Thế hệ chúng
tôi
có hạnh phúc là lúc mới vào nghề, đã được thở cùng khí quyển văn chương với các
bậc khai sơn phá thạch cho nền văn chương mới nước nhà trong thời nước mất. Năm
tháng chưa xa nhưng cuộc đời đã khác...
TIẾNG VỌNG CỦA THỜI GIAN
VŨ QUẦN PHƯƠNG
Thế là tôi đã bước vào tuổi mụ 85. Không hiểu sao vào
tuổi lớn thì cảm giác về thời gian như không còn chính xác. Thế là đã 60 năm
tính từ cái ngày tôi được rủ đến họp thơ ở Hội Nhà văn Việt Nam. Trụ sở Hội khi ấy không phải ở 65 Nguyễn
Du mà ở phía đối diện, bên số chẵn.
Hồi đó (thập niên 60) lứa chúng tôi được gọi là cây bút trẻ, sau này gọi là lứa
chống Mỹ, hầu hết chưa vào Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng hầu như tất cả các cuộc họp về thơ, anh em thường được mời dự. Mời giấy hoặc
mời miệng kèm theo lời dặn của anh Chế Lan Viên hoặc anh Tế Hanh: gặp anh em viết
nhớ rủ các bạn ấy đến cho vui.
Tôi đến buổi đầu là theo cái suất “rủ đến cho vui ấy”.
Mà vui thật. Lần đầu tiên tôi được ngồi thật gần, được trò chuyện với các nhà
thơ mà tôi được học tác phẩm của họ ở trung học: Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Lưu
Trọng Lư, Tế Hanh, Anh Thơ, Nguyễn Xuân Sanh, Yến Lan… Đôi khi: Tú Mỡ, Huy Cận,
Phạm Huy Thông, Vũ Đình Liên, Quang Dũng… Tôi thích thú như được ngồi trò chuyện
với người trong cổ tích. Anh Chế Lan Viên hồi đó là trưởng tiểu ban thơ, người
triệu tập và điều hành cuộc họp. Anh tạo một không khí thân gần giữa chúng tôi,
những người còn nhiều rụt rè với văn chương và ngại ngùng trước các tên tuổi đã
vào văn học sử như những người khai sinh nền thơ hiện đại nước nhà viết bằng
quốc ngữ…
Năm 1972, khi tôi chuyển từ nghề Y sang làm biên tập
cho buổi Tiếng thơ Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi càng có điều kiện tiếp xúc với
các bậc đàn anh, tính tuổi có người vào hàng cha chú mình rồi. Không chỉ thơ mà
cả văn và phê bình. Tôi đã được nghe ông già nhỏ thó lành hiền Hoàng Ngọc
Phách, tác giả tiểu thuyết Tố Tâm (1925), tác phẩm vào loại “cổ điển”
của tiểu thuyết hiện đại nước nhà, đã xa vời lắm. Cụ Phách khi ấy đã không viết
nữa. Nhưng gặp cụ như gặp một chứng cứ lịch sử của văn chương. Tôi đã mạnh dạn
hỏi cảm giác cụ Nguyễn Công Hoan, khi cuốn Đống rác cũ đang là sự kiện
trong dư luận xã hội.
Lại có lần trường sư phạm ở Hưng Yên mời cụ Nguyễn
Tuân về nói chuyện văn có mời thêm tôi về nói chuyện thơ… Tối hôm đó, lúc tôi sắp
lên hội trường làm phận sự của tôi, bác Nguyễn Tuân bảo tôi: Trưa nay anh nghe
tôi nói rồi. Bây giờ tôi xin đến nghe anh một lúc. Tôi thành thật thưa: Có bác
là kỷ niệm đẹp cho cháu nhưng cháu cũng sợ. Bác nhắc lại: một lúc thôi. Một lúc
trôi qua, bác lặng lẽ đứng dạy về phòng…
Cụ Nguyễn Tuân có một cảm tình đặc biệt với những gì
truyền thống. Có một điều gì vừa như xa xôi lại vừa như gắn bó hàng ngày với cụ
mà chỉ có thực sự chứng kiến mới hiểu ra cái giá trị của những vang bóng từ một
thuở xa xưa trong tâm hồn cụ. Tôi đã thấy, cũng ở Đài, ngay trong phòng biên tập
của chúng tôi, hồi chiến tranh chống Mỹ, cuộc gặp ngẫu nhiên của cụ và bà Quách
Thị Hồ. Bà Hồ là nghệ sĩ còn sót lại của thời xưa. Tuổi cao nhưng giọng vang, ấm.
