Hướng khai thác thường thấy ở Dương Thu Hương là tìm
cách xé tuột cái vẻ bề ngoài nếu không dễ thương thì cũng coi được, để khơi thẳng
vào những gì thuộc về thực chất của các hiện tượng cũng như các mối quan hệ.
Chất lượng sáng tác gần đây của Dương Thu Hương
VƯƠNG TRÍ NHÀN
(Bài đã in trên báo Văn Nghệ tháng 12/1986)
CƠN LỐC RỰC RỠ
Được viết ra liên tục trong khoảng mươi năm gần đây,
các truyện ngắn của Dương Thu Hương thường miêu tả đời sống qua trường hợp của
những con người ở lứa tuổi khoảng 30 - 40. Thời thanh niên sôi nổi của
họ đã trôi qua trong chiến tranh. Từ
các đơn vị quân đội thanh niên xung phong chiến đấu ở chiến trường trở về (hoặc
không đi đâu xa, nhưng nếm trải mọi vất vả ngay trên quê hương hậu phương), họ
có nhiều chỗ giống nhau, chẳng hạn bề ngoài không còn cái vẻ trẻ trung mau mắn
như trước nữa.
"Làn da mầu hồng tươi tắn xưa kia đã sạm lại,
xanh mét. Cặp môi đỏ mọng cũng nhợt nhạt khô đi. Mái tóc dày đen nhánh giờ thưa
hẳn...". Nhân vật chính trong Một bờ cây đỏ thắm như vậy, mà nhiều nhân vật
khác cũng vậy. Chỉ riêng có những
ao ước, những hy vọng ở họ là vẫn còn, nếu không nói là có phần mãnh liệt hơn
bao giờ hết!
Sự đi rộng biết nhiều lại giúp cho họ hiểu rằng lẽ ra,
họ có thể rất sung sướng. Có điều thực tế cuộc sống không một chiều thuận lợi
như trong mộng tưởng. Trước mặt họ bao nhiêu vấn đề phải nhận thức lại. Khi căm
ghét, khi hờn dỗi, khi tê tái vì những mất mát đã qua, khi hào hứng lấy lại cái
hãnh diện chính đáng trước quãng đời trước đây của mình -- những tình cảm ấy nối
tiếp nhau mà đều ở sắc độ gay gắt.
Ta cũng không nên quên rằng Dương Thu Hương là một cây
bút phụ nữ. Ở một số tác giả nào đó, chất phụ nữ thường bộc lộ ở vẻ dịu dàng
đôn hậu trong con mắt nhìn đời, những kín đáo ý nhị trong cách biểu hiện. Dương
Thu Hương trình diện với một mỹ cảm hoàn toàn khác.
Mở đầu thiên truyện “Một bờ cây đỏ thắm” là hình ảnh một
cô gái đang chạy. "Bao giờ nó cũng chạy từ đỉnh con dốc xuống phố. Nó chạy
như một mũi tên bay. Quần áo gió bạt ngược về phía sau, mái tóc gió đánh tung
như đám cỏ rối, chiếc khăn màu lơ quàng cổ phất phới bay... Màu hoa phượng rung
rinh trên bầu trời. Nó giống như một cơn lốc rực rỡ".
Mười hai năm sau, cô gái được mệnh danh là đồ quỷ đó vẫn
giữ được "tiếng cười như tiếng chuông... lanh lảnh, giòn giã, chói
chang". Nhân vật nữ ấy thật đã
mang đủ cốt cách văn chương của Dương Thu Hương. Lấy ham hố quyết liệt làm động
lực, trong quá đáng tìm thấy sự quân bình, văn Dương Thu Hương hiện nay có những
đoạn sắc sảo đến tàn nhẫn, nhưng cũng nhiều ý tưởng tha thiết khiến người dửng
dưng cũng phải nao lòng.
