Quan niệm của Nguyễn
Mạnh Tuấn: Nhà văn ở ta hay nói cần tự do để sáng tác, tôi thì
nghĩ nhà văn cần độc lập, tức là nếu ra khỏi những ràng buộc, dựa dẫm, bao cấp
nào đó, anh có tồn tại được không?
Gặp ông "Đứng trước biển"
HỮU VIỆT
Có những nhà văn tên tuổi của họ thường được gọi thay
bằng tác phẩm, bởi tác giả (hay tác phẩm ấy) có chỗ đứng riêng khó quên trong
lòng bạn đọc, công chúng. Đó có lẽ là điều hạnh phúc nhất với người cầm bút. Với
nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, tôi nghĩ ông có cái hạnh phúc ấy vì thường được gọi
là ông Đứng trước biển (tên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng xuất hiện đầu những năm
80 của thế kỷ trước) cho dù sau này ông có thêm nhiều tác phẩm khác. Nguyễn Mạnh
Tuấn còn là nhân vật khá "bí ẩn" với nhiều bạn đọc hôm nay vì ông chủ
động tránh xa thế giới mạng vì sợ "bị hút vào đó". Ông cũng là người
từng khiến văn đàn phải "bàn tán" vì những tuyên ngôn và quyết định bất
ngờ.
Tìm đến ông một chiều cuối năm, tôi phân vân đi qua lại
nhiều lần trước địa chỉ ông cho, vì không nghĩ ngôi trường to lớn râm ran tiếng
trẻ học bài lại là nhà riêng của ông. Gặp nhau, ông xác nhận: "Ngôi trường
này, hiện do con gái tôi điều hành, xây trên mảnh đất diện tích 1.200m2 tôi mua
năm 1990 bằng tiền nhuận bút cuốn tiểu thuyết “Ngoại tình”. Khi ấy tôi mới ra khỏi biên chế nhà nước,
trở thành người viết tự do. Định bụng, nếu không sống được bằng nghề văn thì sẽ
quay về nghề cũ, mở gara sửa xe ô-tô ở đây”.
Nhân dịp đầu xuân và cũng là dịp 40 năm tiểu thuyết “Đứng trước biển” lần đầu xuất bản, chúng tôi đã có cuộc
trò chuyện với Nguyễn Mạnh Tuấn tại tư gia nhà văn, đường Thống Nhất, quận Gò Vấp,
TP Hồ Chí Minh.
Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn (NMT):
Tôi xin nghỉ hưu sớm và ngừng sinh hoạt ở Hội Nhà văn Việt Nam vì muốn thử làm
vật thí nghiệm về sự tồn tại của nhà văn một cách độc lập, liệu có thể sống được
bằng nghề như các ngành nghề khác trong xã hội hay không, chứ không có gì bất
mãn hay bức xúc như một số người từng phỏng đoán. Nhà văn ở ta hay nói cần tự
do để sáng tác, tôi thì nghĩ nhà văn cần độc lập, tức là nếu ra khỏi những ràng
buộc, dựa dẫm, bao cấp nào đó, anh có tồn tại được không? Tất nhiên độc lập
không có nghĩa đơn độc trong xã hội mà độc lập về quan điểm sáng tác, kiến thức,
cách viết...
Nhà thơ Hữu Việt (HV):
Tại Hội nghị Văn hóa năm 2022 do Ủy ban Văn hóa- Giáo
dục Quốc hội phối hợp với một số cơ quan tổ chức tại tỉnh Bắc Ninh cuối năm vừa
rồi, vấn đề nhà văn có thể sống được bằng nghề hay không đã được nhiều cử tọa đặt
ra và tranh luận khá sôi nổi. Còn ông, từ khi nào bắt đầu nghĩ đến điều đó?
NMT: Cái này phải nói
hơi dài một chút. Năm đang học lớp 10 tôi dự tuyển vào đội Thể Công, lẽ ra
thành cầu thủ đá bóng, nhưng do lý lịch không phù hợp, nên không được nhận. Tốt
nghiệp phổ thông xong, tôi đi thanh niên xung phong (TNXP), rồi làm thợ cơ khí
sửa chữa ô-tô ở Quảng Ninh. Năm 1970, 25 tuổi, tôi bắt đầu viết văn, vì nghĩ
mình có thể làm nhiều việc tốt hơn làm thợ. Cũng năm 1970, truyện ngắn “Đêm sương muối” của tôi được đăng trên tuần báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, rồi đoạt giải
thưởng.
