Hoài Vũ như dòng sông, vô số dòng sông khao khát vươn mình ra biển. Để hòa tan mình trong thăm thẳm vô cùng ư? Để góp máu của mình cho biển mặn? Hay là góp niềm tin của mình để biển xanh vằng vặc? Nào đã mấy ai đi hết biển khôn cùng?


HOÀI VŨ hoàng hôn lặng lẽ đi trong hương tràm

PHÙNG VĂN KHAI

Tôi luôn không nguôi nhớ về nhà thơ Hoài Vũ. Mà ông đang khỏe mạnh ở mảnh đất phương Nam. Tôi vào Sài Gòn bây giờ lúc nào cũng muốn gặp Hoài Vũ. Ông cũng luôn rất muốn gặp tôi, dù không phải để nói gì, dù chỉ là để tươi cười rồi im lặng.

Hoài Vũ sinh năm 1935, đã tiến sát mốc bách niên mà vẫn luôn tươi vui, khỏe khoắn. Nói thực cũng là nói chơi chơi vậy, chứ bách niên khỏe khoắn nghĩa sao đây? Chân cẳng đã yếu đi, mắt đã nhoà ngấn lệ chảy hoài vào trong rưng rức. Sức khỏe tinh thần ư? Những gì đã vượt qua và những gì đang vượt dẫu có là tinh thần vượt núi băng ngàn thuở đôi mươi, tinh thần lửa thép ngày làm Văn nghệ Giải phóng, tinh thần đá nát vàng phai ngày bao cấp đến hôm nay ngang ngửa thời kinh tế thị trường đùng đùng vật chất lên ngôi thử hỏi tinh thần ông lão bách niên ấy có còn chống chịu được bao lăm?

Tôi ở đâu cũng thấy thương Hoài Vũ, cũng hỏi một người như ông với những Vàm Cỏ Đông; Anh ở đầu sông em cuối sông; Đi trong hương Tràm; Hoàng hôn lặng lẽ... mà đến bây giờ, nhà thơ vẫn chưa chạm tới Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật? Đã không còn là sự bi ai mà chính là sự vô tâm đến lạnh lùng bỏ quên đạo lý của chúng ta chăng? Chúng ta đã bỏ mặc những người như Hoài Vũ? Chúng ta đã bỏ mặc những gì từng cứu giúp, bồi đắp vết thương thể xác và tâm hồn của một thời bom đạn mịt mùng, đói kém, thiếu thốn ngặt nghèo dễ dàng như vậy? Chúng ta đang chạy theo cái gì? Vật chất ư?

Đã có không ít người là quan to, thậm chí rất to, bổng lộc phi pháp đã phải nhét vào những chiếc cặp hàng triệu đô la, đến lúc ra tòa đổ cho con cái cầm làm của riêng, đổ cho sự lú lẫn quăng vứt những chiếc ba lô, chiếc cặp triệu đô vào gác xép, nhà vệ sinh, thùng chứa đồ cũ rồi quên béng? Đây là căn bệnh gì vậy? Đây là loại người gì khi vừa trước đó tới các trung tâm hội nghị rao giảng về đạo đức, về nhân cách, về trách nhiệm công dân.

Với Hoài Vũ thì sao? Một người đã viết những câu thơ: Vàm Cỏ Đông đây ta quyết giữ/ Từng mái nhà nép dưới rặng dừa/ Từng thửa ruộng ngời đen màu mỡ/ Từng mối tình hò hẹn sớm trưa (Vàm Cỏ Đông); Ôi bát ngát chân trời miền hạ/ Tím tình yêu tím cả ước mong/ Gió nhớ thương ai mà lay bờ lá/ Để bìm bịp kêu con nước lớn ròng... Thơ Hoài Vũ đấy! Thế hệ ông bà ta, mẹ cha ta và chúng ta hôm nay vẫn đang nghe thơ, và hát những lời thơ Hoài Vũ. Hoài Vũ vẫn đang còn sống kia, bằng xương bằng thịt. Nhà thơ bách niên - riêng đâu tượng đài tình yêu nơi cuối đất vẫn ngồi, kia giản dị mà lồng lộng mây trời. Chúng tôi, những kẻ hậu sinh chẳng biết nói gì với ông, chỉ thấy bồn chồn, bứt rứt và có phần xa xót.

