Góc nhìn của nhà văn Sương Nguyệt Minh: Các tiểu thuyết về chiến tranh in nhiều thì được 2.000 bản, ít thì 1.000, thậm chí chỉ 500 bản. Các tập thơ và trường ca về chiến tranh thì hầu như không bán được mà chỉ cho và tặng.


Văn học chiến tranh có còn chỗ trong lòng bạn đọc?

SƯƠNG NGUYỆT MINH

Văn học chiến tranh có một thời mang đậm âm hưởng sử thi, chủ đạo là ngợi ca “ta thắng, địch thua, cả nhà sum họp”. Văn học chiến tranh đã từng là trung tâm của nền văn học cách mạng và có tác dụng động viên, cổ vũ, đóng góp rất lớn vào sự nghiệp thống nhất đất nước. Tuy nhiên, giờ đây với sự bùng nổ của Internet cùng rất nhiều phương tiện giải trí hấp dẫn đã và đang lấn lướt văn hóa đọc, thậm chí có không ít người đã bỏ cả thói quen đọc sách. Vậy văn học chiến tranh có còn hấp dẫn với bạn đọc hôm nay?

Có những người đi đánh trận rồi viết, lại có người xem đánh trận, thậm chí có người chỉ  nghe kể chuyện trận mạc, đọc sách, xem phim, đi thực tế, đọc tư liệu chiến tranh… rồi viết tác phẩm về chiến tranh.

Dĩ nhiên định dạng như thế chỉ là tương đối. Bởi có ông nhà văn lúc ở nhà thì xem bộ đội cao xạ nhả đạn “chọi” nhau với máy bay Mỹ chúc đầu cắt bom; khi nhập ngũ nghe bạn lính kể chuyện, vào chiến trường và đánh nhau tơi bời rồi viết và viết hay; khi hòa bình mới kịp đi học, mới kịp đọc ngấu nghiến “kinh thiên vạn quyển”… viết càng hay.

Nhưng, có người làm phóng viên chiến trường, vẫn hành quân đi dọc Trường Sơn, vẫn ra trận theo cách đi cùng các đơn vị vào chiến dịch, có nghĩa là không cầm súng đánh nhau trực tiếp, chỉ “xem” đánh nhau, mà có thể hứng bom đạn, có thể thương tích đầy mình,... rồi viết mà vẫn hay.

Còn các nhà văn trưởng thành khi chiến tranh đã kết thúc, thậm chí chiến tranh lùi xa lâu rồi, chỉ nghe kể chuyện trận mạc, đọc và xem tư liệu, đi thực tế và viết bằng trí tưởng tượng mà vẫn hay.

Mỗi dạng nhà văn ấy đều có những lợi thế và những hạn chế nhất định khi sáng tác; thành công hay không là do tài năng, và lao động nghệ thuật ít hay nhiều, cộng thêm một chút may mắn hoặc không may nữa. Dù viết ở tâm thế nào thì cũng phải công nhận họ đã kiến tạo nên một nền Văn học chiến tranh. Cái không khí thời đại sinh thành nuôi dưỡng tác phẩm văn học nghệ thuật và rồi văn học nghệ thuật lại tác động vào con người, vào xã hội thời chiến bằng sức mạnh tinh thần thật ghê gớm.

Nhưng, bây giờ sự thể đã khác xưa lắm rồi. Văn học chiến tranh và cả mỹ thuật, điện ảnh về chiến tranh cũng đang chật vật đi đến trái tim bạn đọc, người xem. Các tiểu thuyết về chiến tranh in nhiều thì được 2.000 bản, ít thì 1.000, thậm chí chỉ 500 bản. Các tập thơ và trường ca về chiến tranh thì hầu như không bán được mà chỉ cho và tặng.

Từ khi kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là Internet không còn xa lạ, đến từng nhà, thì mối quan tâm giải trí, thụ hưởng giá trị tinh thần của con người không chỉ là văn học, nghệ thuật mà còn nhiều loại hình vui chơi giải trí điện tử khác như games, hay mạng xã hội như Twiter, Facebook, Google… và bây giờ là ChatGPT chia thị phần. Bữa tiệc tinh thần linh đình, phong phú làm cho người thưởng thức tha hồ lựa chọn.