Giải hồi ấy danh giá lắm, giá trị cũng to. Lương thợ bậc
3 của tôi 33 đồng/tháng, mà giải những 300 đồng, nghĩa là gấp gần 10 lần lương.
Nhờ có giải thưởng này tôi được chuyển công tác từ Quảng Ninh về Hà Nội. Nhưng ở
chưa đầy một năm, tôi nhận thấy sức viết của mình chững lại, nên lại xung phong
vào Hương Sơn - Hà Tĩnh, làm trong đoàn xe vận tải chở hàng ở các tỉnh miền
Trung và sang Lào.
Ngay từ đầu tôi đã xác định phải đi nhiều, sống nhiều
mới viết được. Năm 1971, chiến tranh rất ác liệt, đói rét, kham khổ, nhưng lại
là giai đoạn tôi viết nhiều, viết khỏe nhất, liên tục xuất hiện trên báo Văn Nghệ và Tạp chí Văn Nghệ Quân
Đội. Hồi ấy, các nhà văn Tô Hoài, Nguyên Hồng
nhận xét: Nguyễn Mạnh Tuấn nó biết cách từ những hiện tượng xã hội khái quát
thành vấn đề xã hội.
Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, được đánh giá
là cây bút có triển vọng, tôi được điều vào công tác tại Cục Báo chí Xuất bản
miền Nam, làm ở Ban Nghiên cứu văn học miền Nam. Cục trưởng bấy giờ là ông Nguyễn
Linh bảo chúng tôi: Lĩnh lương ở đây thì làm việc cho phù hợp biên chế, nhưng
các cậu phải đi và viết - đó mới là nhiệm vụ quan trọng nhất. Bây giờ nghĩ lại,
tôi phải cảm ơn ông ấy, vì nó trúng với quan điểm của tôi là người làm nghề văn
phải tìm đến những vùng đất mới. Các công trường, nông trường, đơn vị thanh niên xung phong, nhà máy, xí nghiệp...
tôi đi tất, chủ yếu để viết báo. Ngay từ hồi đó tôi đã xác định, cái gì ai chê,
không viết thì mình sẽ viết, tuy tưởng là khó nhưng lại có cái dễ là không phải
cạnh tranh với ai. Viết cái không ai viết thì dễ được biên tập viên dùng, được
dùng nhiều hơn thì sẽ có thương hiệu nhanh hơn.
Thương hiệu dĩ nhiên phải do tác phẩm tạo ra, và khi
đã có thương hiệu rồi, ắt sẽ có nhiều người đọc. Chỉ khi viết nhiều thì nhà văn
mới quan tâm đến người mua. Sách cũng là hàng hóa, bán ra thị trường, nhiều người
mua mới có giá trị, tức là ăn khách. Tất nhiên văn chương lá cải cũng có nhiều
cuốn ăn khách, nhưng anh đừng bận tâm và đừng chạy theo đó mà đánh mất đi giá
trị của mình. Từ những chuyện đó, tôi mới nghĩ, tại sao mình không thử sống bằng
nghề và thí nghiệm thử xem nhà văn có sống bằng ngòi bút được không?
HV: Một tác phẩm ăn khách
thì phải hợp với thị hiếu bạn đọc. Nhưng chiều theo thị hiếu số đông liệu có
thành ra dễ dãi, đánh mất đi các chuẩn mực nghệ thuật?
NMT: Theo tôi, người cầm
bút cần nhớ một nguyên tắc, đó là: Khi người đọc nằm thì mình đừng có đứng, mà
phải ngồi. Còn khi họ ngồi mình mới được đứng. Nếu người đọc ở dưới thấp thì
mình đừng có lên cao, phải gần nhau thì mới nghe được nhau nói, thấy được nhau
làm, khi ấy nhà văn mới dẫn dắt được bạn đọc. Còn nếu họ nằm ta cũng nằm theo
thì hai bên giống như nhau, thành giải trí rồi, bạn đọc sẽ không cần ta nữa.
