Nói về đường học hành cùng công việc của nhà văn Nguyễn
Thu Hà thì thấy chị chả dính dáng gì đến văn chương cả. Tròn 18 tuổi chị nhập học
Trường Đại học Tài chính. Ra trường quay về lại thành phố cảng thì làm công tác
xuất nhập khẩu ở Sở Thương mại Hải Phòng. Được 3 năm “ngoại thương”, chị “Nam
tiến”.
Nhà văn Nguyễn Thu Hà - Đến với văn chương
từ những nỗi buồn
NGUYỄN TRỌNG VĂN
Thú thực khi nghe nhà văn Nguyễn Thu Hà tâm sự như vậy
tôi hơi giật mình. Xinh đẹp này, tài năng này và nhất lại là giỏi làm kinh tế nữa
thì có gì để buồn được. Thêm nữa, chị còn là gái Hà Nội (quê ở phường Cự Khối,
quận Long Biên, Hà Nội), lớn lên ở đất cảng Hải Phòng, hiện sống và viết ở
thành phố Hồ Chí Minh.
Sinh năm 1972 nhưng nhà văn Nguyễn Thu Hà lại mang tuổi
Tân Hợi. Chị nói vui: “Tôi sinh tháng 1 đầu năm nhưng khi đi học lại học cùng với
bạn sinh tháng 12 nên tự cảm thấy “già” hơn các bạn cùng lớp”. Tôi làm ra vẻ thạo
tướng số nên phán: “Người tuổi ấy thường muộn chồng”. Nhà văn Nguyễn Thu Hà gật
đầu: “Đúng đấy anh. Ba mươi tuổi mới lập gia đình (chị cười) tuổi ấy mà “nguyễn
y vân” anh ạ”.
Nói về đường học hành cùng công việc của nhà văn Nguyễn
Thu Hà thì thấy chị chả dính dáng gì đến văn chương cả. Tròn 18 tuổi chị nhập học
Trường Đại học Tài chính. Ra trường quay về lại thành phố cảng thì làm công tác
xuất nhập khẩu ở Sở Thương mại Hải Phòng. Được 3 năm “ngoại thương”, chị “Nam
tiến” để làm truyền thông cho một công ty đa ngành. Nhưng cũng chỉ 3 năm thôi
chị lại “rẽ ngang” đi lấy chồng và sau đó kinh doanh tự do.
Tôi hỏi thật thà: “Mới vô Sài Gòn mà kinh doanh tự do
thì gan phải lớn lắm”. Nguyễn Thu Hà cười vui vui: “Thì người ta làm được, mình
cũng làm được”. Nghe chị trả lời thế tôi thấy kể ra người đàn bà này cũng ưa dịch
chuyển. Mỗi lần dịch chuyển là mỗi lần chị tích lũy được nhiều hơn những vốn sống
cuộc đời. Nhất là đang yên đang lành thì Nguyễn Thu Hà “đóng cửa kinh doanh” và
như chị nói thì chị nghỉ, đi chơi và “ác nhất” là viết văn. Tôi vội hỏi thêm:
“Điều gì khiến Thu Hà bước hẳn sang nghề viết văn?”. Nhà văn Nguyễn Thu Hà trả
lời: “Tôi viết văn từ những trăn trở và sự cảm nhận từ những va đập của cuộc sống”.
Đúng là Nguyễn Thu Hà đến với văn chương từ những nỗi
buồn và trăn trở cá nhân thật. Kinh nghiệm của những tháng năm bươn chải với
thương trường, bươn chải với những lần “xê dịch” đã cho chị những cảm nhận từ
chính những va đập của cuộc sống. Và như chị tâm sự thì từ những va đập đó có
cái bất lực, có cái bức xức nhưng quan trọng là có cái chạm đến trái tim một
người phụ nữ - một người mẹ.
Thế là từ năm 2018, Nguyễn Thu Hà cầm lấy cây bút, đầu
tiên là chị viết về trẻ em. Ở đối tượng này, Nguyễn Thu Hà không viết về “nét
ngây thơ tươi tắn” của trẻ em, chị cũng không viết về “ước mơ có chàng hoàng tử
xuất hiện giữa rừng già hoặc ước có một cô công chúa bước ra từ cổ tích” như
bao trẻ em hằng mơ mộng, Nguyễn Thu Hà lại cầm bút và viết về những câu chuyện
mà chị thấy trẻ em đang phải chịu đựng.
Dường như ngòi bút của chị không chỉ chạm đến trái tim
mà đã “vạch ra con đường đi” cho chị. Nguyễn Thu Hà viết văn xuôi. Truyện ngắn
đầu tay của chị có tên là “A Múi”, đó là một người đồng tính với những lo lắng
và với những khát khao. Câu chuyện khá xúc động nên mau chóng được các biên tập
viên văn học của Đài Tiếng nói Việt Nam chọn đọc trong chương trình Đọc truyện
đêm khuya.
Được đà “thắng lợi”, Nguyễn Thu Hà viết liên tiếp một
loạt truyện ngắn khác, chị mạnh dạn gửi đi và được các báo như Báo Văn nghệ chọn
đăng. Đó là các truyện ngắn:
“Chuyến xe cuối cùng”, truyện này chị viết về người
lính; "Chiếc ghế rỗng", viết về nạn tham nhũng; "Con rơi",
chị viết về thực trạng lối sống tha hóa của một số cán bộ hiện nay; "Gót hồng",
chị nêu thực trạng tầng lớp lao động nghèo ở đồng bằng sông Cửu Long và thân phận
gái miền Tây... Toàn là những câu chuyện với những đề tài đa dạng và nó cho thấy
“con mắt” của Nguyễn Thu Hà đã bao lâu nay nhìn cuộc sống, nhìn cuộc đời. Tôi
nói: “Cuộc sống xã hội và cuộc đời thì ai cũng nhìn thấy. Chỉ có điều là hầu hết
mọi người đều thấy rồi bỏ qua, chỉ có Thu Hà là lưu lại để rồi cất lên tiếng
nói mà thôi”.
