Người làm báo có thêm cơ hội giao lưu với công chúng, với Tuần lễ Sách của người làm báo diễn ra từ ngày 17/6 đến ngày 22/6 tại Đường Sách TP.HCM.
Người làm báo có rất
nhiều hoạt động tưng bừng trong dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam
21/6. Năm nay, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Hội Xuất bản Việt Nam giới thiệu
Tuần lễ Sách của người làm báo tại Đường Sách TP.HCM.
Theo Ban tổ chức, Tuần
lễ Sách của người làm bá sẽ rất thú vị. Bởi lẽ, lâu nay khi đọc báo, độc giả tiếp cận
nhà báo ấy là cây bút chính luận sắc sảo hoặc phóng viên thời sự mẫn cán, thì bây giờ lại tiếp cận họ với tư
cách một nhà văn bằng nhiều thể loại văn học như thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết hay lý
luận phê bình. Thậm chí, nhiều nhà báo giỏi còn là bậc thầy trong việc viết sách nghiệp vụ
của nghề.
Tuần lễ Sách của người làm báo cho thấy sự đa năng của
nhà báo, là cơ hội để
đội ngũ những người làm báo có cơ hội thể hiện mình. Khi một quyển sách in ra,
dù có thể là tập hợp dưới dạng tuyến bài hay phóng sự - ký sự nhưng thông qua hình thức thể hiện mới là
sách, thì sức
hấp dẫn lại khác.
Đọc sách
của người làm báo, độc giả có thể nhận ra được khuynh hướng
viết của tác giả là gì, suy nghĩ ưu tư, trăn trở của nhà báo cùng những thông
điệp cuộc sống được nhắn nhủ một cách hệ thống, đường dài hơn. Từ đó, giá trị
nhân văn và tính cộng hưởng mang lại từ sách sẽ hiệu quả, khiến tác phẩm có tầm
vóc hơn so với việc từng bài báo đặt riêng lẻ.
Phó Chủ tịch Hội Xuất
bản Việt Nam Lê Hoàng nhấn
mạnh: “Tuần lễ Sách của người làm báo là dịp các
bạn phóng viên trẻ hay những nhà báo chuyên nghiệp tại các cơ quan báo chí chưa
có tác phẩm tham gia lần này được tiếp cận với giới xuất bản, tạo động lực tìm
hiểu về những cách thức tập hợp các tác phẩm báo chí để in thành sách, hoặc giới
thiệu tác phẩm mới còn trong dạng bản thảo như: thơ, truyện ngắn, bút ký, ký,
trường ca... để đưa đến người đọc.
Hội Xuất bản Việt Nam ở phía Nam dự định sẽ nhân rộng mô hình này ra thêm ở
các tổ chức hội nghề nghiệp khác ở TP.HCM, để
cùng với Tuần lễ Sách của người làm báo, độc giả thêm điều kiện tiếp xúc với
nhiều cuốn sách hay, các tác phẩm chuyên sâu về nghề của những người nổi tiếng ở
đủ các lĩnh vực, góp phần làm phong phú thêm cho đời sống và phát triển văn hóa
đọc trong cộng đồng.
Còn Phó Chủ tịch Hội
Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng hé lộ: "Sắp tới, Hội Nhà báo Việt Nam dự định phối hợp cùng Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn TP.HCM mở thêm trại viết
văn để các nhà báo được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với các nhà văn nổi tiếng.
Đến năm 2025, kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng VN có thêm nhiều sách hay
được xuất bản từ các trại sáng tác thì lại càng hấp dẫn”.
Công chúng Việt Nam
chưa bao giờ nguôi mơ ước làng báo nước
nhà
sẽ có được những nhà báo lớn, mà tác phẩm của họ giúp cộng đồng biết đắn đo đặt cược cho tương lai.
Nếu không đủ sức thu nạp như Thomas Friedman viết “Chiếc lexus và cây ô liu” hoặc
“Thế giới phẳng”, thì cũng can đảm như Tom Plate viết “Lời tự thú của một nhà
báo Mỹ” hay chọn con đường khái quát như Jeferey Archer viết “Quyền lực thứ
tư”. Đáng tiếc, kinh tế thị trường đang đẩy giới nhà báo vào thế chông chênh giữa
nghiệp vụ và cơm áo. Không ít người
làm báo
bắt đầu giông giống MC chuyên nói những câu đèm đẹp theo kịch bản có sẵn.
Tuần lễ Sách của người
làm báo lần đầu tiên tổ chức, gợi ra không ít suy tư cho bạn đọc. Tuy nhiên,
khoảng cách giữa sách và báo vẫn không hề đơn giản. Người làm báo cao hứng viết
sách là việc đáng khuyến khích, nhưng cần có sự cân nhắc cẩn trọng về giá trị
đích thực của từng trang sách. Nếu không khéo, sách của nhà báo lại mang tính “ở
lưng chừng tương lai” như tên gọi một tác phẩm của nhà báo Mỹ lừng danh Tom
Plate.
Quan sát thị trường
sách của người làm báo, nhà thơ Phạm Đình Ân nhận định: “Nhiều
cuốn in lại hầu hết những bài báo vặt, hời hợt, có bài nghiêng về sáng tác kiểu
như tùy bút, giai thoại, tạp văn, hồi ức, chân dung văn nghệ sĩ...; có bài
nghiêng về phê bình kiểu như đọc sách, bàn về nghề văn, nghề báo... Trong từng
cuốn, cấu tạo lỏng lẻo, thể loại lộn xộn, bài khá xen kẽ bài kém. Có cuốn in lại
nhiều bài nói đến nhiều lĩnh vực âm nhạc, hội hoạ, điện ảnh…mỗi bài chỉ dài khoảng
trang rưỡi, hai trang sách, ý kiến sơ sài về các việc đã cũ.
Tác giả của những cuốn sách nêu trên là những cây bút
viết văn có thể không xoàng, thậm chí một số còn là nhà văn có tiếng tăm; tuy
nhiên họ không chí thú với nghề báo, lại ham ra sách, sách lại có nơi nhận mua.
Có tác giả lại quan niệm là gom các bài vặt vào sách để tránh thất lạc, trưng
ra để độc giả biết luôn thể”.
Phạm Tuấn