"Đẩy xe bò" của Phương Mỹ Chi có một phen "đại náo" sĩ tử vào mùa thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023. Ca khúc này không chỉ "tiên đoán" trúng phóc đề văn mà còn mượn tác phẩm "Vợ nhặt" làm nên ca từ vui nhộn, ý nghĩa với giai điệu cực kỳ bắt tai, đậm tinh thần thời đại.


Đưa áng văn kinh điển vào âm nhạc

MAI QUỲNH NGA

So với thơ ca, tác phẩm văn xuôi (đặc biệt là văn xuôi hiện đại) có vẻ lép vế hơn khi trở thành nguồn cảm hứng trong âm nhạc. Chuyện thơ được phổ nhạc quá quen thuộc trong khi ca khúc mượn cảm hứng từ truyện ngắn, tiểu thuyết nổi tiếng có vẻ khá khiêm tốn. Vài năm trở lại đây, các áng văn kinh điển dần xuất hiện nhiều hơn trong sản phẩm âm nhạc của nghệ sĩ trẻ. Họ lựa chọn thông điệp, tình huống hay nhân vật nổi bật trong tác phẩm làm cảm hứng cho bài hát trẻ trung, sôi nổi.

Khuấy động cho xu hướng này phải kể đến "Để Mị nói cho mà nghe" (nhóm DTAP sáng tác) do Hoàng Thùy Linh thể hiện hồi năm 2019. MV ca khúc ra đời khiến bảng xếp hạng âm nhạc lẫn các diễn đàn như lên đồng. Khắp hang cùng ngõ hẻm, đi đâu người ta cũng nghe giai điệu quen thuộc: "Để Mị nói cho mà nghe/ Tết năm nay Mị vẫn còn trẻ/ Xuân đương tới rồi/ Nên Mị cũng muốn đi chơi…". Ca khúc trở thành trend (xu hướng), câu nói cửa miệng của giới trẻ trên mạng xã hội. Dễ hiểu vì sao "Để Mị nói cho mà nghe" làm mưa làm gió. Mượn câu chuyện bi đát của Mị - nhân vật trong tác phẩm "Vợ chồng A Phủ", nhóm nhạc sĩ đã viết lại theo hơi hướng nữ quyền. Mị vùng lên thoát khỏi ách áp bức tù đày để tự do làm những gì cô muốn. Thể loại nhạc pop hiện đại phối trộn với tiếng sáo, tiếng khèn đậm chất Tây Bắc cho ra một bài hát vô cùng lôi cuốn, tràn đầy năng lượng tích cực. 

Sở dĩ "Để Mị nói cho mà nghe" mang vai trò như phát đạn mở đầu bởi trước đó cũng xuất hiện vài ca khúc khai thác tác phẩm văn chương kinh điển được yêu thích nhưng chưa đủ sức gây bão. Đơn cử như "Chí Phèo" của Bùi Công Nam gợi nhắc chuyện tình yêu của Chí Phèo - Thị Nở ở chương trình Sing My Song. Hay "Kiều" nói về nỗi niềm má hồng, xót thương thân phận Thúy Kiều của nhạc sĩ trẻ Cao Bá Hưng. Ngay sau "Để Mị nói cho mà nghe", Hoàng Thùy Linh đã có cú lội ngược dòng ngoạn mục với hàng loạt ca khúc mang chất liệu văn hóa dân gian, truyền thống như: "Duyên âm", "Em đây chẳng phải Thúy Kiều", "Kẻ cắp gặp bà già"… Không chỉ nhận được sự yêu mến của khán giả, cô còn gặt hái vô số giải thưởng chuyên môn khi trở thành giọng ca tiên phong đưa văn hóa Việt Nam, văn chương Việt Nam vào ca khúc nhạc trẻ.

Thành công vang dội của Hoàng Thùy Linh thúc đẩy các nghệ sĩ khác mạnh dạn hơn với chất liệu văn học. Cuối năm 2019, ca sĩ Jun Phạm tung ra MV "Đây là một bài hát vui" tái hiện lại phong cách trào phúng, hài hước của tác phẩm "Số đỏ" (Vũ Trọng Phụng). Lời bài hát là lời tự sự lém lỉnh của nhân vật Xuân Tóc Đỏ với vận may từ trên trời rơi xuống. Ca khúc còn thể hiện rõ niềm hân hoan của gia đình cụ cố Hồng trong đoạn trích "Hạnh phúc của một tang gia". Nhờ sự đầu tư chỉn chu, MV của Jun Phạm đã nhận về "mưa" lời khen của khán giả, đặc biệt là giới học sinh, sinh viên. Nó khiến họ dễ học và dễ cảm tác phẩm kinh điển này.

Ngay sau đó, rapper Đen Vâu gây sốt với "Trời hôm nay nhiều mây cực". Bản rap nhắc đến hình tượng người lái đò sông Đà (trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Tuân): "Tình yêu như lò vi sóng, làm ta nóng từ trong ra/ Mang đến nhiều dư vị như đồ ăn chợ Đông Ba/ Tiếc là mình không gặp người lái đò ở Sông Đà/ Nên em thì ra cửa Đáy, anh đổ ngược về Sơn La/ Mình lao vào những guồng quay/ Giờ cũng không thấy buồn mấy…".

