Nguyên Ngọc nói về “Đám
mây hình người thợ săn và con chó” của
Thanh Thảo: “Trường ca lần này của Thanh Thảo viết về một người
Mông lạ lùng, quê ở chính Mèo Vạc, nơi nửa thế kỷ trước tôi từng làm đội phó đội
tiễu phỉ suốt hai năm. Một nhân vật vô cùng kỳ lạ, nói không ngoa đâu, có thể kỳ
lạ nhất thế giới”.
LẠ LÙNG MỘT CUỘC ĐI TÌM
NGUYÊN NGỌC
Cách đây mấy hôm, tôi nhận được bản thảo một sáng tác
vừa mới hoàn thành của nhà thơ Thanh Thảo, trường ca “Đám
mây hình người thợ săn và con chó”. Đọc qua một lượt, tôi hiểu Thanh Thảo gửi
cho tôi tác phẩm còn nóng hôi hổi này là muốn gửi đến một người đồng điệu. Anh
biết tôi từng có tham gia cuộc tiễu phỉ hồi 1959- 1960 ở Đồng Văn – Mèo Vạc, từng mê mẩn lang
thang trên cao nguyên đá huyền ảo địa đầu đất nước ấy suốt mấy năm dài; từng viết
những trang đắm đuối và trằn trọc về nó.
Thanh Thảo cũng đã đến đấy sau chiến tranh biên giới
phía bắc, chắc lúc đầu do bị dày vò bởi ký ức về cuộc chiến tranh kỳ quặc, anh
hùng và bi tráng ấy. Nhưng rồi sau đó lại còn có chuyện khác nữa, “nghiêm trọng”
không kém, nếu không nói là hơn: anh đã “gặp phải” người Mông! Theo chỗ tôi được
biết, không người cầm bút, cầm đàn, cầm cọ nào ít nhiều xứng với danh hiệu đó,
đã đụng phải người Mông, trên chính quê hương của họ, mà không bị ám ảnh. Tô
Hoài, Nguyễn Tuân, Nguyễn Tài Tuệ… Đấy là một dân tộc khác thường. Mà Thanh Thảo,
khổ thế, lại là một nhà thơ tài năng.
Trường ca lần này của
Thanh Thảo viết về một người Mông lạ lùng, quê ở chính Mèo Vạc, nơi nửa thế kỷ
trước tôi từng làm đội phó đội tiễu phỉ suốt hai năm. Một nhân vật vô cùng kỳ lạ,
nói không ngoa đâu, có thể kỳ lạ nhất thế giới. Anh
ta tên là Vừ Già Pó. Mấy năm trước, ở Mèo Vạc, một hôm Vừ Già Pó đột ngột mất
tích. Nói cho đúng, trên vùng biên cương xáo động và bí ẩn này, chuyện ấy cũng
không hoàn toàn lạ. Thỉnh thoảng vẫn có người bị bắt cóc bán sang Tàu, con gái
thì làm vợ người ta hay bị đẩy vào các ổ điếm, đàn ông thì làm nô lệ. Vừ Già Pó
biến mất.
Người ta đi tìm… Rồi người ta cũng quên… Cho đến một
hôm, bỗng có tin, trên báo chính thống hẳn hoi: Vừ Già Pó bị bắt tại Cashmire,
vùng đất tranh chấp khốc liệt nằm giữa Ấn Độ và Pakistan. Hẳn Vừ Già Pó đã trốn
thoát được cảnh nô lệ bên Tàu, có thể đoán thế. Nhưng tại sao anh lại lưu lạc
tít tắp đến tận Cashmire? Bằng một trực cảm cũng kỳ lạ không kém, Thanh Thảo
nói rằng nếu không bị bắt ở vùng đất quá nhạy cảm Cashmire, hẳn Vừ Già Pó sẽ
còn đi nữa, theo anh là tiếp tục về hướng tây. Anh bảo tôi như vậy khi gửi trường ca mới
cho tôi. Còn tôi, tôi cũng có chuyện để trả lại cho anh.