Ưu thế của một cây bút phụ nữ sử dụng đến đâu thì vừa,
đến đâu là lạm dụng - câu hỏi ấy có lúc người đọc thấy phải đặt ra. Bởi lẽ ở
đây, biết bao ẩn ức chôn chặt đáy lòng, biết bao dồn nén, người khác không dám
nói ra, tác giả đã nói ra bằng hết.
Điều có phần chắc chắn hơn là dù không hoàn toàn tán
thành cách nhìn đời sống của Dương Thu Hương, người ta vẫn muốn đọc văn Dương
Thu Hương.
Sự nồng nhiệt trong say mê yêu ghét và những nhạy cảm
trong quan sát đã giúp cho ngòi bút đi đến cùng trong phạm vi mà tác giả muốn
biểu hiện.
"Tài năng là một sự ám ảnh, là ngọn sóng điên cuồng
cũng như cơn gió định mệnh nó cuốn ta đến một mục tiêu nhất định... Mỗi nhà văn
là một con bệnh, một con bệnh trầm trọng."
Đấy là cách mô tả của nhà văn L. Leonov về một loại
người viết văn hiện đại (cố nhiên không phải ai cũng vậy). Trong chừng mực nào
đó, Dương Thu Hương chính là kiểu người cầm bút vừa khít với nhận xét ấy của
nhà văn Xô-viết.
ĐỜI SỐNG TINH THẦN CON NGƯỜI HẬU CHIẾN
“Những bông bần ly”, một trong những thiên truyện được
viết sớm nhất và thuộc loại hay nhất của Dương Thu Hương có một cốt truyện khá
đơn giản.
Men theo những vui buồn chợt đến trong lòng nhân vật
Ngân qua chuyến đi từ một tỉnh miền Bắc vào Tây Nguyên bốc mộ cho người em trai
và một người bạn, tác giả khéo léo giới thiệu cảnh ngộ éo le của Ngân, tình yêu
nồng nàn của chị hôm qua với một chiến sĩ và cuộc sống khó chịu bên người chồng
lãnh đạm và vô vị của chị hôm nay.
Chuyến đi do vậy đóng vai trò một thứ nhân tố khẳng định
thêm những nhận thức nẩy nở dần trong tâm trí Ngân.
Sau chiến tranh, mỗi chúng ta đã giàu có thêm lên
nhưng cũng đã mất mát bao nhiêu trong tình cảm. Có cả những sai lầm nó sẽ đeo đẳng
theo mãi chúng ta và không bao giờ ta gỡ ra nổi.
Cuộc sống mơ mộng chấm dứt, nhưng biết làm sao, đôi
lúc chỉ còn an ủi là những người đã nằm xuống sẽ có lúc trở về, nâng đỡ chúng
ta trong những đoạn đường sắp tới.
Cùng mạch cảm hứng với “Những bông bần ly” trong những
năm khoảng từ 1975 đến 1980, Dương Thu Hương còn viết nhiều truyện ngắn mà dấu
vết của một cuộc sống từ chiến tranh chuyển sang hoà bình in khá đậm.
Miền cỏ tơ phác ra cảnh nương tựa vào nhau hàn gắn lại
hạnh phúc giữa những con người cùng có những thất thiệt sau cuộc chiến.
Loài hoa biến sắc giống như một sự tự xác định. Phải
qua việc tiếp xúc thực sự với một cô gái ở cái tình thế sống nhờ vào túi tiền
người khác, một cô gái từng là thanh niên xung phong mới thoát ra khỏi cảm giác
tự ti và những thèm muốn dậy lên trong lòng khi trở về thành phố.
Trong “Ban mai yên ả” (sang tập “Chân dung người hàng
xóm” in ở Nxb Văn học được đổi thành “Buổi sáng yên tĩnh”), nhân vật chính còn
tìm cách trở về với xã hội bằng cách bắt tay cụ thể hơn vào công việc hoà nhập
với đời sống bình thường ở hậu phương hôm qua.
Nhưng trước mắt anh bao nhiêu là khốn khó.
