Vì không thể ngồi, Trần Văn Thước phải đứng viết ở tư thế treo chân trong khung sắt được bệnh viện chế cho. Cái bàn viết của ông thật đặc biệt, đó là cái hòm đạn người em bộ đội mang từ chiến trường về.


Nhà văn Trần Văn Thước: Ngọn đèn dầu tỏa rạng

NGUYỄN PHÚ

Gần 20 năm trước, khi còn công tác trên miền biên tái Hà Giang, một người bạn đã cho tôi mượn cuốn tiểu thuyết “Mùa yêu” của nhà văn Trần Văn Thước để trong những ngày mưa núi. Từ đó, tôi bắt đầu tìm các tác phẩm khác của nhà văn và “nghiên cứu” về cuộc đời ông.

Đấy là một thói quen của tôi, khi đọc tác phẩm tôi thường “đi tìm” tác giả để hiểu hơn về con đường văn chương của họ với mong muốn tìm thấy được “manh mối” gì đó để có thể dễ dàng bước vào thế giới mà nhà văn sáng tạo nên. Hoặc cũng chỉ đơn giản là để biết thêm về một người văn - đời văn! Càng “đi tìm” Trần Văn Thước tôi càng ''ngã ngửa'', thán phục bởi hành trình và những thành tựu của ông với văn chương.

Nhiều lúc nghĩ về ông, trong đầu tôi cứ lần lượt hiện ra những trường đoạn của một bộ phim hết sức sống động. Đó là ngày chàng trai 16 tuổi Trần Văn Thước dời quê lúa Thái Bình để lên Thái Nguyên học nghề tại Trường Đường sắt. Gương mặt chàng vui tươi, hăm hở lắm. Chàng căng lồng ngực để hít hà cho thỏa mùi bùn đất, mùi đồng ruộng, hương lúa, hương sen... Làng Thường Kiệt ơi!...Thầy u ơi!... Bạn bè ơi!... Hẹn một ngày trở lại...

Đó là buổi sáng mùa hè năm 1979, anh công nhân Trần Văn Thước và đồng nghiệp đang hừng hực, hò reo dựng một ngôi nhà... R.ầ.mmmm! Chiếc xà sắt rơi xuống và tấm lưng ai đó đã lĩnh trọn. Một tiếng rú thốn đến tim gan. Ngất lịm... “Thước! Thước nguy rồi...”. Một ai đó kêu lên. Rồi tiếng hò hét. Tiếng hối nhau. Tiếng bước chân chạy. Xe cấp cứu...

Đó là 6 năm ròng, gần chục bệnh viện với những cơn đau vật vã, những lần thập tử nhất sinh... Đó là một buổi chiều quê, người làng Thường Kiệt xôn xao đón người đàn ông 31 tuổi tàn tật trở về. Còm cõi, ốm o, đôi chân chạy nhảy ngày nào không bao giờ còn bước đi được nữa, gương mặt hằn lên ưu tư, tủi hờn. Nước mắt thầy u nhúm ruột xót xa. Nước mắt anh em khúc trên khúc dưới nửa tủi nửa mừng. Còn người vợ và hai đứa con thơ dường như nước mắt đã cạn rồi... Chồng tàn tật, vợ không nghề ngỗng, hai đứa con lau nhau. Làm gì đây để sống? Làng quê, đồng ruộng ơi... có đủ bao dung cho cuộc đời này?...

Hẳn là ngày ấy, khi về làng, trong ông đã biết bao nhiêu ý nghĩ, bao nhiêu câu hỏi dồn đuổi. Tất cả đều hướng vào một câu hỏi lớn nhất: “Làm gì để sống?”. Ngôi nhà cũ năm nào mở rộng cánh cửa đón đứa con đau. Thầy u dang tay ôm con cháu vào lòng. Vợ chồng Trần Văn Thước và hai đứa con được cả nhà, cả họ “giao nhiệm vụ” ở với thầy u. Vợ ông có ruộng để làm. Con nhà khó nên cũng sớm khôn. Cô con gái lớn buổi đi học buổi đi bán hàng rong kiếm tiền ăn học và phụ giúp bố mẹ.

