Nhiều năm sau ngày Võ Hồng mất, tôi vẫn lật lại những tờ thư cũ ông viết cho tôi trên giấy pelure màu xanh, với những bông hoa ông tỉ mỉ vẽ bằng bút chì màu ở góc trái đầu mỗi tờ thư, lại bùi ngùi nhớ đến một nhân cách lớn, một tài năng lớn của văn học nước nhà...
Văn chương và nhân cách Võ Hồng
PHẠM CHU SA
“Hoài cố nhân”
Võ Hồng sinh năm 1921 tại Ngân Sơn, Tuy An, Phú Yên
nhưng sống, dạy học và viết văn trong phần lớn cuộc đời (từ năm 1956 tới ngày mất
tháng 3/2013) ở thành phố biển Nha Trang, Khánh Hòa. Ông có truyện đăng trên Tiểu
thuyết Thứ bảy từ năm 1939, nhưng mãi đến 1959, ông mới xuất bản tập truyện đầu
tay “Hoài cố nhân” gồm những truyện viết về người vợ yêu quý của ông mất cách
đó vài năm. Võ Hồng “gà trống nuôi con” cho đến khi các con trưởng thành, bay
đi bốn phương trời, ông lại sống một mình với cây bút và những bản thảo, những
cuốn sách cho đến hết đời.
Sau 1975, hầu hết tác phẩm Võ Hồng đều đã được tái bản,
có thêm 14 đầu sách mới. Theo lời Võ Hồng, phần lớn trong đó được ông viết từ
trước, sau này ông chỉ sửa chữa và viết bổ sung. Chỉ có tập tâm bút “Một bông hồng
cho cha”, tập truyện vừa “Thương mái trường xưa” và tập thơ “Hồn nhiên tuổi ngọc”
là hoàn toàn mới sáng tác sau này. Những tác phẩm quan trọng của ông cũng được
in lại ở Mỹ, Pháp - nơi có đông người Việt sinh sống.
Trong bản nhận xét luận án Phó tiến sĩ văn học của Trần
Hữu Tá “Khuynh hướng văn học yêu nước tiến bộ trong các thành thị miền Nam”
(năm 1994), Giáo sư Nguyễn Huệ Chi viết: “…Võ Hồng xứng đáng là một cây bút
hàng đầu trong 20 năm văn học dưới chế độ Sài Gòn, xét ở cả nội dung sáng tác
cũng như thành tựu nghệ thuật”.
Võ Hồng còn là một nhà giáo tâm huyết với nghề hơn 40
năm. Ông đã từng làm Hiệu trưởng Trường trung học Lương Văn Chánh ở Phú Yên thời
kháng chiến chống Pháp. Văn chương và nhân cách Võ Hồng được nhiều thế hệ độc
giả và học trò yêu quí, kính trọng…
“Nhà văn tỉnh lẻ”
Tôi quen biết Võ Hồng năm 1972, khi Võ Hồng vào Sài
Gòn tham dự cuộc họp của Hội đồng Văn hóa Giáo dục Quốc gia mà ông là thành
viên. Nhà văn Duyên Anh hồi đó thường gọi đùa Võ Hồng là “nhà văn tỉnh lẻ”. Võ
Hồng cũng vui vẻ bảo mình đích thực tỉnh lẻ. Nói thế, nhưng các nhà văn đô thị
từ Sài Gòn có hứng làm một chuyến giang hồ vặt ra Nha Trang đều được Võ Hồng tiếp
đãi ân cần. Ngay cả các nhà văn, nhà thơ trẻ mới có một vài bài thơ, truyện ngắn
đăng báo - hay những độc giả không quen biết khi đến thăm ông - Võ Hồng cũng
vui vẻ tiếp đãi.