Lối sống tỉnh lẻ tuỳ tiện, lười biếng, thái độ dửng
dưng vô trách nhiệm đã ăn thành nếp ở một vài người có chức có quyền, những cái
đó như một thứ keo đặc vây bủa lấy anh, khiến những ý định tốt lành sẵn có ở
anh khi trở về không sao có thể thực hiện.
Chỉ muốn sống cho lương thiện thôi, anh đã buộc phải
làm phiền bao nhiêu người và thái độ bướng bỉnh của anh gây cho họ nhiều bực bội.
Đến đây, câu chuyện đã vượt qua phạm vi những người trở
về để đứng ra nhìn thẳng vào đời sống của cả xã hội hậu chiến.
Hướng khai thác thường thấy ở Dương Thu Hương là tìm
cách xé tuột cái vẻ bề ngoài nếu không dễ thương thì cũng coi được, để khơi thẳng
vào những gì thuộc về thực chất của các hiện tượng cũng như các mối quan hệ.
Trong thiên truyện vừa dẫn (Ban mai yên ả), nhân vật
hoạ sĩ Đàm Tiến tưởng là tốt bụng, thậm chí là một nghệ sĩ có tài nữa, hoá ra
là một kẻ sống cẩu thả, lười biếng, thờ ơ với mọi người chung quanh, gọi là ăn
bám cũng không có gì quá đáng.
Cả “Loài hoa biến sắc” lẫn “Ngôi nhà trên cát”, “Chuyện
nghe thấy mà không nhìn thấy” lẫn “Một khúc ca buồn” đều có những cảnh sống bề
ngoài tưởng là đầm ấm dễ chịu, mà thực ra, đủ vẻ nhếch nhác khốn nạn.
Khi cần khai thác một đề tài thời sự như trong “Chân
dung người hàng xóm”, Dương Thu Hương cũng vẫn trung thành với cách viết của
mình; toàn bộ thiên truyện giống như một động tác “lật tẩy”: Đấy! Con người ta
hôm nay mới thế mà mai đã như thế, như thế...
Một mô-típ thường được tác giả láy đi láy lại: giữa ước
ao của con người thời trẻ và thực tế cuộc sống người ta phải sống thường là cả
một khoảng cách xa vời, không sao lấp đầy nổi.
Mà tai vạ không phải ai đâu mang lại, ma đưa lối quỷ
đưa đường, tai hoạ thường do ta tự chuốc lấy, mọi tai ương đều do chính ta lựa
chọn, không thể trách ai khác (Ngôi nhà trên cát, Chuyện một nữ diễn viên).
Một mô-típ nữa cũng được tác giả ưa thích: Nhu cầu thường
xuyên về hạnh phúc của con người và những đau đớn ê chề người ta thường gặp
trong công cuộc truy tìm hạnh phúc.
Trong nhiều thiên truyện, qua miệng mọi người, cả đàn
ông cũng như đàn bà, luôn luôn thấy vang lên cái câu hỏi nhức nhối: hạnh phúc
là gì? Tai ương và hạnh phúc, làm sao để biết chính xác cái gì sẽ đến với mình?
Ở truyện này người chồng biết điều, đứng dắn, lấy phải
người vợ tham lam, học đòi. Ở truyện kia, người đàn bà nhạy cảm tinh tế phải sống
suốt đời với hạng đàn ông tầm thường, đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành, hoặc tàn
ác, vụ lợi. Ở một thiên truyện khác, đứa con khôn lớn, gặp lúc bố mẹ đổ đốn.
Mà ở thời này, những bộ mặt xấu xa ấy có nhợt nhạt để
cho người ta bỏ qua đâu, luôn luôn nó hiện ra quá quắt, quái gở đến phát sợ!
Có thể rất lâu, ngươì ta vẫn sống yên ổn bên nó, song,
chớ vội mừng. Khi đã phát hiện ra nó một lần rồi thì cay đắng, ngán ngẩm vô
cùng, tưởng không sức đâu mà chịu đựng nữa!