Sự dịch chuyển đọc ebook nhiều hơn chẳng đáng lo ngại, vì đọc bằng sách giấy hay sách điện tử (ebook) thì cũng vẫn là đọc. Điều đáng quan tâm là người ta đọc cái gì, và sử dụng Internet làm gì? Theo báo cáo ứng dụng di động năm 2021 của Appota thì “người Việt dành 25% thời gian để sử dụng Facebook và 12% thời gian để xem YouTube. Xếp sau 2 nền tảng này là Zalo 7%, Messenger 6% và TikTok 4%”. Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ chia sẻ trên truyền thông rằng: "Viết văn bây giờ đã khác. Văn chương tuy là ngọn bút chiến đấu với nhiều cay đắng nhưng chưa chắc tới được người đọc". Chưa bao giờ người viết văn đứng trước sự thử thách nghiệt ngã trước các loại hình, và phương tiện giải trí như hiện nay.

Văn học chiến tranh còn cần thiết không hay bạn đọc đã quay lưng? Không! Chiến tranh là đề tài lớn, thậm chí có người nói “siêu đề tài”, luôn luôn được bạn đọc của bất cứ sắc tộc nào quan tâm. Các đề tài về tình yêu, đạo đức, văn hóa, xã hội,… còn có ngăn cách bởi văn hóa, tâm lý, cách cảm, cách nghĩ, cách tiếp nhận của mỗi dân tộc cần phải vượt qua rất khó khăn. Nhưng, cuộc chiến tranh nào thì cũng kẻ thua người thắng, cũng mất mát đau thương, có những mẫu số chung dễ chia sẻ, dễ tiếp nhận.

Nữ dịch giả Kim Joo-Young đem một tập truyện ngắn của một tác giả người Việt về đề tài xã hội đã dịch sang tiếng Hàn đến các nhà xuất bản thuyết phục họ in, cuối cùng sách cũng ra đời. Trong bài phỏng vấn của giáo sư, tiến sĩ, dịch giả Bae Yang Soon, nữ dịch giả Kim Joo Young nói rằng: “Những người trong giới xuất bản xung quanh tôi không hứng thú với tác phẩm không có chủ đề chiến tranh”. Độc giả Hàn Quốc đang ngóng trông văn học chiến tranh của Việt Nam chăng? Có lẽ đề tài chiến tranh vẫn là mối quan tâm chung của nhân loại, ở đâu trên trái đất này cũng muốn đọc văn học chiến tranh? Vậy thì, văn học chiến tranh vẫn còn đất sống, vẫn còn chỗ đứng trong lòng bạn đọc. Chỉ có điều phải viết như thế nào mà thôi.

Thời đại mới, con người mới, mỹ học tiếp nhận cũng mới. Văn học chiến tranh muốn đi vào lòng thế hệ bạn đọc mới cần phải viết khác trước, phải độc đáo, đặc sắc, dĩ nhiên là phải hay, phải lôi cuốn, hấp dẫn, dẫn dụ người đọc say mê đến trang cuối cùng cuốn sách.

Sau chiến tranh, các sự kiện, biến cố có thời gian lắng đọng lại, rõ ra, hiện lên, các nhà văn nhìn chiến tranh cũng trầm tĩnh hơn. Người sáng tạo văn chương không chỉ viết với tư cách nhà văn công dân mà còn viết với tư cách con người cá nhân. Người đọc bây giờ sẽ không đọc nổi loại truyện ngắn miêu tả một trận đánh, càng không mất thời gian đọc tiểu thuyết, trường ca kể lể con cà con kê một chiến dịch dù là chiến thắng hay thất bại. Những điều đó, phim tài liệu chiến tranh chân thực hơn, cụ thể, chính xác hơn ngòi bút nhà văn.

Trong một cuộc trà dư tửu hậu, bạn tôi - một tiến sĩ văn chương thẳng thắng bảo: “Cái điều bạn đọc chúng tôi đang cần ở văn học chiến tranh là những cắt nghĩa ngọn ngành bằng hình tượng nghệ thuật số phận dân tộc, số phận con người trong chiến tranh. Chiến tranh như là nó đã xảy ra, hay chiến tranh có thể là, phải là… theo trí tưởng tượng của nhà văn, nhưng phải chân thật”. Vâng! Chân - thiện - mỹ hoàn hảo là cái mà nhà văn phải vươn tới, là điều bạn đọc yêu cầu trong tác phẩm chiến tranh. Nhưng, nói thì dễ, làm mới thật khó làm sao. Trong trường ca “Đường tới thành phố”, ông Hữu Thỉnh đã từng viết người vợ đi hết thời thanh xuân mỏi mòn: “Hai mươi năm chị tôi đi đò đầy/ Cứ sợ đắm vì mình còn nhan sắc/... Một mình một mâm cơm/ Ngồi bên nào cũng lệch/ Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền”. Viết về chiến tranh héo hắt, chân thực như thế, chắc chắn sẽ được nhiều bạn đọc chia sẻ, thậm chí lấy được nước mắt phụ nữ.