Hơn mười năm trước tôi có đọc cuốn Lịch sử người Mông
(Histoire des Miao) của F. M. Savina, một vị linh mục và là nhà dân tộc học nổi
tiếng, cũng từng “đụng phải” người Mông và bị dân tộc này mê hoặc. Quả thật người
Mông có một lịch sử rất hiếm hoi. Theo Savina, quê hương cổ xưa của họ là ở vùng Lưỡng
Hà. Ông viết: “Ta thấy tất cả các dân tộc từng cư trú trên trái đất từ thuở khởi
nguyên đều bắt đầu tỏa ra từ một khu vực chung nằm giữa cao nguyên Pamir về
phía đông, sông Indus về phía đông-nam, biển Caspienne về phía nam và hồ Aral về
phía bắc …
… (Ở khu vực đó, người Mông thuộc nhóm Touran), nhóm
này vốn đã chiếm vùng Iran từ những thời kỳ đầu tiên của lịch sử. Từ đó họ tràn
ra khắp vùng đồng bằng nằm giữa sông Tigris và sông Euphrate (hai con sông hợp
nên vùng Lưỡng Hà nổi tiếng), và trên các cao nguyên của Médie và Iran… Về sau,
bị người Aryen và người Sémite xua đuổi, họ đổ về Trung Á, từ đó tỏa dần ra các
vùng Nga, Tarim, Mông Cổ, Mãn Châu, Triều Tiên, bắc Nhật Bản, và cho đến tận
châu Mỹ qua eo biển Behring. Họ tạo thành nguồn gốc của người Finno-Tartar (Finno
chính là Phần Lan ngày nay), người Mông Cổ, người Ainos (Nhật Bản), người
Esqimo, và cả người Mông…”
Truyền thuyết của người Mông kể rằng họ vốn sống ở
vùng Sennaar vào thời xây dựng tháp Babel (tháp ngôn ngữ), từ đó họ đi dần lên
hướng bắc, cho đến bên trong vòng tròn Bắc Cực, vượt qua hoặc men theo các núi
cao …
Điểm xuất phát của họ, theo Savina, hẳn phải là từ
vùng nằm giữa dãy núi Pamir, biển Caspienne và vịnh Ba Tư. (Đấy chính là cao
nguyên Ta Soa,
thường được nhắc đến trong các truyền thuyết Mông). Điểm họ đến nằm sâu trong
vòng tròn Bắc Cực.
Có thể ở đâu đó thuộc vùng bắc Sibérie, bên
trên vĩ độ 60, giữa Biển Trắng và eo biển Behring … (Chính giai đoạn ở trong
vòng tròn Bắc Cực này đã để lại dấu vết trong các truyền thuyết và truyện cổ
tích Mông kể về ngày dài 6 tháng, đêm dài 6 tháng …)
Từ đó, người Mông đi dần xuống phương nam, theo sông
Wei (sông Hoài) và bờ nam sông Hoàng Hà, dừng lại ở vùng Trung Nguyên, trung
tâm lục địa Trung Hoa ngày nay. Rồi bị người Hán từ phía tây tràn sang xua đuổi,
họ lại chuyển dần xuống phia nam, đường đi hầu hết men trên các đỉnh và sườn
núi cao. Savina viết rằng “họ đã nán lại quá lâu trên núi cao, chẳng còn chỗ
cho họ ở đồng bằng … Dân tộc lữ hành này, chưa bao giờ có tổ quốc cố định, chẳng
hề quan tâm đến biên giới của các dân tộc khác, nhưng họ thành thạo tuyệt vời
các con sông và các ngọn núi của châu Á, và đã đặt tên cho hầu hết các sông núi
đó bằng ngôn ngữ của mình. Hẳn họ sẽ đoạt giải nhất về địa lý so với toàn bộ
người phương Đông!
Người Mông chưa bao giờ có tổ quốc cố định, tuy nhiên
lại cũng chưa bao giờ biết đến tình trạng nô lệ. Độc lập một cách dữ tợn là dấu
hiệu khác biệt của người Mông, suốt mọi thời đại…
Sự tồn tại của dân tộc có đến 5000 năm tuổi này quả là
một sự kiện lịch sử kỳ lạ: việc họ giữ nguyên vẹn ngôn ngữ của mình mà không cần
có sự hộ trợ của bất cứ hệ thống chữ viết nào, (trong khi họ đi xuyên qua hàng
trăm dân tộc khác) có các ngôn ngữ được cố định bằng chữ viết, đặc biệt là ngôn
ngữ Trung Hoa có tuổi đến năm mươi thế kỷ, có thể là một hiện tượng ngôn ngữ học
độc nhất vô nhị trên toàn thế giới …”
Trên đường trường chinh 5000 năm đi lên tới cực bắc rồi
lại đổ xuống phương Nam, người Mông vào Việt Nam ở đỉnh nhọn Lũng Cú – Hà
Giang, lan tiếp qua Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, rồi sang Lào, Thái Lan, Myanmar
… Tổ tiên của Vừ Già Pó, một nhánh Mông nhỏ, đã dừng lại – từ bao giờ, bao nhiêu đời rồi, ở cái làng đẹp như tranh
và đã đặt tên cho cái thung lũng đá mộng mơ đó là Mèo Vạc?
Bao nhiêu đời cho đến Vừ Già Pó hôm nay, đủ để có thể
quên tất cả … Thế tại sao, thoát được cảnh nô lệ bên Tàu, anh không trở về Mèo
Vạc thân quen. Mà lại dấn mình như một người mộng du vào một cuộc đi lạ lùng dường
đến phi lý, về một hướng lạ lùng chắc chắn trước đó anh không hề biết, chưa hề
mường tượng? Tại sao? Có tiếng gọi nào từ trong thăm thẳm của thời gian, của vô
thức mịt mùng mà lại rõ rệt, quyết liệt như một sức mạnh vật chất bất khả
kháng?
