Hơn ai hết, Đinh Nho Tuấn có ý thức và trách nhiệm rất cao về bổn phận của nhà thơ. Bởi thế trong “Hơi thở đêm”, ông mới viết: Những bài thơ của anh muôn đời của anh/ Nếu anh không viết chúng ra thì không ai sẽ viết”.

ẤN TƯỢNG TỪ “LỜI PHẢ HƯƠNG”

(Đọc “Lời phả hương” của Đinh Nho Tuấn, NXB Hội Nhà văn quý 3 năm 2023)

ĐẶNG HUY GIANG

Tình cờ, tôi có trong tay “Lời phả hương” của Đinh Nho Tuấn nhờ hoạ sĩ Ngô Xuân Khôi. Ngô Xuân Khôi là bạn nhà thơ Đinh Nho Tuấn và người vẽ bìa cho tập thơ này. Là người yêu thơ, mê thơ...tôi đã đọc một mạch “Lời phả hương” đến mức không dứt ra được.

Chỉ riêng tên tập thơ đã quá hay. Lời mà phả ra hương (mùi thơm) hay hương ở trong lời mà bay ra hoặc hương có xuất phát từ lời, xưa nay, đã chắc có không nhiều người nghĩ tới. Nếu nói chỉ riêng tên gọi của tập thơ đã là một phát hiện, chắc hẳn cũng không quá lời một chút nào.

Tôi không biết “Lời phả hương” có liên quan đến “Biết bao giờ mới thôi phả hương” (tên một bài thơ trong tập thơ) không? Hay “Lời phả hương” có gợi ý từ “Biết bao giờ mới thôi phả hương” không? Nhưng bốn câu thơ cuối của “Biết bao giờ mới thôi phả hương” khiến người đọc không thể không ngẫm nghĩ:

Những cây cầu chết lịm với thời gian

Vẫn mải mê nối hai bờ cao thấp

Gió mùa thu cuộn tròn trong lồng ngực

Biết bao giờ mới thôi phả hương

Hơn ai hết, Đinh Nho Tuấn có ý thức và trách nhiệm rất cao về bổn phận của nhà thơ. Bởi thế trong “Hơi thở đêm”, ông mới viết: Những bài thơ của anh muôn đời của anh/ Nếu anh không viết chúng ra thì không ai sẽ viết”. Bởi thế trong “Tôi thách tôi”, ông mới viết: Tôi vẫn viết như ngày mai tuyệt chủng...Một niềm tin thơ và một bản lĩnh thơ như thế, ở đời, dễ có mấy ai!

Đọc những câu thơ này, tôi không thể không nhớ đến một bài thơ ngắn của Tagore viết cách nay đã lâu:

Tôi nằm ngủ và mơ thấy cuộc đời là niềm vui

Tôi thức giấc và tôi thấy cuộc đời là bổn phận

Tôi hành động và...ô kìa bổn phận chính là niềm vui

Vâng, trong thơ cũng thế thôi, bổn phận là một cái gì không thể thay thế và cũng là niềm vui, là hạnh ngộ của Đinh Nho Tuấn.

Nhiều bài thơ trong “Lời phả hương” là thơ về tình yêu hoặc có liên quan đến tình yêu. Thơ tình Đinh Nho Tuấn thường được triển khai có ý, có tứ và rất lạ. Ta chỉ cần đọc bốn bài: “Anh sẽ ăn những vầng trăng vỡ”, “Sao em nhiều thế em ơi” và “Tìm nhau”, “Mong manh tìm về mong manh” là hiểu con người tình yêu của ông:

Anh sẽ ăn những vầng trăng vỡ

Nuốt vào lòng tiếng nói thân quen

Dẫu hoá đá thiên thai tức tưởi

Chôn chân ngàn năm anh đợi em

(Anh sẽ ăn những vầng trăng vỡ)

Ngày đầu gặp anh

Em chỉ là giọt nắng

Ai nuôi em lớn thành mặt trời

Mà chiếu trong anh từng hơi thở

Sao em nhiều thế em ơi!

