Nếu một tuần nữa là tận thế là tập thơ thứ tư của Đặng Chân Nhân, được xuất bản sau nhiều năm tác giả im lặng. Nó là sự tiếp tục của cậu bé Đặng Chân Nhân với rất nhiều câu hỏi và hình dung về thế giới xung quanh mình.


ĐẶNG CHÂN NHÂN nếu một tuần nữa là tận thế

Đặng Chân Nhân được bạn đọc biết đến như một như một hiện tượng khi xuất bản tập thơ đầu tay Hình dung lúc 14 tuổi, trong đó có những bài thơ được viết khi chưa đầy 10 tuổi. Sau Hình dung, Đặng Chân Nhân có thêm hai tập nữa: Giờ thứ 38 (2009) và Giấc mơ (2011). Một số bài thơ của anh lúc đó đã được nhiều bạn đọc ghi nhớ như Hình dung, Đường tắt, Con rối... Bài Đường tắt, viết lúc 16 tuổi đã được học sinh các trường THPT thảo luận, viết và phân tích trên nhiều diễn đàn. Bài thơ này cũng được lấy làm đề thì kiểm tra chất lượng giữa kỳ lớp 12 của các trường THPT. Có tỉnh đã lấy bài thơ này làm đề thi thử THPT quốc gia. Bài Con rối được đưa vào tuyển chọn 65 bài thơ hay nhất viết cho thiếu nhi của NXB Kim Đồng năm 2022.

Nếu một tuần nữa là tận thế là tập thơ thứ tư của Đặng Chân Nhân, được xuất bản sau nhiều năm tác giả im lặng. Nó là sự tiếp tục của cậu bé Đặng Chân Nhân với rất nhiều câu hỏi và hình dung về thế giới xung quanh mình. Nhưng giờ đây, chàng trai đang bước vào tuổi 30 này đã có những câu hỏi và trả lời rõ ràng tập trung vào những vấn đề cơ bản nhất của cuộc đời của con người: Sống và chết. Sống để làm gì? Chết là gì? Và phải sống thế nào? Người ta có thể đặt ra những câu hỏi này ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng cũng có thể rất muộn màng, hoặc không bao giờ.

Tập thơ này gồm những bài được viết rải rác trong khoảng thời gian tác giả ở tuổi 18 đến 30. Nó cho thấy một con người trưởng thành dần trong nhận thức của mình như thế nào.

Cuộc sống là gì? Đặng Chân Nhân đã đặt ra câu hỏi này khi còn là một cậu bé. Ở tuổi 17, 18, câu hỏi này lại được đặt ra: Mục đích của cuộc sống là gì?

Chúng ta có phải là thần bị biến thành ngườiđể có thể cảm thấy cái chết?

Chúng ta có phải là quỷ được biến thành ngườiđể có thể cảm thấy tình yêu? Tại sao chúng ta lại ở đây?

                                                      (Cuộc sống 3)

Con người có rất nhiều vấn đề khi đang sống. Nó cảm thấy bất lực khi phải đối mặt với chính mình (Một mình). Nó bị người khác chi phối, định nghĩa, và không nhận ra rằng bản thân nó chỉ là phiên bản của rất nhiều người khác (Gửi..., Bức tượng, Câu hỏi). Nó bị cầm tù trong vật chất đến mức chẳng được tự do như một con thú (Sở thú người). Cho dù nhà tù ấy cũng có thể mở, con người vẫn yếu ớt chẳng khác gì những chú vịt di chuyển khó nhọc trong băng tuyết (Nhà tù mở). Con người cũng lạc lối, và đó là sự lạc lối trong tâm trí: Tôi bị lạc/trong tâm trí rắc rối của tôi./Có ai chỉ đường cho tôi không? (Hoang tưởng), nó không thể nhận ra chính mình. Vì lạc lối và không nhận thức được chính mình, con người làm sai rất nhiều. Thậm chí nó có thể hành động như cầm thú (Quái vật).

Thế thì sống để làm gì? Sống như thế nào đây?

Ngoài 20 tuổi, Đặng Chân Nhân đã hiểu rằng nếu một người sống chỉ tiếp thu những gì từ xã hội, từ những người khác, người đó chỉ là phiên bản hay bản sao của những người khác mà thôi.

Mọi người thường cố gắng giống thần tượng của họ, Giống một người khác,làm bản sao của người khác....

Và anh đặt câu hỏi, nhưng câu hỏi này cũng là câu trả lời: Sao không làm người đầu tiên? (Câu hỏi).

Và khi gần 30 tuổi, tác giả đã trả lời mình hết sức rõ ràng thể hiện sự trưởng thành vượt bậc trong nhận thức mục đích sống của mình: Sống là để tìm ra chính bản thân mình, trở thành chính mình!

Một ngày cuộc sống trao cho ta con dao khắc và ta phải đưa ra quyết địnhtrở thành một tuyệt tác (Bức tượng).

Đặng Chân Nhân có nhiều bài thơ xoay quanh những câu hỏi quan trọng tiếp theo của anh: Cái chết là gì? Người ta chết thế nào? Thái độ đối với cái chết nên như thế nào? Những câu hỏi này được nêu trong nhiều bài thơ như Bị lãng quên, Bóng ma, Trôi nổi (trong một đêm nguyệt thực), Chết cười, Vườn vô vọng, Cái chết, những giọt nước mắt và hối tiếc...

