Thực ra thơ là thể loại văn học khó nhất trong thế giới văn chương. Nó khó vì nó có ngôn ngữ riêng: đó là ngôn ngữ thơ. Chắt lọc. Mới lạ. Bất ngờ. Độc đáo đến độ làm người đọc kinh ngạc, bàng hoàng, đôi khi hoảng sợ.


GIÀY DÉP, THƠ VÀ NHẠC GIAO HƯỞNG

ĐÀO HIẾU

Tôi có một cô bạn, tốt nghiệp nhạc viện Hà Nội khoa Cello trước 75. Khi đất nước thống nhất cô vào Sài Gòn mua nhà định cư luôn ở miền Nam. Thình thoảng cô có đi nước ngoài biểu diễn theo lời mời của những tổ chức gì đó tôi không nhớ tên. Còn ở Sài Gòn thì cô sinh sống bằng nghề độc tấu Cello mỗi đêm tại các quán cà phê sang trọng. Cuộc sống của cô tương đối khá giả và “quý tộc”.

Một lần cô mời tôi đến nhà chơi, vừa định bước lên mấy bậc thềm thì thấy tấm bảng bằng giấy bìa cứng có dòng chữ” “XIN VUI LÒNG ĐỂ GIÀY DÉP VÀ… THƠ BÊN NGOÀI”.

Tôi viết văn xuôi là chính, chơi đàn và làm thơ chỉ là phụ, tuy vậy tấm bảng cũng làm tôi hơi chột dạ.

Tôi nói:

-Em để tấm bảng như vậy không sợ buồn lòng bạn bè sao?

-Em không có người bạn nào là nhà thơ cả.

-Anh thì có nhưng rất ít. Vì nhà thơ thực ra rất hiếm.

Cô bạn rót trà cho tôi và cười.

-Em lại thấy thời nay đi đâu cũng gặp nhà thơ. Có người nói đùa rằng Việt Nam là một “cường quốc thơ”.

-Em nghĩ sao nếu anh nói rằng thơ là một thể loại văn học khó nhất. Hơn cả truyện ngắn và tiểu thuyết. Nếu so sánh với âm nhạc thì “thơ” là “nhạc giao hưởng”, còn những thể loại khác như tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký… cũng giống như nhạc nhẹ, nhạc pop, rock hay các ca khúc có lời. Cụ thể hơn: Thơ chính là cây đàn cello của em đó. Vừa chơi nhạc cổ điển, giao hường vừa là nhạc cụ ít được hâm mộ và khó chơi nhất.

Cô bạn đốt thuốc lá và hỏi tôi có hút không. Tôi lắc đầu.

-Anh so sánh cây đàn cello với thơ làm em ngạc nhiên quá!

-Sao lại ngạc nhiên?

-Vì em học đàn cello ở nhạc viện 11 năm, giáo trình đã khó mà tác phẩm cũng khó, trong khi thơ thì tràn lan trên mặt báo. Nhà nhà làm thơ, người người làm thơ, sao mà so sánh như vậy được chứ?

-Được đấy. Trước 75 ở miền Nam có nhà thơ Nguyên Sa. Ông ấy có một câu rất nổi tiếng: “Không hề có thơ dở. Hoặc đó là thơ, hoặc đó là những câu có vần, chứ không phải thơ”.

-Em có đọc một số bài thơ trên báo. Chán chết!

-Có hai nguyên nhân: Một là em “dị ứng” với thơ (cũng giống như có người dị ứng với đàn cello). Hai là em đã đọc một thứ gì đó có hình thức như thơ. Chứ thực ra thơ là thể loại văn học khó nhất trong thế giới văn chương. Nó khó vì nó có ngôn ngữ riêng: đó là ngôn ngữ thơ. Chắt lọc. Mới lạ. Bất ngờ. Độc đáo đến độ làm người đọc kinh ngạc, bàng hoàng, đôi khi hoảng sợ. Về bút pháp cũng thế. Nó không theo thứ ngữ pháp thông thường, cấu trúc câu thông thường. Nó sáng tạo ra những cấu trúc mới, rất riêng. Cấu trúc ấy rất gần với Nghệ Thuật Sắp Đặt trong không gian ba chiều (Installation Art: An artistic genre of three-dimensional works) trong kiến trúc, hội họa và điêu khắc. Nhưng nó lại là một thứ nghệ thuật sắp đặt trong không gian 2 chiều của ngôn ngữ.

