Từ khi làm cố vấn cho phim "Người tình", Sơn Nam không còn lè phè như trước, mà áo quần thẳng thớm, phẳng phiu, áo bỏ trong quần, đầu đội mũ, vai đeo chiếc cặp con đựng giấy tờ, bản thảo.


Bên lề văn chương với ông già đi bộ SƠN NAM

PHẠM CHU SA

Sơn Nam tên khai sinh là Phạm Minh Tày (đúng tên là Tài, nhưng giấy khai sinh viết sai, sau này chiết danh là Tày), sinh năm 1926 tại U Minh Thượng, Kiên Giang. Ông tuổi con cọp, cùng tuổi Bùi Giáng. Hai ông cùng có bộ dạng khá bụi, bất cần đời, cùng lang bạt khắp Sài Gòn - Gia Định. Ông thi sĩ từ xứ Quảng miền Trung vào, ông văn sĩ từ xứ U Minh cực Nam Tổ quốc lên.

Thời kháng chiến chống Pháp (1946 -1954), Sơn Nam làm Báo "Tiếng súng kháng địch" của Ủy ban Kháng chiến Tây Nam bộ. Bà Nguyễn Hồng Châu, trước khi lấy thi sĩ Nguyễn Bính cũng làm ở báo này. Sơn Nam và Kiên Giang - hai cây bút trẻ, qua bà Hồng Châu đã quen thân với Nguyễn Bính, nhưng chỉ nhà thơ Kiên Giang là ảnh hưởng sâu đậm tính cách con người và thơ Nguyễn Bính - như tự nhận. Kiên Giang hay bảo, văn học Nam bộ, Sơn Nam là số một!

Năm 1954, Sơn Nam và Kiên Giang không xuống tàu tập kết mà ở lại miền Nam, sau đó lên Sài Gòn viết văn viết báo. Sơn Nam cộng tác với các báo, tạp chí có phong cách Nam bộ như Đuốc Nhà Nam, Đại dân tộc, Điện tín, Hương quê…, chuyên viết về Sài Gòn và vùng đất Nam bộ, nên khi tuổi đời mới trên dưới năm mươi đã có biệt danh là "Ông già Nam bộ". Rồi lại có thêm biệt danh là "Ông già đi bộ" vì chưa khi nào thấy ông chạy xe máy hay xe đạp.

Áo bỏ ngoài quần, chân mang dép, đầu không mũ, ông đi khắp Sài Gòn, Gia Định. Thường là đến các tòa soạn báo, nhà xuất bản hay ngồi một quán cóc vỉa hè kêu ly cafe đen "xây chừng". Xây chừng là cafe đen ninh lọc trong túi vải, còn gọi là cafe bít tất, ông đổ cafe ra dĩa thổi cho mau nguội để húp vội, còn tiếp tục đi. Cách uống cafe ngồ ngộ này rất khác với phong cách của các nhà văn, nhà báo gốc miền Bắc, miền Trung thường ngồi nhâm nhi một cách nhàn hạ.

Sơn Nam viết nhiều, hầu hết là viết về con người và vùng đất Nam bộ, nhưng tác phẩm được độc giả yêu thích và tái bản nhiều  nhất là tập truyện "Hương rừng Cà Mau". Trong truyện ngắn lấy làm tựa cho tập truyện nổi tiếng này, Sơn Nam có in kèm bài thơ "Hương rừng Cà Mau" lời tuy đơn sơ nhưng rất xúc động.