Sáng tác "Đẩy xe bò", nhóm DTAP mượn câu chuyện tình yêu chớp nhoáng mà bền chặt qua câu hò tán tỉnh của anh cu Tràng để ngẫm về tình yêu thời nay: "Bốn bát bánh đúc/ Thầy u nói "Ừ" là yêu/ Sao bây giờ chẳng giống như/ Tình yêu ở trong "Vợ nhặt"/ Người ta đến nhanh rồi đi/ Hợp tan cũng nhanh tan hợp nì/ Giờ tốt nhất/ Mau hợp tác để nhanh tác hợp/ Tình yêu của anh ở đây/ Sao chẳng nói câu này/ Muốn ăn cơm trắng mấy giò/ Lại đây mà đẩy xe bò với anh…". Trước đây, "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân cũng từng xuất hiện trong bài hát "Để Mị nói cho mà nghe". Nhưng tác phẩm chỉ lướt qua ở phần rap chứ không để lại nhiều dấu ấn. Chỉ với "Đẩy xe bò", "Vợ nhặt" mới chính thức có một bài hát cho riêng mình.

Đây cũng là ca khúc thứ hai của Phương Mỹ Chi khi cô quyết tâm lột xác, thoát khỏi biệt danh "cô bé dân ca" để theo đuổi dòng nhạc tươi trẻ, vui nhộn mượn cảm hứng văn hóa dân tộc, pha trộn Đông - Tây. Theo đuổi con đường này, Phương Mỹ Chi lập tức bị nhiều người nói là ăn theo, bắt chước đàn chị Hoàng Thùy Linh. Nữ ca sĩ thông minh đáp trả: "Với văn hóa truyền thống, tôi nghĩ chúng ta kế thừa, phát triển, chứ không thể nói hay xem đó là xu hướng để ăn theo, để bắt chước. Do vậy, tôi mong tất cả mọi người hãy ủng hộ, khuyến khích nghệ sĩ trẻ tiếp nối và phát triển di sản dân tộc, chứ mình đừng có dùng những từ ngữ không hay đó mà làm chùn bước các bạn!".

Quả vậy, sản phẩm âm nhạc lấy cảm hứng từ văn chương hiện nay còn khá khiêm tốn trong khi kho tàng văn học Việt Nam vô cùng dồi dào. Những hình tượng văn học bất hủ như chị Dậu, lão Hạc, chị Út Tịch, Kép Tư Bền… vẫn chưa xuất hiện nhiều trong nền âm nhạc đương đại. Trong khi đó, dàn nhân vật của văn học dân gian như Tấm - Cám, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Thị Mầu… đã lần lượt được giới nhạc sĩ đưa vào giai điệu dance, rap, pop, rock, RnB… Cũng như chất liệu dân gian, chất liệu văn học khiến sản phẩm âm nhạc dễ được yêu thích, dễ khắc sâu vào tiềm thức khán giả nên các ca sĩ trẻ ngày càng ưa chuộng.

Nhóm DTAP cho hay: "Việc đưa tác phẩm văn học vào ca khúc tạo nên nét độc đáo, riêng biệt giữa một rừng âm nhạc trăm hoa khoe sắc. Ngoài ra, chúng tôi còn tôn vinh những áng văn đẹp, những hình tượng văn học bất hủ, từ đó truyền tải tình yêu văn học, yêu văn hóa Việt Nam tới đông đảo khán giả, đặc biệt là thế hệ gen Z".

Nhạc sĩ Hoàng Phong thừa nhận, việc sáng tác lấy cảm hứng từ văn học tuy nhiều hứa hẹn nhưng đặt ra lắm thách thức. Nhóm DTAP cho biết khi làm thể loại âm nhạc này thì phải sử dụng đúng chất liệu, đặc trưng văn hóa vùng miền để đưa vào bài hát và truyền tải chúng một cách chính xác. Người viết phải thực sự am hiểu, nắm được tinh thần, thông điệp của tác phẩm văn học ấy. Nhưng nếu cứ bê y nguyên cốt truyện mà phổ nhạc thì hỏng. Lấy ngay phần đại ý, thông điệp mà thầy cô đã phân tích hồi còn ngồi trên ghế nhà trường để viết thành ca khúc cũng hỏng. Những thứ đó hầu như ai cũng biết, cũng nắm rõ, chẳng còn gì mới lạ.

Sự sáng tạo và tài năng nhạc sĩ nằm ở chỗ, từ hình tượng và câu chuyện quen thuộc đó, họ phóng tác ra sao dưới lăng kính của thế hệ hôm nay. Đó phải là góc nhìn mới, suy ngẫm độc đáo thì mới chinh phục được người nghe. Nếu để ý những bài hát thành công sẽ thấy một công thức: mượn chuyện xưa để nói chuyện nay. "Để Mị nói cho mà nghe" là thông điệp về nữ quyền - điều còn khuất lấp trong "Vợ chồng A Phủ". "Đẩy xe bò" là hai mảng đối lập của tình yêu bền chặt thời đói khổ và tình yêu hời hợt thời công nghệ.

Nói như Phương Mỹ Chi: "Tôi không muốn kể lại hoàn toàn câu chuyện văn học trong sách giáo khoa vào âm nhạc, bởi tôi biết các bạn trẻ đều đã thuộc lòng những tác phẩm đó khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tôi chỉ muốn thông qua tác phẩm mình đã từng học để truyền tải những góc nhìn, suy nghĩ và thông điệp một cách mới mẻ, hợp thời đại hơn". Đương nhiên sự sáng tạo ấy không được đi chệch tinh thần nguyên tác, bởi nếu chệch một li, bài hát đó sẽ trở thành tội đồ bóp méo, xuyên tạc áng văn quen thuộc. Đáng mừng là đến nay, hầu hết nhạc phẩm khai thác chất liệu văn học đều được công chúng hết lòng đón nhận và tán thưởng.

 

Nguồn: Văn Nghệ Công An