Cô bạn cười khúc khích.

-Anh triết lý hơi nhiều về Thơ đấy. Vậy hãy thử cho em nghe một bài nào mà anh cho là “thơ thứ thiệt” xem sao.

Tôi lấy giọng bằng một ngụm trà. Và đọc một đoạn thơ chợt hiện của nữ sỹ Phạm Hiền Mây:

Xoá giùm em những chiều mây

những buồn vời vợi phía tây nắng tàn

phía hương khói thắp mù ngàn

lệ sương giọt xuống muôn vàn nhớ thương

giữ giùm em vết tình vương

lên môi non mật ngôn hương ngút trời

lên môi thơm có hoa mời

cho khe suối ướt ngọt đời phù du

….

níu giùm em kẻo tuổi trôi

vào biền biệt tím pha phôi giang hà

tím mưa giăng tháp tay ngà

tím màu tóc ngọn la đà sầu vây…

(trích bài “GIÙM EM”)

Đọc xong tôi hỏi nàng cellist:

-Em sợ chưa?

-Chưa. Đọc bài nữa đi.

Tôi lục tìm trong bộ nhớ một tác phẩm của Tô Thùy Yên. Bài “Ta Về”

TRÍCH:

Ta về như lá rơi về cội

Bếp lửa nhân quần ấm tối nay

Chút rượu hồng đây xin rưới xuống

Giải oan cho cuộc biển dâu này

Ta khóc tạ ơn đời máu chảy

Ruột mềm như đá dưới chân ta

Mười năm chớp bể mưa nguồn đó

Người thức mong buồn tận cõi xa

…..

Ta về như tiếng kêu đồng vọng

Rau mác lên bờ đã trổ bông

Cho dẫu ngàn năm em vẫn đứng

Chờ anh như biển vẫn chờ sông

Ta gọi thời gian sau cánh cửa

Nỗi mừng giàn giụa mắt ai sâu

Ta nghe như máu ân tình chảy

Tự kiếp xưa nào tưởng lạc nhau

Người đẹp của cây đàn Cello vẫn trầm mặc.

-Thế còn anh?

Tôi đi lại phía tủ lạnh, mở một lon bia, hơi điệu đàng một chút, rồi đến ngồi đối diện chủ nhà:

-Anh đâu phải thi sỹ.

-Vẽ vời! Đọc đi!

Tôi chọn một bài ngắn nhất để khỏi làm phiền người đẹp:

Mưa bay đầy trời, một mình quán cóc

Không biết ngồi với ai, ta ngồi với thời gian

Thời gian lặng câm từ muôn kiếp trước

Thời gian cũng buồn như cõi đời này

Nên đã cùng ta cạn chén rượu cay.

(Uống Rượu Với Thời Gian)

Và tôi lại hỏi:

-Sợ chưa?

-Chưa. Nhưng những bài anh vừa đọc cũng khá độc đáo.

-Có bằng những bản độc tấu đàn cello của em không?

-Ví dụ như những bản gì?

-“Tổ khúc cho Cello” của Johann Sebastian Bach. Hay là “Concero số 1” của Joseph Haydn. Anh đã từng ngồi nghe em đàn tại quán cà phê đường Ngô Thời Nhiệm, quán có chừng 40 khách nhưng chỉ độ 10 người lắng nghe, còn những người khác thì họ nói chuyện riêng. Chỉ khi em chơi bài Bèo Dạt Mây Trôi thì họ nghe có vẻ chăm chú. Đó, em thấy không. Đâu phải ai cũng biết thưởng thức nhạc thính phòng, nhất là trình tấu bằng đàn cello. Có phải âm nhạc của em rất khó và rất kén người nghe như thơ không nào?

-Có thể là như vậy.

-Không “có thể” gì cả. Mà đúng là như vậy. Thơ thứ thiệt cũng giống như nhạc thính phòng vậy. Khó chơi và khó thưởng thức. Nó chính là cây đàn cello của em đó!

Cô bạn mỉm cười. Vẫn giữ vẻ xa vắng. Cô chỉ nói:

-Thôi, cho qua chuyện này!

-Chưa “cho qua” được đâu.

-Bộ anh muốn ăn vạ hả?

-Không ăn vạ. Nhưng em ơi! Làm ơn cất giùm cái tấm bảng “Xin vui lòng để giày dép và thơ bên ngoài” giùm anh.