Lê Quang Trạng là một cây bút chịu khó lắng nghe, chịu khó quan
sát và chắt lọc; vì thế mà qua những tản văn của anh, ta thấy được tác giả đã cảm
nhận và hiểu rõ những buồn vui, vất vả và thăng trầm của quê mình.
Những hạt bùn sẽ còn đi vạn dặm
NGÔ
KHẮC TÀI
Chuyện
kể rằng, có lần nhà văn Nguyễn Tuân lặn lội vào Nam, tìm đến tận mũi Cà Mau để
xem nơi “đất biết sinh, rừng biết đi” như thế nào. Đứng trước bãi đất bồi cùng
vô số cây đước đang từng bước lấn biển, nhô ra trước con sóng vỗ triền miên bất
tận, Nguyễn Tuân đã xúc động gọi nơi đây là “ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm”…
Những ai từ những miền đất khác, chưa có dịp tới Đất Mũi Cà Mau, khi nghe qua
câu nói ví von trên, thường có thể mường tượng ra được hình ảnh “ngón chân
cái”, nhưng còn “bùn vạn dặm” thì hình dung ra sao? Dường như chỉ có người sống
ở đất phương Nam thì mới hiểu được thế nào là bùn vạn dặm! Và Lê Quang Trạng –
một người con của miền Tây đã thấy được “bùn” và làm nên một thứ “bùn” khác, vừa
lạ vừa quen qua tập tản văn “Những hạt bùn vạn dặm” của anh.
Những
hạt bùn vạn dặm mà Lê Quang Trạng chắt chiu được, về nghĩa đen, có thể hiểu đó
là thứ bùn đâu đó rất xa, ở tận dãy Hy Mã Lạp Sơn, theo dòng Mê Kông hùng vĩ chảy
qua nhiều nước rồi mới đến được Cà Mau nước ta. Nhưng theo một nghĩa khác, cũng
có thể thấy “bùn” ở đây chính là vùng đất mới phương Nam hai mùa mưa nắng khi
lưu dân đặt chân đến nơi này. Bùn vừa là bùn, nhưng cũng vừa chỉ lưu dân tha
phương đến nơi đây, bồi tụ cho đất này trở nên xinh tươi, trù phú hơn…
Có
lẽ thuở ông cha ta khi khai hoang đất mới, họ dường như bối rối trước đất lạ và
khắc nghiệt; mùa mưa thì mưa dầm đề cho đến mức đất muốn thối rữa, mùa nắng thì
nắng khô hạn đến độ đất nứt nẻ chân trâu kéo dài ròng rã suốt mấy tháng trời…
Nhưng rồi dần dần, lưu dân cũng đã biết thích nghi và trở thành dân bản xứ. Từ
thông điệp “bùn” của các tản văn trong tập sách này, Lê Quang Trạng đã khái
quát nên được sự bù trừ của thiên nhiên nơi miền đất Tây Nam. Đó là mùa nước
dâng cao ngập trắng đồng suốt nhiều tháng liền, nhưng mùa nước cũng mang đến
cho con người nơi đây cuộc sống sung túc, hào sảng và thơ mộng với bao la tôm
cá, sản vật. Đó còn là dòng Cửu Long với câu hỏi tự vấn của tác giả dẫn ra cho
chúng ta nhiều suy ngẫm, không biết sông khởi hành từ khi nào, vượt qua bao
nhiêu ghềnh thác để chở những hạt bùn vạn dặm bồi đắp nên một miền đất phù sa
bao la và trù phú?
Sinh
ra và lớn lên ở huyện cù lao Chợ Mới (tỉnh An Giang), một dãy cù lao dài và rộng
nằm giữa sông Tiền và sông Hậu với biết bao ưu đãi của thiên nhiên và bề dày lịch
sử văn hóa, nên Lê Quang Trạng được tắm mình trong cái không gian đặc sệt văn
hóa miệt vườn, sông nước… Những trang viết của anh được ươm lên từ chính mảnh đất
“bùn” mỡ màu phù sa, mà xanh tươi như cây trái xứ vườn Nam bộ. Lê Quang Trạng
là một cây bút chịu khó lắng nghe, chịu khó quan sát và chắt lọc; vì thế mà qua
những tản văn của anh, ta thấy được tác giả đã cảm nhận và hiểu rõ những buồn
vui, vất vả và thăng trầm của quê mình. Để rồi cũng chính từ đây, anh thấu hiểu
rõ hơn tính cách của đất, của người xứ cù lao thơm thảo: thơ mộng, phóng
khoáng, bao dung và hào sảng…
Qua
các tản văn viết về ghe hàng, mùa nước nổi, nghề làm mắm, lục bình, nghề cất
vó… ở quê hương anh, chúng ta dễ dàng thấy được, cư dân nơi đây (cũng là đại diện
cho cư dân miền Tây) mỗi năm tới mùa nước nổi thì làng xóm như bừng dậy với những
hoạt động hết sức phong phú, đa dạng và độc đáo... Sự độc đáo ấy được tiếp nhận
qua đôi mắt tác giả, được chắt lọc và kể lại như một cách tái hiện những đoạn
phim vừa thân quen vừa là lạ. Sự vừa quen vừa lạ ấy, bao giờ đọc lại, bạn đọc
cũng thấy được ký ức của tác giả chẳng khác gì những hạt bùn gửi gắm đến ta,
chúng vẫn đang đi theo bạn đến vạn dặm xa xôi của nỗi nhớ. Điều đó cho thấy, Trạng
đã làm được điều mà người ta hay nói về nghề viết văn, mỗi nhà văn có bổn phận
là làm sống lại hình ảnh quê hương mình!
