷ niệm thật
nhiều ý nghĩa.
CHÙM THƠ TỪ MẶT TRẬN
Mặt trận Quảng Trị, mùa hè năm 1972.
Với tư cách là phóng viên chiến trường, tôi theo một
đơn vị thông tin của sư đoàn 308 vào chiến dịch. Bom đạn nhiều tới mức không thể
tả lại bằng lời. B.52 “tọa độ” suốt ngày đêm. Máy bay phản lực cứ từng đàn, từng
đàn. Khủng khiếp nhất vẫn là pháo, pháo bầy, pháo tăng, pháo hạm, đủ cỡ, 105,
175, 270, cả 406 milimét từ tàu chiến Niu Giơ-đi dội vào. Những mỏm đồi ở Đông
Hà, đặt bàn chân nào cũng là đặt lên mảnh đạn pháo, tôi có cảm giác, đó là những
mảnh sân phơi khoai khô thái lát ở quê. Hôm tôi tới thôn Tây Trì (Đông Hà), cả
ban chỉ huy trung đoàn 56 bị tử trận vì một quả đại pháo rót trúng hầm. Đại úy
Bằng Lâm, quay phim của xưởng phim quân đội cũng hy sinh tại đây. Quân ta tổn
thất khá nặng vì hỏa lực vô cùng mạnh của địch. Điều quyết định là chúng ta đã
thắng. Và tôi đã được gặp dân, lần đầu tiên gặp những người dân ở bờ Nam sông Bến
Hải.
Trong căn hầm chữ A dã chiến, đung đưa như đưa võng dưới
bom và đạn đại pháo, tôi làm được hơn chục bài thơ ngắn, làm nhẩm, rồi tì cuốn
số tay nhàu nát, ngồi co ro tựa vào vách hầm mà chép ra. Theo đường thông hào
mù mịt khói và bụi, tôi lần tới hầm tổng đài của sư đoàn, từ đó gọi về tổng đài
Bộ chỉ huy chiến dịch.
- Một trăm... A lô, một trăm... cho xin hai trăm…
“Hai trăm” là tổng đài Bộ Tổng Tư lệnh ở Hà Nội. Và, từ
xa tít tắp, một giọng con gái rất trong trẻo:
- 4430 à? Báo Văn Nghệ à? Ở đâu xin?
- Quảng Trị. Xin 4430...
- Ai xin?
- Tổng Cóc đây. Đọc bài cho báo, gấp lắm.
Hồi đó, tôi làm một bài độc tấu rất vui, về một anh
chàng giữ kho thông tin biệt danh là “Tổng Cóc”, và tự tôi nhảy lên khua khoắng
trên sân khấu Văn nghệ của bộ đội thông tin. Nhiều anh chị em ở Bộ Tư lệnh
không biết tên tôi, vẫn gọi là “Tổng Cóc”. Xưng cái danh này, tôi hy vọng mấy
cô trực tổng đài có thể nhớ ra và ưu tiên cho tôi. Quả như vậy thật.
- Chào cụ Tổng Cóc! Ở mặt trận khỏe chứ?...
- Khỏe. Nhưng suốt ngày ở hầm...
- Cóc thì ở hầm là đúng chỗ rồi. Có 4430 đó, nói đi!
Đầu dây đằng kia là nhà văn Hữu Nhuận, cán bộ biên tập
báo Văn Nghệ. Anh không thể ngờ được rằng anh đang nói chuyện trực tiếp với
người ở giữa chiến hào mặt trận Quảng Trị, bằng đường dây trần xuyên Trường Sơn
có hệ thống các trạm tăng âm hiện đại. Hữu Nhuận chuyển máy cho anh Phạm Hổ. Rồi
bác Hoài Thanh. Hỏi thăm nhau vài câu, tôi đề nghị tòa soạn chép thơ ngay. Bác
Hoài Thanh chuyển máy nói cho Hữu Nhuận. Phía này là mặt trận đang ầm ầm bom đạn.
Phía kia là Hà Nội, chắc là một buổi sáng yên tĩnh. Không biết ngoài kia có
nghe những tiếng nổ rung chuyển mặt đất vọng vào ống nói chăng, nhưng những câu
thơ tôi đọc thì nghe được rất rõ. Anh Phạm Hổ và anh Hữu Nhuận thay nhau chép,
sau đó còn đọc lại cho tôi nghe xem có đúng không. Bác Hoài Thanh nói thêm:
Báo Văn Nghệ đang lên khuôn ở nhà in, sẽ có ngay chùm thơ này trong số
này... “Tôi rất xúc động - lời bác Hoài - vì những dòng thơ này, từ mặt trận đi
thẳng tới mặt báo...”.