Tôi biết và quen Sơn Nam từ năm 1972 khi thỉnh thoảng gặp ông ở nhà phát hành Sống mới trên đường Phạm Ngũ Lão hay nhà phát hành Đồng Nai ở đường Đề Thám. Ông đến lấy tiền nhuận bút sách mới in hay bán bản thảo mới viết. Một đôi khi gặp ông ở quán cà phê cóc gần các tòa soạn báo trên đường Võ Tánh (nay là Nguyễn Trãi, quận 1 - trước 1975 là nơi tập trung nhiều tòa soạn báo - được coi "con đường báo chí"). Có lần tôi hỏi: "Anh đi bộ giỏi thật, nhưng sao anh không kiếm cái xe máy, xe đạp đi cho đỡ mỏi chân?". Sơn Nam bảo: "Qua đi bộ có thời giờ nhìn ngắm, suy nghĩ về những sự việc xảy ra, chứ như chú em đi xe, cứ cắm đầu cắm cổ chạy, đâu thấy được cái hay cái đẹp của đời sống quanh ta". Ông đi, nghe, thấy và ghi chép, rồi viết thành những tác phẩm nghiên cứu tâm huyết về vùng đất và con người Nam bộ, thành di sản.

Sau 1975, khi Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh thành lập, trụ sở ở 81 Trần Quốc Thảo quận 3, thỉnh thoảng tôi thấy Sơn Nam vào Hội Nhà văn - cùng tòa nhà Hội Văn nghệ, đến trưa ông ghé quán bia - căn tin trong khuôn viên Hội, lai rai bia hơi, tán gẫu với đám văn nghệ sĩ hậu bối rất dư thời gian! Mấy bạn nhà thơ, nhà văn trẻ rất khoái ngồi tán với "ông già Nam bộ" để nghe ông kể chuyện tiếu lâm kiểu Bác Ba Phi hoặc giảng giải những phong tục tập quán cùng những phương ngữ Nam bộ trong các tác phẩm của ông.

Năm 1988, nghe Sơn Nam đi Liên Xô với Nguyễn Quang Sáng và mấy nhà văn, nhà thơ ở Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh. Tôi đến thăm, hỏi anh đi Liên Xô về có chuyện gì hay ho không. Ông nghiêm mặt, không đi sao biết được xứ người ta rất lịch sự, văn minh. Sơn Nam bảo, người Nga rất có cảm tình với người Việt Nam mình. Ông khen phụ nữ Nga có vẻ đẹp chơn chất. Ông nheo nheo mắt kể nhiều chuyện khá thú vị về Liên Xô. Trò chuyện gần hết buổi sáng, trước khi chia tay, ông ký tặng tôi cuốn sách mới xuất bản "Đất Gia Định xưa" in trên giấy tái chế sần sùi đen nhèm!

Cuối năm 1989, qua sự giới thiệu của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Sơn Nam được hãng phim Pháp mời làm cố vấn về phong thổ và tập quán người miền Tây để thực hiện phim truyện "L'amant" (Người Tình). Họ chọn bối cảnh thị xã Sa Đéc theo nguyên bản tiểu thuyết "Người Tình" của nữ tiểu thuyết gia nổi tiếng Marguerite Duras và vùng sông nước miền Tây Nam bộ và một số cảnh Sài Gòn - Chợ Lớn - dĩ nhiên phải phục dựng như những năm ba mươi của thế kỷ trước để dựng phim.

Bối cảnh phim được phục dựng khá công phu: Ví dụ riêng cảnh quay ở chợ Xã Tây thuộc khu vực Chợ Lớn là bối cảnh khách sạn, nơi đôi tình nhân Hoa - Pháp thỉnh thoảng đến thuê ở mỗi khi cô nữ sinh người Pháp nhà nghèo này lên thành phố gặp chàng công tử người Hoa. Đoàn làm phim xin chính quyền thành phố cho phép họ đổ đất đỏ lên mặt đường Phù Đổng Thiên Vương cho giống con đường những năm 1930 (quay xong họ sẽ cho tẩy rửa, phục hồi lại mặt đường như cũ). Còn ở vùng Sa Đéc xưa - nơi mẹ bà Marguerite Duras là cô giáo nghèo góa chồng dạy học thuở ấy, họ nhờ Sơn Nam cố vấn phục dựng lại cảnh cũ giống như ngày xưa nhất có thể.

