Có một địa chỉ đỏ, giàu tính nhân văn và ăm ắp cảm xúc cho những ai yêu văn hóa đọc tại con ngõ nhỏ 275 đường Âu Cơ, quận Tây Hồ, Hà Nội. Đấy chính là Bảo tàng Văn học Việt Nam.


Bảo tàng Văn học Việt Nam: Cho những ai yêu văn hóa đọc

MỸ TRÂN

Với diện tích rộng 3.000 mét vuông, nơi đây lưu giữ, trưng bày 40.000 hiện vật quý giá của bao nhiêu thế hệ nhà văn Việt Nam gắn liền với lịch sử suốt chiều dài dân tộc, từ các triều đại Lý, Trần, Lê đến xã hội nửa thực dân nửa phong kiến và thời đại Hồ Chí Minh.

Trong vô số kỉ vật ấy, nhiều kỉ vật đã có tuổi đời hàng thế kỉ, nhiều kỉ vật theo nhà văn, nghệ sĩ bước ra từ chiến trường. Mỗi kỉ vật là một câu chuyện, một cuộc đời, một số phận của nhà văn Việt Nam. Phần trưng bày trong nhà là nơi giới thiệu về tiến trình lịch sử văn học Việt Nam từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIX. Tiếp theo là phần trưng bày, giới thiệu về các nhà văn đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh...

Ở vị trí trung tâm của bảo tàng có hòn đá thiêng hình ngọn bút được rước về từ Khu di tích lịch sử Đền Hùng - Phú Thọ, đặt trên trống đồng Đông Sơn. Trống đồng Đông Sơn đại diện cho văn hóa Đông Sơn. Sự sắp đặt ấy mang ý nghĩa nhắc nhở các thế hệ nhà văn, nhà thơ Việt Nam muốn viết tốt phải đặt trên bề dày của lịch sử văn hóa dân tộc. Trên bức tường có dòng chữ trích từ tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”.

Việt Nam có 54 dân tộc, nhưng chỉ có hơn 30 dân tộc có chữ viết. Tại bảo tàng có trưng bày chữ Hán, Nôm cổ, chữ Quốc ngữ thể hiện trên ván khắc, giấy dó, kim sách bằng đồng và chữ viết của các dân tộc như: chữ Nôm của người Tày, người Dao viết trên vải, giấy dó; chữ của người Chăm viết trên vải. Ngoài ra còn có hiện vật độc đáo có một không hai là “sách lá” được làm bằng lá cây dân tộc Thái, Chăm và Khơ Me. Lá đủ độ dài, độ rộng, ép phẳng. Công cụ để viết trên lá được gọi là bút lửa. Người ta dùng vật nhọn như kim hơ nóng trên lửa, sau đó viết trên lá, rồi dùng mỡ hoặc mật cá bôi lên để chữ hiện ra, đóng thành sách. Điều hay là lá cây này được viết hai mặt, đánh số trang, số quyển, đục lỗ khâu lại thành sách lá. Nội dung trên sách lá ghi về lễ nghi phong tục của dân tộc và có cả những cuốn truyện cổ tích, truyền thuyết, kinh Phật. Tuổi đời của những bộ sách lá được xác định là hơn 200 năm.

Bước tới khu văn học qua các thời kỳ lịch sử mới thấy bề dày văn hiến của văn học Việt Nam, đặc biệt là văn học thời Lý, Trần, Hậu Lê. Ngoài ra nơi đây còn có nhiều tư liệu ảnh quý, đó là những bức ảnh các sĩ tử đỗ Bảng nhãn, Thám hoa, Tiến sĩ ...

Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Lê Quý Đôn, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều có hiện vật trưng bày và giới thiệu tại đây. Chiếc án thư của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du đậm mầu thời gian, xưa cũ. Trong cuộc đời nhiều biến cố thăng trầm, đại thi hào đã sử dụng chiếc án thư 10 năm khi sống ở quê vợ Thái Bình vào cuối thế kỉ XVIII.

Tại khu trưng bày tầng 2 của bảo tàng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng nhiều tư liệu văn học gắn liền với những tên tuổi lớn của Việt Nam đầu thế kỉ XX là các chí sĩ yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh… và các tác giả văn học hiện thực phê phán như: Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nam Cao… Vũ Trọng Phụng sống đời viết văn vỏn vẹn 10 năm, ông mất năm 27 tuổi. Trước khi mất, ông nằm trên giường bệnh nói với nhà văn Vũ Bằng (lúc đấy là Thư kí tòa soạn của Hà Nội Tân văn): “Nếu có miếng bít tết thì tôi đã không phải chết khổ chết sở như thế này”. Ông có di sản văn chương đồ sộ, nhưng bản thân lại rơi vào bi kịch vô cùng đáng thương là chết vì đói, vì lao lực.

Chúng tôi bị thu hút bởi những hiện vật của cặp vợ chồng nổi tiếng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh với chiếc bàn làm việc cũ kĩ, với giá sách, bản thảo viết tay, radio và những vật dụng sinh hoạt hàng ngày… Và cả hiện vật của người cha Lưu Quang Vũ là Lưu Quang Thuận cũng có mặt trong không gian này.

