Trong số những tác phẩm làm nên tên tuổi nhà văn Dương Thu Hương, có một tác phẩm khá độc đáo của bà tới nay dường bị lãng quên (không hiểu vô tình hay cố tình?) đó là truyện ngắn “Chân dung người hàng xóm”, in trong tập truyện cùng tên do NXB Văn học ấn hành năm 1985.


ĐỌC LẠI “CHÂN DUNG NGƯỜI HÀNG XÓM” CỦA DƯƠNG THU HƯƠNG

MAI AN NGUYỄN ANH TUẤN

Truyện “Chân dung người hàng xóm”, Dương Thu Hương viết khi đương mang chức danh Biên kịch của Xưởng phim truyện VN - sau là Hãng phim truyện VN (VFS), và thiên truyện đã được chính bà chuyển thể sang kịch bản điện ảnh, bộ phim do VFS sản xuất, cùng mấy phim truyện của VFS tái hiện cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung từ ngày 17/2/1979, như "Thị xã trong tầm tay", "Đất mẹ", "Người bạn ấy", "Cha và con"...

Có thể nói “Chân dung người hàng xóm” là một trong những tác phẩm đầu tiên và thành công trong văn học nói về cuộc xâm lược của Trung Quốc trên toàn Biên giới phía Bắc Việt Nam. Nhưng thiên truyện này chọn một lát cắt đặc biệt, thông qua “hàng xóm” là những Hoa Kiều, những “anh em áo ngắn” của tác giả, để lột tả bản chất của những kẻ cầm đầu và bọn tay sai đắc lực đã gây ra cuộc chiến tranh ăn cướp nhơ bẩn tàn bạo, đem tang tóc đến cho người dân cả hai nước.

Lý Xuân, nhân vật chính của truyện, là một nông dân Hoa kiều hiền lành, lương thiện đang sống cùng gia đình tại một thị trấn nhỏ vùng biên giới nọ. Hàng xóm của anh ta là Lý Ung, một Hoa kiều tâm hồn nhỏ nhen, bản tính ác độc, lén lút thông dâm với vợ Lý Xuân, họ hàng ngày đọc Mao tuyển và cùng bàn những âm mưu bí hiểm…

Rồi cuộc sống của Hoa kiều trong thị trấn hẻo lánh bỗng nhiên bị xáo động bởi cuộc cánh mạng văn hoá vô sản ở Trung Quốc; tới khi có chiến dịch lôi kéo, dụ dỗ, dọa dẫm Hoa kiều trở về nước, Lý Xuân buộc phải ngậm ngùi chia ly mảnh đất anh đã coi là quê hương thực sự, bịn rịn chia tay vợ chồng hàng xóm tốt bụng người Việt…

Nhưng chỉ một năm sau, Lý Xuân trở lại trong hàng ngũ quân xâm lược, anh ta đã trở thành một con người khác hẳn – đúng hơn đã là sự “rập khuôn” của tên hàng xóm Lý Ung - nghĩa là biến thành một kẻ độc ác, đã theo lệnh của bọn chỉ huy đang tâm giết chết một đứa trẻ trước đó vốn yêu quý hâm mộ anh ta, chỉ vì nghi em là thám thính của bộ đội Việt Nam!

Tác giả chỉ bằng đôi nét phác thảo tính cách Lý Ung, vợ Lý Xuân và những tên lính Tàu mà hé mở cho độc giả thấy toàn bộ bản chất tham lam, tàn ác, vô luân của bọn xâm lược – những kẻ tôn thờ giấc mơ làm bá chủ thiên hạ của Mao và các thủ lĩnh đương thời, cái giấc mơ bỉ ổi có sức mạnh tàn phá, thiêu hủy tính người ở những người vốn mang bản chất lương thiện tưởng chừng bền vững - như Lý Xuân!