(Sao em nhiều thế em ơi)

 

Đích đến em vô cùng

 (Tìm nhau)

Khói sương đi tìm sương khói

Mong manh tìm về mong manh

 (Mong manh tìm về mong manh)

 Đây là bốn chi tiết thơ đáng nhớ, như chạm khắc vào trí nhớ người đọc và không dễ viết. Riêng Sao em nhiều thế em ơi và Đích đến em vô cùng là hai tuyệt phẩm về tình yêu của anh dành cho em, được ấp ủ một đời. Còn Khói sương tìm về sương khói/ Mong manh tìm về mong manh chính là bản chất của tình yêu. Và trong tình yêu, quan trọng hơn vẫn là sự tương ứng, tương thích:

Nếu sóng kia vỗ bờ không khắc khoải

Thì cát kia đau khổ làm gì

             (Với biển đêm)

Trong tập thơ trước (“Dan díu với núi sông”, xuất bản năm 2020), ít nhất Đinh Nho Tuấn nhắc đến em qua “Em vắt tôi”, “Tôi là tôi cả tình yêu sự chết”, “Cho tôi xuống bến Lam Kiều”, trong đó có những câu rất đáng đánh dấu khuyên vào đó: Khi em nở một nụ cười/ Em vắt tôi/ Dưới ánh hào quang tôi tan chảy...; Tôi ngồi bên em chiều hoang dại/ Chợt hình em là ánh sao xa/ Một vì sao muôn trùng khác biệt/ Không lẫn không tan giữa bao la; Cả nắm đất ngày thanh minh em hái/ Nay hạt mầm nở giữa lòng ta...

“Vì thế ta trong nhau” là bài thơ được về tổng thể. Bài thơ có năm khổ, khổ nào cũng chu diên, vẹn toàn. Bài thơ như dồn nén lại và như vỡ oà ra ở khổ cuối:

Nhưng bình minh và hoàng hôn vẫn run run ngày mai

Yêu thương đâu cần câu từ khúc chiết

Những giọt mưa đánh vẫn nhau ê a thân thuộc

Vì thế ta trong nhau.

“Tổ quốc tôi đang chạy” là một tứ thơ độc đáo. Sức nặng như nằm trong ba câu:

Giấc mơ đặt lên yên ngựa

Sinh ngày để kiếm đường đi

Bởi chưng dừng là sự chết...

Thơ Đinh Nho Tuấn còn nhiều nét lạ nữa qua những câu: Ta ngồi đây như cây bật gốc trong “Có cơn bão xa là thanh kiếm”, Xinh đẹp như nỗi cô đơn trong “Gái quê”,  Biển là tôi trôi ngược về em trong “Với biển đêm”...

Trong “Anh và tôi trái đất rồi sẽ thiếu”, Đinh Nho Tuấn băn khoăn về cách hành xử giữa người với nhau trong cuộc sống hằng ngày: Ta như thế nào với nhau? Ông không chỉ băn khoăn mà còn đau đớn một cách quyết liệt trước khổ đau và mất mát của bà mẹ Ucraina và bà mẹ Nga trong cuộc chiến tranh Nga - Ucraina.

Đây là mấy câu trong “Họ quá vội về bên kia thế giới”:

Tôi thấy người mẹ Ucraina

Khóc, đợi con trong bóng tối

Cách đó hàng ngàn dặm, những người mẹ nước Nga

Không kém phần khổ đau chờ đợi.

Đây là mấy câu trong “Chiến tranh”:

Họ nói về mẹ mình

Nhưng bắn vào mẹ người khác

Họ nói về những đứa con mình

Nhưng giết chết những đứa con người khác.

Từ mấy câu thơ gan ruột này của Đinh Nho Tuấn, tôi chợt nghĩ và đặt ra câu hỏi: Nếu không quan tâm hoặc bầy tỏ thái độ đến số phận con người, không quan tâm đến những vấn đề nóng bỏng của thời cuộc, của đời sống, thì các nhà thơ và thơ sinh ra để làm gì nhỉ?