Trong tiệc, Duyên Anh chiêu đãi Võ Hồng ngày đó, tôi
nhớ còn có các nhà văn Mai Thảo, Nguyễn Xuân Hoàng (chủ bút và thư ký tòa soạn
Tạp chí Văn), Đinh Tiến Luyện và tôi (chủ bút và thư ký tòa soạn Tuần báo Tuổi
ngọc). Tòa soạn Tạp chí Văn và Tuần báo Tuổi ngọc ở cùng địa chỉ 38 Phạm Ngũ
Lão. Văn ở tầng trệt, Tuổi ngọc trên lầu. Ấn tượng đầu tiên nơi tôi, một người
mới tập tễnh bước vào làng văn làng báo là nhà văn có nhiều tác phẩm mình yêu
thích Võ Hồng ăn nói từ tốn, nhỏ nhẹ như văn phong của ông.
Từ đó về sau mỗi khi về quê miền Trung thế nào tôi
cũng ghé thăm ông. Trước cổng nhà số 53 (sau 1975 đổi là 51) đường Hồng Bàng,
có sợi dây nối chiếc chuông cũ kỹ treo trên góc nhà và tấm bảng ghi: “Kéo
chuông gọi Võ Hồng” (về sau được sửa lại là “Nhấn chuông gọi Võ Hồng”, vì đã có
chuông điện). Thậm chí trước 1975, đến Nha Trang muốn thăm Võ Hồng mà quên địa
chỉ, xuống bến xe đò chỉ cần hỏi vài bác xích lô, thế nào cũng có người biết và
chở thẳng đến nhà. Ông sống một mình trong một phòng nhỏ trên căn gác, phía trước
có khoảng sân thượng mà ông thường tiếp khách. Căn phòng thiếu bàn tay phụ nữ
nên rất bừa bộn. Khách đến, bất cứ ai, ông cũng tiếp đãi như nhau, tự mình đi rửa
tách, pha bình trà mới rót mời. Với khách lịch sự, Võ Hồng thường xưng hô “moa”
- “toa”. Với khách thân quen, dạng em cháu, ông xưng “qua” và gọi “em”.
Gà trống nuôi con
Khoảng năm 1985, tôi ghé thăm ông, ngủ lại nhà ông một
đêm trên chiếc ghế xếp mà ông thường ngồi trầm ngâm mỗi chiều. Ông gần như thức
với tôi trắng đêm, uống hết ba bình trà. Ông tâm sự chuyện vợ ông mất sớm khi
bà còn rất trẻ, ông một mình gà trống nuôi con. “Chắc em biết, vừa đi dạy học vừa
lo con cái, cực gấp đôi gấp ba người khác”...
Ông rất yêu vợ nên vẫn sống một mình từ khi vợ mất.
Hình ảnh bà bàng bạc trong nhiều tác phẩm của ông, như trong tập truyện “Hoài cố
nhân”, hay nhân vật Quỳ trong hai truyện dài liên hoàn “Hoa bươm bướm” và “Như
cánh chim bay”… Hai truyện này lấy đề tài kháng chiến chống Pháp. Ông bảo viết
về những người kháng chiến cũ phải viết thật tế nhị.
Thời trẻ ông có mộng đi du học Nhật, năm 1943 ông theo
học lớp Nhật ngữ ở trường Đại học Hà Nội. Cùng học với ông có bà Trần Văn
Chương, mẹ bà Trần Lệ Xuân, bà Hoàng Xuân Hãn… Rồi Nhật đảo chánh Pháp, nhờ biết
tiếng Nhật, ông lên Đà Lạt làm phụ tá Đốc lý Trần Văn Lý thuộc chính phủ Trần
Trọng Kim, lo giao dịch với người Nhật. Kháng chiến bùng nổ, ông theo kháng chiến,
lại được kháng chiến phân công giao dịch với quân Nhật (được Đồng Minh tạm giao
phụ trách an ninh trật tự trước khi bị giải giáp hoàn toàn). Ông bảo: “Thiệt
tình khi đi thương lượng với đám quân Nhật đằng đằng sát khí, qua rất run. Em
nhớ năm đó qua mới hăm bốn tuổi!”.
