Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ băn khoăn: “Thời bao cấp, cái gì cũng thiếu. Ai đã qua sẽ nhớ mãi không quên. Giờ, sau 35 năm, chứng kiến cảnh cắt điện y như ngày đấy, tôi thảng thốt không lý giải nổi. Rõ ràng đang thực mà như bị lôi tuột về xa xưa thời nảo thời nào”.


Năm 1988, tôi cùng gia đình sống ở Khu tập thể Kim Liên. Tháng 4/1988 tôi sinh con đầu lòng.

Từ lâu, Hà Nội đã cắt điện.

Những ngày tháng 5 tháng 6/1988, từ 7h sáng đến 17h chiều (có nhiều ngày từ 6h30’ đến 18h) cắt điện. Căn nhà 14,5m2, một cửa sổ hướng Tây cho 4 người sống, tối đến cất xe đạp, bếp dầu… ) luôn bức bối vì mùa đông lạnh, mùa hè nóng.

Khu tập thể lặng ngắt cả ngày vì càng hoạt động, càng nóng nên ai cũng rất nhẹ nhàng trong sự hầm hơi 34-36 độ. Chiều muộn, khi nghe tiếng vỗ tay reo hò như đội Việt Nam tranh huy chương Vàng SEA Games 30-31-32…là biết, điện về!

Mất điện, tôi thường bế con ra cửa, đứng ở hành lang nhỏ chung của 4 nhà. Tất cả ngưng đọng. Đến thở còn nghe thấy sự nặng nhọc. Và con khóc. Khóc ngằn ngặt vì nóng quá. Thằng bé hai tháng tuổi khi sinh là 3,3kg sau 1 tháng được 4,8kg nhưng sang tháng thứ 2, nóng và khóc nên chỉ tăng vài lạng.

Tôi, một tay cầm quạt nan khổ to quạt điên loạn,một tay bế con đi rong loanh quanh trong hành lang hẹp. Có 3 nhà chung hành lang, hướng đông nên mát hơn nhưng đóng cửa chặt, dù có người ở nhà ( ba nhà này tôi sẽ kể sau, và hiểu là với những ai có thói quen tư hữu thì việc mở một cánh cửa cho người khác mát nhờ luồng gió thiên nhiên cũng không nhé)

Tại sao nhà tôi hướng Tây và bé nhất? Đấy là câu chuyện dài, về hai người tốt là bố mẹ tôi. Tóm lại ngắn gọn, bố- cán bộ miền Nam tập kết ngây thơ yêu quê hương xứ sở tột cùng (chuyện bố bằng mọi giá từ Bến Tre ra Cà Mau để xuôi tàu từ cảng Ông Đốc ra Bắc, tôi kể sau), mẹ- nhà văn quanh năm đi thực tế viết báo, viết văn thì tác phẩm quan trọng hơn những thứ khác)

Khi được phân nhà tập thể, chọn căn bé, hướng xấu ko ai nhận vì mình là cán bộ cần gương mẫu, chịu thiệt!

Con được 2 tháng, đầu đầy mụn vì nóng. Tôi ăn chay để sữa mát (trẻ nên nông nổi nghĩ tại sữa mẹ nóng làm con mụn) và sữa ko đủ, cho con uống nước cháo chay nốt, thay vì pha sữa hộp hay vài hạt đường.

Các buổi chiều, nắng hướng Tây vã thẳng hết cả căn phòng nhỏ, tôi để 2 chậu nước cho hút nắng, và canh giờ điện lên.

Anh Hùng, con bác ruột tôi vài ngày qua một lần, thấy con tôi ngằn ngặt khóc ko chịu bú bình nước cháo loãng nhạt hoét, suýt tát tôi. Anh vằn mắt( mà anh là người hiền, chưa bao giờ nói to): Em cho nó bú nước cháo nhạt thế này, sao không pha thêm sữa hay đường vào? Tôi thanh minh: tại nóng quá, đầu đầy mụn, em và con ăn chay cho mát! Sữa hay đường nóng lắm.

Ngày hôm sau, bác Phú và anh Hùng đến, nói nhanh như ra lệnh: Con Huệ, dọn đồ đạc, lên nhà bác. Mày và con mày ko thể sống ở đây. Khổ thân thằng Duy quá, nó khóc như xé vải thế mà mày chịu à? Đi ngay. Nhà bác cũng bị cắt điện nhưng ko kinh hoàng thế này. Tôi lặng lẽ thu gom đồ, nghĩ, con cháu cháu xót, nhưng không chịu thì cháu làm gì?

Và, tôi bế con lên nhà bác. Chị Mai, chị Loan và anh Hùng, anh Hải thay nhau chăm cháu. Cứ 2 ngày các bác nặn vài cái mụn đầy mủ do úng nóng bao lâu từ đầu nó. Và rồi con cười. Con cười nhưng mẹ khóc vì mừng quá, ko phải nhảy tưng tưng dỗ con nữa.

Thời bao cấp, cái gì cũng thiếu. Ai đã qua sẽ nhớ mãi không quên.

Giờ, sau 35 năm, chứng kiến cảnh cắt điện y như ngày đấy, tôi thảng thốt không lý giải nổi.

Rõ ràng đang thực mà như bị lôi tuột về xa xưa thời nảo thời nào!

Đất nước với bạt ngàn siêu xe, biệt phủ, quan chức vài quốc tịch cứ bị lộ là đã trốn sang nước khác từ lâu, giàu sang sống vài đời không hết tiền, không biết bao giờ bị bắt đưa về hay là không bao giờ? Người ta bàn về chuyện ăn ngon thay vì ăn no, mặc áo dài đội khăn xếp đi họp để tôn vinh văn hoá khi không hiểu văn hoá bằng buôn titan và nhiều chọn lựa sang chảnh ngang tầm thế giới đầy xa hoa, cứ như dân tộc này là hai thế giới chả liên quan!

Điện cắt như 1988.

Dân vật vã khổ nhưng một bộ phận lại như ở một thế giới khác!

Thế là thế nào?????