Các bạn có thể
nhìn thấy con đường đi của Vừ Già Pó trên tấm bản đồ kèm dưới đây. Từ nam Trung
Quốc, anh đã đi xuyên qua bắc Lào, bắc Thái Lan, Myanmar, vượt qua sườn
Hymalaya, sang Bangladesh, Buhtan, Népal, qua bắc Ấn Độ …, bị bắt ở Cashmire vì
đây là vùng đất tranh chấp quá ư nhạy cảm ngày nay. Vừ Già Pó đã đi 7000
kilômét! Và hoàn toàn đi bộ. Hệt tổ tiên anh đã đi bộ suốt 5000 năm từ Lưỡng Hà
lên Bắc Cực giá buốt, rồi lạị từ Bắc cực xuống Đông Nam Á nóng bức… Không biết
các quan chức an ninh của Ấn Độ hay của Pakistan đã tra hỏi anh những gì và anh
đã nói với họ những gì về động cơ của anh trong cuộc đi phi lý này? Liệu anh có
thể nói gì, khai báo gì?
Anh có thể nói gì về cái sức hút dữ dội, âm thầm, bí ẩn
đột ngột thức dậy đâu đó tận rất sâu trong anh, trong vô thức mịt mù mà lại
sáng rõ lắng đọng 5000 năm trong từng tế bào, từng li ti huyết quản của anh, một
ký ức hóa thạch đột ngột thức dậy, đột ngột tươi rói, kéo anh cắm cúi đi mãi đi
mãi về phía trước, vượt qua tất cả, núi cao và sông sâu, hệt như tổ tiên anh từ
rất rất cổ xưa. Thanh Thảo bảo rằng Vừ Già Pó không định dừng ở Cashemir đâu.
Anh còn muốn đi nữa đi nữa, căm cúi đi nữa, cho đến cái điểm ấy, mà Savina gọi
là Lưỡng Hà, đẹp biết bao nhiêu, nằm giữa hai con sông thiêng Tigris và
Euphrate … Lưỡng Hà cội nguồn của người Mông, của anh.
Vừ Già Pó chưa bao giờ đọc Savina, đương nhiên rồi.
Anh không cần đọc. Những trang ấy, những dòng thống thiết ấy vốn có trong máu
anh. Có phải cảnh nô lệ mà anh bị ném vào, mà là một người Mông anh quyết không
bao giờ chấp nhận, là một người Mông, như Savina từng viết, “dân tộc độc lập một
cách dữ dằn”, anh quyết phá tung ra, cú sốc đột ngột và mãnh liệt ấy, như vẫn
thường thấy ở những người đột nhiên đạt đến những khả năng phi thường, đột ngột
tháo mở một “luân xa” quan trọng nhất, đã đánh thức ký ức dân tộc hóa thạch
trong anh. Lớp vỏ đá ngàn năm đột nhiên tan chảy. Và Vừ Già Pó trở lại là người
Mông lữ hành vĩnh cửu từng băng qua tất cả núi cao nhất sông sâu nhất châu Á.
Tôi hiện không có cuốn “Lịch sử người Mông” của F. M. Savina trong tay, nhưng còn giữ
được trong máy một số đoạn ghi chép khi đọc sách này mười năm trước. Tôi dịch vội
những trang ấy và gửi cho Thanh Thảo. Anh gọi điện cho tôi, bảo anh đã đọc
ngay, hết sức thú vị vì những điều Savina viết, càng thú vị vì dường như nhà
dân tộc học nổi tiếng ấy nói đúng từng chút một những gì anh đã mường tượng về
người Mông khi cầm bút. Nhưng rồi anh lại nói: “Cũng may quá là anh đã dịch và
cho tôi đọc Savina sau khi tôi đã viết trường ca. Nếu được đọc trước, chắc tôi
đã không thể viết được. Bởi vì viết sau khi đã biết tất cả những điều ấy thì
hóa ra tôi sẽ chỉ minh họa lại các ý tưởng đã có sẵn đó. Văn học không phải là
minh họa bằng ngôn từ những gì đã biết bằng lý trí. Tôi chỉ có thể viết say sưa
được như đã viết khi còn tin rằng tất cả những gì mình trải ra trên trang giấy
đó là do mình sáng tạo ra, mình “bịa” ra một hiện thực hoàn toàn mới thêm cho
cuộc đời này”
Vậy đó, điều vẫn được gọi là văn học phản ánh hiện thực.
Bằng tất cả tình yêu say đắm của mình, nhà văn “đoán” về những sự lạ ở đời khiến
anh kinh ngạc và da diết cố hiểu, cố nói cho ra. Khi anh có tài thật sự, thì điều
anh ước đoán đó có thể trùng hợp, hay đúng hơn, còn thực hơn sự thực nhiều.
Như vậy ở đây có đến hai sự lạ, đều thật đẹp: sự lạ của
Vừ Già Pó vô thức đi xuyên lục địa châu Á để tìm về cội nguồn thăm thẳm của
mình; và sự lạ của nhà thơ Thanh Thảo, cũng bằng vô thức, vô thức nghệ thuật,
khám phá ra sự thật tuyệt diệu mà nhà khoa học uyên bác Savina đã tìm được về
dân tộc Mông bằng con đường chặt chẽ của lý trí khoa học.
Đẹp quá, cả hai.