Những nhóm “đắt show” chuyên làm việc với nhau và cố tình nâng đỡ những người hợp ý mình, mang lại lợi ích cho mình và luôn tìm cách kìm hãm cơ hội của những cá nhân không “theo phe” bất chấp cá nhân ấy có năng lực nổi trội đến mấy.


LOẠI BỎ QUYỀN LỰC ĐEN VĂN NGHỆ

VĂN ĐOÀN

“Buôn có bạn, bán có phường”, câu thành ngữ ấy luôn luôn đúng trong đời sống, không chỉ trong giới hạn của ngành thương mại đơn thuần. Ở bất kỳ ngành nghề nào, “có bạn, có phường” vẫn tồn tại mà biểu hiện rõ nhất là ở các nhóm làm việc hay nói “lai Tây” là “ê kíp”.

Trong giới văn nghệ, “bạn, phường” nghề cũng tồn tại. Ví dụ, một ê kíp làm phim chẳng hạn, chúng ta sẽ dễ nhận thấy đạo diễn này thì hay đi với biên kịch nọ, với giám đốc hình ảnh (DOP) kia… Sự thân quen tác phong làm việc của nhau đã dẫn tới các “phường” như thế bởi nó mang lại độ tin cậy và tính an toàn cho dự án.

Song, cũng trong giới văn nghệ, rất nhiều lần “bạn, phường” biến tướng thành quyền lực đen, với những nhóm “đắt show” chuyên làm việc với nhau và cố tình nâng đỡ những người hợp ý mình, mang lại lợi ích cho mình và luôn tìm cách kìm hãm cơ hội của những cá nhân không “theo phe” bất chấp cá nhân ấy có năng lực nổi trội đến mấy.

Ngày xưa, từng có chuyện ở các sân khấu ca nhạc kiểu như các ca sĩ ngôi sao phòng vé mặc cả với bầu show muốn họ xuất hiện thì ai đó không được xuất hiện và những người cùng nhóm với ngôi sao kia sẽ được tạo cơ hội. Sau này, ở giai đoạn các show tạp kỹ bùng nổ, cũng có những ê kíp của những đạo diễn sân khấu đắt khách liên kết chặt chẽ với nhau và dùng quyền lực ngầm của mình thao túng giới showbiz.

Ở Hà Nội, mới đây ồn ào một chuyện liên quan đến một nhóm quản lý một số ca sĩ opera, thính phòng. Nhóm này dùng mọi quan hệ tác động để nâng đỡ “gà nhà” và dìm hàng các đối thủ cạnh tranh. Ghê gớm hơn, các thông tin được tiết lộ ra đang lan tỏa trên mạng xã hội còn cho thấy nhóm tuyên bố rắp tâm ngăn cản một Tiến sĩ thanh nhạc (ca sĩ Bảo Yến, quán quân Sao Mai 2015) về cộng tác giảng dạy tại Khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Thậm chí, trưởng nhóm còn bàn bạc với quản trị nhóm về chuyện “cài cắm người vào các cơ quan biểu diễn, giảng dạy và các đoàn, sân khấu” nhằm tạo tầm ảnh hưởng trong tương lai.

Đã có những nghệ sĩ chân chính lên tiếng về sức thao túng mới chớm của nhóm kể trên và sau đó, nhiều cơ quan báo chí cũng đã có câu hỏi tới các lãnh đạo đơn vị nghệ thuật. Tất nhiên, câu trả lời về mối liên hệ giữa các đơn vị nghệ thuật với nhóm kể trên luôn là phủ nhận. Nhưng, chính vấn đề hiện hữu cũng cần được xem là một cảnh báo nghiêm túc để tránh việc nhóm lợi ích lợi dụng uy tín các đơn vị lớn nhằm lũng đoạn thị trường.

“Buôn có bạn, bán có phường” là hỗ trợ để giúp nhau tốt lên chứ không phải để thao túng và lũng đoạn. Trước hiện tượng này, rất cần sự tỉnh táo của nhiều lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật và hơn cả là sự dũng cảm của nghệ sĩ để dám nói thẳng, vạch ra những “con sâu” đang có ý đồ tạo dựng quyền lực đen nhằm thao túng thị trường nghệ thuật và giải trí.

            

Nguồn: Văn Nghệ Công An