VĂN BÁO NHẬP NHẰNG THÌ ĐỜI VẪN VUI
TÔ HOÀNG
Có những nhà báo tham gia thể loại tân
văn, để lại những tác phẩm bất hủ. Ví như nhà văn Anh Johrid ghi chép những
ngày tháng 10 năm 1917 tại Nga, tác phẩm của ông còn sống mãi với thời gian “Mười ngày rung chuyển thế
giới”. Cũng có nhà văn, nhờ vào cuốn sách in đậm dấu tân văn “Trong chiến tranh
không có gương mặt phái yếu” được trao giải Nobel như nữ văn sỹ Belorus
Svetlana Alexievich..
Thành thử thật vui, nhân ngày Báo chí Việt
Nam 21/6,
Hội Nhà Báo VN, Hội xuất bản VN, Sở TT-TT , Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh đã có
sáng kiến tổ chức “Tuần lễ sách của những người làm báo” từ ngày 17/6 đến ngày
22/6 tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, Quận 1. Đây là dịp để các nhà báo “khoe”
những đóng góp của mình, không chỉ ở phương diện nắm bắt đa dạng, sâu sắc, nhiều
màu nhiều vẻ của hiện thực đời sống, mà còn cả ở phương diện năng lực, tài cán.
Lằn vạch ranh giới giữa Báo và Sách có lẽ
nằm ở tính tân văn, kịp thời với sức sống bền lâu, trải vượt qua được thử nghiệm
của thời gian.
Với Tuần lễ sách của các nhà báo lần đầu
tiên này, nhà báo Trần Vương Thuấn đã có
một nhận xét rất hay: “Việc viết sách với việc làm báo của tôi là hai câu chuyện
độc lập. Tôi không viết sách với tư cách là một người làm báo, những như không
làm báo với tư cách là một người viết sách. Tôi ngạc nhiên khi biết về hoạt động
này, nó thú vị ở chỗ là sẽ cho độc giả thấy được rằng ngay cả ở trong giới làm
báo thì cách thức tiến vào thị trường sách của họ đã khác nhau, mối quan tâm về
đề tài cũng như định nghĩa của họ trong câu chuyện trở thành một nhà văn. Trong
sự đa dạng đó độc giả sẽ thấy được sự phong phú của báo chí cũng như sự phong
phú của các đề tài làm sách ở Việt Nam hiện nay”
Có điều gì vân vi đây khiến nhà báo Trần
Vương Thuấn ngạc nhiên? Nhà văn kiêm luôn là nhà báo để “lấy ngắn nuôi dài” là
hiện tượng khá phổ biến ở nước ta. Lại có nhiều nhà báo, mượn lãnh địa hoạt động
của mình, rèn ngòi bút để dần dà bước chân qua lĩnh vức văn chương cũng không
phải là điều hiếm gặp.
Trong giá sách đang bày ở Đường sách Nguyễn
Văn Bình có những những cuốn sách mà tác giả là những nhà báo, nhưng bạn đọc từng
coi đó là những tác phẩm văn chương. Không chỉ ở bút pháp, ở cách nhìn, phương
diện thể hiện, mà còn ở những gì tác giả -nhà báo đã động chạm tới những vấn đề
nhân văn nhân bản; những điều thiết cốt cần tháo gỡ không chỉ trong hôm nay,
ngày mai mà còn thuộc về tư duy, bản tính lâu đời của dân tộc phải được bình
tâm dần dần làm cho thanh sạch. Ấy vậy, vẫn có những cuốn đủ độ dày, đủ chương
mục hẳn hoi mà không thoát khỏi cách đánh giá đó chỉ là nhiều bài báo được gom góp lại. Bây giờ, một tờ
giấy cho phép khai sinh ra một cuốn sách, người ta chỉ chăm chắm vào sự Đúng,
Sai; không ai mất thời gian, mất công sức cho việc Hay, Dở. Và cứ vậy, bỏ ra vài chục triệu, trăm triệu là có vài
trăm đến cả ngàn cuốn sách trong tay.