Bà hát ca trù hay ngâm thơ theo kiểu truyền thống hay lạ lùng, có sức gợi lại
những nền nếp văn hóa tự nhiều thời của nước mình, dấu xưa xe ngựa, bâng khuâng
lắm.
Bữa ấy bà Quách
Thị Hồ nhờ
ông Đinh Khắc Ban, người chơi đàn đáy nổi danh từ trước cách mạng đun cho ấm nước,
chị Trần Thị Tuyết thì rửa ấm chén. Bà Hồ lấy từ chiếc túi xách tay phong trà
Thái Nguyên đặc biệt, hồi ấy trà ngon phải mua ngoài chợ đen, bà Hồ đã tự san
ra từng phong nhỏ vừa với một ấm trà. Bà Hồ pha trà nghiêm cẩn, sang trọng như
thực hiện một lễ nghi. Bà nâng hai tay chén trà nhỏ đưa mời ông Nguyễn. Ông Nguyễn
cũng hai tay đón chén trà nghi ngút khói. Ông nhấp trà, ngẫm nghĩ rồi nhìn bà Hồ,
thư thả: Trà ngon, bà pha khéo nhưng… hình như nước chưa đủ sôi.
Bà Hồ sửng sốt nhìn ông Nguyễn: Ơ hay, ông lạ nhỉ, nước
người ta vừa đun xong, ông thấy đấy mà lại bảo chưa đủ sôi là thế nào. Ông Nguyễn
im lặng, nét mặt bình thản. Bà Hồ rót chén trà mới, nhấp nhấp lại rồi tươi tỉnh
và thân ái nhìn ông Tuân mà rằng: Hay là ông ngậm trà vào miệng, tôi rót thẳng
nước vào xem đủ sôi chưa… Cái câu nói của bà Hồ chát chúa thế nhưng hình như lại
u ẩn chút hương thân ái từ một thời xa, đủ mang bác Nguyễn về ngược thời gian bốn
mươi năm trước. Cái thời nhố nhăng và đau đớn của những ông TYPN, ông Xuân tóc
đỏ, những chị Dậu anh Pha, vẫn có những tấm lòng thương nhau, phục nhau thầm lặng
của đám văn nhân tài tử thật sự biết tài đức nhau.
Cái chi tiết ĐỜI mà tôi chứng kiến hôm ấy quá mảnh mai
mà sao tôi cứ ấn tượng mãi… Đọc tường thuật đám tang Tản Đà hay đám tang Vũ Trọng
Phụng cũng thấy được trùm trong tình cảm ấy. Thế hệ chúng tôi có hạnh phúc là lúc mới vào nghề, đã
được thở cùng khí quyển văn chương với các bậc khai sơn phá thạch cho nền văn
chương mới nước nhà trong thời nước mất. Năm tháng chưa xa nhưng cuộc đời đã
khác, trong câu chuyện hay trong tính cách các cụ, chúng tôi còn nhận ra dấu vết của cái thời ngỡ như
trong tiền kiếp nhưng lại là bối cảnh văn chương của những tác phẩm mà chúng tôi mê đắm.
Năm 1984, về làm ở nhà xuất bản Văn Học,
tôi được giao làm tuyển tập cho các nhà văn trước cách mạng. Về thơ, phần trước
cách mạng, chỉ chọn 20 bài. Nói chung, các tác giả đều vui: in gì tùy nhà xuất
bản, được in là chúng tôi vui rồi. Riêng anh Xuân Diệu thì cho rằng, với anh 20
bài thì biết giới thiệu gì, anh đề nghị lấy thêm. Nhà xuất bản không thay đổi lượng
bài được. Anh xin để anh tự chọn. Điều ấy thì tôi làm biên tập, tôi có thể phối
hợp với anh được. Nhưng khi duyệt, nếu phải thay bài thì anh thuận cho. Anh
Xuân Diệu nói ngay: thế thì tôi chờ, khi nào tác giả được chọn thì tôi in.
