Khi được tin phim “Đại thi hào Nguyễn Du” không dành được giải nào trong đợt Liên hoan phim lần thứ 22 tổ chức tại thành phố Huế, tôi hơi ngạc nhiên. Tôi nghĩ: một bộ phim tài liệu được dàn dựng công phu như thế, có ý nghĩa như thế mà không được giải là điều đáng tiếc.


VÀI LỜI TRAO ĐỔI VỚI ĐẠO DIỄN NGUYỄN ANH TUẤN VỀ PHIM “ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU”

MAI VĂN HOAN

 Thực tình khi bắt tay vào viết bài này, tôi không biết nên trao đổi với ai: đạo diễn Mai An Anh Tuấn hay tác giả Nguyễn Anh Tuấn? Bởi bài Phim “Đại thi hào Nguyễn Du”: Vì sao không đoạt giải gì tại Liên hoan phim quốc gia? được công bố gần như cùng một lúc: trên Tạp chí Nông thôn phát triển (ra ngày 20-3-2022) và Văn hiến Việt Nam (ra ngày 22-3-2022). Nội dung hai bài viết hoàn toàn giống nhau, nhưng lại ký hai tên khác nhau (Đạo diễn Mai An Anh Tuấn – Nông thôn phát triển; Nguyễn Anh Tuấn – Văn hiến Việt Nam).

Nếu là hai tác giả thì một trong hai người phạm tội ăn cắp cần phải lên án. Nếu là một tác giả nhưng ký hai tên khác nhau gửi cùng một lúc hai nơi thì xem lại động cơ trục lợi, cần xử lý nghiêm. Những tờ báo và tạp chí Trung ương có uy tín không bao giờ in lại bài đã công bố trên báo và tạp chí khác nếu chưa được sự đồng ý. Nếu đăng lại là sai quy định, uy tín của các tờ báo hay tạp chí sẽ giảm đi đáng kể.

Điều tôi muốn trao đổi đầu tiên với đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn là tại sao đạo diễn lại viết: “Trên lethieunhon.vn, tình cờ tôi được đọc bài viết rất chân thành và tâm huyết: “Phim tài liệu về NGUYỄN DU cần những tiêu chí nghệ thuật nào?” của nhà thơ Mai Văn Hoan. Có thể khi tải bài viết của tôi về trang của mình, Lê Thiếu Nhơn tự ý thay đổi đầu đề chăng? Nếu quả đúng như vậy thì tôi sẽ trực tiếp trao đổi với Lê Thiếu Nhơn để anh ấy rút kinh nghiệm. Đầu đề bài viết của tôi là: Một vài suy nghĩ khi xem phim “Đại thi hào Nguyễn Du” và được công bố vào ngày 19-12-2021, trên báo Lao Động cuối tuần.

Lẽ ra, muốn trao đổi với tôi, đạo diễn phải căn cứ bài của tôi đăng trên báo chính thống. Việc dựa vào bài người khác tải về trên mạng xã hội để trao đổi và gửi in một lúc 2 tạp chí Trung ương với 2 tên tác giả là thiếu nghiêm túc và khoa học. Ngay cái tiêu đề đã sai quá trời rồi! Tôi không bao giờ đặt cái tiêu đề “đao to, búa lớn” như vậy. Tôi chỉ ghi lại “một vài cảm nghĩ” của mình với tư cách là người xem thôi. Tôi đâu phải là nhà đạo diễn phim tài ba, đứng trên đầu thiên hạ mà đòi đặt ra những “tiêu chí nghệ thuật” cho phim.

Đọc kỹ bài viết của đạo diễn N.A.T, tôi nhận thấy điều đạo diễn muốn trao đổi với tôi chủ yếu là đoạn tôi nói về Ban giám khảo Liên hoan phim Quốc gia tổ chức tại Huế (từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 11 – 2021). Đạo diễn N.A.T cho rằng tác giả bài báo (M.V.H) “đã thẳng thừng phê phán Ban giám khảo”. Sau đây là đoạn văn duy nhất trong bài của tôi có nhắc đến Ban giám khảo: Thực tình, khi được tin phim “Đại thi hào Nguyễn Du” không dành được giải nào trong đợt Liên hoan phim lần thứ 22 tổ chức tại thành phố Huế, tôi hơi ngạc nhiên. Tôi nghĩ: một bộ phim tài liệu được dàn dựng công phu như thế, có ý nghĩa như thế mà không được giải là điều đáng tiếc. Mừng cho ngành điện ảnh nước nhà đã sản xuất được những bộ phim tài liệu vượt trội hơn phim “Đại thi hào Nguyễn Du”. Nhưng xem những bộ phim tham gia mà không dính giải nào trong một cuộc Liên hoan phim là “thất bại” như ai đó thì hết sức ngớ ngẩn.

