Nguyễn Chí là nhân vật thành công nhất của tiểu thuyết Công
chúa Đồng Xuân. Sau mỗi trải nghiệm, mỗi sự kiện dù cam go ác liệt hay âm
thầm lãng mạn; chàng đều có chiêm nghiệm để dần trở nên thấu hiểu con người và
thời cuộc.
Vận thế vần xoay
VĂN CHINH
Tôi không thể hình dung đồng bằng sông Cửu Long khi
chưa được khai phá là thế nào, khi tôi đến, nó đã hơn 300 tuổi, đã thành vựa
lúa với các làng quê trù mật; dấu vết cuối cùng còn sót lại là người ta gọi “ấp”
thay cho “thôn”, “làng” [bản, phum sóc…] Từ điển Thiều Chửu: Ấp (邑) “Một mình đứng ra chiêu tập mấy người
khác ở chung một chòm để cùng nhau khai khẩn ruộng vườn”.
Truyện ngắn “Rừng mắm” của Bình Nguyên Lộc, khảo cứu “Tứ giác miệt vườn” của Sơn Nam chỉ như một gợi mở để
hình dung một cách khó khăn và lại còn thêm hấp dẫn bí ẩn hơn nữa. Cũng vậy khi
đọc xong “Công
chúa Đồng Xuân” của
Trần Thùy Mai, tôi chợt hình dung: Còn một cánh đồng hoang nữa, cánh đồng hoang
lịch sử chưa khai phá về mặt tiểu thuyết. Đó là nhà Nguyễn vào cuối đời vua Thiệu
Trị, cả đời vua Tự Đức, loạn tứ nguyệt tam vương rồi nối vào đời vua Thành
Thái. Đây là nửa thế kỷ dân tộc rơi vào bi kịch - của cả vua quan lẫn dân
chúng; khi buộc phải lựa chọn giữa canh tân [đổi mới] để cường thịnh, văn minh
hay đánh Tây để giữ gìn độc lập cùng mọi hủ tục hay mỹ tục đã trở nên lỗi thời
được tích lũy sau nghìn năm độc lập tự cường?
Thực ra, bối cảnh của “Công chúa Đồng Xuân” chỉ là đoạn sông Hương từ Huế đổ ra
cửa bể Thuận An, thượng nguồn là tiểu thuyết “Từ Dụ Thái hậu” của cùng tác giả với chủ lưu là tranh
đoạt ngôi vua, quyền lực trong nội cung câu kết với quan lại triều chính. Xung
đột nội cung chỉ chấm dứt khi bà Thái hoàng Thái hậu Trần Thị, vợ thứ vua Gia
Long mệnh chung. Thay bà, là Từ Dụ Thái hậu họ Phạm đức độ từ tâm, là thân mẫu
vua Tự Đức; là hiện thân tư tưởng nhà Nguyễn hướng tới: Hòa ái với Hoàng gia [để
sám hối vụ án mẹ con Tống thị - Mỹ Đường]; khoan thứ sức dân để mưu đồ đời đời
yên vị ngai vàng; khai mở học vấn ở vùng đất thang mộc với việc lấy đỗ lần đầu
tiên một tiến sĩ quê Nam bộ Phan Thanh Giản rồi dùng làm Thượng thư cận thần; bắt
đầu có giao thương với các nền kinh tế lớn: Hương Cảng, Pháp, Bồ Đào Nha...
Có thể ví tư tưởng nhà Nguyễn đến sau đời Thiệu Trị là
khúc sông Hương chảy ngang qua Huế: Thơ mộng, hiền hòa, trù phú. Các sách du ký
của người Pháp và châu Âu xuất bản vào đầu thế kỷ XIX đều cùng nhận định: Đại
Nam là đế quốc thịnh vượng nhất vùng Đông Nam Á. Vâng, tôi không cho rằng, trước
họa Pháp xâm lăng, Đại Nam ở vào thế nghèo nàn lạc hậu như một số sử liệu đời
sau công bố.