Phim quay xong, họ trả ông một khoản thù lao khá lớn. Bấy giờ văn phòng Hãng phim Giải Phóng - đơn vị hợp tác với hãng phim Pháp) - có cô thư ký trẻ đẹp thấy ông có món tiền lớn nên có lời ghẹo nửa đùa nửa thật, rằng: "Chú có nhiều đô như vậy mà già rồi, biết xài vô việc chi? Đã vào đội bóng U-70 có bồ bịch gì nổi không?". Sơn Nam cũng hóm hỉnh trả lời: "Cứ thử thì biết"… Có lần tôi hỏi ông chuyện "đùa hay thật" này, nhưng ông chỉ nheo nheo mắt, miệng ngậm điếu thuốc cháy dở cười nửa miệng không trả lời!

Từ khi ông làm cố vấn cho phim "Người tình", Sơn Nam không còn lè phè như trước, mà áo quần thẳng thớm, phẳng phiu, áo bỏ trong quần, đầu đội mũ, vai đeo chiếc cặp con đựng giấy tờ, bản thảo. Đến khi xuống Gò Vấp ở nhờ nhà anh Đào Tăng cũng vậy. Đào Tăng cũng là người có nghiên cứu phong tục tập quán, viết ký sự thường đăng trên tạp chí Kiến thức Ngày nay và Thanh niên bán tuần san - trước đó là nguyệt san Thanh Niên. Vợ anh Đào Tăng là bác sĩ nên những khi "ông già đi bộ" đau ốm cũng yên tâm…

Thời gian này thỉnh thoảng tôi gặp Sơn Nam tại tòa soạn Tạp chí Xưa và Nay ở góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Lê Thánh Tôn. Ông là cộng tác viên thường trực nhận nhuận bút hay tạm ứng… rồi sẽ viết. Sau khi Sơn Nam mất, Tạp chí Xưa và Nay tập hợp 80 bài viết của ông đã in trong tạp chí ấn hành tác phẩm "Sơn Nam, đi và ghi nhớ" - hầu hết là về vùng đất và con người Nam bộ với những phong tục tập quán và văn hóa đặc trưng.

Tạp chí Xưa và Nay là  nơi có thể gặp gỡ nhiều sử gia, nhà văn hóa tầm cỡ như Trần Văn Giàu, Nguyễn Đình Đầu, Sơn Nam…

Năm 2006, ông bị tai nạn giao thông, tôi vô bệnh viện tìm thăm thì ông đã xuất viện về nhà Bình Thạnh. Trước đó, Sơn Nam ký hợp đồng bán toàn bộ bản quyền tác phẩm cho Nhà xuất bản Trẻ, được 300 triệu đồng - có được khoản nhuận bút khá để dưỡng già. Năm 2006, Nhà xuất bản Trẻ tổ chức lễ thượng thọ 80 tuổi cho nhà văn lão thành rất trang trọng tại một nhà hàng khá sang trên đường Trương Định quận 3 và phát hành bộ sách mới tái bản trên giấy tốt khá sang. Nhà văn Sơn Nam ăn mặc chỉnh tề, lịch sự, ngồi trên chiếc xe lăn còn khá mới, có vợ chồng người con gái đầu là chị Thuý Hằng và anh Trần Đức Nghị đứng cạnh. Nghị là bạn cố tri của tôi. Bạn ngạc nhiên khi nghe tôi gọi nhà văn Sơn Nam bằng anh. Còn "ông già Nam bộ" vẫn thường gọi tôi là "em" và xưng "qua". Đó là lần cuối cùng tôi gặp Sơn Nam.

Sơn Nam mất năm 2008. Ngày khánh thành nhà lưu niệm, tôi có xuống tham dự, gặp gỡ một số văn nghệ sĩ nổi tiếng quen thân ông - trong đó tôi nhớ nhất nhà thơ Kiên Giang cùng vợ chồng nhạc sĩ Hồ Bông - ca sĩ Thanh Trì. Nay thì cả ba người cũng đã đi gặp "ông già đi bộ" Sơn Nam. Và Đào Tăng - "người đồng hành" với Sơn Nam mấy năm vui buồn có nhau, mới đây cũng "đi theo" ông về cõi xa nào!

 

Nguồn: Văn Nghệ Công An