Những cái tên quen thuộc với độc giả cũng lần lượt xuất hiện tại khu trưng bày của bảo tàng: Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Khải, Thế Lữ, Anh Đức, Nguyễn Văn Bổng… Các nhà văn - chiến sĩ đã để lại cho Bảo tàng văn học những hiện vật giá trị là những cuốn sổ nhỏ hơn lòng bàn tay viết bằng nhiều loại bút khác nhau, từ bút bi, bút mực, bút chì trên những trang giấy bạc mầu. Ở đây còn có sự hiện hữu của những tài năng văn chương lớn như: Nguyễn Tuân, Thế Lữ, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Tố Hữu, Nguyễn Xuân Sanh, Ngô Tất Tố, Hoài Thanh… Và thế hệ sau này là Nguyễn Khắc Phê, Nguyễn Khoa Điềm, Thu Bồn, Giang Nam, Phạm Tiến Duật…

Tôi thật sự ấn tượng trước chiếc áo khoác để chống chọi với mùa đông giá lạnh của nhà văn Nguyễn Tuân, với chiếc ba toong thân thuộc vi vu cùng ông đi khắp các cung đường Tổ quốc; chiếc xe đạp xưa cũ đã đồng hành cùng nhà thơ Tú Mỡ suốt hành trình thời gian khi ông sống; viên gạch nhà tù Lao Bảo nơi nhà thơ Tố Hữu bị giam năm 1939; bản thảo viết tay tập thơ “Mây đầu ô” của nhà thơ Quang Dũng và chiếc áo len, chăn len đã sờn cũ của nhà thơ được xếp ngay ngắn, trong không gian riêng. Gần đó là chiếc máy đánh chữ của nhà văn Hồ Phương; mũ, bị cói, và cây đàn tỳ bà của nhà thơ Phùng Quán; bi đông của nhà thơ Giang Nam được sử dụng ở chiến trường miền Nam…

Hàng trăm hiện vật của các nhà văn, nhà thơ Việt Nam hiện ra trước mắt du khách, quá khứ - hiện tại đan xen. Trong không gian đặc biệt ấy, mỗi hiện vật đều là một câu chuyện sống động, thể hiện tinh thần sáng tác của các nhà văn, nhà thơ ở từng giai đoạn lịch sử của đất nước.

Ở một không gian khác là câu chuyện của nhà thơ Hữu Loan với bản thảo viết tay “Màu tím hoa sim” được đóng khung trang trọng. Cạnh đó là bức tượng khắc hoạ nhà thơ Hữu Loan với đóa hoa sim. Nhà thơ Hữu Loan có hai bài thơ nổi tiếng, bài “Màu tím hoa sim” viết cho người vợ đầu - bà Nguyễn Thị Minh mất khi 17 tuổi; bài “Hoa lúa” viết cho người vợ thứ hai.

Ở Bảo tàng Văn học, đã có nhiều nhà văn là những chiến sĩ cách mạng từng lăn lộn trên chiến trường trong cuộc kháng chiến của dân tộc, như nhà thơ Phạm Tiến Duật trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Không chỉ vậy, chúng ta còn được “tiếp xúc” với nhà văn Trần Đăng, người binh nhì đổ máu trên chiến trường và trở thành liệt sĩ năm 1949. Câu chuyện hy sinh của nhà văn Trần Đăng cũng khiến du khách mang nhiều suy tư. Trong quá trình chiến đấu, ông đã phải đi từ Lạng Sơn, vòng sang Trung Quốc tìm liên lạc với quân giải phóng. Sau khi hy sinh, ông được đồng đội đánh dấu nơi chôn cất bằng viên gạch khắc tên Trần Đăng. Mãi tới năm 1990, mộ của ông mới được tìm thấy và quy tập về nghĩa trang Tây Tựu, Hà Nội.

Thêm một câu chuyện xúc động của nhà thơ Thanh Quế liên quan đến hộp đựng đạn. Năm 1971 nhà văn - chiến sĩ Chu Cẩm Phong trước khi mất đã để lại tập bản thảo “Nhật ký chiến tranh” cho nhà văn Thanh Quế. Nhà văn Thanh Quế dùng hộp đựng đạn là chiến lợi phẩm để đựng bản thảo của nhà văn Chu Cẩm Phong. Bản thảo quý giá đã được ông giữ như một vật báu. Vùng Quảng Nam - Quảng Ngãi mưa rừng, lũ xoáy, có những lúc ông phải buộc đá dìm xuống dưới để hòm đựng đạn không bị trôi. Sau này ông bảo, ông có thể hy sinh nhưng bản thảo thì không thể mất. Sau ngày thống nhất đất nước, bản thảo của nhà văn Chu Cẩm Phong và hòm đạn đã được đưa về lưu giữ.

Từng hiện vật trong Bảo tàng Văn học Việt Nam là một câu chuyện sống động, cho ta thấy sự phát triển của một nền văn học đa dạng, nhiều màu sắc, gắn với lịch sử thăng trầm của đất nước. Đây là địa chỉ văn hóa hấp dẫn dành cho công chúng yêu văn chương và muốn tìm hiểu về văn hóa, văn học Việt Nam.

 

Nguồn: Văn Nghệ Công An