‘Rong chơi miền nhớ’ là tên gọi cuộc triển lãm được khai mạc ngày 23/8 tại Hội Mỹ thuật TP.HCM của nhóm họa sĩ Ba Cái Bông có tuổi đời và tuổi nghề khác nhau.


“Rong chơi miền nhớ” trưng bày hơn 60 tác phẩm của ba họa sĩ Đặng Thị Dương, Liêu Nguyễn Hướng Dương và Nguyễn Anh Đào. “Rong chơi miền nhớ” được thể hiện bằng nhiều chất liệu sơn dầu, sơn mài, acrylic, màu nước... là thành quả của những chuyến đi giao lưu sáng tác trong nước và quốc tế.

Vì sao lại đặt tên triển lãm “Rong chơi miền nhớ”? Đại diện nhóm Ba Cái Bông chia sẻ: “Chúng tôi đã cùng nhau trải nghiệm, vui chơi qua những miền đất xinh đẹp và các nền văn hóa độc đáo. Những vùng đất mới mẻ, tuyệt vời đó đã để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng và là hành trang kỷ niệm đầy ắp cảm xúc để đi cùng năm tháng”.

Còn vì sao lại đặt tên nhóm Ba Cái Bông? Mỗi bông hoa là một thế giới, một màu sắc, một phong cách hội họa riêng. Với thông điệp đó và dựa trên tên thật, cũng như bút danh của mỗi họa sĩ, họ đã thống nhất đặt tên nhóm Ba Cái Bông, với mặc định Đặng Thị Dương là hoa water lily, Liêu Nguyễn Hướng Dương là hoa hướng dương và Nguyễn Anh Đào là hoa anh đào.

"Dran, bao giờ trở lại" của Đặng Thị Dương.


Mỗi thành viên nhóm Ba Cái Bông có thế mạnh khác nhau. Họa sĩ Đặng Thị Dương là nhà giáo ưu tú, có nhiều năm làm Chủ nhiệm khoa Kiến thức cơ bản, Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Theo đánh giá của họa sĩ Uyên Huy: “Sở trường chất liệu sơn dầu, ngôn ngữ tạo hình trong tranh của Đặng Thị Dương có nét riêng rõ nét. Hình tượng trong tranh của chị không theo khuynh hướng hiện thực, ấn tượng, biểu tượng hay tả thực. Hình tượng trong tranh của chị từ con người, phong cảnh, con vật đều mang hơi thở hồn nhiên, ngộ nghĩnh giàu tính trang trí, nhí nhảnh và khoáng đạt”.

Tham gia triển lãm “Rong chơi miền nhớ”, họa sĩ Đặng Thị Dương chia sẻ: “Tình yêu thiên nhiên đã cuốn hút tôi vào những mảng đề tài yêu thích, và những bức tranh nồng nàn hơi thở cuộc sống đã được sinh ra từ những chuyến đi trải nghiệm cuộc sống đầy thú vị. Hai khả năng dạy học và sáng tạo nghệ thuật luôn song hành trong tôi”.

Họa sĩ Liêu Nguyễn Hướng Dương sinh năm 1975. Trong vòng hai thập niên qua, Liêu Nguyễn Hướng Dương là một trong vài họa sĩ bán tranh nhiều nhất tại Việt Nam.

"Chân dung tự họa" của Liêu Nguyễn Hướng Dương.


Họa sĩ Liêu Nguyễn Hướng Dương thổ lộ: “Tôi là hoạ sĩ thích làm việc theo cảm tính, cảm xúc và sự rung động, nên tôi để mọi thứ cứ thuận theo tự nhiên, xuôi theo dòng cảm xúc và những suy tư bất chợt của mình, nên chưa có kế hoạch gì cụ thể trong tương lai cả. Đối với tôi cảm xúc, sự rung cảm khi vẽ là điều khá quan trọng. Nuôi dưỡng cảm xúc để cảm hứng thăng hoa trong tác phẩm là điều tôi thật sự mong muốn”.

Họa sĩ Nguyễn Anh Đào đang làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mỹ thuật nữ Hội Mỹ thuật TP.HCM. Với “Rong chơi miền nhớ”, họa sĩ Nguyễn Anh Đào bày tỏ: “Trong triển lãm lần này cùng hai người bạn lớn là họa sĩ Đặng Thị Dương và họa sĩ Liêu Nguyễn Hướng Dương, tôi thấy mình thật may mắn. Tôi mang đến triển lãm hai dòng cảm xúc , thiên nhiên và nàng thơ giữa thiên nhiên.

Con đường nghệ thuật của tôi giống như một cuộc phiêu lưu mãi mãi trong thế giới đầy màu sắc và sự tiếp xúc trọn vẹn với thiên nhiên. Là một người yêu thiên nhiên và trân trọng mọi khoảnh khắc đẹp của cuộc sống, tôi đã gắn kết trái tim và tâm hồn mình vào những nét vẽ để chia sẻ với thế giới những cảm xúc tuyệt vời mà những nơi cảnh đẹp tôi từng đi qua”.

"Say hoa" của Nguyễn Anh Đào.


Triển lãm “Rong chơi miền nhớ” kéo dài từ ngày 23/8 đến ngày 29/8 tại Hội Mỹ thuật TP.HCM (218A Pasteur, quận 3, TP.HCM). Nhóm họa sĩ Ba Cái Bông khẳng định: “Chúng tôi cũng muốn đánh dấu một chặn đường sáng tạo say mê và nhiệt huyết của mỗi cá nhân. Mặc dù, mỗi người là một con đường hội họa riêng, phong cách khác biệt, nhưng tựu chung lại là sự đồng cảm, đồng điệu, cùng nhau tạo nên cái đẹp, tạo nên nguồn cảm hứng, động lực để khích lệ nhau trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Chúng tôi là ba bông hoa nhỏ vẽ nên những bức tranh để mong muốn là người kết nối mạch cảm xúc của trời đất đã ban phát cho chúng tôi”.

                                                 P.T