Sáng 26/9, Hội Nhà văn TP.HCM và Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội tổ chức tọa đàm tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Quốc Trung (1956-2021) nhân dịp ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước và kỷ niệm 2 năm ông ra đi.  


NGUYỄN QUỐC TRUNG và cuộc đời đất không đổi màu

NGUYỄN MINH NGỌC

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung chào đời ngày 27-10-1956 tại xã Sơn Ninh, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Miền quê sơn thủy hữu tình của anh nằm phía tả ngạn dòng Ngàn Phố, đổ xuôi vào sông La, hòa cùng dòng Lam về biển cả. Giống như bao tráng đinh thời giặc giã, 18 tuổi, Trung nhập ngũ đợt 2 năm 1974, biên chế thuộc Sư đoàn 341 (danh hiệu Sư đoàn Sông Lam), một sư đoàn chủ lực cơ động của Bộ. Sau khi được Bộ Tổng tư lệnh điều động vào chiến trường B2, đầu tháng 3-1975, Sư đoàn 341 “gia nhập” Quân đoàn 4, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, mở đầu bằng trận đánh then chốt ở Xuân Lộc, mở toang “cánh cửa thép” của địch, để đại quân ta tiến về Sài Gòn. Tiếp đó, là những ngày làm nhiệm vụ quân quản tại thành phố Sài Gòn - Gia Định vừa được giải phóng. Bao xúc cảm ùa vào, dội vào tâm hồn chàng tân binh.

Không chỉ “vào thành, vững như thành” như lời khen tặng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (14-8-1976), Quân đoàn 4 vừa chuyển sang làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế, đầu tháng 10-1977, đây là đơn vị đầu tiên có mặt trên tuyến biên giới Tây Ninh chặn đánh quân Pol Pot tràn sang xâm lấn đất đai. Hiện thực bề bộn của cuộc sống chiến đấu đã thôi thúc người lính trẻ cầm bút. 

Trong đội hình của Binh đoàn Cửu Long sang giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, đầy gian khổ và ác liệt, Nguyễn Quốc Trung xông xáo bám nắm thực tế viết báo, làm thơ, viết văn xuôi. Năm 1979, anh có tác phẩm đầu tay. Trong khi bạn bè cùng trang lứa đang dọ dẫm tìm lối đi, thì chàng thiếu úy đã trình làng tiểu thuyết Biên giới (1985). Tiếp đó, là tiểu thuyết Bên rừng thốt nốt (1986).

Cầm bút và trưởng thành từ cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế trên đất nước Chùa Tháp, có lẽ Nguyễn Quốc Trung là một trong những cây bút tiêu biểu cho thế hệ “nhà văn trung úy” tiếp nối các bậc đàn anh thời chống Mỹ. Với “gia tài” xông xênh là mấy cuốn tiểu thuyết “dắt lưng”, từ chiến trường khốc liệt, anh được gọi về nước, ra Hà Nội nhập học Trường viết văn Nguyễn Du khóa 3 (1986-1989), cùng với Bảo Ninh, Đỗ Văn Nhâm, Nguyễn Khắc Thạch… Có thầy giỏi, thêm bạn hiền, từ đây Trung như được chắp thêm đôi cánh và càng chuyên tâm với nghiệp chữ.

Nguyễn Quốc Trung dự cuộc thi truyện ngắn do báo Sài Gòn giải phóng tổ chức. Ban giám khảo là những tên tuổi lừng lững trên văn đàn như Anh Đức, Chế Lan Viên, Hoài Thanh, Viễn Phương, Bảo Định Giang. Họ quyết định chọn trao giải Nhất cho truyện ngắn Những tia chớp phía chân trời của một cây bút trẻ mặc áo lính sung sức. Truyện kể về mối tình nảy nở giữa người lính trẻ đang chiến đấu bảo vệ biên giới với cô thanh niên xung phong, ngôn ngữ trong sáng, chuyển tải nội dung khá cảm động. Với cái kết có hậu đặt trong bối cảnh đất nước vừa có hòa bình, vừa có nguy cơ xảy ra chiến tranh, truyện gieo vào lòng người đọc niềm tin vào tương lai. Vượt qua ải vũ môn này, phong cách truyện ngắn Nguyễn Quốc Trung đã thành hình và bắt đầu có chỗ đứng trong lòng bạn đọc.