Ngoài ra, khả năng thuyết phục cũng rất quan trọng. Thời
chúng ta viết văn, các thầy dạy, văn học phải "chiến đấu" với điện ảnh,
nhiếp ảnh, sân khấu...; còn bây giờ văn học đang phải "chiến đấu" với
điện thoại thông minh. Sáng mở mắt ra là cả vợ chồng con cái, anh chị em chúi mắt
vào cái màn hình điện thoại, làm sao mình chiến đấu được đây? Chưa kể, văn học
chữ quốc ngữ mới xuất hiện ngót nghét trăm năm nay, khi hơn 90% người dân mù chữ,
nên ai biết chữ được coi là bậc thầy. Còn bây giờ, hầu hết người đến tuổi đi học
đều biết chữ; giáo sư, tiến sĩ có đến hàng vạn người. Ngày xưa nói tới nhà văn,
nhà báo người ta nể trọng vì đó là những người nhiều chữ.
Vì sao bây giờ vai trò của nhà văn khá mờ nhạt so với
những người làm công tác ở các ngành nghề khác? Tác dụng của văn học cũng không
còn lớn như ngày xưa nữa. Vậy thì anh phải viết khác đi, để lôi bạn đọc, công
chúng lại với mình chứ! Trước kia, Nguyên Hồng viết “Bỉ vỏ”, giang hồ cỡ Tám Bính, Năm Sài Gòn đã ăn
khách lắm rồi. Nhưng bây giờ, giang hồ có trình độ, thủ đoạn tinh vi, ghê gớm
hơn nhiều, nếu nhà văn cứ viết tái diễn như cũ thì sẽ không ai đọc. Không gì buồn
bằng nhà văn lại là những người duy nhất không thể sống được bằng nghề! Vì thế,
tôi luôn dặn mình khi viết phải nhớ bạn đọc đang cần cái gì. Không phải mình tôn
bạn đọc lên làm thầy, nhưng biết người ta đang cần gì thì viết mới trúng, trúng
thì số lượng in mới nhiều, nhuận bút mới cao.
HV: Để viết
"trúng", nhà văn cần điều gì nhất, thưa ông?
NMT: Kiến thức. Nếu thiếu
kiến thức thì văn chương sẽ thiếu sức sống, nhà văn có thể trở nên hoang tưởng,
thậm chí phủ nhận cuộc sống, nhìn đâu cũng thấy cái xấu xa, o bế, chật chội. Thực
ra cái chật chội đang nằm chính trong đầu óc anh thôi. Vì vậy, trước khi viết về
một lĩnh vực nào, tôi buộc mình phải đọc rất nhiều, rất kỹ để nhồi kiến thức.
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, tôi viết “Những khoảng cách còn lại” về Sài Gòn; là thợ cơ khí sửa ô-tô, tôi
viết về tàu biển trong “Đứng
trước biển”;
là người thành thị, tôi viết “Cù
lao Chàm” về nông thôn Nam Bộ, không bị ai bắt lỗi,
chính là nhờ chịu đọc.
Có một thời các nhà văn mình bị đánh giá là viết minh
họa. Theo tôi không phải vì họ quá nệ vào chủ trương, chính sách đâu mà do thiếu
kiến thức nên tác phẩm thiếu sinh động, khô cứng, không đủ sức thuyết phục. Nhà
văn phải hiểu việc mình đang viết đến tận cùng, nói được những điều cần nói và
điều đó phải có ích cho xã hội. Tài nhiều hay ít, tất nhiên cũng quan trọng,
nhưng quan trọng nhất là phải tìm đúng cái chìa khóa mở cánh cửa của mình.
HV: "Cánh cửa" ấy
thế nào, thưa ông?
NMT: Cánh cửa nghề nghiệp.
Nhiều nhà văn có thói quen viết điều mình muốn nói chứ không phải điều người
khác cần nghe. Lại có những người viết để giãi bày, chứng tỏ ta đây là tài năng
mà không quan tâm bạn đọc đang sống như thế nào, đang cần cái gì..., trong khi
lẽ ra anh phải viết những điều người ta cần biết chứ không phải cái trong kiến
thức của anh, bởi làm sao anh có kiến thức rộng đến vô cùng được? Xã hội ngày
càng nhiều biến động, nhiều quan điểm khác nhau, mỗi người một ý là chuyện rất
bình thường, ta không nên áp đặt mà nên chấp nhận tính tương đối của nó.