Chúng tôi đang nói dở dang thì tổng đài cắt liên lạc
“Tổng Cóc ơi - tiếng trong trẻo của cô gái trực đài - hết giờ ưu tiên cho cụ rồi.
Khỏe nhé!”.
Hai ngày sau đó, tôi về Cùa, chợt nghe đài phát thanh
Tiếng Nói Việt Nam giới thiệu báo Văn Nghệ, và đọc chùm thơ của tôi in
trong số báo ấy. Đó là chùm thơ từ mặt trận Quảng Trị.
HOA ĐÀO NĂM ẤY
Cuộc chiến tranh đi qua... Thế là xong!
Tháng 10 năm 1975, tôi được theo một đoàn cán bộ kỹ
thuật Bộ tư lệnh thông tin vào Nam tiếp quản mấy trạm viễn thông quân sự ở Tân
Sơn Nhất, Phú Lâm, núi Lớn Vũng Tàu... Ghé thăm anh em báo Văn Nghệ Giải
Phóng tại trụ sở 190 đường Công Lý, Sài Gòn (sau đổi thành đường Nam Kỳ
Khởi Nghĩa), tình cờ tôi được gặp những vị nổi tiếng thời đó: Trần Bạch Đằng,
Giang Nam, Hoài Vũ... Họ rủ tôi xuất ngũ ra dân, làm báo. Tôi thở phào nhẹ nhõm
khi trút bộ quân phục để chuyển ngành về làm biên tập viên ban Thơ cho tờ Văn
Nghệ Giải Phóng. Lúc đó, tháng Tư năm 1976.
Năm 1977 tờ Văn Nghệ Giải Phóng nhập vào tờ Văn
Nghệ trung ương, tôi trở thành biên tập viên kiêm phóng viên thường trú tại
các tỉnh phía Nam của tờ báo vốn có nhiều kỷ niệm sâu sắc với mình.
Cứ ngỡ đã “vĩnh biệt vũ khí”. Nào ngờ, tháng 6 năm
1978, tôi - phóng viên báo Văn nghệ, lại lặn lội trong chiến hào Tây Ninh
cùng với các bạn lính trẻ của Quân đoàn 4. Chiến dịch biên giới phía Tây Nam Tổ
quốc đang thời kỳ ác liệt nhất. Quân Pôn-Pốt tràn sang dọc biên giới Việt
Nam-Campuchia, tàn sát rất dã man đồng bào ta, từ Tây Ninh qua Long An, Đồng
Tháp, An Giang, Kiên Giang. Quân ta đánh chặn và chuẩn bị tổng công kích... Lại
những bài thơ chiến trận gửi về tòa soạn báo Văn Nghệ.
Qua mấy năm im tiếng súng, nhìn lại quãng đường bom đạn
và đèo dốc dài dằng dặc phía sau lưng mình mà ngại ngùng. Cứ ngỡ rằng, đã quen
hơi phố phường rồi, nếu phải trở lại con đường chiến tranh vừa qua, chắc là
không đi nổi. Nhưng khi việc đã tới, giặc đã ở trước mặt, thật lạ, có một nguồn
sức lực từ đâu đó trong con người mình bỗng khởi phát, xốc mình đi, những bước
đi mạnh mẽ nguyên vẹn của người lính năm nào...
Nguồn sức lực ấy lại khởi phát một lần nữa trong tôi
vào đầu xuân năm 1979. Sau chiến dịch biên giới phía Tây Nam tôi tự thưởng cho
mình một chuyến nghỉ phép, về ăn Tết ở quê nhà - thị xã Thanh Hóa. Ngày 15
tháng 2 năm 1979, tôi ra Hà Nội để chờ máy bay trở lại miền Nam. Sáng 17 tháng
2, chiến tranh bùng nổ trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Nhóm
phóng viên xung kích của báo Văn Nghệ, gồm năm người vốn xuất thân từ
lính, được cử lên mặt trận. Lái xe Đào Ngọc Chi cũng vốn là lính chiến.
Mờ sáng 18/2, chiếc xe Rumani tòng tọc của báo Văn
Nghệ hòa vào đoàn xe chở lính lên phía Bắc. Tới thị trấn Đồng Mỏ chúng tôi
bắt đầu làm việc, với trạm phẫu, với thương binh với đồng bào các dân tộc chạy
giặc từ mấy huyện biên giới về. Ga Đồng Mỏ đặc kín người. Đường số Một tắc nghẽn.