Cũng từ những truyện ngắn được viết ra ào ạt đó, người
đọc đã dần quen với cái tên Nguyễn Thu Hà trên các tờ báo văn nghệ có uy tín.
Năm 2021, độc giả biết tên chị qua truyện ngắn "Chạy trốn" in trên Tạp
chí Văn nghệ Quân đội. Cũng năm đó tên chị lại xuất hiện trên Văn nghệ Công an
với truyện ngắn "Hiếu". Hai năm 2022 và 2023, độc giả cầm trên tay ấn
phẩm “Viết và đọc” đều háo hức theo dõi chị kể chuyện qua truyện ngắn "Mùa
rác" và "Phía sau khung cửa sổ".
Từ thành công liên tiếp đó, Nguyễn Thu Hà trình làng
hai tập truyện ngắn đầu tay như là “hai chị em sinh đôi” đều do NXb Văn học ấn
hành năm 2021, đó là tập truyện ngắn "Mê khúc" và tập truyện ngắn
"Quang phổ". Nhà văn Nguyễn Thu Hà vui vẻ cho hay, sách của chị in ra
đều được độc giả đón nhận và thích nhất là đều được bán hết. Kể thì đây cũng là
một thắng lợi nữa bởi bây giờ người tìm đến với văn hóa đọc đã nhiều thưa vắng.
Sách in ra được đón nhận và được độc giả mua hết thì mấy ai được như Nguyễn Thu
Hà.
Tôi hỏi chị: “Theo như tôi được biết thì đa số người cầm
bút ban đầu và hiện tại hay làm thơ. Thu Hà có vậy không?”. Nhà văn Nguyễn Thu
Hà trả lời luôn: “Cũng có làm thơ anh ạ”. Nguyễn Thu Hà làm thơ như bao người
làm thơ khác giữa thời buổi mạng xã hội phát triển này. Những bài thơ chị viết
thường được chị “post” lên Facebook cá nhân. Thật vui khi những bài thơ đó đã
“lọt mắt xanh” các biên tập viên thơ của các báo. Thế là họ alo cho chị và xin
được đăng báo (chị đã có chùm thơ 3 bài in trên Báo Văn nghệ hồi tháng 3 vừa rồi).
“Thế thì còn gì bằng” - tôi nói luôn.
Rồi Nguyễn Thu Hà đọc cho tôi nghe bài thơ “Vụn đàn
bà” của chị “Ai trồng ra hạt đa đoan/ Nảy mầm từ đáy ngỡ ngàng ban sơ/ Này nêm
vào chút dại khờ/ Cho âm ỉ/ những giấc mơ/ bạc màu/ Rót cười vào những canh
thâu/ Tự ru lấy giấc phai nhàu lẻ loi/ Sớt ra này chút ngậm ngùi/ Cụng ly với nửa
phai phôi riêng mình...”.
Nguyễn Thu Hà đã viết tới cả trăm bài thơ bên cạnh
hàng chục truyện ngắn. Chỉ chừng hơn bốn năm thôi mà “gia tài” văn chương đã lớn
đến như vậy cho thấy cây bút Nguyễn Thu Hà rất sung sức ở cái tuổi ngũ tuần. Và
với gia tài như thế thì dĩ nhiên Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh đã đưa tên
Nguyễn Thu Hà vào danh sách các Hội viên của hội.
Tôi hỏi thêm chị: “Chị đã được nhận Giải Cây bút vàng
năm 2021 do Bộ Công an trao cho truyện ngắn “Đầu thú”. Vậy chị có dự định viết
gì với nơi đã cho chị vinh dự ấy?”. Nhà văn Nguyễn Thu Hà phấn khởi cho biết:
“Tôi đang gấp rút hoàn thành tiểu thuyết có tên là "Vọng âm". Nội
dung viết về An ninh T4 thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước và về Anh hùng LLVT
Võ Văn Em. Đó là những chiến công và những con người huyền thoại của lực lượng
CAND.
Nghe chị cho hay vậy tôi chợt nhớ đến câu chuyện trong
truyện ngắn "Đầu thú" mà chị đã được nhận giải. Câu chuyện với nhân vật
chính là một tên tội phạm tuổi vị thành niên. Giá trị nhân văn ở truyện ngắn
này là hành động của một cán bộ Công an địa bàn. Anh cán bộ biết chắc chắn tên
tội phạm trẻ con ấy đang lẩn trốn ở đâu đó nhưng anh không tiến hành các biện
pháp nghiệp vụ để bắt giữ. Anh cán bộ Công an địa bàn đã đến nhà tên tội phạm,
trực tiếp chăm sóc người bà của tên tội phạm như chăm sóc người thân của mình.
Không ngờ tên tội phạm lại đang trốn trên mái nhà đã chứng kiến toàn bộ những
hành động tận tình của anh Công an địa bàn và hắn thực sự bị cảm hóa. Từ đó mà
tên tội phạm tự nguyện ra đầu thú, còn người bà của hắn được chăm sóc an toàn và
mạnh khỏe.
Tôi cười vui: “Vậy là trong mắt chị đâu chỉ có những nỗi
buồn, những trăn trở cùng những con người bị tha hóa. Cuộc đời vẫn còn nhiều
người tốt, nhiều chuyện tốt”. Nhà văn Nguyễn Thu Hà cười rất vui.
Nguồn: Văn Nghệ Công An