Có rất ít người dám nghĩ và viết về cái chết trực diện như thế. Người ta sợ chết. Vì thế, tốt nhất là chẳng nghĩ về nó làm gì, nhất là khi còn trẻ. Đặng Chân Nhân không thế. Anh không từ chối nhận thức cái chết. Anh không chỉ nói về cái chết, đặt câu hỏi về nó, mà còn đặt chính mình vào cái chết, tự hình dung cái chết sẽ diễn ra như thế nào với bản thân mình. Hiểu cái chết là gì cũng quan trọng như hiểu sự sống. 

Đối với anh, cái chết không chấm dứt sự tồn tại của tự nhận thức, hay ý thức. Nấm mồ không phải là đích đến của nó mà là “bình minh”, “ánh sáng thiên đường” (Trôi nổi (trong một đêm nguyệt thực)), “rời bỏ những gia đình nó chưa bao giờ là thành viên” (Bóng ma), “bay về nơi tôi thuộc về” (Cái chết, những giọt nước mắt và hối tiếc). Điều này nghĩa là ý thức, hay linh hồn vẫn tiếp tục tồn tại sau khi cơ thể đã xuống mồ. Cái gì là vật chất thì trở về với vật chất, cái gì là tinh thần thì trở về với tinh thần. Hình dung về cái chết, Đặng Chân Nhân đã đi đến rất gần nhận thức đầy đủ sự thật tối thượng con người là ai.



Nếu sống và chết nghĩa là như thế thì con người phải sống như thế nào? Đây là câu hỏi để tác giả xác định thái độ sống. Đặng Chân Nhân khi 16 tuổi đã tuyên bố: Không được đi đường tắt! 19 tuổi, anh tuyên bố rõ ràng thái độ sống của mình là “tham gia phe thua một cách tự hào” (Mười chín) khi những điều tiêu cực, sai trái trong xã hội dường như đang được ngày càng nhiều người chấp nhận và thắng thế.

Trong những năm tiếp theo, với sự trưởng thành dần dần của mình, Đặng Chân Nhân hình thành những thái độ rõ ràng, cụ thể đối với nhiều vấn đề cơ bản khác của đời người: đồng tiền mà người ta nên sống vì nó trong cuộc đời là tình yêu thương (Quên tiền đi), đừng sống theo ảo vọng, đừng bám víu quá khứ (Nhà), trân trọng những điều bình thường hằng ngày diễn ra trong cuộc sống (Vì sao bạn ra khỏi giường mỗi sáng?), phải sống trung thực (Trò chơi 3), trân trọng cuộc sống và dành những điều tốt nhất cho những người xung quanh mình (Nếu một tuần nữa là tận thế), đồng cảm với những số phận khác (Cơn mưa nửa đêm, Con ếch, Những linh hồn kém may mắn). Tác giả khẳng định: Dù có mơ hồ ra saothì ai cũng hiểu tình yêutheo cách riêng của họ/Nó gắn kết mọi người với nhau ngăn chặn thế giới tan vỡlãng mạn hoá cuộc sốngvà cho người ta một lý do để tiếp tục (Tình yêu).

Đặng Chân Nhân luôn nhìn cuộc sống trong tính hai mặt của nó: tốt-xấu, lên-xuống, ngày-đêm, sống-chết, quỷ-thần, bắt đầu-kết thúc... Nhưng điều thú vị là: Nửa đêm, nơi chạm nhau của kết thúc và bắt đầu/ Và cuộc sống trở nên ý nghĩa một lần nữa (Nửa đêm).

Một cuộc sống như vậy không hề dễ dàng. Nó không chỉ mang đến cho con người niềm vui và những điều tốt đẹp, mà kèm theo cả những khó khăn và nghiệt ngã. Nó đòi hỏi sự cố gắng và nỗ lực liên tục của con người: Hãy là một tiếng thì thầm dai dẳng trong một đại dương toàn tiếng vọng/ Miễn là bạn còn kiên cường thì bạn sẽ không bao giờ chìm (Đại dương của tiếng vọng) và

Hãy để cơn sóng chảy qua bạn/ Hãy để trọng lực kéo bạn xuống/ Hãy để câu chuyện đi tiếp/ Đừng bám víu quá khứ, vì cuộc sống sẽ tiếp tục và tiếp tục/ Đón chào nó với vòng tay rộng mở và nó sẽ chứa đầy bất ngờ (Cơn sóng thời gian).

Dù số lượng các bài thơ không nhiều, Nếu một tuần nữa là tận thế là một tập thơ có tư tưởng. Tác giả, dù còn trẻ, đã thể hiện mối quan tâm về những vấn đề lớn nhất của đời người là ý nghĩa của sự tồn tại của nó và bản chất của cái chết. Cũng như khi còn nhỏ, Đặng Chân Nhân của hôm nay vẫn luôn đặt câu hỏi và đi tìm câu trả lời. Đặt câu hỏi chính là năng lực cơ bản của nhận thức. Việc đặt ra những câu hỏi lớn có thể làm xoay chuyển và mở rộng nhận thức của một con người. Điều kỳ lạ chính là một khi bạn biết đặt câu hỏi, bạn sẽ tìm ra câu trả lời và đi đúng đường.

Chúc tác giả tiếp tục kiên trì trên con đường của mình và có thêm những tác phẩm có giá trị.

(Lời giới thiệu của Nhà xuất bản Hội Nhà văn)