Ban giám khảo Liên hoan phim chỉ là một nhóm người. Do thói quen nghề nghiệp, trình độ, nhận thức, định kiến, các mối quan hệ… nên không phải Ban giám khảo cuộc thi nào cũng sáng suốt, vô tư, khách quan, công tâm. Có lẽ đạo diễn N.A.T không đọc kỹ đoạn văn trên của tôi nên mới cho tôi “thẳng thừng phê phán Ban giám khảo” và “tự cho mình cái quyền đưa ra “tiêu chí riêng”, thách thức phê phán những người làm nghề – trong đó bao gồm cả những người trong Ban Giám khảo để phán xét, miệt thị và cả nghi ngờ nữa”. Đây là kiểu “gắp lửa bỏ tay người”. Người tự cho mình cái quyền đưa ra “tiêu chí riêng”, thách thức phê phán những người làm nghề không ai khác chính là đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn.

Như đã nói trên, cái tiêu đề mà đạo diễn bám vào để trao đổi đâu là phải của tôi. Toàn bài viết, tôi cũng chẳng hề đặt ra “tiêu chí” nào cho phim tài liệu cả.Tôi khen Ban giám khảo có “mắt xanh” nên chọn được những bộ phim tài liệu vượt trội hơn phim “Đại thi hào Nguyễn Du” để trao giải. Chữ nghĩa của tôi còn sờ sờ ra đấy, bói đâu ra chuyện tôi phán xét, miệt thị và nghi ngờ Ban giám khảo. Cả đoạn văn trên, đối tượng mà tôi hướng đến chủ yếu là những ai Xem những bộ phim tham gia mà không dính giải nào trong một cuộc Liên hoan phim là “thất bại” thì hết sức ngớ ngẩn. Câu: “Ban giám khảo Liên hoan phim chỉ là một nhóm người, do thói quen nghề nghiệp, trình độ, nhận thức, định kiến, các mối quan hệ… nên không phải Ban giám khảo cuộc thi nào cũng sáng suốt, vô tư, khách quan, công tâm” là tôi nói tình trạng chung của các Ban giám khảo hàng trăm cuộc thi ở nước ta hiện nay. Đó là một thực tế mà chúng ta nên “dũng cảm nhìn vào sự thật”.

Bản thân tôi cũng từng được mời làm Giám khảo một vài cuộc thi, nên tôi biết rất rõ điều này. Tôi nói “không phải Ban giám khảo nào cũng sáng suốt, vô tư, khách quan, công tâm” có nghĩa là vẫn có những Ban giám khảo sáng suốt, vô tư, khách quan, công tâm. Nhưng ngay cả những Ban khảo sáng suốt, vô tư, khách quan, công tâm đi nữa vẫn có trường hợp trao giải nhầm như thường. Thế mới có chuyện, gần đây một công trình NCLL, sau khi Ban giám khảo công bố giải đã phải ra quyết định thu hồi vì có người phát hiện tác giả của công trình NCLL đó phạm tội đạo văn. Giải thưởng chỉ là sự ghi nhận, khuyết khích sáng tạo nghệ thuật. Sự ngưỡng mộ của công chúng, đặc biệt là sự thử thách của thời gian mới là thước đo giá trị tác phẩm chính xác nhất. Ngay đạo diễn N.A.T cũng thừa nhận: “Dĩ nhiên, không thể có sự thẩm định chính xác tuyệt đối, bởi thành viên BGK cũng là những người xem – dù là “người xem chọn lọc” cũng có yếu tố cảm nhận cá nhân”.