Hầm Núi Đá (do quân Trung Quốc đào, hồi họ sang “giúp” ta chống Mỹ) thì dành
cho người bị thương nặng. Đêm ấy, chúng tôi ngủ ở chợ Đồng Mỏ cùng với đồng bào
chạy giặc. Tôi và Phạm Tiến Duật nằm chung cái bạt võng, trước vỉa hè nhà bưu
điện. Anh Hoài An ngủ trên xe với Đào Ngọc Chi. Anh Hồng Phi cùng với Đỗ Chu
leo lên cái bàn bán thịt trong lều chợ không có mái. Tiếng đại pháo từ Lạng Sơn
vọng về ùng ình suốt đêm. Những trang viết về mặt trận của nhóm chúng tôi bắt đầu
từ đêm đó.
Lạng Sơn, 19/2. Thị xã vắng ngắt. Trời se lạnh. Hoa
đào phai thấp thoáng trong sương mù. Đại pháo đội sang từ phía Bằng Tường, tiếng
đạn rít veo véo, tiếng nổ lộng óc. Xe chúng tôi băng qua cầu Kỳ Lừa, lao về hướng
Đồng Đăng.
Theo giới thiệu của ban chỉ huy sư đoàn Sao vàng,
chúng tôi sẽ tới trung đoàn An Lão đang chặn giặc ở nam Đồng Đăng. Có một chiến
sĩ liên lạc của trung đoàn An Lão dẫn đường. Ga Tam Lung hiện ra trước mặt. Chiếc
xe hồng thập tự của bệnh viện Lạng Sơn vừa bị bắn lật, nữ bác sĩ Thủy tử
thương. Tiếp theo, chiếc xe của xưởng phim quân đội trúng đạn, chiến sĩ Như Đạt,
quay phim, hy sinh tại chỗ. Cối 81 của địch nhằm vào xe chúng tôi. Nhanh như cắt,
Đào Ngọc Chi quặt xe vào đường rẽ. Quân Trung Quốc từ các cao điểm gần đó nã cối
theo tới tấp...
Hầm chỉ huy trung đoàn An Lão nằm bên sườn cao điểm
417. Vừa gặp chúng tôi, chính ủy trung đoàn, tên Biền, đã đề nghị “các nhà văn
trở về Lạng Sơn ngay cho. Chiến sự đang ác liệt, đơn vị không thể bảo đảm an
toàn cho các anh được...”.
Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau. Cái bề ngoài của mỗi người
quả là xa lạ với thực tế trận mạc. Tôi mặc chiếc áo trắng có hoa đen, quần loe,
kính cận, máy ảnh toòng teeng trên vai. Anh Hồng Phi, râu tóc bờm xờm, áo len,
quần dạ, đôi dép sambô cao đế. Phạm Tiến Duật và Đỗ Chu thì đúng là bạch diện
thư sinh, mảnh khà mảnh khảnh.
- Xin các anh cứ yên lòng - Hồng Phi nói với chính ủy
trung đoàn, chúng tôi đều con nhà lính, quen thuộc súng đạn cả. Chúng tôi sẽ ở
đây theo dõi các trận đánh, và nếu có thể, xin các anh phát vũ khí...
Chính ủy Biền, nói vắn tắt về tình hình chiến sự. Căn
hầm thỉnh thoảng lại rung lên, đạn cối của địch vẫn rơi xuống quanh đấy, tiếng
nổ nhức tai, và khói, bụi sặc sụa.
Những ngày ở Tam Lung, chúng tôi đã viết các bài in
trên báo Văn Nghệ dạo đó. Quân ta chiến đấu rất anh dũng đánh chặn đạo
quân xâm lược đông hơn và mạnh hơn ta gấp nhiều lần. Quân Trung Quốc, tuy bị
thương vong nặng nề, vẫn thí mạng hết đơn vị này đến đơn vị khác, lấn chiếm ta
từng cao điểm một.
Trước khi xuôi về thị xã Lạng Sơn, từ trên đỉnh đồi
417, tôi dùng ống nhòm quan sát trận đánh bên cao điểm 611. Quân địch bò lên,
kín cả sườn đồi, có súng cối và pháo tầm gần yểm trợ. Trên chốt, quân ta chỉ có
chưa đầy ba chục chiến sĩ, trung đoàn An Lão vừa bàn giao trận địa cho quân địa
phương tối hôm trước. Đúng giữa trưa thì trận đánh kết thúc.
Giặc chiếm được ngọn đồi, chúng dồn hàng đống xác chết
lại rải lên từng lớp chất cháy (sau này tôi mới thấy, đó là xăng đặc, giống như
thứ nhựa vá xe đạp, đựng trong bình vải sơn, mỗi bình bốn lít) và đốt. Trời im ắng,
cái im ắng ghê rợn sau trận đánh. Không một gợn gió. Ngọn lửa đốt xác đỏ lòm. Từ
đỉnh cao 611, cột khói dựng thẳng đứng lên trời, tỏa ra thành hình cái nấm khổng
lồ, đen kịt giữa bầu trời trắng bạc.
