Nói trắng ra như một vị Đại biểu Quốc hội, chúng ta hoàn toàn có thể tiết chế chỉ còn một nửa số người trong ngành khỏi cồng kềnh mới có thể vững mạnh lưới điện quốc gia.


Một bức tâm thư về ngành điện

PHÙNG VĂN KHAI

Tôi đã quá đỗi bi ai khi đọc bài viết của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ về việc gia đình chị, khu phố ở đó bị cắt điện trong đỉnh điểm nắng nóng mùa hè. Chị kể từ thời bao cấp đã phải cơ hàn chịu tai ách thiếu thốn trăm bề, trong đó có điện. Thời bao cấp đã qua. Nhiều chục năm đã qua. Hôm nay, ngành điện bỗng như ông trời cúp cắt đông, tây, nam, bắc thỏa thích theo ý mình, bất chấp từ thượng tầng đến bách dân ra sao cũng là một chuyện lạ kỳ. Chúng ta, có lẽ nào phấn đấu đến hôm nay, để ngay như việc điện đóm cũng trở thành lệ thuộc tùy tiện như vậy.

Ngành điện, nhiều trăm nghìn nhân công, tuyển dụng thế nào, sử dụng thế nào đều có vẻ như chuyện một chiều độc tôn của ngành. Nói trắng ra như một vị Đại biểu Quốc hội, chúng ta hoàn toàn có thể tiết chế chỉ còn một nửa số người trong ngành khỏi cồng kềnh mới có thể vững mạnh lưới điện quốc gia.

Nhưng mọi chuyện đều như trò đùa, khi ngành điện công nhiên và khó hiểu đưa ra biểu đồ cắt điện toàn quốc các tỉnh, thành, quận, huyện như đúng rồi. Và cắt điện thật. Nhân dân mặc kệ. Doanh nghiệp mặc kệ. Sống chết mặc bay!

Rồi thượng tầng lập tức có sự chấn chỉnh, đã kỷ luật, những người có trách nhiệm cao nhất đã phải đối diện với chất vấn, đối diện với hành lang pháp lý và pháp luật. Đó là một chỉ dấu trong xã hội văn minh.

Tuy nhiên, trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội phản ánh, điện vẫn thiếu và vẫn mất một cách thường xuyên, không theo quy luật nào, càng không theo nguyên tắc mà tivi đã nói.

Thì biết hỏi ai?

Ngày trước, đã rất nhiều lần, các Đại biểu quốc hội đều như không tin vào mắt mình khi giá thịt lợn trên tivi một đằng, mà ra chợ mua về cho người thân ăn một nẻo, đến mức thiếu tướng Sùng Thìn Cò - Đại biểu Quốc hội đã mạnh mẽ phát biểu rằng: “Muốn mua thịt đúng giá hãy lên tivi mà mua”.  Hội trường Quốc hội vỗ tay ầm ầm. Nước chảy mây trôi cũng không hề thuyên giảm.

Khi cắt điện theo sự tính toán của ngành điện, đất nước đã vô cùng thiệt hại. Người đứng đầu ngành điện lập tức bị kỷ luật. Người dân hả hê. Báo chí dường như có những vùng đất khẳng định chủ quyền. Chính thể có băn khoăn không lại là một câu chuyện khác.

Một sự thật không ai thống kê là niềm tin suy giảm không chỉ riêng về ngành điện, có điện hay không, cắt điện hay không, mà chính là tại sao ở một quốc gia trăm triệu dân, lại có thể xuất hiện những sự việc như vậy?

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, trong sự hoảng hốt của mình khi đưa con về vùng nông thôn cách đây mấy chục năm đã sợ hãi về sự thiếu trách nhiệm với nhân dân trong đời sống thường nhật của họ, đến hôm nay đặt ra những câu hỏi, chờ đợi sự trả lời đã nhận về im lặng. Đó là do đâu? Chúng ta có lẽ nào không dám đặt ra những câu hỏi và trả lời câu hỏi?

Đến bao giờ ngành điện trưởng thành? Một câu hỏi ngớ ngẩn? Một câu hỏi không ai có trách nhiệm trả lời? Một câu hỏi đổ xuống đầu quần chúng nhân dân? Một câu hỏi xe chỉ luồn kim đổ bừa lên trên, xuống dưới? Trùng trùng những câu hỏi có lẽ nào người ngành điện mũ ni che tai, vinh thân phì gia, ngậm miệng ăn tiền suốt đời im lặng? Ôi chao! Chúng ta còn hai khu vực mà không riêng gì ngành điện phải phục vụ, còn là tất thảy phải gánh vác đầu đuôi gốc rễ: Đó chính là phụ nữ và trẻ em. Phụ nữ và trẻ em không chỉ là niềm tin lẽ sống của chúng ta, còn là danh dự của chúng ta, còn là thể diện của chúng ta.

Điện mất! Người bị phương hại đầu tiên chính là trẻ em. Chúng khóc. Chúng ta giải thích. Giải thích như thế nào đây? Đều là không thỏa đáng. Chẳng nhẽ nói dối cho ngành điện? Có lẽ nào tìm cách bịt mồm những câu hỏi bé bỏng? Hoặc như dùng tiền mua về một chiếc máy nổ, thắp sáng quạt mát chờ giờ có điện? Vô cùng nhiều phương án được những người hiểu biến và có trách nhiệm thực thi. Đó cũng là một câu chuyện bình thường.

Nhưng còn những người khu vực khác? Những người chân lấm tay bùn không có tiền bạc, kiến thức cũng chỉ một hai, con cháu đang ốm sốt, cha mẹ già đang hấp hối, những đám cưới, đám ma mùa hè nóng nực cần phải có điện để xử lý công việc thông thường thì phải làm sao đây? Hỏi xã, hỏi huyện, hỏi tỉnh càng là mò kim đáy bể, miệng nói tai liền miệng đấy tự nghe oan ức nỗi gì? Câu chuyện cứ thế lan truyền đông, tây , nam , bắc. Âu cũng là lẽ cuộc đời trong cõi dương gian.

Trách nhiệm của những người nắm giữ quyền lực ngành điện hiện nay đã và đang ở đâu? Các người này có bao giờ lắng nghe và thấu hiểu những cơ hàn thực tiễn muôn dân ngóc ngách phố phường đang phải đóng từng số điện? Người đứng đầu ngành điện đột nhiên đối diện pháp luật có khiến cho những người còn lại phải giật mình, biết rõ nặng nhẹ, lấy những bài học coi tiền làm kế sách tiến thủ trong bước đường phía trước chăng? Hay rút cục, cũng là kẻ trước người sau dẫm vào bước chân lấm láp của nhau, chìm đắm trong tiền tài bất chính?

Ngành điện của chúng ta, phải thấy vẻ đẹp nhất chính là từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, không phải của riêng một cá nhân nào, một khu vực nào như hiện nay. Các anh, chị ngành điện, hãy đừng đổ lỗi cho ai, rào đón hoặc sợ sệt ai, càng không nuông chiều ai, nhất là nuông chiều đồng tiền thập thò hàng ngày quyến rũ các anh các chị mà dứt khoát đứng về phái nhân dân, đứng về phía những con người đã đổ mồ hôi và xương máu, tạo ra những dòng điện sáng.

Vẫn biết rằng, trong những cuộc phải dứt bỏ quyền lợi về vật chất như vậy, nó sẽ vừa đớn đau, vừa mệt mỏi, nhưng có lẽ nào, các anh các chị không hướng tới sự nhân văn và trưởng thành của người Việt mà dấn bước. Xin chúc cho các chị, các anh hãy mạnh mẽ bước qua!