HV: Là người viết tự học,
ông có bị ảnh hưởng hoặc thích nhà văn nào thuộc thế hệ đi trước không?
NMT: Thật thích thì tôi
chưa thích nhà văn Việt Nam nào cả. Đọc các thầy chưa thấy phục, vì các thầy
thiên về kỹ thuật viết văn, quan tâm nhiều đến câu cú, văn phong mà ít chú ý đến
chiều sâu nội dung, tư tưởng. Thời chúng tôi, văn học Nga và văn học Trung Quốc
được dịch là chủ yếu. Nếu bảo thích thì tôi thích văn học Nga. Còn chú ý thì
tôi chú ý đến nhà văn Nguyễn Minh Châu, vì tuy là người lính nhưng đọc ông tôi
nhận thấy phẩm chất một trí thức am hiểu. Khi chuyển công tác vào miền Nam, tôi
chỉ mang theo duy nhất cuốn “Dấu
chân người lính”
của ông. Tiếc là sau này tôi và ông lại có sự khác nhau về đánh giá văn chương.
HV: Khác thế nào và khác
cái gì, thưa ông?
NMT: Là khi ông viết
bài “Hãy đọc lời ai điếu
cho một giai đoạn văn nghệ minh họa”.
Vào thăm ông đang điều trị bệnh ung thư tại chùa Pháp Hoa tỉnh Đồng Nai, tôi vẫn
phải nói với ông rằng, nhà văn có quan điểm khác nhau, tài năng cao thấp khác
nhau, mà yêu ghét cũng khác nhau, đó là điều bình thường. Văn học minh họa đã
đành chưa hay, nhưng cũng chẳng có gì xấu, thực tế nó đã làm được một số việc
có ích và có độc giả của mình. Có thể do nhà văn kém tài nên viết thành minh họa
mà thôi. Dù mình không thích thì cũng nên tôn trọng sự tồn tại của người khác,
sao lại phải đọc lời ai điếu?
HV: Xin chuyển sang mạch
trò chuyện chính hôm nay. Người ta thường gọi Nguyễn Mạnh Tuấn là ông Đứng trước
biển, ông thấy sao?
NMT: Cũng bình thường.
Gọi thế nào thì tôi vẫn là Nguyễn Mạnh Tuấn.
HV: 40 năm trước “Đứng trước biển” đã ra đời như thế nào?
NMT: Ngày ấy tôi đang
làm thường trú NXB Lao động tại TP Hồ Chí Minh. Xí nghiệp đánh cá Vũng Tàu- Côn Đảo đang nổi như cồn. Ông Nguyễn Võ
Danh (Bảy Dự) là Phó Chủ tịch thành phố kiêm Giám đốc Sở Thủy sản, đặt hàng văn
nghệ sĩ làm một bộ phim về xí nghiệp đánh cá này, trong đó đề cập thêm về ưu thế
của xí nghiệp đánh cá Chiến Thắng là đơn vị dưới quyền của Sở. Không ai nhận
làm.
Nhà thơ Hoài Vũ gọi tôi, bảo có việc như thế, như thế...,
chưa ai nhận, Tuấn có nhận không? Tôi chưa viết kịch bản phim bao giờ nhưng
nguyên tắc của tôi là việc nào không ai làm thì mình nhận. Tôi bảo ông Bảy Dự,
cho tôi đi thực tế tìm hiểu, khi về sẽ trả lời.
Đầu tiên, tôi nhờ vợ tôi sưu tầm tất cả sách, báo viết
về xí nghiệp này và tài liệu về nghề đi biển đánh cá. Đọc xong, tôi xuống Xí
nghiệp đánh cá Chiến Thắng ở cảng Chánh Hưng, dưới quận 8. Đây cũng là lần đầu
tiên nhìn thấy tàu đánh cá, sau đó, ra xí nghiệp đánh cá Vũng Tàu-Côn Đảo. Đến
nơi thì xí nghiệp không tiếp, chắc họ có ý chê giấy giới thiệu của NXB Lao động
chứ không phải của một tờ báo lớn nào đó. Họ đang nổi như cồn nên làm cao!