Theo cách miêu tả của Dương Thu Hương, có những người
càng giàu có lên và đắp điếm thêm ít tri thức vào đầu, càng tầm thường hơn
trong nhân cách. Dù có lừa được hết cả thiên hạ, họ cũng không lừa nổi những
người thân trong gia đình. Hoá ra hạnh phúc không phải ở tất cả những tiện nghi
người ta bon chen để có bằng được, hạnh phúc là ở sự tương hợp giữa người với
người, giữa con người và hoàn cảnh, và -- trên một phương diện khác -- ở tầm
sâu của nhận thức và tầm cao của nhân cách.
Nhưng đã mấy người có được cả những phẩm chất tuyệt vời
lẫn những may mắn hiếm có ấy.
Biết bao người trong khi ráng sức đắp xây cho hạnh
phúc, thực ra lại củng cố cái nhà ngục của đời mình và khi nghĩ lại, đã quá muộn.
Trong sự nhạy cảm với bất hạnh, toàn bộ sức mạnh trong
ngòi bút phụ nữ ở Dương Thu Hương được dịp bộc lộ và người ta có cảm tưởng ít
khi trong văn học ta, nhu cầu hạnh phúc được diễn tả một cách ráo riết đến thế.
Một điều cũng thấy rất rõ là mặc dù trước sau, vẫn một
chủ đề ấy, song, mỗi khi chạm tới người và việc, Dương Thu Hương đều có được sự
say mê và truyền được nỗi say mê ấy sang người đọc. Dù đã nhiều lần khắc hoạ những
bộ mặt khác nhau của bất hạnh song tác giả đã tìm ra cách để có thể nói mãi và
chúng ta còn muốn nghe chị nói thêm.
Tại sao? Người bất hạnh chung quanh ta còn nhiều? Có
thể.
Nhưng có lẽ cái chính là ước ao hạnh phúc trong tác giả,
trong các nhân vật trong chính chúng ta, nỗi ao ước đó thật khôn cùng.
Nghĩ tới nó, lòng ta đã thổn thức!
Mặc dù bao lần thất bại đi nữa, song ý muốn vươn tới hạnh
phúc ở mỗi chúng ta làm sao có thể nguôi giảm!
PHÁ CÁCH, LẬT TẨY, CAY ĐẮNG, TÀN NHẪN
Cùng bắt rễ vào thực tại, song mỗi nhân cách sáng tạo
vẫn là một cá tính độc đáo, giống như một thứ cây mang lại cho đời một thứ quả
riêng, không giống mọi loại cây khác.
Đào sâu vào mình, trung thành với mình vừa là nhu cầu
tồn tại, vừa là niềm vui.
Từ tác phẩm này sang tác phẩm khác, người ta cứ thế đi
mãi theo phương hướng đã lựa chọn, ở đó cái hay cái dở cài lẫn vào nhau, tự
mình cũng đã nhận ra, nhưng muốn khác đi, đâu có khác nổi.
Những yếu tố đầu tiên liên quan đến sự hình thành bút
pháp Dương Thu Hương có lẽ là gắn liền với quá trình vào nghề cụ thể của tác giả.
Cây bút này bắt đầu viết hơi muộn; trước 30 tuổi mới rụt
rè gửi những bài thơ của mình từ một tỉnh miền Trung về Hà Nội và chỉ ngoài 30,
mới bắt tay vào cái mạch chính của mình là viết truyện.
Liệu tình yêu văn học của người con gái Kinh Bắc cũ
này có gì giống với trạng thái tâm lý mà tác giả Sông Đông êm đềm M.Solokhov đã
mô tả "Khi tình yêu đến muộn màng với một người đàn bà thì nó không nở ra
thành một đoá uất kim hương ngoài đồng nội, mà nở thành một thứ hoa dại mọc ở lề
đường, có mùi hương ngây ngất, ma quái?"
Chỉ biết quả thật đó là một thứ tình yêu khác thường.
Chất “hoa dại mọc lề đường” ở văn xuôi Dương Thu Hương thể hiện ra đủ vẻ.