Tôi hỏi ông, con cái đã trưởng thành, sao anh không đi
bước nữa cho đời sống đỡ cô quạnh? Võ Hồng bảo “cũng có lắm mối, có lẽ mình
chưa có duyên”. Võ Hồng đưa tôi xem bài thơ viết tay của nữ sĩ Tương Phố, tác
giả tập thơ “Giọt lệ thu” nổi tiếng thời tiền chiến. Sau 1954 bà di cư vào Nha
Trang, khá thân với Võ Hồng. Bài thơ đề tặng Võ Hồng năm 1963, trước khi bà lên
sống ở Đà Lạt có tựa “Tặng Hồng lắm mối”, có mấy câu: “Đắn đo một khúc cầu
hoàng/ Bốn phương chưa quyết ngả sang hướng nào/ Thừa biết có Đông đào Tây liễu
/ Bắc Nam đâu có thiếu nhạn hồng…/ Trời còn để có hôm nay/ Phòng loan hiu quạnh
có ngày oanh ca!”. Thế nhưng đến mấy chục năm sau “phòng loan” của Võ Hồng vẫn
quạnh hiu.
Một tâm hồn trong sáng
Năm 1991, tôi phụ trách tổ chức bài vở và thực hiện
tuyển tập thơ văn Tuổi Hồng của NXB Trẻ. Một hôm tôi nhận được thư Võ Hồng, kèm
một tập bản thảo viết tay trên giấy mỏng, dạy trẻ con làm thơ với tựa “Bé học
làm thơ” gồm 10 bài tập làm thơ vừa lạ vừa vui, hỏi tôi có đăng được không. Tôi
viết thư ngay cho ông và sau đó cho đăng liên tiếp 10 kỳ. Tháng sau, ông gửi
vào cho tôi truyện vừa viết về tuổi học trò tựa “Thương mái trường xưa” tuyệt
hay. Tôi cho đăng liên tiếp nhiều kỳ trên Tuổi hồng, được độc giả là nhà giáo lẫn
các em học sinh tuổi mới lớn hoan nghênh đón đọc. Kết thúc đăng báo, tôi bàn với
Lê Hoàng, Giám đốc NXB Trẻ in thành sách. Cả tập thơ “Hồn nhiên tuổi ngọc” với
phần phụ lục là 10 bài “Bé học làm thơ”. Đinh Tiến Luyện vẽ phụ bản rất dễ
thương. Chúng tôi mang sách ra Nha Trang tổ chức phát hành rất trang trọng với
sự tham dự của nhà thơ Giang Nam, Phó Chủ tịch phụ trách văn xã tỉnh Khánh Hòa.
Võ Hồng xúc động lắm.
Năm 1994, Võ Hồng gửi cho tôi tập bản thảo “Một bông hồng
cho cha”, gồm những bài viết tâm huyết của nhà văn lão thành về tình cha con rất
cảm động, nhờ tôi tìm đối tác xuất bản. Tập tâm bút mỏng manh nhưng đầy ắp tình
người, được đông đảo độc giả đón nhận, sách được tái bản nhiều lần. Năm sau,
1995, Võ Hồng viết thư cho tôi “khoe” tập truyện vừa “Thương mái trường xưa” đã
đăng trên Tuổi hồng được nhà xuất bản Kim Đồng tái bản hơn 30 ngàn cuốn!
Năm 2007, tôi ra Nha Trang thăm, ông đã yếu nhiều. Ông
vốn đã cao gầy, nay lại càng gầy và như cao hơn. Ông lục trong đống bản thảo,
đưa tôi một tập bìa màu xanh, có in ảnh ông lúc khoảng năm mươi tuổi với hàng
chữ “Tạ lòng tri kỷ”, gồm những bài của nhiều người viết về ông đăng rải rác
trên báo chí từ sau 1975, được ông photocopy và đóng tập. Ông bảo tôi, nếu được,
em xin phép xuất bản giúp. Thời gian này tôi gặp nhiều chuyện nên cứ lần lữa.
Đó là điều ân hận lớn. Mãi đến khi Võ Hồng mất, tôi mới vội hợp tác với NXB Trẻ
cùng Công ty Văn hóa Hương Trang in tập sách với tựa do tôi chọn là “Văn chương
và Nhân cách Võ Hồng”. Tôi mang sách ra Nha Trang đặt trên bàn thờ nhân 100 ngày
mất của ông. Như một lời tạ lỗi.
Nguồn: Văn Nghệ Công
An