Kết cục đau đớn cho những kẻ tự đánh mất mình như anh ta: bị đạn bắn cụt chân, anh ta ôm chân máu lăn lóc cầu xin đồng bọn cứu giúp, thì được tên sĩ quan dạy dỗ bài học đáng đời: “Chúng ta là những quân nhân của Đội quân Trung Hoa vĩ đại. Chúng ta cần xứng đáng với danh hiệu đó. Đồng chí không được kêu la như vậy. Điều đó làm tổn thất danh dự quân nhân” -  “Tổ quốc vĩ đại chỉ cho phép chúng ta chiến thắng vẻ vang. Người chiến sĩ không thể trở về với một bộ mặt tàn phế, thảm hại. Người chiến sĩ không thể trở về với một tinh thần bạc nhược, yếu hèn. Như thế là bêu riếu nhân dân, làm nhục tới quốc thể…” Sau đó, tên sĩ quan ra hiệu cho Lý Ung ném bột xăng vào thân hình máu me của Lý Xuân, châm lửa đốt rồi chúng bỏ chạy, để mặc cái hình nhân rực lửa hú lên “những âm thanh không còn giống tiếng của một con người”.

Đây là một khái quát nghệ thuật đáng quý của nhà văn, giúp dân ta thêm một “vũ khí” để cảnh giác với bọn cầm đầu Trung Nam Hải và lũ tay sai diều hâu, đồng thời biết cảm thông, biết cách ứng xử với những người dân Trung Hoa hiền lành bị lôi kéo, bị ngộ độc, trở thành nạn nhân thê thảm của chủ nghĩa Bá quyền Đại Hán!

Cảm xúc của nhà văn trong truyện – thông qua nhân vật xưng “Tôi” - là của một người Việt Nam yêu nước thuần khiết, có thể đại diện cho tình cảm của hàng chục triệu người Việt Nam trong những năm tháng cam go đó, được thấm trong từng dòng văn, từng chi tiết nghệ thuật sắc sảo nhưng cũng đượm thế thái nhân tình.

Xin đọc mấy đoạn tự sự của tác giả trong thiên truyện:

“Tiếng pháo nổ không ngừng khiến tai tôi ù đi. Nhưng trong tiếng nổ, tôi nghe rõ tiếng la hét của lũ giặc, tiếng hét gào lên như điên loạn tiếng hô hoảng hốt:

- Đạn cối Việt Nam, đạn cối... nằm xuống...

Những thanh âm đó vang lên trong tôi, reo phần phật như ngọn lửa trước gió. Nó đem đến cho tôi một thứ hạnh phúc kỳ lạ. Thứ hạnh phúc chỉ những người đã từng chịu khổ đau, thua thiệt mới cảm thấy. Nó bù trả lại sự phá vỡ cuộc sống yên ổn của chúng tôi. Bù trả lại tiếng khóc khan vã của những đứa con nít trong hang núi lạnh không có cơm ăn và nước uống. Nó bù trả lại cái chết của cậu thiếu niên đêm hôm qua, cả tiếng kêu thảm thiết của con sáo bị thiêu cháy trong lồng... Một bó đuốc ghê rợn toả ra mùi tử thi và đem đến bầu không khí u ám âm hiểm của phương Bắc…”

“…Tiếng hát của người hàng xóm văng vẳng trong tôi. Những hồi âm lại gợi đến một vùng tuyết sa bát ngát. Trên cánh đồng trắng lạnh xứ tuyết, tôi thấy rõ Lý Xuân. Anh ta bước đi câm nín trong một đội quân dằng dặc. Mặt và nửa thân trên của họ bị che kín bởi những tấm vải dày. Người ta chỉ nhìn thấy những đôi chân của họ. Những đôi chân bước đều đặn, không ngừng nghỉ, bị cuốn đi như gió đẩy, như bùa ếm. Một bàn chân in lên mặt tuyết dấu bùn. Bàn chân kia in lên vết máu…”

Truyện này nằm trong mạch cảm hứng của nhà văn Dương Thu Hương qua hàng loạt tập truyện in trong những năm đầu thập kỷ 80 thế kỷ trước: Những bông bần ly, Một bờ cây đỏ thắm, Ban mai yên ả, Đối thoại sau bức tường, Chuyện tình kể trước lúc rạng đông... Chúng đều cho thấy cá tính sáng tạo cơ bản của một nhà văn dám nhìn trực diện, phanh phui vào tận đáy sự thật cuộc sống - khác biệt với loại văn chương tô vẽ hiện thực, chạy trốn những điều gay cấn của đời sống và “sáng bóng như chiếc kèn đồng” như nhà văn từng miêu tả về một nhà thơ trong giai đoạn ấy…