Không lẽ lại quay về? Ngồi nghỉ chân uống cà-phê, tôi
hỏi người chủ quán, ở xí nghiệp này có ai đang bất mãn nhất, ông chỉ giùm. Chủ
quán bảo, chính cái thằng đang ngồi sửa xe máy kia kìa. Anh này vốn là quản lý
xưởng sửa chữa tàu bị đuổi việc, kể cho tôi nghe nhiều chuyện, rồi chốt như
đinh đóng cột: Sớm muộn thì cái xí nghiệp này cũng sập tiệm.
Tôi lại nhờ anh ta giới thiệu thêm vài người nữa, 7
người cả thảy, toàn những tay cũng đang bất mãn. Ở dưới Vũng Tàu suốt một ngày,
tôi về nói với ông Bảy Dự, tôi không làm nữa. Ông hỏi tại sao. Tôi bảo, nếu làm
thì tôi sẽ viết ngược lại tất cả những điều báo chí đang tung hô, sẽ không có lợi
cho tuyên truyền. Ông Bảy Dự bảo, đã báo cáo thành ủy rồi, bây giờ mà anh từ chối
coi sao được. Bàn đi tính lại, xin cả ý kiến Bí thư, cuối cùng quyết định vẫn
làm.
Tôi viết kịch bản, với tên “Biển sáng”. Phim làm xong, lúc duyệt có đầy đủ lãnh
đạo cao cấp của thành phố. Khi ra rạp, phim rất ăn khách, nhưng một số tỉnh
phía nam lại cấm chiếu, cho rằng bộ phim này đã bôi nhọ chủ trương, chính sách
của Nhà nước. Trong khi bên ngoài đang ồn ào thì từ kịch bản phim, tôi lặng lẽ
viết thành tiểu thuyết “Đứng
trước biển”.
Cuốn sách ra đời, bùng nổ. Dư luận chia làm hai phe, một
bên yêu cầu phải thu hồi cuốn sách "phản tuyên truyền", bên kia lại ủng
hộ vì cuốn sách đã thẳng thắn phân tích rất đúng thời cuộc. Bộ Thủy sản tặng
tôi Bằng khen danh dự. Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào TP Hồ Chí Minh công tác, đã
mời tôi đến gặp, hỏi tại sao lại viết thế, có ai tư vấn? Thật may, đúng 6 tháng
sau thì Xí nghiệp đánh cá Vũng Tàu-Côn Đảo thua lỗ nặng, thế là tôi thoát hiểm!
Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng, 5 nhà xuất bản liên tục tái bản “Đứng trước biển”, số lượng ấn bản lên tới 160 nghìn, một kỷ
lục thời bấy giờ.
HV: Tôi còn nhớ ngày ấy,
không chỉ ngoài quán nước mà trong các cuộc họp cơ quan nhà nước, người ta đều
nhắc đến cuốn sách như một dự báo về luồng gió mới trong văn học. Sau “Đứng trước biển”, ông viết tiếp “Cù lao
Chàm”, cũng gây xôn xao
dư luận. Nhiều người đã nghĩ tới ông như người mở đầu dòng văn học phản biện,
bám sát các sự kiện nóng hổi của đời sống, giống như kịch Lưu Quang Vũ sau đó.
Thế nhưng bỗng dưng ông ngừng viết văn, chuyển sang viết kịch bản phim. Lý do?
NMT: Lý do thì nhiều,
nhưng tựu trung có mấy lý do chính. Từ năm 1990, nhuận bút sách tụt xuống rất
thấp vì cách tính nhuận bút mới và số lượng sách xuất bản từ con số hàng vạn xuống
còn 1-2 nghìn. Tuy tôi không bị ảnh hưởng gì nhiều, nhưng bức tranh xuất bản
nhìn chung ảm đạm. Nhưng có một lý do quan trọng hơn là ngày ấy sách của tôi bị
"phê" dữ quá, tôi thấy mình đơn độc, không ai bảo vệ, chia sẻ, nên
quyết định dừng, không viết văn nữa.