Ông Nguyễn Minh Châu gửi gắm nỗi niềm xót xa, thương cảm vào nhân vật Thai trong “Cỏ lau” với hình tượng người vợ thủy chung, chỉ qua hai câu người chồng mới nói với người chồng cũ mà cũng thấy nhói lòng: “Nhà tôi là một thứ đàn bà cổ. Những người đàn bà chờ chồng có thể hóa đá”. Viết về chiến tranh lay động trái tim và thổn thức lòng người như thế mới hòng bạn đọc không bỏ sách.

Lại nữa, nếu ai quan tâm đến các loại hình giải trí hiện đại thì nhận ra có một đặc điểm chung là: Nhân vật anh hùng hay nhân vật kỳ quái cũng đều thiên về hành động. Thậm chí các nhân vật lính tráng, dân thường cũng chỉ hành động. Truyện tranh càng hành động, games thì quá hành động. Nhân vật tâm trạng hầu như không có. Tiếc thay, đa số tác phẩm văn học chiến tranh cũng thiên về nhân vật hành động, rất hiếm hoi nhân vật tâm lý tâm trạng. Miêu tả tâm trạng người vợ nghe tin chồng hy sinh ngoài mặt trận thế nào, tâm trạng người con gái trao trinh tiết cho người yêu trước ngày nhập ngũ ra sao, không phải tác giả nào cũng thuyết phục người đọc. Thế là, người ta đang no xôi chán chè với các loại hình giải trí đánh đấm, tiết tấu nhanh mạnh đến mức không kịp suy nghĩ, thì lại gặp các quyển sách văn học dày cộp cũng lại hành động và hành động, rất ít suy tư, khái quát, chiêm nghiệm…, làm sao khiến họ đêm đêm không ngủ cầm sách đọc. Suy tư không chỉ trong quá trình sáng tạo, mà trên từng trang sách cũng cần suy tư để lay động lòng người đọc.

Đã đến lúc, nhà văn chiến sĩ phải đứng xa cuộc chiến, đứng ngoài cuộc chiến tranh để nhìn chiến tranh bao quát hơn, khách quan, toàn diện hơn là miêu tả cụ thể chi tiết một bộ phận hiện thực, một trận đánh tấn công, hay phòng ngự, hoặc chỉ là kể lể gian khổ, hy sinh, ác liệt. Cái điều ấy, người lính chiến trận kể hay hơn nhà văn. Bạn đọc nghe người lính chiến trận dễ đồng cảm, xúc động và hấp dẫn hơn là đọc quyển tiểu thuyết chiến tranh dày cộp của nhà văn. Là nhà văn, năm tháng đi qua, ta đọc lại tác phẩm của ta viết thời chiến trận còn cảm thấy bớt hay, thậm chí không hay, thì bạn đọc đọc sao nổi?

Trong chiến tranh, đối diện với mất mát, hy sinh, với thử thách khốc liệt, con người mang lý tưởng luôn cố gồng lên quá sức mình để làm việc phi thường, hoặc đơn giản chỉ để sống và tồn tại là hoàn toàn hợp lý, dễ chấp nhận. Chuyện diễn ra tự nhiên, hợp lý và cả những việc phi lý trong chiến tranh không phải ai cũng biết, cũng viết được. Viết được thì phải dấn thân, phải sống. Sống là quá trình dấn thân phát hiện, khám phá hiện thực. Sống kỹ, sống quan sát, sống lắng nghe, sống nghĩ ngợi. Nhà văn Chu Lai cũng từng nói: “Xã hội càng ngổn ngang thì nhà văn càng có chất liệu để viết nhưng văn nghệ sĩ hiện đang chìm nổi, chết ngập trước các loại hình thông tin truyền hình, báo mạng, Facebook... Tất cả cũng góp phần khiến văn học đọc bị chìm. Nhà văn phải có cái đau đáu, đau đời để viết nhưng hiện không có ai dám sống, dám dấn thân bỏ phố thị phồn hoa để đi 5-10 năm rồi trở về viết một cuốn sách 500-600 trang”.

Bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc trẻ đang “dan díu” với những games, mạng xã hội, truyện tranh…, họ không thể bỏ nó ngay để đọc những tác phẩm văn học chiến tranh viết một cách dễ dãi, hời hợt, sống sít và cẩu thả. Sống và dấn thân, không chỉ nghĩ mới, nghĩ lớn thể hiện ở cách kể chuyện, mà còn ở nghệ thuật sử dụng ngôn từ với lao động nghệ thuật nghiêm túc, chuyên nghiệp chính là tôn trọng bạn đọc, thì không lo bạn đọc quay lưng. Văn học chiến tranh vẫn có chỗ đứng trong lòng người đọc.