Không thỏa mãn dừng lại, cũng không chọn cho mình sự an nhàn ở hậu phương, là người lính, anh khoác ba lô trở lại chiến trường Campuchia. Nguyễn Quốc Trung tâm sự: “Vốn sống lớn nhất của tôi là cuộc chiến tranh đã qua. Những người lính đã từng ở bên tôi, người còn, người mất, tôi luôn luôn cảm thấy cần và phải viết về họ, họ là những người ít có may mắn hơn chúng ta”. Rất dễ nhận ra bối cảnh quen thuộc trong các trang viết của Nguyễn Quốc Trung, từ quê hương anh, nơi có chợ Choi, chợ Gôi, với đặc sản chè xanh, kẹo “cu-đơ”; đến Sài Gòn, mà cụ thể là vùng đất Tân Bình, khu dân cư trên đường Yên Thế, chợ Tân Sơn Nhất. Thêm nữa, đó là hiện thực cực kỳ gian khổ, mất mát trên chiến trường, rồi những địa danh trên đất Campuchia… Anh nắm vững phong tục tập quán của người Hoa (Chợ Lớn), cùng nét văn hóa truyền thống Angkor…

Về truyện ngắn, Nguyễn Quốc Trung có các tập Người đàn bà hồn nhiên; Đêm trừ tịch; Trong tiết thanh minh; Người đến từ nước Mỹ; Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu.

Không chỉ bộc lộ sở trường về truyện ngắn và bút ký, Nguyễn Quốc Trung còn là một nhà tiểu thuyết. Đến nay, ngoài 6 tập truyện ngắn, anh đã xuất bản 10 tiểu thuyết và có thơ đăng rải rác. Nhưng lạ một điều, anh chưa in một tập thơ hay tập ký nào. Mặc dù, anh đã được nhận giải thưởng bút ký của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Trong số tiểu thuyết của Nguyễn Quốc Trung, đáng chú ý có 3 cuốn. Đó là Người đàn bà khóc mướn (Nxb Trẻ, 1992); Người trong cõi người (Nxb Hội Nhà văn, 2004); Đất không đổi màu, Nxb QĐND, 2005.

Sau ngày Trung mất, vài lần, nhà văn Nguyễn Khắc Trường gọi điện nhắc về cuốn Người đàn bà khóc mướn. Anh bùi ngùi bảo, các văn tài cũng chỉ viết đến vậy. Vỏn vẹn chỉ có 206 trang, nhưng nội dung tiểu thuyết ôm chứa khá rộng. Người lính tên Cổn về phép thăm vợ tên Phụng ở làng quê hẻo lánh. Cuốc ruộng không đủ sống, người đàn bà làm thêm nghề khóc mướn, “lấy nước mắt nuôi hai đứa con”. Cổn về, xấu hổ khi biết vợ làm nghề chẳng giống ai. Nhưng hóa ra làng Phúc Nghĩa của Cổn “thờ thần hoàng là một người khóc mướn”. Sự trớ trêu định mệnh, khiến Cổn tặc lưỡi lấy Phụng làm vợ chứ anh không hề yêu. Cổn đi xa, hoàn cảnh đưa đẩy Phụng ngoại tình.

