Người đọc chuyên nghiệp biết mình phải làm gì để giao
tiếp được nhiều nhất với văn bản, đi được xa nhất, sâu nhất vào thế giới nghệ
thuật ẩn sau câu chữ.
Thế nào là một người đọc chuyên nghiệp?
NGUYỄN THANH TÂM
Một nền văn học chuyên nghiệp là một nền văn học có được
sự đọc chuyên nghiệp. Nhưng, như thế nào là đọc chuyên nghiệp? Nói cách khác: đọc
chuyên nghiệp là đọc như thế nào? Sẽ có nhiều bình diện để xác lập và mô tả cơ
chế đọc chuyên nghiệp. Ở đây, trước hết, tôi muốn đề cập các phương diện liên
quan đến văn bản mà một người đọc chuyên nghiệp có thể xem xét trong quá trình
tiếp cận của mình.
Đứng trước một văn bản văn học là đứng trước một con
người. Vì vậy, điều đầu tiên khi ai đó có ý định tiếp cận con người ấy là ý thức
rằng, mình cần phải giao tiếp với văn bản. Tập hợp các vấn đề - cơ hội giao tiếp,
được mở ra tại thời điểm này.
“Trước hết”, cần phải biết chủ thể tạo lập văn bản ấy
- tác giả của văn bản là ai? Câu hỏi này hướng đến việc nghiên cứu - hiểu biết
về tiểu sử tác giả, như là một kênh để tham chiếu các khả năng hiện diện, từ mối
liên hệ giữa nhà văn và tác phẩm. Không bị áp lực từ quan điểm “tác giả đã chết”,
góc nhìn này cho chúng ta cơ hội được biết dấu vết nào di thực từ cuộc đời tác
giả vào trong tác phẩm. Trường phái phê bình tiểu sử và sau đó là phê bình phân
tâm học đã nhấn mạnh các yếu tố trong tác phẩm có nguồn gốc từ tác giả, ít nhiều
tạo nên một hệ thống quan điểm - phương pháp cho việc đọc thực chứng, từng rất
quyền uy. Việc cho rằng, “Nỗi buồn chiến tranh” (Bảo Ninh) mang dấu vết tự truyện,
chính là hệ quả của lối đọc tiểu sử này.
Khía cạnh thứ hai, vừa liên quan đến tác giả (chủ
quan), đồng thời có những điểm tạo nên cơ chế khách quan cho sự ra đời của văn
bản, đó là thời đại, bối cảnh văn hóa - lịch sử. Sự nở rộ của thể loại trường
ca sau ngày đất nước thống nhất có nguyên do khá lớn từ thời đại, khi con người
cần phải tổng kết, chiêm nghiệm, nhìn ngắm lại hành trình vĩ đại của dân tộc đã
đi qua chiến tranh với cảm hứng sử thi, bi tráng. Đồng thời, khi thời đại đã
cho phép, những ngẫm ngợi về lẽ sống của đoàn thể, dân tộc, cá nhân, những giá
trị cao cả và thường hằng, cái chung và cái riêng… cũng được soi chiếu, nhận diện.
Đó là cơ hội cho cảm hứng thế sự - đời tư trong văn học Việt Nam sau 1975.
Bình diện thứ ba, cần được chú ý khi tiếp cận một văn
bản văn học, đó là ngôn ngữ. Đây là hình thức trực tiếp mà người đọc có thể tri
nhận, mở cánh cửa đi vào thế giới nghệ thuật. Mọi thứ hiển hiện qua hình thức.
Do vậy, không thể bỏ qua yếu tố quan trọng này. Có rất nhiều chồi rễ mọc ra từ
hình thức, đâm cành, tỏa bóng vào các vỉa tầng nghệ thuật. Chẳng hạn, ngôn ngữ
thơ, ngôn ngữ văn xuôi (thể loại), ngôn ngữ nhân vật, ngôn ngữ người kể chuyện,
từ địa phương, tiếng lóng, các sắc thái tu từ trong ngôn ngữ, cú pháp… Lối làm
thơ nhịu chữ của Lê Đạt, thi pháp âm bồi trong thơ Dương Tường, lối làm chữ của
Trần Dần, Đặng Đình Hưng, những bài thơ chữ cái của Từ Huy, họa thi của Nguyễn
Thị Thúy Hạnh… là gợi ý cho bình diện giao tiếp này. Cũng ở khía cạnh hình thức,
người đọc có thể nhận ra những câu văn ngắn, khô, lạnh và nghiệt ngã trong văn
Nguyễn Huy Thiệp (nhất là khi nhà văn viết về đàn ông, về phố thị và các chứng
tật của cuộc đời). Nhưng, cũng chính Nguyễn Huy Thiệp, khi viết về người phụ nữ
và thiên nhiên, ông lại sử dụng những câu dài, ngôn ngữ mềm mại, nâng niu đầy
trân trọng, gửi gắm và hi vọng.