Không thể ngồi một chỗ để vợ con nuôi mình, Trần Văn Thước bắt đầu khởi nghiệp... kinh doanh. Một gian quán nhỏ hướng ra đường làng bày bán dăm thứ nhu yếu phẩm cho các gia đình nông dân, ít kẹo bánh, toòng teng mươi gói bim bim, và không thể thiếu chè và thuốc lào. Gian quán này đồng thời cùng là nơi nghỉ ngơi, viết lách của nhà văn.

Vì không thể ngồi, Trần Văn Thước phải đứng viết ở tư thế treo chân trong khung sắt được bệnh viện chế cho. Cái bàn viết của ông thật đặc biệt, đó là cái hòm đạn người em bộ đội mang từ chiến trường về. Có lẽ vì thế nên Trần Văn Thước dù chưa một ngày trong quân ngũ nhưng ông lại viết về bộ đội rất chân thực, sinh động và sâu sắc.

Ông đã có hàng trăm tác phẩm cộng tác với chuyên mục “Chuyện kể ở đại đội” được nghệ sĩ Phạm Đông thể hiện, một chương trình mà cán bộ, chiến sĩ toàn quân mong đợi hàng tuần trong nhiều năm liền. Các tác phẩm khác của Trần Văn Thước, nhất là mảng truyện ngắn, nhiều nhân vật trung tâm là người lính. Những năm trước truyện của ông thường xuất hiện trên Tạp chí Văn nghệ quân đội.

Thi thoảng bài viết của tôi trên Facebook lại được Trần Văn Thước thả cho một cái “like”. Cái “like” của ông làm tôi sướng rơn, vì không hẳn là ông khác người bình thường. Khi ấy tôi quên ông là người cao tuổi, sức khỏe kém, khó khăn trong việc sử dụng công nghệ. Tôi luôn nhìn vào cái hình đại diện chỉ có biểu tượng, không có ảnh chính chủ, rồi mủm mỉm cười và nghĩ “ông già này đúng là dân... Cục II!”. Lâu lâu tôi lần mò vào “nhà” ông xem “binh tình” thế nào. Nhưng từ 19/12/2020 đến nay chỉ đúng... 3 cái status, với một câu lặp lại: “cảm ơn mọi người”. Lần nào đọc bốn chữ ấy tôi cũng xúc động. Chỉ bốn chữ ấy thôi, tôi phần nào thêm hiểu ông. Tấm lòng Trần Văn Thước cũng như những trang văn của ông luôn trải dài ra để đến với trái tim của rất nhiều người.

Mỗi lúc nhớ ông hoặc khi đọc xong một truyện ngắn mới in của ông, tôi thường gọi điện cho Trần Văn Thước. Tiếng cười như vô ưu, giọng nói ấm áp, gần gũi của ông đôi khi làm tôi quên đi muộn phiền nào đó. Lại có lúc pha lẫn tiếng nhà văn là những âm thanh lao xao, vui vẻ hay tiếng điếu cày rít giòn thật giòn. Tôi hỏi thì ông bảo gian quán nhỏ của ông từ lâu đã như câu lạc bộ cờ tướng, ngày nào cũng có một nhóm dăm ba ông già, vài chú trung niên trong làng đến chơi cờ, hút thuốc lào, uống chè - những thú vui đặc trưng, truyền đời của những người đàn ông thôn quê.

Có lần Trần Văn Thước bảo quán tạp hóa của ông khác với các quán khác là không bán rượu bia. Lý do là nếu bán rượu bia thì chỉ người thích rượu bia vào lai rai, những người khác ngại, họ sẽ không đến nữa. Vả lại, trong suy nghĩ của ông rượu bia là thứ dễ làm người ta sa ngã, hư hỏng. Ông không muốn bán mặt hàng đó, dù ông biết nó sinh lời hơn nhiều so với những hàng tạp hóa khác.