Từ cái trục dọc ấy, qua chiếc khăn krama, tác giả dẫn câu chuyện ngược về thời đất nước Campuchia hoang tàn đổ nát dưới thời Pol Pot, và mối tình say đắm của người lính Việt Nam với nàng Mô Pâu, từng là vũ nữ Hoàng gia. Đó là vẻ đẹp rất riêng của tình yêu, nhưng người phụ nữ Khmer lại dằn vặt, vì mình mà gia đình Cổn đổ vỡ. Khi đoàn quân tình nguyện về nước, Cổn lại trở về nơi chôn nhau cắt rốn với bao nỗi niềm chưa trọn vẹn. Phải nói Nguyễn Quốc Trung khá am tường tâm lý phụ nữ và anh có những trang viết thật hay về phái đẹp. Điều này, lý giải vì sao Người đàn bà khóc mướn và Đất không đổi màu là 2 tác phẩm được nhận Giải thưởng Văn học sông Mê Kông lần thứ nhất (2007).

Cho đến Người trong cõi người, thì anh đã có một bước tiến cả trong nghệ thuật xây dựng nhân vật và phân tích tâm lý nhân vật. Với cái tứ được “đào” sâu, tác giả tái hiện lại cuộc sống của những kẻ mới giàu bốc lên nhờ kẽ hở cơ chế, bởi sự chụp giựt tranh giành. Trong thế giới ô trọc đó, người ta sẵn sàng chà đạp lên nhau để đạt cho bằng được mục đích cá nhân. Bắt đầu từ cái “hộp hình vuông, mỗi chiều chừng hai gang tay, được bọc giấy xanh, trổ chữ Đại Phước đỏ sậm…” trong đám cưới đình đám ở vùng Tân Sơn Nhất, tác giả mở ra một chuỗi dài bi kịch.

Câu chuyện rùng rợn gói thai nhi gửi đến làm quà cưới “trả thù” thì dân gian kể nhiều, song dưới ngòi bút của nhà văn, mọi thứ trở nên rất hoạt. Đời có vay, có trả. Ấy là Thoản, một sếp ngân hàng thực dụng, tráo trở, chuyên dùng tiền lừa lọc cướp đi sự trinh trắng của nhiều cô gái đẹp. Người cha của Thoản tên Nhân, song vô cùng bất nhân, tàn bạo. Trong kháng chiến chống Pháp, y mạo nhận đảng viên để leo cao làm cán bộ, sợ bị phát hiện, nên ra tay tàn độc nhằm bưng bít sự thật. Lợi dụng “đội cải cách”, Nhân quy “địa chủ” rồi cho bắn hết những người từng cưu mang nuôi nấng và biết rõ về tung tích của hắn ở vùng Kẻ Mỏ, ngoài Bắc. Đến chuyện vợ chồng Nhân ra tay cướp trắng của cải người giàu ở Chợ Lớn trong vụ “cải tạo tư sản” sau 1975 ở Sài Gòn… Ngôi biệt thự mà lão Nhân chiếm đoạt vốn là sản nghiệp một đời của ông Quách (người Hoa). Đến lượt Thoản lừa lọc cướp đời con gái của Luyên, ái nữ của lão Quách. Nhân và Quách thâm thù nhau đến tận xương tủy. Quả báo nhỡn tiền. Thằng con út lão Nhân bị tật nguyền, quái dị. Cô giúp việc tên Chót vì nhà nghèo mà bị vợ chồng Nhân quỷ quyệt giăng bẫy bắt làm “dâu út”, mang bầu rồi đẻ ra quái thai…

Song những người từng bị Nhân hại, chẳng thèm chấp nhặt chuyện quá khứ, không chỉ tha thứ cho hắn, họ còn cao tay bí mật giúp đỡ gia đình hắn, như một đòn trừng phạt cái ác. Chính điều ấy giày vò tâm địa khiến lão Nhân mất ăn, mất ngủ. Sau ngày cưới, không chịu nổi cú sốc kinh hoàng, cô vợ Thoản ốm liệt rồi bỏ đi, thời gian sau Thoản bị giáng chức ở ngân hàng, xuống làm hành chính. Cưới vợ lần 2, Thoản chuộc lỗi nối lại với cô Luyên, hắn vẫn lại nhận “được” quà như lần trước, càng thêm khiếp đảm. Bao nhiêu là mưu ma, chước quỷ phô bày, lồ lộ. Kết cục, lão Nhân treo cổ tự tử, mụ vợ bỏ lên chùa, thằng Thoản bị tai nạn cụt chân…