Khía cạnh ngôn ngữ nghệ thuật này có thể được mở rộng
đến bình diện thứ tư, cũng là bình diện lớn nhất trong khả năng giao tiếp của độc
giả đối với văn bản văn học: hệ thống ký hiệu. Nghĩa là, tất cả mọi biểu hiện
trực tiếp hoặc gián tiếp trong văn bản, thoạt tiên nó là hình thức biểu nghĩa, ẩn
giấu, gợi ý… đối với người đọc.
Theo đó, từ hình thức trình bày văn bản đến câu chuyện,
tình huống, cảm xúc, hình ảnh, hình tượng, biểu tượng, nhân vật, cấu trúc, văn
phong, nhịp điệu, giọng điệu, điểm nhìn, thủ pháp nghệ thuật… đều có thể xem là
những ký hiệu biểu nghĩa, nơi người đọc có thể bám vào nhằm tìm kiếm tiếng nói
bên trong văn bản. Giải quyết các khả năng này đem đến cơ hội lớn cho việc giao
tiếp nghệ thuật. Đây cũng là trọng tâm của việc đọc, định hình căn bản thao tác
chuyên nghiệp của độc giả. Thông thường, người đọc thưởng thức tìm kiếm câu
chuyện, cảm xúc, thông điệp, nghĩa - ý nghĩa từ văn bản. Đó cũng là quá trình cấp
nghĩa cho các ký hiệu trong hệ thống mà ta đang nói đến.
Điểm khác biệt giữa người đọc phổ thông với người đọc
chuyên nghiệp là ý thức về hệ thống ký hiệu này khi bắt đầu hành trình đọc của
mình. Chẳng hạn, khi tiếp cận tác phẩm “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư,
ý thức chuyên nghiệp sẽ mở ra các tình huống mà sự đọc cần tìm kiếm, giải mã. Từ
tên của tác phẩm đến nhân vật (Út Vũ, Điền, Nương, Sương…), câu chuyện trôi dạt
trên đồng của thân phận con người, giọng điệu man mác buồn thương, ngôn ngữ đậm
sắc thái Nam bộ… đều có thể là điểm khởi đầu cho một hành trình diễn giải. Chưa
hết, trong thế giới nghệ thuật mà văn bản gợi lên, những biểu đạt về thân thể,
giấc mơ, nước, cánh đồng, bầy vịt… cũng ẩn chứa các thông điệp về sinh thái học,
phân tâm học, ký hiệu học, nữ quyền luận… mà chắc hẳn cách đọc chuyên nghiệp sẽ
không thể bỏ qua.
Hệ thống ký hiệu trong văn bản văn học là cơ sở cho những
diễn giải từ sự đọc. Đó cũng là căn cứ để kiểm soát hành vi diễn giải, tránh sa
vào tình trạng tùy tiện, khi người đọc được trao quyền lực trong quá trình tiếp
nhận. Cũng chính từ hệ thống ký hiệu này mà các khả năng giao tiếp – diễn giải
được kích hoạt, phụ thuộc vào tầm đón nhận của người đọc.
Ví dụ cho việc này là sự nở rộ các hướng liên ngành
trong nghiên cứu văn học. Không đóng khung văn bản vào giới hạn tự trị của văn
học, các không gian mở đã xem xét văn học như là một dữ kiện để khám phá thế giới
tinh thần con người, thời đại, văn hóa, sinh thái, lịch sử, nghệ thuật, in ấn,
xuất bản và các thiết chế khác có liên quan. Người đọc phổ thông không có nhu cầu
hoặc không để ý đến các khả năng này, chính vì vậy, việc đọc của họ thiên về ngẫu
hứng, tìm kiếm sự đồng cảm trong cảm xúc - tâm trạng, câu chuyện, thông điệp,
giúp giải trí hoặc duy trì một thói quen - thực đơn thường ngày cho tâm hồn.