Hẳn là từ ngày phải ở một chỗ Trần Văn Thước thèm người và muốn gần mọi người lắm. Một nhà văn như ông thì lại càng có nhu cầu được thâu nạp tất cả hỉ nộ ái ố, vần xoay của làng quê. Tôi đồ rằng, thu nhập từ cái quán nhỏ xíu của ông chả đáng là bao đâu, nhưng ông lãi rất nhiều, ấy là những câu chuyện làng, chuyện nước được kể từ ngày này qua ngày khác ở hội chơi cờ hoặc những người đến quán của ông mua hàng. Đó chính là chất liệu nóng hổi, tươi rói, phong nhiêu để Trần Văn Thước cho ra đời những trang văn sinh động, đẹp đẽ, tràn đầy hơi thở, mạch đập của đời sống nông thôn.

Từ khi khởi viết, nhất là giai đoạn trở về làng đến nay, mạch nguồn nông dân, thôn quê, ruộng đồng ngày càng đằm, dào dạt trong ông. Thế nên có người đã “tấn phong” Trần Văn Thước là “nhà văn của những người nông dân”. Hàng loạt các tác phẩm đã xuất bản của ông chất thôn quê, ruộng đồng toát lên từ cái tên, các tập truyện: “Tháng Ba thương mến” (1997), “Bờ sông vẫn gió” (2003), “Bến xưa” (2006), “Mưa nhuần” (2008), “Bến cũ xuôi về” (2013), “Cửa sổ mở ra ngõ” (2014), “Nguồn sáng” (2016), “Cho đến lúc trưa tròn” (2018),...v.v; 2 tiểu thuyết: “Mùa yêu” (2001), “Trai làng” (2004).

Ngoài các giải thưởng danh giá của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ quân đội,... thì trên địa hạt chuyên biệt là các giải thưởng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cái tên Trần Văn Thước cũng nhiều lần được vinh danh ở hạng mục cao. Điều đó phần nào chứng tỏ tài năng, nội lực và những đóng góp của ông cho văn chương, cho những bước phát triển của nông thôn và những người nông dân.

*

Trần Văn Thước từng trải lòng về nghề văn: “Viết văn là một việc đòi hỏi rất nhiều trí lực. Nhà văn đích thực dù gắng gỏi, nỗ lực đến đâu cũng không dám nghĩ là đủ, đã đạt… Tôi nghĩ đấy là nghiệp nghề văn chương”. Với Trần Văn Thước cái trí lực ấy cần chắt chiu, gắng ghiết hơn rất nhiều lần so với những người bình thường. Tác phẩm của ông chưa đạt đến mức phi thường nhưng suốt 40 năm qua, hành trình viết khổ ải của ông, những trang văn chân thực, đẹp đẽ, nhân văn, nhân bản, luôn hướng ánh sáng về cộng đồng và từng phận người, nhất là người nông dân đủ để độc giả cảm mến, trân trọng, biết ơn những nỗ lực, cống hiến của một người văn.

Số phận nghiệt ngã đã lấy đi của Trần Văn Thước đôi chân, sức khỏe và nhiều thứ, nhưng đã dành cho ông một người vợ tào khang, tảo tần, bao dung, những người con ngoan ngoãn, thành đạt. Và qua những sáng tác nhọc nhằn, ông có rất nhiều bạn bè trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Ông đã chạm đến trái tim của họ và họ hướng mạch đập trái tim về nơi ông. Đó chính là sự kì diệu của văn chương.

Trong một cuộc trò chuyện gần đây, tôi có hỏi Trần Văn Thước về những ngày mới viết khi quay trở lại làng, ông chia sẻ từng có những lúc thắp đèn dầu viết trong đêm tối. Nhưng thật kì lạ, trong suốt mấy ngày sau, tôi không tài nào hình dung ra ngọn đèn dầu trong gian quán nhỏ của ông, mà chỉ thấy bóng ông phát sáng như một ngọn đèn dầu tỏa rạng trên những trang vở ô li. 

 

Nguồn: Văn Nghệ Công An