Vậy Đại Nam mất nước/ bị đô hộ vì đâu?
Vì trước hết là tai họa tranh giành quyền lực giữa các
phe phái liên miên không dứt và càng về sau càng trở nên khốc liệt. Vào thời Từ
Dụ cai quản, nội cung tương đối êm đềm; chỉ đến khi Tự Đức và Thái hậu đều buộc
phải nhìn thẳng vào sự thật rằng, vua không thể có con, buộc phải nhận con cháu
trong Hoàng tộc làm con nuôi và giao cho Trung phi Vũ Thị Duyên – chính thất
nuôi Ưng Chân, Lượng tần nuôi Ưng Đăng, Thiện phi nuôi Ưng Thị thì mầm họa mới
xuất hiện. Nó bắt đầu bằng các nhóm toan tính phò tá kẻ nối ngôi vua. Loạn tứ
nguyệt tam vương chi phối gần như toàn bộ tâm trí của triều chính, không còn mấy
cho kế sách giữ vận nước đang như trứng để đầu đẳng cân lại.
Thật xót xa, Tự Đức là ông vua nhân từ, không giết một
ai mà chưa qua xét xử; là người tài trí vào bậc nhất trong các vua nhà Nguyễn
nhưng lòng dạ lúc nào cũng bấn loạn bởi các thế lực tranh quyền; loạn Chầy Vôi
nhằm lật đổ ngai vàng chỉ là một ví dụ còn xa mới thành công nhưng là một ví dụ
ám ảnh. Trong triều thì vậy, ngoài kia Pháp đã chiếm ba tỉnh miền Đông; triều
đình buộc phải ký Hiệp ước Nhâm Tuất (1862) giặc lại đang toan tính lấy nốt ba
tỉnh miền Tây, rồi sau đấy là Bắc kỳ. Hơn ai hết, nhà vua hiểu rằng, ngoài tội
bất hiếu không có con nối dõi, ông còn bị lịch sử trách tội làm mất một phần đất
đai do tổ tiên để lại. Trong tiểu thuyết, những trang viết về tâm trạng lo sợ,
hối hận của vua Tự Đức thật và sâu sắc. Tác giả cũng thật khách quan, biện chứng:
Về mặt trách nhiệm chính trị, nhà vua là tội đồ của lịch sử. Nhưng về mặt con
người, ông là kết tinh của nỗi bi thảm thời thế, là chỗ oằn gẫy của áp lực
tranh đoạt ảnh hưởng và thị trường của phương Tây đè lên phương Đông.
Nguyên nhân mất nước thứ hai: Không có chiến lược phù
hợp với lực lượng, vũ khí thua kém kẻ xâm lược.
Âm mưu tranh đoạt trong “Từ Dụ Thái hậu” mới chỉ từ nội cung kết nối lợi ích
nhóm với triều chính, còn ở “Công
chúa Đồng Xuân”, nó
bắt đầu từ Hoàng tộc vắt qua triều chính mà nối dài đến vấn nạn sát hại Giáo
dân, dùng tư tưởng đánh Tây làm ngọn cờ [Tờ biểu của Hoàng thân Hồng Tập có
câu: “Tiên tận sát Tả dân, hậu quyết chiến Tây tặc”]. Cái đuôi của vụ Loạn
Chầy Vôi là Đoàn Châu và Cúc Tần đều trở thành các vai nữ chính trong vở kịch
“nhân danh”: Họ cầu viện nhà Thanh, trước đó thì quân Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc –
đoàn quân vừa đánh Tây vừa cướp của, hãm hiếp, giết người [Việt]. Và như một
logic tất yếu, khi có quyền hành Cúc Tần quay trở lại trả thù ân nhân cũ là
công chúa Gia Phúc [vì mặc cảm thân phận chủ tớ], người từng cứu mạng cô trong
khi chạy trốn khỏi sự truy bắt của quân triều đình rồi sau nữa Cúc Tần ra tay
giết hại giáo dân ở giáo phận Nước Nhỉ - là một giáo phận vào hàng đệ nhất nước
Nam sống an lành, trù mật trong Phúc Âm.