Lại cũng không phải là điều xa lạ, hiếm
hoi khi trong văn chương nước ta- tức sản phẩm mặc nhiên được coi là Sách - đã
hơn 40 năm, kể từ sau ngày Đổi Mới- nhiều cuốn của nhiều tác giả đề rành rõ
ngoài bìa là tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện vừa, nhưng vài trăm trang không
thoát khỏi bút pháp ghi chép, “già ký non truyện”. Điều đáng nói hơn là hết từ cuốn
này tới cuốn kia không sao vượt qua nổi lằn ranh của thứ “văn chương hậm hực”:
hết bức bối , cay nghiệt về những sai lầm trong cải cách ruộng đất, cải tạo tư
sản lại bước qua dằn vặt, khổ đau vì một cuộc chiến “nồi da nấu thịt”...
Trong khi đó, chỉ cần ngó mắt qua biên giới
sẽ thấy thiên hạ đã đặt chân tới những lĩnh vực gì; đang vật vã, mày mò tìm lới
giải đúng sai cho những câu hỏi nhân sinh, nhân văn nào mang tính chất phổ quát,
sống còn cho chúng sinh cuối thế kỷ này, qua thế kỷ khác. Vậy chả hóa ra cuốn
này, cuốn kia của nhà văn X,Y nọ ở xứ ta cũng chỉ là bài báo dài vài vạn chữ
thôi sao?
Điều này còn ly kỳ hơn...
Từ báo giấy, hơn chục năm nay tôi chuyển
qua báo mạng. Không cần phải chen chúc, cầu cạnh ai. Không lo còn bị cắt xén,
thêm bớt hoặc quẳng lẹ vào sọt rác. Chỉ cần vài chục, vài trăm fan hâm mộ, thế
là quá đủ, quá “thỏa mãn dân cày” rồi. Và những gì tôi ghi trên mạng là nhận
xét của riêng tôi, thoáng qua, bất chợt, không nhắm tới những đúc rút, khái
quát... Tức
xếp dưới cả yêu cầu của một bài báo.
Bạn biết rồi đấy, báo mạng có cái tuyệt cái
hay là vài ba tháng, có khi tận đến hai ba năm mạng đưa lại chính trên trang Face của
mình bài mình đã viết (tức
đã nhận xét, đã đánh giá)
từ năm, bảy tháng trước, hai ba năm trước. Đọc lại, ô hay, sao y hệt như mình mới
viết bài báo đó, mới tỏ ý không bằng lòng, quy kết chuyện này, chuyện nọ với những
gì như đang xẩy ra hôm nay.
Đây nhé!
Mươi, mười lăm trước vẫn là những bê bối trong ngành giáo dục (thiếu trường,
nạn học thêm, sách giáo khoa cải tiến cải lùi, thi cử như hành tội trẻ con...), vẫn là chuyện buôn bán
ma túy (một vài gram thì bỏ tù, một vài lạng thì bùm... bùm, một vài ký thì
súng hết đạn, lên tới cả yến, cả tạ..thì sao im re biện pháp trừng trị?). Đây nhé, chuyện tham
nhũng: so với mươi, mười lăm năm trước càng ghê sợ hơn nhiều. Quan chức suy
thoái, tham lam, vơ vét ngày càng trắng trợn, ngày càng tinh ma tinh vi, và chạm
vào Bộ, ngành, quân binh chủng, tỉnh thành nào cũng moi ra được quan tham. Phên giậu y hệt như cái cây mục, bức
tường ải, chạm tay tới là lở tở cả mảng...
Thì
ra cái hiện thực đời sống đã mọc rễ đâm chồi, cứ đứng ì một chỗ, năm năm mười
năm cũng không suy chuyển, không đổi thay gì!
Thì
ra chỉ một kiếp người là ngắn ngủi thôi , còn cuộc đời ngoài kia cứ “trơ gan
cùng tuế nguyệt”!
Vậy thì yên tâm đi, bạn khỏi phải lo
tới tính kịp thời, tính tân văn của báo chí, tính lâu bền, vĩnh cứu của văn
chương. Cũng chỉ là quan niệm của thiên hạ cả thôi!
Vậy thì nhà văn cứ bình tâm sản xuất ra những bài báo vài vạn chữ cho được gọi là sách; còn nhà báo cứ vài ba tháng sẽ đẻ ra một đầu sách, gồm vài chục bài báo còn tươi mực cho dzui, chứ có bước qua lằn ranh bên kia thành nhà văn thu nhập đâu có thêm đồng nào, còn hương thơm vẫn dzậy, dzậy!