Do nhiều nhà xuất bản không tự tổ chức được bản thảo mà bản thảo do các đối tác liên kết tự thiết kế, dàn trang, vẽ hình… nên bộ phận dàn trang, vẽ hình của nhà xuất bản không có hoặc dần biến mất. Nhà xuất bản đã mất đi khả năng tổ chức bản thảo, do đó có đơn vị đã thu “khoán” cả gói cho mỗi đầu sách một khoản tiền nào đó.

 

Nhiều NXB để sót chi tiết sai phạm, đưa ra thị trường những cuốn sách kém chất lượng

Theo Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên, "một số nhà xuất bản (NXB) thiếu chủ động trong quá trình tổ chức, khai thác bản thảo dẫn đến chưa thể hiện đúng vai trò chủ trì trong hoạt động liên kết; có biểu hiện buông lỏng quản lý, không thực hiện nghiêm quy trình biên tập xuất bản, để lọt, để sót nhiều chi tiết sai phạm, đưa ra thị trường những cuốn sách kém chất lượng gây bức xúc dư luận…".

Phát biểu tại đề dẫn hội thảo Đổi mới, nâng cao hiệu quả của liên kết xuất được tổ chức ngày 26-9, tại Hà Nội, Cục trưởng Nguyên Nguyên thẳng thắn chỉ rõ, liên kết xuất bản là một chủ trương đúng, hoạt động liên kết xuất bản cũng đã đem lại diện mạo mới cho xuất bản.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp phát hành xuất bản phẩm không chấp hành nghiêm quy định pháp luật và thỏa thuận với NXB về liên kết như: tự in tăng số lượng, không nộp lưu chiểu, thậm chí thay đổi nội dung bản thảo, vi phạm pháp luật về xuất bản và bị xử lý…

Vấn đề phí quản lý trong liên kết giữa NXB và đơn vị liên kết còn nhiều bất cập; mặt bằng phí quản lý chưa phù hợp; bài toán kinh tế liên kết chưa có lời giải thoả đáng. Cũng bởi mối liên kết lỏng lẻo này nên một số trách nhiệm của NXB trong việc hỗ trợ đơn vị liên kết còn hạn chế. Nhiều đơn vị sau khi biên tập, cấp phép hầu như không còn quan tâm đời sống của cuốn sách; không đầu tư tạo giá trị gia tăng từ thương hiệu nhà xuất bản.

Theo lãnh đạo Cục Xuất bản, nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế liên kết cả nguyên nhân chủ quan, khách quan, trong đó có những nguyên nhân sâu xa từ những bất cập về cơ chế, chính sách; chuyển dịch chậm, không bắt nhịp được với cơ chế thị trường của các nhà xuất bản; hạn chế về trình độ, nghiệp vụ của cả lãnh đạo và biên tập viên nhà xuất bản và còn cả tư duy kinh doanh thiếu tầm nhìn, thậm chí là “chụp giật” của một bộ phận đơn vị tham gia liên kết.

Là người trực tiếp tham gia vào mối liên kết xuất bản, đại diện NXB Đại học Sư phạm TPHCM cũng chỉ rõ, do nhiều NXB không tự tổ chức được bản thảo mà bản thảo do các đối tác liên kết tự thiết kế, dàn trang, vẽ hình… nên bộ phận dàn trang, vẽ hình của NXB không có hoặc dần biến mất. NXB đã mất đi khả năng tổ chức bản thảo, do đó có đơn vị đã thu “khoán” cả gói cho mỗi đầu sách một khoản tiền nào đó.

Ban đầu thì cũng khá, nhưng các NXB kiểu vừa nêu trên ngày càng nhiều lên, cạnh tranh quyết liệt với nhau nên giá cứ giảm dần, cho đến lúc chỉ còn trên dưới 1 triệu đồng cho một tờ giấy phép. Với nguồn thu ngày càng teo tóp, nhiều thủ tục xuất bản bị rút gọn, dẫn tới quy trình xuất bản không được đảm bảo. Sai phạm sách trong thời gian qua chủ yếu rơi vào tình trạng này...