Đoàn Châu vốn thầm yêu Nguyễn Chí, chàng trai miền Nam
giỏi võ, phong lưu tài tử. Chí là bè bạn với anh em Đoàn Trưng, Nguyễn Lâm… Họ
có lòng yêu nước, đều đồng lòng chống Tây nhưng bằng các cách khác nhau. Chí đến
Kinh đô lần này là để dâng tờ biểu HÒA TỪ và qua Thái hậu Từ Dụ, nó
đã đến tay vua nhưng nó đến sau khi các phái HÒA, CHIẾN đã ngã ngũ, khiến ngài
không cả đọc hết tờ biểu mà cả quyết đọc Chiến dụ cho Trung Lương soạn thảo để
ngài phê duyệt. Vậy là cả tháng giời chờ chực thành công cốc, ngoại trừ chàng gặp
được công chúa Gia Phúc bằng cái cơ duyên kịp đỡ nàng khỏi ngã trên cây gãy
cành xuống đất, lại nhặt được mảnh khăn thơm mà chàng gọi là khăn của tiên sa.
Còn một mối duyên nữa, duyên thầm là Đoàn Châu, em gái Đoàn Trưng thầm yêu mến
chàng. Hai cái cơ duyên rồi ra sẽ thành phúc họa đời Chí.
Thực ra, HÒA TỪ là kết tinh của giới tinh hoa ngoài hệ
thống quyền lực, các linh mục, các trí thức miền Nam – nơi sớm có ảnh hưởng tân
học do sở học và môi trường tư tưởng Tây phương. Họ nhìn ra ý đồ của Pháp, muốn
mượn đất Sài Gòn làm bàn đạp, là cảng trung chuyển để tiếp cận với thị trường
Trung Quốc bao la [như Vương quốc Anh mượn Hương Cảng hay như chính Pháp mượn
sông Hồng về sau] ba tỉnh miền Đông chỉ là vùng đệm giữ cho vững Sài Gòn. Cũng
qua thực tiễn, họ nhận thấy dân chúng ba tỉnh này dưới cai trị của Pháp được sống
và buôn bán thịnh vượng hơn phần còn lại của đất nước.
Và họ xác quyết rằng, nhà vua cần HÒA, “nhường cái phần
đã mất trên thực tế” cho Pháp, tránh chiến tranh, tranh thủ hòa bình để buôn
bán với chính nước Pháp làm cho đất nước cường thịnh hơn để chờ cơ hội đánh đuổi
được Tây, thu hồi lại phần đất đã mất. Chưa biết rằng nếu để Pháp “nuốt ngon”
ba tỉnh miền Đông rồi thì, với lòng tham vô tận của bọn thực dân – bọn “tiền
tích lũy tư bản” liệu chúng có tiếp tục tìm cớ cướp cho gọn Đại Nam hay không.
Nhưng biết chắc, nếu tranh thủ hòa hiếu, canh tân đất nước để trở nên cường thịnh
hơn thì cái âm mưu cướp nước của giặc cũng không thể dễ dàng thực hiện. Vua Tự
Đức từng mua tàu bọc đồng [dạng second hand và lại là một vấn nạn khác, thuộc
dân trí và tham nhũng] và như vậy, nếu canh tân đất nước để trở nên giàu mạnh,
đổi mới sở học để gấp rút nâng dân trí; thì cái việc mua đại bác của Anh, Tây
Ban Nha qua ngả Hương Cảng hay Bangkok là hoàn toàn trong tầm tay.