Thế nên tôi mới cho rằng xem những bộ phim tham gia mà không dính giải nào trong một cuộc Liên hoan phim là “thất bại” như ai đó thì hết sức ngớ ngẩn. Bài viết của đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn khá dài. Ngoài trao đổi với tôi, đạo diễn còn gián tiếp trao đổi với Chủ đầu tư, các tác giả kịch bản, đạo diễn phim và người viết lời bình cho phim. Tôi tin là Chủ đầu tư, các tác giả kịch bản, đạo diễn phim và người viết lời bình sẽ có lời trao đổi lại một cách thẳng thắn, sòng phẳng với đạo diễn. Chẳng hạn, Chủ đầu tư sẽ trả lời cho đạo diễn biết có hay không chuyên “cướp công người thực hiện” như đạo diễn nêu trong bài báo của mình. Các tác giả và đạo diễn phim sẽ trao đổi sòng phẳng với đạo diễn về chuyện, đạo diễn cho họ: “Không hiểu thấu đáo về cuộc đời Nguyễn Du, kiến thức lịch sử lỗ mỗ, không đến nơi đến chốn”.

Tôi không biết đạo diễn thấu hiểu về cuộc đời Nguyễn Du và kiến thức lịch sử uyên thâm đến mức nào mà dám chê bai các đồng nghiệp một cách hồ đồ như vậy. Đoạn đạo diễn viết Tế tướng Nguyễn Nghiễm: “Người cha vĩ đại đáng kính đó đâu mong muốn con trai mình đi vào con đường của một võ tướng thời loạn mà chính Cụ đã phải thực thi một cách khiên cưỡng, đã phải gác bút cầm gươm để bảo vệ cái chính thể mạt triều Lê – Trịnh thời mục ruỗng!”. Viết như thế chứng tỏ đạo diễn N.A.T đã đứng ở góc độ người hôm nay để gán cho Cụ rồi. Chỉ có những ai “kiến thức lịch sử lỗ mỗ” mới gán ghép một cách khiên cưỡng như vậy. Đạo diễn còn cho rằng Nguyễn Khản đưa Chiêu Bảy tới gặp Trịnh Sâm là “đã hạ thấp nhân vật Nguyễn Du khi cho Chúa xoa đầu khen ngợi, động viên và dạy dỗ Nguyễn Du cứ như một nhà văn hóa lớn, một bậc chăn dân mẫu mực!”. Trịnh Sâm tuy là Chúa nhưng kết thân với Thượng thư Nguyễn Khản, thấy em trai Nguyễn Khản có tài ứng tác thì xoa đầu khen ngợi, động viên. Đó là chuyện bình thường trong đời sống hàng ngày. Đâu phải cứ là “một nhà văn hóa lớn, một bậc chăn dân mẫu mực” mới được xoa đầu khen ngợi, động viên và dạy dỗ cậu Bảy Chiêu – lúc đó chỉ là một thiếu niên đang dùi mài kinh sử, chưa là một Đại văn hào. Trường cảnh này giúp người xem biết được phần nào tài năng văn chương của Nguyễn Du sớm nảy nở, sao lại không cần thiết?

Trong phim, Trịnh Sâm đến thăm tư gia Nguyễn Khản chứ không phải “Nguyễn Khản đưa Chiêu Bảy tới gặp Trịnh Sâm” và cũng không hề có động tác Trịnh Sâm “xoa đầu” cậu Chiêu Bảy. Nguyên nhân, như đạo diễn thú nhận ”mấy tập sau tôi rất tiếc là chưa được xem”. Chưa xem, “chỉ nghe miêu tả của một số đồng nghiêp” mà đã vội phán xét thế này, thế nọ, đủ biết đạo diễn N.A.T chủ quan, cẩu thả đến chừng nào! Những người làm phim “Đại thi hào Nguyễn Du” có đủ căn cứ để kết tội N.A.T bịa đặt và xuyên tạc. Tôi cũng chưa có điều kiện tìm hiểu những thành công đáng kể nào của đạo diễn N.A.T trong lĩnh vực điện ảnh. Nghe những phán xét “xanh rờn” của đạo diễn về các bạn đồng nghiệp, tôi nghĩ chắc đạo diễn phải là người tài ba lỗi lạc lắm. Phải là người tài ba lỗi lạc lắm mới dám chê đồng nghiệp “rất non nớt về nghệ thuật điện ảnh”. Đạo diễn còn so sánh một cách xách mé “nó không bằng những phim bài tập thuộc loại trung bình non của sinh viên đạo diễn điện ảnh”.