Đó là một thứ văn khá sặc sỡ, tình ý đôi khi ngả mầu cải
lương, câu chữ nhiều chỗ khoa trương bóng lọng (một nhà thơ nhận xét: ”nhiều những
chữ có lẽ chỉ thơ ca mới dùng, mà cũng chỉ dùng có mức độ, ở đây Dương Thu
Hương cân tất“), song nhờ vào những rung cảm thực của tác giả nên các truyện vẫn
có khả năng lôi cuốn bạn đọc.
Một trái trăng thu chín mõm mòm -
Nảy vừng quế đỏ, đỏ lòm lom.
Trong thơ Hồ Xuân Hương xưa đã có lối diễn tả gắt, đậm,
lối viết gần như bóp méo hình tượng và tạo ra những vẻ đẹp khác đời, nếu không
muốn nói là thô kệch vậy.
So với tì vị chúng ta, chúng quá "nặng" và
chỉ dần dần, ta mới quen nổi.
Trên phương diện tạo hình và rộng hơn, trong mỹ cảm, ở
văn xuôi Dương Thu Hương hôm nay, chúng ta cũng bắt gặp những quá đáng tương tự.
Mầu sắc rực rỡ, toàn loại mầu nóng.
Âm thanh thì chói chát, khó quen với lỗ tai.
Trời đất lúc nào cũng lộng gió và như cháy lên với những
cánh hoa kim phượng trưa hè.
Còn con người thì nôn nao những khao khát dự định, dù
cố ghìm lại, song không ghìm nổi, họ cứ phải kêu to lên những ý nghĩ của mình
và chỉ sợ không làm ngay, tất cả sẽ trôi tuột đi mất.
Niềm say mê đô thị mà tác giả có lần lưu ý ta, khi tả
tính cách một nhân vật (cô gái xưng tôi trong “Những cánh buồm trong thành phố”,
tập “Ban mai yên ả”) có lẽ cũng là niềm cảm hứng chính chi phối văn xuôi Dương Thu
Hương và bởi lẽ niềm say mê ấy đến với tác giả muộn màng, nên có lúc nó có gây
ra những choáng ngợp.
Trên nét lớn, thế giới nghệ thuật ở Dương Thu Hương hiện
nay có sự phân cực rõ rệt.
Một đằng là những kỷ niệm thời thơ ấu, một thứ bản
giao hưởng đồng quê đầy thi vị, nào những ban mai đánh trâu ra đồng, nào những
lần vùi khoai, nướng cá, ăn ngay ngoài bãi cỏ, thiên nhiên con người sống hoà hợp
với nhau, đường nét tinh tế như văn Đỗ Chu hồi trước.
Một đằng là sinh hoạt thành phố, những quán ăn đông
người, những tiện nghi hiện đại, mốt quần áo, và các bản nhạc mới nhập từ nước
ngoài về, tóm lại là cảnh sống gấp gáp, chộn rộn, con người ai cũng nói nhiều,
bao nhiêu tiếng nói cùng cất lên thành một mớ âm thanh hỗn độn.
Trước những bất hạnh gặp trên đường đời, các nhân vật
của Dương Thu Hương - những nhà báo, nhà thơ, diễn viên, hoạ sĩ (đúng là Dương
Thu Hương rất thích tuyển chọn nhân vật từ những người trong cái thế giới nghệ
thuật đa dạng này!) thường nhớ tới những phương trời mơ ước thuở nhỏ, bãi cát
ven sông, làn nước mát lạnh, những cảm giác trong sáng hồn nhiên.
Song muốn hay không muốn, tất cả họ - và trước tiên là
người đã sáng tạo nên họ, trước tiên là tác giả - đâu có thoát nổi đô thị, càng
giãy giụa thì họ càng chìm sâu vào cuộc sống nơi đây, tâm trí họ như mê đi,
chân họ bước mãi về phía của tiếng ồn của ánh sáng.