Vả lại, chính vua Tự Đức từng tự hỏi, đánh Tây ngay
thì ai đánh, đánh bằng vũ khí nào? Đại đồn Kỳ Hòa tốn hầu như toàn bộ ngân khố,
với viên đại tướng lừng danh Nguyễn Tri Phương chỉ huy, cũng chỉ cầm cự được
hai ngày thì đồn lũy tan tành, quân tướng tan tác; chính Nguyễn Tri Phương bị
khép tội trảm giam hậu. Cũng chính danh tướng Nguyễn Tri Phương với thành Hà Nội
xây từ thời Đại Việt có thành Sơn Tây, Bắc Giang, Lạng Sơn làm thế ỷ giốc và với
một thế trận lòng dân sôi sục lòng yêu nước căm thù giặc mà cũng chỉ giữ được
ba ngày thì thất thủ, chính ngài phải tuyệt thực mà tự vận với thành. Trận thua
còn khiến con trai ngài, phò mã Nguyễn Lâm bị chết trận, con dâu ngài, công
chúa Đồng Xuân lâm vào một số phận bi đát, nàng bị sa vào vụ án oan loạn luân -
vết nhơ thứ hai của lịch sử triều Nguyễn.
Mà thành Hà Nội với danh tướng Nguyễn Tri Phương chỉ
huy đã thất thủ không hoàn toàn bởi quân đội Pháp. Trên danh nghĩa, ông thua
viên Đặc phái của Pháp súy tại Sài Gòn ở Bắc kỳ là đại úy F.Garnier, nhưng thực
tế là thua tên bảo kê thuyền buôn kiêm tướng cướp người Pháp là Jean Dupuis.
Trước khi đại úy Garnier đến Hà Nội, J.Dupuis đã nhiều lần neo thuyền trên sông
Hồng cạnh thành Hà Nội, hách dịch đòi nhà đương cục mở sông Hồng cho thuyền
buôn của chúng lên Vân Nam. Cũng chính y dùng thuyền đi đón F. Garnier; 150 tên
lính của y là lực lượng nòng cốt tấn công thành Hà Nội; các pháo thuyền
Scorpion và Espignole dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Balny d’
Avricourt chỉ có 60 tay súng. Vâng, không phải danh tướng Đại Nam cùng
lòng yêu nước của sĩ dân thua trận, ở đây là vũ khí thua vũ khí, phương Đông
thua phương Tây.
Lịch sử cũng ghi nhận, Lưu Vĩnh Phúc chém được
F.Garnier ở Cầu Giấy. Nhưng tiểu thuyết kể, Nguyễn Chí [hiện phò tá Đồng Xuân
công chúa ra Bắc thăm chồng] trong loạn quân gặp lại Đoàn Châu đang vào vai một
sư ông ở chùa Thanh Đình để làm điệp vụ, chàng đã vào vai đầu bếp của giặc,
nghe F.Garnier trao đổi với tùy tùng, sáng sớm mai sẽ tấn công lên thành Sơn
Tây; nghe bằng tiếng Pháp, cố nhiên; trong khi bọn giặc kiêu ngạo đinh ninh mọi
dân Nam đều bị “điếc.” Chí đã kịp báo với Đoàn Châu tin mật này, Hoàng Tá Viêm
đã sai Lưu Vĩnh Phúc thi hành kế phục binh và đã chém đầu giặc. Đây là minh chứng
thêm vào của luận điểm muốn đánh thắng giặc, phải hiểu được giặc, phải ngang
cơ!
Nguyên nhân mất nước thứ ba: Mượn sức cáo cùng mình
xua mãnh hổ.
Sau khi Hà Nội thất thủ lần thứ hai, đại thần Hoàng Diệu
thủ tiết, Hoàng Tá Viêm còn mượn sức nhà Thanh cùng quan quân triều đình đánh
Pháp nhiều trận trong thế giằng co. Bấy giờ Tôn Thất Thuyết đã nắm Bộ Binh, Cơ
mật viện, quyền thế áp đảo, thi hành nhiều chính sách tàn độc, thậm chí là giết
vua lập vua theo phe cánh của mình. Tôn ra mặt mượn binh nhà Thanh kịch liệt chống
Pháp. Tôn lạm giữ quyền Binh Bộ, ở Kinh đô mà đánh giặc ngoài Bắc; còn Hoàng Tá
Viêm là tướng chiến trường; ông dần dà nhận ra, chứng cứ ngày càng rõ rệt, rằng
nhà Thanh đang mượn cớ đánh Pháp mà xâm lược nước nhà; ông đã cùng tàn binh về
triều chịu tội để tìm kế khác.