Nhưng trong cái mớ hổn độn ấy vẫn có nhiều điểm sáng. Tiêu biểu là Khánh, một nhà văn mặc áo lính sống khắc khổ, kiệm lời, nhưng thương người và cưu mang nhiều số phận. Tác giả gieo vào lòng bạn đọc rằng cái thiện rốt cuộc sẽ chiến thắng cái ác, điều tốt đẹp sẽ mãi trường tồn…

Tới cuốn Đất không đổi màu, thì Nguyễn Quốc Trung đã chứng tỏ là một nhà tiểu thuyết thực thụ. Anh viết trực diện về cuộc xâm lấn cướp bóc tàn ác của quân Khmer đỏ và không ngần ngại khi nói về những thất bại đau đớn của bộ đội ta buổi đầu trên tuyến biên giới Tây Ninh. Đơn giản chỉ vì sau hào quang chiến thắng, người lính dễ mất cảnh giác, chưa nhận rõ âm mưu hiểm độc của kẻ mới hôm qua còn là láng giềng. Hầu hết các nhân vật trong sách đều có thật, đó là các cán bộ chỉ huy Quân đoàn, Sư đoàn, nhưng tác giả chỉ lấy họ và tên đệm. Đó là Binh đoàn phó Trân, Tham mưu trưởng Bảy Khánh, hay nói trại đi, như Tham mưu phó Tạ Quảng… Những vị chỉ huy như Tư lệnh Hoàng Cầm, Tư lệnh phó Bùi Cát Vũ, hay tướng Lê Trọng Tấn, xuất hiện đúng tầm vóc và vị thế. Bởi vậy, có thế nói đây là một tác phẩm hư cấu cũng đúng mà phi hư cấu cũng chẳng sai.

Bên cạnh đó là những người Campuchia chạy sang đất Việt lánh nạn, như Mút Thon, Miên Xman, Khang Rin… mỗi người đều có số phận riêng, họ được sống trong ân tình bảo bọc của người Việt Nam. Nếu không lăn lộn trong lửa đạn chiến tranh, hẳn tác giả không thể có được cái vốn sống ngồn ngộn về cuộc sống chiến đấu của những người lính tình nguyện sâu sắc đến vậy. Cái thời, cả nước đói khổ, lính tráng trệu trạo nhá bo bo, nuốt vắt mì luộc, húp mì tôm… để đánh giặc, mới cao cả và thật đáng khâm phục làm sao!

Bao nhiêu mảnh đời với nhiều số phận đan cài, xoắn bện với nhau… Bi kịch của trung đoàn trưởng Dần với cô vợ tên Chinh đẹp người nhưng đanh đá, chỏng lỏn, vì hám tiền, bỏ bê con cái cho mẹ chồng ở phố. Chị chàng mò lên tận điểm chốt có chồng đánh giặc để mở quán kiếm tiền. Ả bị gã lái xe tải bặm trợn lừa chiếm đoạt và bỏ rơi cay đắng. Hay mối tình xộc xệch của Vương Thế với cô Khanh kém mình vài chục tuổi. Họ ăn ở với nhau, chưa cưới xin, về sau cũng vì tiền mà Khanh đi bán cà phê đèn mờ… Nhưng cũng có những mối tình sáng trong, thật đẹp như Tiểu đoàn trưởng Quyền với cô giáo Trang, họ gặp nhau ngày vỡ trận biên giới. Biết người lính đã qua một lần đò và có con riêng, song Trang vẫn cảm thông và đến với anh, chăm lo cho gia đình. Tiếc thay, Quyền đã ngã xuống ngay trước cửa ngõ Phnôm Pênh, để lại người vợ thảo hiền…