Phải công nhận là niềm say mê đô thị ở Dương Thu Hương
quá mức mạnh mẽ. Chỉ quy về cảm hứng đô thị, chúng ta mới hiểu tại sao nhà văn
này thường có lối viết rất thô, lối miêu tả đôi khi khá trâng tráo -- từ nỗi
ghen tị day dứt trong lòng một người con gái trước những người con gái khác
xinh đẹp hơn mình, cho đến cảm giác "những bông lúa vàng ướt át và sắc cạnh
cọ vào da thịt".
Chỉ quy về cảm hứng đô thị đó, chúng ta cũng mới hiểu
tại sao tác giả không ngại trình bày mình qua các trang viết như là một người
soi mói không thương tiếc vào những chuyện xấu xa chung quanh, hoặc để cho các
nhân vật sẵn sàng sừng sộ với nhau, xỉ vả nhau là "cứt nát hết cả rồi",
là "bốc lên mùi cóc chết", và không khí chung quanh đôi khi toàn những
khai lợm, tanh tưởi...
Giả sử mọi nhà văn đều viết như thế, có lẽ người đọc sẽ
phát rồ.
May thay trong thực tế lại không có cái việc giả sử
đó. Trong văn học ta sau 1945 đây là một trong những trường hợp đầu tiên.
Và ta có thể an ủi sở dĩ nảy sinh văn xuôi Dương Thu
Hương, đó là do tác giả muốn tạo nên một thứ đối trọng bên cạnh bao nhiêu ngòi
bút đôn hậu khoẻ khoắn nhưng cũng lắm khi nhạt nhẽo khác.
Sau khi đọc những “Ban mai yên ả”, “Chân dung người
hàng xóm” rồi, bạn đọc có muốn trở về những cây bút mực thước ấy thì vẫn còn kịp.
Đỉnh cao của lối nhìn, lối viết đầy thách thức trên
đây của Dương Thu Hương là hai truyện ngắn “Thợ làm móng tay” và “Sói con”.
Giữa nhân vật Sáng thuở nhỏ thủ dao cùn trong túi và
lén tập võ để lo có ngày trả thù cho cha bị Tây giết với chú Sáng hôm nay quỳ mọp
bên chân các bà các cô nhiều tiền, cốt kiếm miếng ăn qua ngày (Thợ làm móng
tay), quả thật, có cả một trời xa cách.
Đọc xong truyện này, người ta không khỏi xót xa khi
nghĩ rằng sao mà trường đời xô đẩy con người theo những nẻo lối đến là trớ
trêu, và trong muôn thứ nghề nghiệp của con người, sao lại có những nghề kỳ cục
vậy.
Nhưng đến Sói con, người ta còn được chứng kiến một
trường hợp vừa thương tâm vừa ghê tởm hơn nữa.
Trong “Sói con”, sự sụp đổ của mơ ước, sự vô nghĩa của
kiếp người hiện ra rõ rệt trong thân hình tàn tạ của một phụ nữ, một cô me Mỹ mới
mười bảy tuổi nhưng đã trải qua mọi thứ khoái lạc trong đời để rồi trở về nằm
liệt trong một ngõ vắng thân hình loã lồ ruồi bâu gián bò không đủ sức đuổi.
Có thể trong đời sống cũng có một chuyện như thế,
nhưng ngòi bút của tác giả ở đây thật đã đi đến những chỗ cùng cực trong cách
miêu tả, và nhiều người đọc đã nhận xét là tác giả có phần ác quá.
Có điều, phải nhận, những truyện trên đã bộc lộ đầy đủ
cái chất riêng của bút pháp Dương Thu Hương. Ta đã chấp nhận phong cách này,
thì hãy để cho nó đi hết sự phát triển vốn có, không dừng lại nửa vời.
Ít ra thì ở Dương Thu Hương cũng khộng có cái lối xuê
xoa, thoả hiệp của những cây bút khéo tay.
Còn nếu sau khi đọc xong những “Thợ làm móng tay”, “Sói
con”, người đọc có thấy ghê sợ hơn trước những cạm bẫy đang mở ra trước cuộc đời
mình để lo sống cho tỉnh táo hơn, mực thước hơn, thì đấy cũng đã là một thành tựu
mà không phải tác phẩm văn học nào cũng có thể làm được.