Ông Phạm Khắc bấy giờ là Giám đốc Đài Truyền hình TP Hồ
Chí Minh và ông Nguyễn Hồ, Giám đốc Hãng phim TFS của đài đến tận nhà tôi bảo,
không viết văn thì viết kịch bản phim cho chúng tôi. Tôi từng có phim “Biển sáng”, tiếp theo là “Xa và gần” (chuyển thể từ tiểu thuyết “Những khoảng cách còn lại”) rất ăn khách, coi như đã có thương hiệu.
Phim truyền hình nhiều tập, khi ấy ngoài Bắc, VTV mới
có phim đầu tiên, hình như là “Mùa
hoa cải bên sông”,
còn trong Nam, chưa có phim nào cả. Do nhuận bút kịch bản thấp, phim ra thì
vinh quang thuộc về diễn viên, đạo diễn là chính, nên ít nhà văn nào mặn mà.
Nhưng tôi nhận. Vì đã là nhà văn chuyên nghiệp thì giá nào, kiểu gì cũng phải
viết; hơn nữa có đơn đặt hàng thì cứ làm, thành hay bại là chuyện khác.
Kịch bản “Đồng
tiền xương máu” ra
đời. Viết kịch bản phim thật ra không khó, nếu nắm được nguyên tắc thì từ truyện
ngắn hay tiểu thuyết chuyển thành phim rất dễ. Viết truyện ngắn, tiểu thuyết
còn phải tả cảnh, tả tình, nội tâm; chứ kịch bản phim chỉ có lời thoại và hành
động. Phần còn lại do đạo diễn lo.
Thế là phim của tôi bắt đầu phủ sóng. Tính đến nay,
tôi đã viết bảy, tám trăm tập phim truyền hình. Còn về phim nhựa thì số lượng
và chất lượng cũng thuộc hàng đầu. Từ khi chuyển sang làm phim, thu nhập của
tôi rất cao, không biết ở Việt Nam đã có tác giả nào bán được kịch bản cho
Hollywood hay chưa, riêng tôi có hai cái: “Cô gái không số” và “Đại
ca” (tên tiếng Anh là
Master Mai). Kịch bản phim thứ hai, tôi nhường cậu biên kịch người Mỹ đứng tên
cho tiện hoàn thành các thủ tục.
HV: Bây giờ dường như ông
đang quay lại với văn chương. “Linh
ứng”, cuốn tiểu thuyết
mới nhất đang được bạn đọc quan tâm, đón nhận. Nhà văn Hồ Anh Thái nhận xét:
người đọc bị hút vào “Linh
ứng” để hồi hộp, để
rưng rưng, để lau nước mắt vì sự hấp dẫn và cái kết có hậu. Trước đây, một số
nhà phê bình nhận xét, ông thiên về lối viết kể chuyện mà không thật chú ý đến
văn chương kỹ lưỡng. Tôi lại đọc ở đâu đó, ông nói rằng một tác phẩm có ích thì
còn hơn một áng văn đẹp. Ông vẫn giữ quan điểm này?
NMT: Không, tôi không
nói câu đó. Tôi chả dại gì đi so sánh như thế. Một áng văn đẹp cũng có giá trị
của nó chứ! Có thể tôi từng nói đại ý: Viết một tác phẩm có ích thì quan trọng
hơn việc chỉ chú tâm đến chau chuốt câu chữ. Còn riêng câu này thì tôi có nói:
Tác phẩm của tôi chỉ cần sống 3 năm thôi, sau 3 năm người ta quên thì tôi viết
cuốn khác.
HV: Quan niệm của ông về
tính dự báo của văn chương?
NMT: Văn chương có thể
dự báo được hay không rất dễ nhận ra. Muốn sáng tạo thì nhà văn luôn luôn phải
mới, và một khi anh đã có khuynh hướng mới rồi thì những gì anh viết ra sẽ có sự
phản biện, muốn thay đổi cái cũ. Mà phản biện thường thiên về ý tưởng, ước mong
của người viết, đương nhiên sẽ mang tính dự báo. Nhưng để thành dự báo thật sự
thì nhà văn phải là người có tài năng, kiến thức, sự hiểu biết sâu sắc nhân
tình thế thái, nếu không đó chỉ là mơ ước hão huyền, phi thực tế.
HV: Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Nhân Dân hằng
tháng