Xa xót về cái gì? Xa xót về việc ông chưa được Giải thưởng Nhà nước ư? Giải thưởng đã phải là hiện hình những tiêu chí lạnh lùng còn không ít sự trà trộn vào trong đó? Xa xót vì không ai thực hiện cái đạo lý và bổn phận, trách nhiệm tối thiểu của những người cầm bút đồng thời, sau thời của ông? Thực là vô cùng khó diễn tả mà chỉ thấy trong lòng ấm ức: “Hạnh phúc đến xanh như màu lá/ Và nồng thơm mùi thơm của rạ/ Đêm xôn xao sao gắn đầy trời/ Tình anh là Vàm Cỏ em ơi (Anh ở đầu sông em cuối sông); Em gởi gì trong gió, trong mây/ Để sáng nay lên Vàm Cỏ Tây/ Hoa tràm e ấp trong vòm lá/ Mà khắp trời mây hương tỏa bay” (Đi trong hương tràm).

Ô hay! Đích thực là Hoài Vũ đang hạnh phúc tràn đầy. Đích thực là Hoài Vũ đã thấy được hạnh phúc lớn của nhân dân mình, Tổ quốc mình trong hạnh phúc lứa đôi vĩnh cửu. Đã có một thời kỳ, chúng ta định quên đi hạnh phúc lứa đôi, định lấy giá trị chung của hạnh phúc là toàn thể nhân dân, nhất là các tập thể từ cao đến thấp phải hạnh phúc một cách đồng loạt, giống nhau như đúc mới an lòng.

Cái khác người của Hoài Vũ chính là nhìn ra chi chít sợi tâm hồn khác nhau trong mỗi cá nhân mới là điều chính yếu để làm nên rộng dài Tổ quốc.

Hoài Vũ có một loạt bài viết về những dòng sông. Một người như Hoài Vũ tất nhiên phải mê sông đến tận cùng, với “Anh ở đầu sông em cuối sông”, “Vàm Cỏ Đông”, “Em về bên kia sông”, “Xa rồi sông Hậu”, “Trời mênh mông, nước mênh mông”, “Tâm tình trước ngã ba sông”... Và trong bài thơ “Chia tay hoàng hôn” là một câu thơ về sông ấn tượng: “Xa em, anh như trưa nắng đi trên cát/ Thèm một dòng sông, những cánh đồng”.

Thế hệ của Hoài Vũ đang dần thưa vắng, lão ngoan đồng suýt soát bách niên Hoài Vũ ngay từ đầu đã chọn hướng đi riêng cho mình, cho thơ mình. Những cống hiến rất có giá trị nếu không muốn nói là xuất sắc của Hoài Vũ với văn chương, với cách mạng là hết sức đáng quý.

Ngày trước, khi nhà văn Văn Lê còn sống, đã rất nhiều lần muốn tôn vinh bậc đàn anh Hoài Vũ. Đến lứa chúng tôi, U50 đã là cách ông một, hai thế hệ sao thấy ông vừa thật gần vừa quá xa xôi. Thật gần vì ông đang ở đây, bằng xương bằng thịt. Thơ của ông đang vang lên bằng vô số bài hát. Trong lời bài hát Chia tay hoàng hôn cũng chính là tâm can của ông: “Anh phải về thôi xa em thôi/ Ngoài kia phiên chợ vãn lâu rồi/ Giọt nắng cuối ngày rơi xuống tóc/ Mà lời từ biệt chẳng nên môi”.

Anh em văn nghệ sĩ trẻ chúng tôi từ Bắc chí Nam ai cũng mến thương Hoài Vũ. Ở ông có điều gì đó rất đặc biệt, rất hấp dẫn của một con người hết sức từng trải mà lại hết sức hồn nhiên. Trong chuyến đi Trường Sa vừa qua, tôi đem theo mấy tập sách mà ông vừa tặng ở Sài Gòn. Hoài Vũ viết văn cũng tình thương mến thương lắm. Ngày trước là các tập truyện: Tiếng sáo trúc; Rừng dừa xào xạc; Quê chồng; Bông sứ trắng; Bên sông Vàm Cỏ; Vườn ổi... càng cho thấy sự xum xuê tươi thắm của một Hoài Vũ xanh thẳm nỗi đời chất chứa câu văn. Những câu văn trong sáng mà ôm chứa ở trong ấy bao nỗi nhân tình thế thái đều được Hoài Vũ gạn đục khơi trong đến tận cùng.