Hội thảo cũng nhận được nhiều đề xuất tháo gỡ những bất cập trong liên kết xuất bản như quy định đầy đủ hơn trách nhiệm của các đơn vị liên kết, xây dựng quy trình liên kết xuất bản cũng như có các hình thức xử lý nghiêm khắc với các sai phạm trong liên kết...

Theo lãnh đạo Cục Xuất bản, ngay cuộc hội thảo, có thể chưa giải quyết được căn cơ của các vấn đề nhưng đây sẽ là cơ sở quan trọng để tìm ra các giải pháp để thực hiện hiệu quả chủ trương xã hội hóa, giữ vững và khẳng định liên kết xuất bản vẫn là một trong những động lực cho sự phát triển của xuất bản hôm nay và trong thời gian tới.

Nghịch lý liên kết xuất bản

Thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động xuất bản, cùng với quá trình cổ phần hóa, liên kết xuất bản trở thành một trong những giải pháp quan trọng, thúc đẩy xuất bản phát triển. Nếu năm 2004, cả nước mới xuất bản được khoảng 24.000 đầu sách, 250 triệu bản thì đến năm 2022, toàn ngành đã xuất bản được trên 38.000 đầu sách với 530 triệu bản, đưa mức bình quân sách/người/năm từ 2,1 bản (2004) lên 5,3 bản (2023)… Thế nhưng, đằng sau những con số thống kê tốt đẹp này lại có một câu chuyện tưởng chừng quá vô lý nhưng đang diễn ra, đó là hàng chục nhà xuất bản (NXB) có tỷ lệ liên kết trên 70% vẫn “đói”.

Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành, trong quá trình liên kết, một số NXB đã thiếu chủ động trong tổ chức, khai thác bản thảo, dẫn đến chưa thể hiện đúng vai trò chủ trì trong hoạt động liên kết. Thậm chí, có biểu hiện buông lỏng quản lý, không thực hiện nghiêm quy trình biên tập xuất bản, để lọt, để sót nhiều chi tiết sai phạm, đưa ra thị trường những cuốn sách kém chất lượng, gây bức xúc dư luận… Việc xuất hiện tình trạng đối tác liên kết xuất bản nhầm vị trí, “lấn lướt” các NXB, được xem là nguyên nhân chính để đối tác thì khỏe, còn NXB lại lay lắt, èo uột.

Có vị lãnh đạo ngành đã chất vấn: “Tại sao và từ khi nào mà người ta định giá 500.000 - 1 triệu đồng/giấy phép xuất bản? Trong khi đó, nếu sách có sai sót, đặc biệt là sai sót về mặt tư tưởng, chính trị thì nơi cấp phép là NXB sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Tại sao lại có những NXB chấp nhận “treo” sinh mạng chính trị của mình với số tiền 500.000 - 1 triệu đồng như thế?…”. Có người lý giải rằng, chuyện đó xảy ra khi các NXB bị ép và rằng đó là thời điểm các NXB cảm thấy bất lực, không còn lợi thế với các đối tác liên kết. Dĩ nhiên, ai cũng hiểu có ở thế yếu thì mới bị ép, bị lấn lướt, bởi thực tế có đối tác liên kết nào dám lấn lướt các NXB như Kim Đồng, Chính trị quốc gia Sự thật, Giáo dục, hay Trẻ…?

Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ, đã đến lúc cần phải thẳng thắn nhìn lại hoạt động liên kết xuất bản mà việc đầu tiên là công khai các con số thống kê, từ đó phản ánh rõ thực trạng của liên kết xuất bản hiện nay.

Liên kết xuất bản là một chủ trương đúng đắn, nhưng để nó hoạt động hiệu quả, mối liên kết thực sự lâu dài và bền chặt thì đòi hỏi cả hai bên cùng thấy khỏe mạnh. Sẽ khó có cái kết đẹp nếu ngành xuất bản tiếp tục tồn tại tình trạng một bên thì lớn mạnh, một bên thì èo uột trong các mối quan hệ liên kết.

MAI AN – Sài Gòn Giải Phóng