Tôi vẫn nghĩ thơ Xuân Diệu trước cách mạng có những
bài hay lắm, có thể là hay nhất trong các tác giả Thơ Mới, hay trong cả tiến
trình thơ Việt. Song những bài ấy đề tài lại rất “vu vơ”, dễ bị gạt. Mà không
in tuyển Xuân Diệu thì chẳng ra làm sao… May sao sáng hôm sau, sớm lắm, anh
Xuân Diệu đạp xe đến nhà tôi ở phố Trương Hán Siêu. Anh nói: Đêm qua anh nghĩ lại. Mình dỗi không in thì
họ không in thật. Thế là vì mấy lượm lúa mà mình bỏ cả vụ gặt. Thôi thì họ muốn
chọn thế nào cũng được. In thơ bây giờ như chạy đồ đạc ra khỏi đám cháy nhà. Chạy
khỏi ngọn lửa của thời gian. Túm được thứ nào thì cứ bê đại ra. Chọn lọc gì nữa.
Sẽ còn nhiều lần chọn lọc, sắp xếp lại. Các cậu chưa phải là người chọn cuối
cùng đâu. Rồi anh vận ca dao: “Trời
mà bắt chết thời thôi/ Nếu còn, thời sẽ no xôi chán chè”.
Bữa ấy anh Xuân Diệu nói liền một thôi. Tôi chỉ biết
nghe. Càng nghe càng nhẹ lòng. Nhẹ lòng vì nút thắt đã được gỡ. Nhưng lúc tiễn
anh về, nhìn theo dáng lưng anh, như lầm lũi như kiên nhẫn, trên chiếc xe đạp
favorit, tôi như ngộ ra một triết lý sống của anh, cái triết lý chấp nhận, chấp
nhận để thích ứng, để tồn tại, để phấn đấu cho cái đích mình đã định, với anh
là tham gia đánh giặc cứu nước và làm thơ hay. Nhưng cái đích thơ nhiều lúc phải
lâm thời gác lại. Ngay lứa chúng tôi
thôi cũng đã đáp ứng nhu cầu tình thế nhiều phen lắm. Nhưng chúng tôi vẫn có những nhà thơ xuất sắc, những bài
thơ được công chúng rộng lớn mến yêu. Bài thơ “Tây tiến” của Quang Dũng, lứa đàn anh thời
kháng chiến 9 năm, và bài “Bài
thơ một người yêu nước mình” của
Trần Vàng Sao, lứa chúng tôi
trong cuộc kháng chiến lần sau, là hai đỉnh thơ độc đáo, đột xuất nhô lên rồi
tuyệt tự. Nó không có hậu duệ. Tại sao? Trả lời câu hỏi ấy cũng là một cách thu
thập kinh nghiệm làm nghề.
Tố Hữu, nhà thơ tài năng duy nhất không phải “nhận đường”
hay “tìm đường”, ông cứ thẳng hướng ban đầu mà tiến. Có lần tôi được nghe ông
khuyên, khi ấy ông đã hưu: “xúc động thì nên viết, viết ngay, nhưng đăng lúc
nào thì phải tính”. Và ông tiếc: “hồi qua nước bạn đang cách mạng văn hóa, nhiều
chuyện muốn viết lắm, nhưng nghĩ thế nào lại thôi. Khi chiến tranh biên giới Bắc,
muốn viết thì cảm xúc lại mờ rồi”... Một lần khi tôi hỏi tại sao ông ít thơ
tình yêu thế, có phải vì cương vị xã hội mà ông không dám bộc bạch? Ông nói: “Không phải, tôi có được làm thơ vì tôi hay
vì thơ đâu. Hồi “Từ
ấy”, tôi làm thơ để
tuyên truyền lý tưởng, Sau này là để giải thích chính sách. Các cậu đừng coi
tôi là nhà thơ chuyên nghiệp, thơ tôi nghiệp dư, cách mạng mới là chuyên nghiệp”. Tố Hữu nói xong, trầm ngâm. Tôi nhìn ông,
thầm nghĩ: đấy mới chính là chỗ lớn của thơ Tố Hữu.
Tôi hay hỏi tâm sự nghề viết, ở đây xin được đôi nét
tưởng nhớ, tri ân lớp đàn anh thuộc thế hệ đầu, những người đã “lót ổ” cho
chúng tôi,
dưới mái nhà văn chương tam đại đồng đường khi ấy. Còn lớp chống Pháp và chính
lớp chúng tôi
nữa, nhiều nỗi lòng, nhiều mong ước nghe cảm động lắm, thương nghề lắm, xin để
một dịp khác...