Nhóm phóng viên chúng tôi xuôi về thị xã Lạng Sơn. Cột
khói đốt xác của quân Trung Quốc vẫn đen ngòm, dựng thẳng đứng phía sau lưng.
Tôi cứ bị ám ảnh mãi về cột khói đó, về những linh hồn vần vụ trong cột khói
đó...
Phố xá hoang vu. Thị xã Lạng Sơn vẫn tươi thắm màu hoa
đào. Tôi chưa bao giờ thấy vườn hoa đào nào rộ đều và đẹp như vườn đào Nhà
khách tỉnh ủy Lạng Sơn. Đào bạch, đào phai, đào đỏ nở dọc theo các lối đi lát gạch.
Hoa đào vô tư nào có biết rằng chúng sắp bị tàn sát.
(Sau khi quân Trung Quốc rút đi, tôi đã trở lại thị xã
Lạng Sơn, ngơ ngẩn trước cảnh đổ nát. Cả vườn đào cũng bị đánh bằng thuốc nổ,
không còn một nhánh, những cục nhựa đào đông lại nơi gốc đào cụt trông như những
cục máu bầm chưa khô hẳn. Các khu nhà sang trọng chỉ còn là những đống gạch vụn.
Vô vàn mảnh thủy tinh ruột phích nước rải lấp lánh dưới mặt đất. Vòm hang đá
núi Phai vệ sập hẳn, có lẽ quân giặc đã phải dùng ít nhất là cả tấn thuốc nổ. Động
Tam Thanh nổi tiếng bao đời nay cũng đen ngòm khói thuốc bộc phá, một cái hố rộng
hoác, khét lẹt choán hết cả lòng động... Phố nhà, vườn tược, cỏ hoa cho đến cả
hang động đều chung số phận bị thảm sát).
Còn lúc này, chúng tôi đang ở giữa vườn đào thị xã,
hoa đào cứ nở vô tư. Nhóm phóng viên báo Văn Nghệ tụ lại đây, nghỉ
đêm trong nhà khách tỉnh ủy đã bỏ trống, cùng với tổ tự vệ của giáo viên trường
Đông Kinh Phố, Tú - Hùng - Bình - Hạnh, bốn người. Trang thơ về mặt trận của
tôi được hoàn chỉnh trong đêm này. Chúng tôi chụm đầu đọc thơ cho nhau nghe, rồi
hát trắng đêm. Đêm chia tay, đêm vĩnh biệt những cây đào nở muộn. Tiếng súng bộ
binh đã nổ rát ngoài rìa thị xã.
Mờ sáng hôm sau, tổ công an vũ trang bảo vệ khu nhà
khách tỉnh uỷ tới giục chúng tôi rời đi, họ nhận được lệnh phải rút ngay ra khỏi
thị xã. Chúng tôi lưu luyến chụp vài tấm ảnh cuối cùng với vườn đào rồi chặt những
cành đẹp nhất cắm đầy xung quanh xe. Chiếc xe Rumani của báo Văn Nghệ lần
đầu tiên được ngụy trang hoàn toàn bằng hoa đào. Lái xe Đào Ngọc Chi phải yêu cầu
bỏ bớt hai cành cắm phía trước để còn nhìn thấy đường.
Trên chiếc xe hoa đào ấy, chúng tôi ngoái nhìn thị xã.
Chào Lạng Sơn. Chào chợ Kỳ Lừa và dòng sông Kỳ Cùng. Chào thành Tiên Xây và núi
Vọng Phu... Thị xã như tranh thuỷ mặc, đẹp mê hồn trong sương mù. Không một
bóng người. Chỉ có cây với nhà, và hoa đào. Mấy con chó tìm chủ chạy lững thững
dọc những phố nhỏ lặng ngắt. Pháo từ phía Bằng Tường bất chợt gầm lên, súng bộ
binh đồng loạt nổ rền bên kia cầu Kỳ Lừa...
Chúng tôi đã mang về tòa soạn những trang viết chưa
ráo mực cùng những cánh đào còn ướt nhựa nơi vết cắt. Cành đào phai lớn nhất được
cắm trong cái bình đất nung đặt ở phòng khách tòa báo. Những cành nhỏ hơn,
chúng tôi chia ra, phân phát cho bạn bè. Bài viết của chúng tôi dồn dập in trên
báo Văn Nghệ, những nụ đào muộn mằn dồn dập nở. Cho tới ngày Trung Quốc
xâm lược bị đánh bật ra khỏi biên giới nước ta, những cành đào Lạng Sơn vẫn còn
tươi thắm giữa lòng Hà Nội.
Và mãi mãi tươi thắm trong tôi, cái màu hồng kỳ diệu của
hoa đào năm ấy...