Những người tài ba lỗi lạc thực sự họ rất khiêm tốn, chẳng có ai tự vố ngực ta đây một cách hợm hĩnh như đạo diễn đâu. Ngay cả với Vương Trọng – một nhà thơ nổi tiếng, một người am hiểu về Nguyễn Du và Truyện Kiều vào loại nhất nước hiện nay mà đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn còn chê rằng: “những lời bình hay” do nhà thơ viết đã bị “bật” khỏi bộ phim một cách rất oan uổng! Tôi tin, khi nhận lời viết lời bình cho phim “Đại thi hào Nguyễn Du” nhà thơ Vương Trọng phải bỏ nhiều công sức nghiên cứu kịch bản để viết lời bình cho thật phù hợp. Người xem rất hứng thú khi nghe những lời bình vừa uyển chuyển vừa cô đọng, sâu lắng của nhà thơ. Chỉ có đạo diễn N.A.T vì quá ư “tinh tường” mới cảm thấy những lời bình hay của nhà thơ bị “bật” ra khỏi bộ phim một cách oan uổng mà thôi.

Đạo diễn N.A.T còn quả quyết rằng với phim tài liệu chân dung các nhà văn hóa tiền bối như phim “Đại thi hào Nguyễn Du”: “tuyệt đối không có lời thoại nhân vật – ngoài lời bình, hay ngoại đề trữ tình của người làm phim về cảnh huống đời sống, về tâm trạng nhân vật mà diễn viên đang đóng thế cho nó!”. Than ôi, nếu cứ theo cái “tiêu chí” như thế thì nhân vật do diễn viên đóng thế khác gì diễn viên đang diễn kịch câm trên sân khấu. Đạo diễn N.A.T còn đặt ra tiêu chí: “Nếu có lời thoại nhân vật, phải là lời thoại triết lý, chứ không phải là lời thoại đời sống, tâm lý vụn vặt đời thường”. Than ôi, nếu hội thoại trong phim tài liệu mà chỉ toàn những lời “hội thoại triết lý” thì người xem sẽ bị “bội thực” mất thôi, đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn ạ! Đa số người xem thường không quan tâm nhiều đến chuyện “bếp núc”, chuyện “tiêu chí” này nọ của những người làm phim. Bằng mọi cách, người làm phim thu hút được sự chú ý của khán giả và truyền cho khán giả biết được những thông điệp muốn chuyển tải là thành công rồi. Với “Daghestan cuả tôi”, tác giả Gamztov xáo trộn lẫn lộn giữa thơ và văn xuôi, vẫn trở thành một tác phẩm nổi tiếng một thời. Xem xong phim “Đại thi hào Nguyễn Du”, tôi biết thêm khá nhiều điều bổ ích. Đa số khán giả ở Huế và Hà Tĩnh cũng có cảm nhận như tôi.

Tất nhiên, đòi hỏi sự toàn bích là điều không thể. Với những bộ phim có tính đột phá, trải nghiệm như phim “Đại thi hào Nguyễn Du” thì sai sót cũng là điều khó tránh khỏi. Ở phần cuối bài viết của mình, đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn tiết lộ: “Trong những ngày phim đang tiếp tục quay tiếp, tôi đã bắn tin tới các nhà sản xuất xin tình nguyện được tham gia viết lại kịch bản, tham gia dựng tiếp, dựng lại bộ phim các tập đã hoàn thành và đang hoàn thành, không cần tới một đồng thù lao, đặng khán giả có một bộ phim xứng đáng với công phu lao động khổng lồ của cả đoàn phim suốt mấy năm qua, và xứng đáng với sự chờ mong của đông đảo khán giả toàn quốc… Nhưng nhà sản xuất đã coi đó là trò đùa!”.

Tôi cũng nghĩ chắc là đạo diễn chỉ nói đùa cho vui thôi. Vì cứ phải viết lại kịch bản, dựng lại các tập đã hoàn thành theo “tiêu chí” của đạo diễn thì phim “Đại thi hào Nguyễn Du” biết đến bao giờ mới hoàn thành. Thật khó tin thời này có người tình nguyện viết lại kịch bản, dựng lại bộ phim các tập đã hoàn thành và đang hoàn thành mà “không cần tới một đồng thù lao”.