Tôi và nhà thơ Phan Hoàng nhiều lúc chỉ biết ngồi bên Hoài Vũ và im lặng. Biết nói gì đây? Biết làm gì đây với lão ngoan đồng phơ phơ đầun tóc bạc đã đi qua cơ cực, giặc giã, đói nghèo và những chuyển động rùng rùng thời cơ chế thị trường sôi sùng sục. Hoài Vũ như dòng sông, vô số dòng sông khao khát vươn mình ra biển. Để hòa tan mình trong thăm thẳm vô cùng ư? Để góp máu của mình cho biển mặn? Hay là góp niềm tin của mình để biển xanh vằng vặc? Nào đã mấy ai đi hết biển khôn cùng?

Không phải ai cũng biết, ở mảng dịch thuật, Hoài Vũ cũng rất tài hoa. Các tác phẩm: Loạn luân; Người đàn bà bất hạnh; Nữ điền chủ cuối cùng; Hồn ma; A-sư-ma bé bỏng đã cho thấy không phải là một Hoài Vũ ngây thơ mà chính là một Hoài Vũ vô cùng giàu có chữ nghĩa và sâu sắc đồng hành với những văn phẩm của bạn viết trên thế giới. Điều đó đã cho một sắc thái riêng đặc biệt của người con Mộ Đức - Quảng Ngãi, một vùng đất mà con người dẫu đi đến cuối đất cùng trời đều vô cùng quyết liệt, thẳm sâu.

Tại sao tôi không nguôi nghĩ về Hoài Vũ? Tại sao câu hỏi cứ vang lên như cắt cứa trái tim tôi? Lứa chúng tôi đang trong buổi thanh bình với những xán lạn và thuận lợi của mình thì cần gì phải thao thức với Hoài Vũ? Thậm chí trước lúc gặp ông, tôi còn tưởng Hoài Vũ đã mất lâu rồi. Tôi còn tưởng thành phố nào đó, tỉnh, huyện, vùng đất quê hương nào đó đã có tên đường, tên phố, tên trường học đặt tên ông như những người đồng thời với ông cũng đã được như thế.

Cơ mà Hoài Vũ vẫn khỏe mạnh ngồi trước cánh văn nghệ trẻ chúng tôi, cười trong ngấn mắt sóng sánh nước, nhắc những câu chuyện lơ lắc bưng biền, những là dòng nước, bờ tôm, bóng dừa, hương tràm, trời mây, thửa ruộng ngời đen màu mỡ…  với vô số mối tình hò hẹn sớm trưa... Thì tôi mới thấy, cái cách đong đếm hạnh phúc ở một con người, ở một thế hệ với những giá trị riêng không thể nào dễ học, càng không thể quy hoạch theo những tiêu chí vô cảm mà chúng ta không ít lúc từng áp dụng với nhau, với văn chương.

Hoài Vũ, với lứa chúng tôi, không riêng là tượng đài tình yêu với vô vàn câu hát đi cùng theo năm tháng mà còn là một trong những tượng đài về sự cống hiến lặng thầm, hy sinh cái riêng cho cái chung rộng lớn. Ở tận sông Hồng, không chỉ riêng sông Hồng, còn là những sông Thao, sông Lô, sông Đà, sông Mã, sông Thương, sông Lam, sông La, sông Hiền Lương, sông Đắc Krông, sông Pô kô, sông Ba... đến chín nhánh Cửu Long giang hùng vĩ… đều mang rất nhiều phần máu thịt của nhân dân, của tổ tiên ngàn đời trong đó có tổ tiên nhà thơ Hoài Vũ để ông ngân lên khúc hát các dòng sông.

Ôi Hoài Vũ! Ông đã sắp trọn con đường với sông, với biển! Mà ông vẫn trong ngần, thơm ngát sắc hương hoa!