Người đọc chuyên nghiệp biết mình phải làm gì để giao
tiếp được nhiều nhất với văn bản, đi được xa nhất, sâu nhất vào thế giới nghệ
thuật ẩn sau câu chữ. Một hình dung lý tưởng cho môi trường đọc chuyên nghiệp
chính là người đọc có được bộ công cụ giải mã tác phẩm, ít nhất là căn cứ trên
hình thức văn bản. Cộng đồng đọc mạnh, cao cấp, sẽ chi phối trở lại quá trình
sáng tác - sản xuất các sản phẩm văn học - văn hóa, như một liên hệ biện chứng,
tất yếu.
Đơn cử như việc đọc các bài thơ hiện nay. Nếu người đọc
vẫn duy trì mĩ cảm truyền thống, với cách tiếp cận sắc thái du dương, trầm bổng
của thơ, cùng những đòi hỏi về vần - khổ, ngôn từ gợi cảm - mĩ miều… chắc sẽ
làm nghèo đi đời sống thơ ca. Tuy vậy, trong khả năng của trí tưởng, người đọc
đương đại đã có những chuyển biến mới về thị hiếu, khi thích những bài thơ tự
do, không chú trọng vần - khổ; ngôn ngữ thơ hàm súc, đa nghĩa hơn, gần gũi với
ngôn ngữ đời sống; các thủ pháp nghệ thuật phức tạp, đặc sắc hơn; khả năng khơi
gợi cảm xúc - tưởng tượng mạnh mẽ hơn… Những bài thơ sâu sắc, có giọng điệu -
phong cách, có cấu trúc độc đáo với hệ thống hình tượng đa nghĩa, thể hiện được
cảm quan tinh thần - thẩm mĩ của con người - thời đại… nhìn chung vẫn thu hút
được công chúng. Ở phía khác, những bài thơ kể lể, miêu tả, nghèo nàn về nghĩa,
đơn giản về thủ pháp, nông cạn về tư tưởng… sẽ nhanh chóng chìm vào quên lãng.
Văn bản văn học hiện diện như một con người. Bởi thế,
xung quanh con người ấy có những mối liên hệ xa gần mà người đọc chuyên nghiệp
có thể hình dung. Bình diện thứ năm cần được nhấn mạnh tại đây đó là tương quan
giá trị của văn bản với hệ giá trị của thời đại - cộng đồng - cá nhân. Một văn
bản văn học ra đời đều thể hiện trong đó quan niệm nhân sinh, quan niệm giá trị,
quan niệm thẩm mĩ của chủ thể sáng tạo, đồng thời phản chiếu sự tương đồng/
khác biệt hay chất vấn lại hệ giá trị của cộng đồng - thời đại.
Tiếp cận ở khía cạnh này, người đọc sẽ nhận ra vị trí,
ý nghĩa của văn bản trong dòng chảy văn hóa - văn học, giúp đánh giá được thành
công (hay thất bại) của tác phẩm. Cũng từ bình diện này, người đọc chuyên nghiệp,
có hệ thống, sẽ nhận thấy sự tồn tại của một trường văn học, xuyên qua nhiều
tác phẩm, tác giả, giai đoạn… (thậm chí là xuyên không gian - thời gian) khi
trùng lên nhau những dấu ấn nhất định nào đó. Từ việc nghiên cứu hình thái truyện
cổ tích của Propp đến cách hình dung về một nền văn học thế giới với những mối
bận tâm sâu sắc về sinh thái không phải là không có căn cứ.
Trở lên, những bình diện được đề cập, liên quan đến
văn bản văn học, có thể là đề xuất cho hành vi đọc chuyên nghiệp. Nhưng, đến một
lúc nào đó, những đòi hỏi này sẽ trở nên không cần thiết, hoặc thường tình,
trong không gian văn học nơi mà ai cũng sở hữu những kỹ năng đọc chuyên nghiệp.
Nguồn: Văn Nghệ Công An