VIẾT NHƯ MỘT SỰ VƯỢT THOÁT
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về giấy mực, in ấn,
nhưng đời sống văn học mươi năm gần đây vẫn có sự phát triển vượt bậc về số lượng.
Ngoảnh đi ngoảnh lại mới độ vài năm, nhiều cây bút trẻ đã cho in ra đến dăm bảy
cuốn sách.
Chỉ hiềm một nỗi chất lượng không phải bao giờ cũng đi
liền với số lượng. Sách ra, trong sự hờ hững của đời sống. Lại có không ít trường
hợp sự hoan nghênh kia chỉ là tạm thời giả tạo, sớm nở tối tàn, vì tuy có chiều
lòng được một lớp công chúng nào đó, nhưng nhìn cho kỹ vẫn không phải là những
giá trị chân chính.
Đặt trong hoàn cảnh ấy, mới thấy những thành tựu Dương
Thu Hương gặt hái được là đáng quý. Ngòi bút này đang độ viết khoẻ và viết khá
đều tay. Bên cạnh những tập truyện ngắn đã in, chị còn là tác giả của tập tiểu
thuyết Hành trình ngày thơ ấu kể lại cuộc phiêu lưu của một cô bé mười hai tuổi,
vừa ngỗ ngược, vừa tốt bụng, được các bọn đọc nhỏ tuổi rất thú.
Bạn đọc cũng như các đồng nghiệp trong giới viết văn,
kể cả những người khó tính bậc nhất đều chú ý và đánh giá khá cao sáng tác của
Dương Thu Hương.
Đây có lẽ là tác giả trẻ nhất cùng lúc có mặt trong
các tuyển tập truyện ngắn do các nhà xuất bản Văn học, Giáo dục, Tác phẩm mới
in ra trong năm 1985. Và nếu tính riêng trong lớp các nhà văn mới xuất hiện
mươi năm gần đây, là tác giả duy nhất.
Tại sao dư luận lại đặc biệt chú ý tới Dương Thu Hương
như vậy, dù nhiều người cũng biết là thế giới trong văn xuôi tác giả này có phần
chật hẹp, và ngòi bút của tác giả còn chông chênh, lắm khi tác phẩm như được viết
trong cơn sốt, diễn biến thất thường, kết cấu không thật chặt chẽ, chi tiết sai
lầm chắp vá?
Theo tôi hiểu, ở đây có mấy lý do. Phần thì do Dương
Thu Hương đã chạm đến cái khu vực nhạy cảm trong mỗi chúng ta là câu chuyện gia
đình, những ước ao hạnh phúc. Quan trọng hơn, là lối viết "hết mình"
của tác giả.
Về cơ bản đây là một ngòi bút chân thành, thái độ yêu
ghét rõ ràng, và luôn luôn cùng vui cùng buồn với mọi sự kiện nói tới trong tác
phẩm.
Viết, đối với chị, nhiều khi là một sự giải thoát.
Chúng ta nhớ đoạn mở đầu “Sói con”:
"Đó là một kỷ niệm khó quên. Bởi nó giống như sự
ám ảnh của ngục tù. Đã có những tháng ngày dài, tôi không nhớ tới, nhưng rồi bất
chợt, nó lại hiện lên rõ ràng, như vừa mới gặp chiều hôm trước. Và như thế, tim
tôi lại quặn thắt lên bởi những nỗi đau lạ lùng. Cuối cùng, tôi viết ra để trốn
thoát những dày vò, day dứt..."
Đoạn văn có cái giọng của một thứ tự thú, không những
đúng với Sói con mà con đúng với nhiều thiên truyện khác của cùng tác giả. Tâm
trạng của một người buộc phải đi đến cùng trong sự lựa chọn của mình ở đây là
điều dễ tạo ra sự thông cảm. Chừng nào còn giữ được cái chân thành của những điều
nhất thiết phải nói ra, tác phẩm của Dương Thu Hương còn được nhiều người tìm đọc.