Nhà nghiên cứu Nguyễn
Văn Dân cho rằng: Việc gán ghép “nghệ thuật ý niệm” cho “Con
chào mào” vẫn chưa làm được nhiệm vụ là chỉ ra cái hay của nó.
NGHỆ THUẬT KHÁI /Ý
NIỆM (Tiếng Anh: conceptual art; conceptualism)
NGUYỄN VĂN DÂN
Nhân chuyện có người đem “nghệ thuật ý niệm” để biện hộ
cho bài thơ “Con chào mào”, tôi xin phép không bàn về chuyện hay/ dở của bài
thơ, mà ở đây tôi chỉ muốn trao đổi về câu chuyện gán ghép “nghệ thuật ý niệm”
cho bài thơ mà thôi.
Nghệ thuật khái /ý niệm là loại nghệ thuật tạo hình mà
trong đó khái niệm, hay ý niệm, được ưu tiên hàng đầu so với những mối quan tâm
truyền thống về thẩm mỹ, kỹ thuật và vật liệu. Một số tác phẩm nghệ thuật khái
niệm, đôi khi được gọi là nghệ thuật sắp đặt, có thể được làm bởi bất cứ ai chỉ
cần tuân theo những chỉ dẫn viết sẵn.
Đây là một phương pháp cơ bản đã được nghệ sĩ người Mỹ
Sol LeWitt (1928-2007) nhắc đến trong định nghĩa của ông về nghệ thuật khái niệm,
là một trong những định nghĩa đầu tiên được công bố: “Trong nghệ thuật khái niệm,
ý niệm hay khái niệm là khía cạnh quan trọng nhất của tác phẩm. Khi một nghệ sĩ
sử dụng một hình thức khái niệm của nghệ thuật, thì có nghĩa là mọi kế hoạch và
quyết định đã được đề ra từ trước và việc thực thi chỉ là một việc làm chiếu lệ.
Ý niệm trở thành một bộ máy thực thi nghệ thuật” (1967).
Tony Godfrey, tác giả cuốn sách “Nghệ thuật khái niệm
(nghệ thuật và ý niệm)” (1998), khẳng định rằng nghệ thuật khái niệm đặt vấn đề
nghi vấn về bản chất của nghệ thuật, nó là một khái niệm đã được nghệ sĩ người
Mỹ Joseph Kosuth nâng lên thành một định nghĩa về bản thân nghệ thuật trong bản
tuyên ngôn sớm về nghệ thuật khái niệm có ảnh hưởng lớn của ông nhan đề “Nghệ
thuật sau triết học” (1969).
Quan niệm cho rằng nghệ thuật cần phải xem lại chính
cái bản chất của mình đã được nhà phê bình nghệ thuật nổi tiếng Clement
Greenberg đặt ra về nghệ thuật hiện đại từ những năm 1950. Tuy nhiên, với sự xuất
hiện của loại nghệ thuật hoàn toàn dựa trên ngôn ngữ vào những năm 1960, thì
các nghệ sĩ khái niệm như nhóm “Nghệ thuật và ngôn ngữ”, Joseph Kosuth (người
trở thành biên tập viên của tờ tạp chí “Nghệ thuật - Ngôn ngữ” [“Art-Language”]
ở Mỹ) và Lawrence Weiner, mới càng đặt vấn đề nghi vấn hơn về bản chất của nghệ
thuật.
Với sự tham gia của các nghệ sĩ trẻ người Anh vào những
năm 1990, tên gọi “nghệ thuật khái niệm” được dùng thông dụng để chỉ tất cả những
loại nghệ thuật đương đại nào không thực hành các kỹ năng hội hoạ và điêu khắc
truyền thống. Mặc dù thịnh hành vào nửa cuối tk. XX, nhưng các nghệ sĩ đều coi
Marcel Duchamp, một nghệ sĩ thuộc trường phái Đađa của Pháp đầu tk. XX, với tác
phẩm “Đài phun nước” năm 1917, một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt gây tranh cãi dựa
trên một vật làm sẵn, là người khởi đầu cho nghệ thuật khái niệm.
Nghệ sĩ Kosuth đã viết trong công trình “Nghệ thuật
sau triết học”: “Tất cả các loại nghệ thuật sau Duchamp về bản chất đều mang
tính khái niệm, bởi vì nghệ thuật chỉ tồn tại về mặt khái niệm.” Và mặc dù thuật
ngữ “nghệ thuật khái niệm” xuất hiện lần đầu vào năm 1961 trong bài viết cùng
tên của nhạc sĩ người Mỹ Henry Flynt, nhưng đến Kosuth và nhóm “Nghệ thuật và
ngôn ngữ” thì nó mang một nghĩa khác theo quan niệm của các nghệ sĩ thuộc nghệ
thuật khái niệm.
Như vậy, nghệ thuật khái/ ý niệm chỉ là một tên gọi
khác dành cho nghệ thuật sắp đặt trong phong trào nghệ thuật tiên phong đã tồn
tại từ đầu thế kỷ XX. Nó được dùng để nhấn mạnh khía cạnh NGÔN NGỮ ẨN của tác
phẩm NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH, phân biệt với loại nghệ thuật tạo hình dựa vào vật liệu,
chứ NÓ KHÔNG ĐƯỢC DÙNG ĐỂ CHỈ TÁC PHẨM VĂN CHƯƠNG.
Bởi lẽ, tác phẩm văn chương, về bản chất là một loại
nghệ thuật ngôn từ, tức nó luôn luôn và mãi mãi chính là nghệ thuật của khái niệm
và ý niệm. Vì thế, không thể dùng quan niệm về nghệ thuật khái niệm trong nghệ
thuật tạo hình để làm công cụ phân tích nghệ thuật cho tác phẩm văn chương,
càng không nên cho rằng việc một tác phẩm văn chương “sáng tác theo kiểu nghệ
thuật khái niệm” là một sự đổi mới! (Đơn giản vì nó luôn là “nghệ thuật khái niệm” rồi).
Và như thế, việc gán ghép “nghệ thuật ý niệm” cho “Con
chào mào” vẫn chưa làm được nhiệm vụ là chỉ ra cái hay của nó.
Nguồn: Facebook Nguyễn Văn Dân