Viên tùy tướng trung thành của Hoàng Tá Viêm là Hữu Ngạo,
từng có tên Hãn Mã trong một gánh xiếc. Chàng con Đoàn Hữu Trưng, từng bị tội
tru di bởi vụ án Loạn Chày Vôi, được Đoàn Khánh nuôi chờ đủ tuổi 15 mới thi
hành án. Hãn Mã theo học võ thày Nguyễn Chí cùng Tri Kiểm, cháu đích tôn danh
tướng Nguyễn Tri Phương, ở trong phủ Đồng Xuân. Hoàng đã sai tùy tướng Hữu Ngạo
tập bắn súng như một ẩn dụ về việc thay đổi tư duy của ông, phải học cách đánh
khác, cách của chính kẻ xâm lược. Nhưng lần bắn đạn thật thứ nhất, Hữu Ngạo bắn
vào chiếc khóa đồng cột các Tả dân vào chuỗi dây xích sắt, trả tự do cho họ lại
là một ẩn dụ khác: Cách khác ấy chính là bỏ sát hại Giáo dân, do Tôn Thất Thuyết
sai khiến các nhóm Văn thân; họ“Tiên tận sát Tả dân, hậu quyết chiến Tây tặc”.
Cử chỉ của Hữu Ngạo, nhưng mà đánh dấu bước chuyển quan trọng của viên tướng
công huân Hoàng Tá Viêm, ông nhận ra, Văn thân chưa đánh Tây được mấy nhưng
đánh dân [theo Đạo Gia to] thì thây phơi đầy đồng, suốt từ Bắc vào Trung phần Đại
Nam. Còn lần bắn đạn thật thứ hai, Hữu Ngạo bắn vào thái dương mình. Chàng hiểu
mình mãi mãi không sao trở lại là chính mình sau mấy mươi năm mai danh ẩn tích,
một kết thúc không thể khác, chàng không được gánh sứ mệnh báo quốc, cũng chưa
biết làm cách nào để gánh, trước mắt là loạn lạc, không có cõi bình yên cho cuộc
sống để chàng làm người đàng hoàng.
Chiến cuộc xô đẩy Tri Kiểm vào một nhóm Văn thân sát Đạo,
để chàng gặp lại gia tướng kiêm thày dạy võ của mình là Nguyễn Chí trong cuộc
tàn sát giáo dân xứ Nước Nhỉ. Chàng trở thành ẩn dụ về ngu trung, lại là ẩn dụ
về giới tinh hoa triều đình bị cái ác của phái chủ chiến Tôn Thất Thuyết sai
khiến; cái tinh thần tôn sư với nền tảng đạo Nho còn sót lại ở Tri Kiểm, vừa đủ
để chàng tha thày Nguyễn Chí, tạm dừng vụ sát Đạo do thày dẫn đầu tranh đấu
trong hòa bình; còn chính sứ mệnh mình thì vẫn mờ mịt tối tăm.
Vì đâu mà một danh gia vọng tộc như Nguyễn Tri Phương
rơi vào cảnh nước mất nhà tan; cháu đích tôn Tri Kiểm lâm cảnh tối tăm mù mịt
mà xét về đạo làm con, chàng còn mang tội bất hiếu?