Đọc
tập tản văn “Những hạt bùn vạn dặm”, tôi có cảm giác những gì Lê Quang
Trạng cảm nhận đã hóa thành tâm hồn, tác giả nhớ và ghi lại như thay lời của đất,
của dòng sông xứ sở quê anh gửi tới bạn đọc. Cũng bởi tập sách chất chứa rất rất
nhiều hình ảnh ký ức khó quên, nên tác giả cho là mình viết như đang “lạc trong
ký ức của mình”:
Ký
ức đứng ngay trước mắt, mở ra khung cảnh những dòng kinh rạch, chảy ngoằn ngoèo
như mạch máu của một miền đất đi đâu cũng thấy mênh mông nước… Nước đi đến đâu,
cây trái cá tôm theo đến đó để sinh sống… Con người cũng vì thế mà nương theo,
tìm một gò đất cao ráo ven kinh cất nhà, khai phá và trồng trọt….
Phù
sa tạo ra đồng bằng phì nhiêu, xóm làng tạo ra thứ mà người ta hay gọi là văn
minh lúa nước, văn minh miệt vườn… Nhưng văn minh miệt vườn ở tản văn của Trạng
không đóng khuôn với lũy tre, bến nước, sân đình làng như những miền quê khác,
mà nó luôn năng động và mở rộng. Chỉ vì đồng bằng miền Tây quá rộng lớn, những
cánh đồng cứ tiếp nối nhau dài mênh mông, sự mênh mông của những nét đẹp, nếp
văn hóa trên cánh đồng, mùa gặt, cây lúa và mồ hôi nước mắt, nỗi nhớ của người
nông dân đã làm cho những cánh đồng trong tản văn của Trạng gần như bất tận. Và
Lê Quang Trạng cũng ghi hình ảnh “những cánh đồng của riêng tôi”, bất tận:
Sự
bất tận của những cánh đồng mãi đến sau này vẫn chưa bao giờ ngớt đi trong nỗi
nhớ của anh. Những năm còn là trẻ nít, anh theo ba má đi gặt lúa gần như quanh
năm trên những cánh đồng. Đoàn thợ gặt của xóm Cây Dương cũng như những xóm
làng khác ở miền Tây, thường đi theo nhóm, cắt quanh vùng và cả những cánh đồng
xa. Nơi nào lúa chín là thợ gặt đến. Không ghi chép sổ sách, không đánh dấu
trên bản đồ, nhưng hầu như bất cứ thợ gặt nào cũng đều thuộc lòng những mùa gặt
ở các cánh đồng khác nhau. Nhờ vậy mà chuyến du mục của anh nối tiếp mãi, cứ một
năm sẽ quay về chốn cũ một lần, mà lần nào về tới cũng sà vào lòng cánh đồng
cho thỏa nhớ…
Tập tản văn “Những hạt bùn vạn dặm” của Lê Quang Trạng quả thật là bằng chứng cụ thể cho nhận định, ở mỗi nhà văn đều gắn liền với xứ sở của mình và thể hiện hình bóng quê nhà qua trang viết. Qua tập sách này, bạn đọc sẽ tò mò thích thú, có dịp sẽ muốn đi miền Tây Nam bộ để coi nước, coi cất vó, coi mùa cá linh với những hàng bông điên điển vàng mút mắt; hay coi những chiếc ghe hàng chạy dài theo sông, coi nhà lá, Tết trâu, lễ cúng việc lề…. thú vị đến dường nào? Tôi tin rằng, những tản văn trong tập sách sẽ là những hạt bùn lấp lánh, không chỉ mở ra một miền đất Tây Nam Tổ quốc trù phú xanh tươi với bao điều vừa thân quen vừa độc lạ, mà chúng còn theo bạn đến “vạn dặm” của nỗi nhớ về một miền đất hào sảng, nghĩa tình.