Tác giả hóa thân vào nhiều nhân vật. Câu nói của tay bác sĩ trạm trưởng: “Ở mặt trận, khi đối mặt với cái chết, người ta sống thật với chính mình nhất”, như một triết lý. Hoặc như Tiếu, một cán bộ trẻ, vì tình thương mà yêu, rồi gắn đời mình với một cô gái con sĩ quan chế độ cũ. Anh bị kỷ luật, trở thành phó thường dân, nhưng vẫn đau đáu với anh em đồng đội. Tiếu bộc bạch: “Mình là đàn ông, nhưng điểm tựa của một gia đình lại là phụ nữ”. Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam là cuộc chiến tranh mìn. Khi dùng xe trâu đưa máy thông tin qua biên giới, Tiếu dính mìn, hy sinh… Trong tác phẩm, bên cạnh những người lính vượt mọi khó khăn, xếp lại tình riêng để dũng cảm chiến đấu, thì có cả sự toan tính thấp hèn, ích kỷ.

Cuốn sách như một lời khẳng định mạnh mẽ, rằng cho dẫu thế nào thì cuộc sống vẫn cứ tiến lên, phẩm giá con người là vĩnh hằng. Việt Nam là đất nước yêu hòa bình, dám hy sinh danh dự để cứu cả một dân tộc thoát khỏi họa diệt chủng. Qua giông bão, đêm tối, bình minh lại rạng ngời. Bởi vậy, Đất không đổi màu của Nguyễn Quốc Trung được nhận Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Bộ Quốc phòng (2004-2009). Tiếp đó, tiểu thuyết Dòng sông bên chùa (Nxb Văn học, 2019) cũng trao Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Bộ Quốc phòng (2014-2019).

Lao động miệt mài, với những trang viết đậm đà về mảng chiến tranh cách mang và lực lượng vũ trang của Nguyễn Quốc Trung được bạn đọc đón nhận. Anh là một cây bút văn xuôi vạm vỡ, đích thực... Ghi nhận những đóng góp ấy, sáng ngày 19-5-2023, Đại tá Nhà văn Nguyễn Quốc Trung được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho tiểu thuyết Đất không đổi màu. Tại Nhà hát Lớn, Hà Nội, ái nữ Nguyễn Thuận Ánh lên nhận giải thay bố.

Bùi ngùi nhớ lại, khi nghe tin anh dính Covid-19 và nhập viện điều trị hôm 31-8-2021, bạn bè vẫn nuôi hy vọng rồi anh sẽ chóng bình phục và trở về. Nhưng phôn cho anh mấy lần đều không được... Rồi bàng hoàng khi nhận hung tin: Nguyễn Quốc Trung đã từ trần hồi 13 giờ 50 phút ngày 10-9-2021… Mắc dù gia đình có nguyện vọng muốn được giữ thi hài anh thêm ít hôm, chờ hết giãn cách, sẽ làm lễ chu đáo. Nhưng trong tình cảnh hiện nay thì điều ấy khó mà được chấp nhận…

Cuối tháng 9 này, nhân sự kiện Đại tá Nhà văn Nguyễn Quốc Trung được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2022, đồng thời cũng là dịp tưởng nhớ 2 năm ngày ông mất, Hội nhà văn TP. Hồ Chí Minh và Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức buổi tọa đàm về Nguyễn Quốc Trung. Tôi ngậm ngùi nhớ về một người bạn của mình. Dường như ông không mất, mà ông lại lên Biên giới, lãng du về Bên rừng thốt nốt, kể chuyện Thời chúng mình yêu nhau và an ủi Người đàn bà khóc mướn đấy thôi. Nhưng vĩnh viễn Đất không đổi màu, như chính cuộc đời ông vậy.

 

Nguồn: Văn Nghệ