Ở trên, chúng ta nhận ra nguyên nhân từ cái sai lầm
chiến lược của triều đình Tự Đức. Đến đây, câu trả lời còn nằm ở chỗ cuộc tranh
đoạt quyền lực đã đến lúc hung hiểm một mất một còn. Với tất cả mẫn tiệp của
mình, vua Tự Đức luôn luôn không muốn trọng dụng Tôn Thất Thuyết. Nguyễn Văn Tường
cũng biết thế, nhưng ông ta lại biết thêm rằng, trên bàn cờ thế lực, ông không
thể bằng đại thần kỳ cựu Trần Tiễn Thành. Ông ta bền bỉ bảo cử, lôi bằng được
Tôn Thất Thuyết vào triều để từng bước cả hai dồn Trần vào thế ngồi chơi xơi nước.
Ông ta chỉ không biết trước cái tai họa rước hổ vào triều, cũng như Tôn Thất
Thuyết không biết mượn sức nhà Thanh là rước sói vào nhà.
Nhà văn với sự chừng mực cần thiết, đã không xoáy sâu,
không nói rõ rằng Thuyết không biết thật hay giả vờ không biết; nhưng cái loạn
tam vương sau khi Tự Đức băng hà, cái kết cục xử tội Trần Tiễn Thành, vụ vu oan
giá họa Hoàng thân Hồng Hưu loạn luân với công chúa Gia Phúc để bị xử tội chết,
chính Thành bị đày còn chủ soái của phe chủ CHIẾN là Thuyết thì cha con cùng chết,
vua Hàm Nghi bị Pháp đày sang Angeri còn tàn dư của nó là các nhóm Văn thân tiếp
tục giương cờ chống Tây để đi tàn sát người Việt theo Đạo. Những kết cục ấy chứa
đựng tư tưởng nghệ thuật của tác giả, với hai viên tướng trẻ của Đại Nam Hữu Ngạo
và Tri Kiểm như các ẩn dụ chói lóa.
Đồng Xuân công chúa có nhiều mối tình, chúng
giăng mắc nhau như mạng nhện. Đúng ra là những mối nhân duyên: Nguyễn Chí thầm
yêu công chúa Gia Phúc, Đoàn Châu thầm yêu chàng, chồng Gia Phúc là Nguyễn Lâm,
bạn Chí. Tình yêu của Chí thật đẹp và lạ: Lần gặp đầu tiên là chàng kịp ôm đỡ
công chúa ngã từ trên cây, mùi hoắc hương rồi ra ám ảnh chàng suốt đời. Lần gặp
thứ hai, chàng truy đuổi Cúc Tần trốn trong phòng vợ chồng nàng, nhìn thấy nàng
nằm hớ hênh sau ân ái với chồng – vụ ân ái cố tình nhằm che đậy Cúc Tần
trốn dưới gậm giường; cuộc gặp thật éo le. Những ngày gần nhau gang tấc mà lại
trong thân phận chủ tớ, gia tướng của vụ nàng ra Bắc thăm chồng rồi đưa nàng hồi
gia với những hồi hộp, lo lắng khi cái chết cận kề, chàng giải cứu nàng dưới mật
đạo cạnh sông Lam – nơi chàng và nàng bị quân Văn Thân Nghệ An bắt giam cùng
các Giáo dân. Hẳn là qua hàng chục năm giời bên nhau như thế, Gia Phúc cũng lờ
mờ nhận ra tình yêu câm nín của chàng và nàng, sau mấy năm góa bụa thờ chồng, sức
sống nàng bật dậy, hồi xuân thì hẳn nàng cũng âm thầm yêu thương chàng. Những
trang viết về hai lần họ giao ái thật lãng mạn và cũng thật độc lạ, cả hai đều
trong đêm, dưới “ánh đuốc” đưa dẫn của hương hoa thanh trà. Tưởng như tình dục
không khởi từ trái tim yêu mà từ hương hoa thanh trà cùng nỗi cô đơn của góa phụ
đã cộng lực bật thức, khởi động.
Kết quả cuộc ân ái sau là con gái, do mẹ thất tiết mà
bị giáng từ công chúa xuống nô tỳ. Đây là ẩn dụ nghệ thuật tinh tế. Nguyễn Chí
hiện thân của tinh hoa trí thức thời đại, chàng tự do, chỉ bị câu thúc bởi tình
yêu thương, hòa ái, yêu nước – chàng gần Thiên Chúa hơn là đạo Nho, đạo Phật.
Gia Phúc lại là hiện thân khác của khát vọng tự do, là con vua, được mẹ đích là
Thái hậu Từ Dụ nuôi từ bé trong cung Gia Thọ nhưng thường trốn cung ra ngoài đi
chơi cùng anh em họ bên phủ Gia Hưng, đặc biệt quý trọng Hoàng thân Hồng Hưu là
trí thức kết tinh giữa nền tảng Hán học với tân học phương Tây, hiểu chuyện và
hiểu thời thế.
Có lẽ cái hồn
nhiên ngây thơ của khát vọng tự do ở cô em họ đánh thức và nuôi dưỡng cái mới
trong ông, để ông khả dĩ tiếp cận với nền chính trị quân chủ lập hiến từ phương
Tây đến. Oái oăm thay là hoa của khát vọng tự do lại nở ra quả nô tỳ sau khi cuộc
kết đôi ấy bị thời thế, bị cuộc tranh bá đồ vương và bị cuộc chiến không cân sức
xô đẩy, quăng quật, dập vùi. Cái chết của nàng lại là một ẩn dụ khác, tự do
không gặp thời, tự do không thể tự vận phép khinh công mà bay qua bức tường của
danh phận, của phép tắc thủ cựu và các định kiến nghiệt ngã của nghìn
xưa.
Nguyễn Chí là nhân vật thành công nhất của tiểu thuyết Công
chúa Đồng Xuân. Sau mỗi trải nghiệm, mỗi sự kiện dù cam go ác liệt hay âm
thầm lãng mạn; chàng đều có chiêm nghiệm để dần trở nên thấu hiểu con người và
thời cuộc. Và như thế, tâm lý tính cách Chí luôn chuyển động, luôn hòa ái;
nhưng khi cần thì cũng bùng nổ một chân lý trái ngược với thường hằng: Ngay sau
khi Cúc Tần chém cụt chân chàng với vẻ mặt kiêu ngạo của kẻ coi sát Đạo là nghề,
chàng đã nén đau mà chồm lên, chém bay đầu Cúc Tần như một triết lý thêm vào của
nhận thức chàng: Không thể hòa ái với cái ác đã thành “sự nghiệp” của con người,
cái ác được nhân danh ngọn cờ yêu nước.
Đoàn Châu từ nhóm Văn thân sát Đạo trở về sống bên
Nguyễn Chí lại mang một triết lý khác. Là người của Hoàng Tá Viêm, bên cạnh biến
chuyển nhận thức ra cái sai lầm mượn cáo về nhà trừ hổ, cái thực tế chiến trường
đánh Tây toàn thua chỉ đánh dân Đạo là toàn thắng của chủ tướng Hoàng và cậu em
con cậu Hữu Ngạo, nàng đã buông gươm mà về bản quán, cùng Chí nuôi đứa con gái
mồ côi, đứa con của tự do mang thân phận nô tì của Chí và Gia Phúc. Họ mở “quán
bên đường” để phụng sự một tương lai đất nước: Những Ngô Đức Kế, Phan Châu
Trinh, Nguyễn Sinh Sắc khi vào kinh thi Hội, đã lưu trọ tại đây.
Vâng, vận thế vần xoay, ngay cả khi bí cực nhất, thái lai của đất nước bao giờ cũng xuất hiện. Cổ đại đã vậy. Cận đại cũng vậy. Nhưng vì vậy mà những cuốn sách viết chân thực về thời bĩ cực bao giờ cũng hàm chứa những bài học cho hôm nay và mai sau. “Công chúa Đồng Xuân” là cuốn sách như thế.