“Nhà thơ Đỗ Nam Cao ký ức còn mãi” là cuộc tọa đàm do Hội Nhà văn TP.HCM và tạp chí Văn Hiến phối hợp tổ chức sáng 12/10 tại đô thị phương Nam.


Nhà thơ Đỗ Nam Cao trút hơi thở cuối cùng vào ngày 8/11/2011. Thời gian 12 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về con người và tác phẩm của nhà thơ Đỗ Nam Cao vẫn còn nguyên vẹn trong lòng bạn bè, thân nhân và đồng nghiệp.

Nhà phê bình Lê Quang Trang cho rằng: Nghĩ về Đỗ Nam Cao, có lẽ trước hết là nghĩ về một thế hệ dám xả thân hy sinh cho lý tưởng của mình. Nhiều người trong số họ đã từ chối những gì thuận lợi, những cám dỗ vinh quang để đi vào với cuộc kháng chiến vệ quốc, để đến với những nơi khói lửa ác liệt nhất. Đỗ Nam Cao cũng vậy, học xong đại học là tình nguyện đi B năm 1971, ước mong tìm thấy nơi khói lửa ấy những chất liệu trang viết có ích cho sự nghiệp giành độc lập”.

Đồng đội cũ Phạm Quang Nghị nhắc lại kỷ niệm với Đỗ Nam Cao.


Nhắc đến cuộc đời nhiều thăng trầm lắm sóng gió của Đỗ Nam Cao, thì phải nhắc đến thi ca. Đối với Đỗ Nam Cao, thi ca là một sự chọn lựa của số phận. Đỗ Nam Cao nương tựa vào thi ca, và thi ca nâng đỡ Đỗ Nam Cao bước đi trọn vẹn những tháng ngày gập ghềnh buồn vui trên cõi trần gian. Chính ông đã nói ra điều ấy thật mạch lạc và thật mạnh mẽ: “Thơ tôi đã từng hứng khởi/ Đã từng hát khúc hùng ca/ Tôi bay lướt đỉnh hào khí/ Trường Sơn ngút ngàn mù xa/ Thơ tôi nặng đè ngọn bút/ Nặng đè ngực nhức buốt tim/ Vụt chói lòa là mất hút/ Ngẩn ngơ em sợ hãi tìm”.

Nhà văn Bích Ngân.


Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Bích Ngân nhận định: “Hành trình sáng tạo của nhà thơ Đỗ Nam Cao là một con đường đam mê và hồn nhiên. Ông đam mê với cái đẹp bất tận và ông hồn nhiên trước toan tính được thua. Thơ ông như những đốm sáng vụt lên cho những khoảnh khắc la đà mộng mị khuya sớm. Ông đi bên lề danh lợi để ôm ấp một mưu cầu lớn lao là sự gắn bó giữa con người với con người: “Rồi anh sẽ yên nằm dưới cỏ/ Thì tình yêu chưa thể đã yên nằm”.



Còn với tư cách đồng nghiệp và đồng đội một thời gắn bó, nhà thơ Thanh Thảo chia sẻ: Nhà thơ thứ thiệt bao giờ cũng làm thơ với xúc cảm, dự cảm, linh cảm, với tất cả những gì trong và ngoài mình. Đỗ Nam Cao là nhà thơ như vậy. Đó là một giọng thơ khẽ khàng, dịu nhẹ, mà đôi khi cứa vào lòng ta đau nhói. Đỗ Nam Cao là nhà thơ không bao giờ xa được làng quê, dù anh đã từng ở rừng thời chiến tranh, rồi từng ở phố bao nhiêu năm sau hòa bình. Nhưng chính làng quê mang lại món quà lớn nhất cho Đỗ Nam Cao, đó là thơ anh.

Trong những tác phẩm Đỗ Nam Cao để lại, có trường ca “Hỡi cô cắt cỏ”. Giáo sư Tiến sĩ Hồ Sỹ Vịnh đánh giá: “Đây là một áng thơ hay, độc đáo nhờ sự vận dụng chất liệu văn nghệ dân gian. Mở đầu trường ca là không gian thôn, làng: Bờ đê, đầm sen, đường thôn, chiếc liềm bỏ rơi, tất cả đều còn đó, chỉ không tìm thấy cô cắt cỏ. Tiếp theo, là bức tranh đầy màu sắc của thiên nhiên: nắng đá ong, hoa bưởi, bướm vàng, hoa cà tim tím, ổ rơm vàng, sợi rơm thơm, có cả nắng cháy mưa rào vụ mùa lam lủ của cha, dáng còng lưng cấy của mẹ… cốt làm nổi bật bóng cô cắt cỏ lò dò trong mưa, chân dung cô thôn nữ nắng mưa tảo tần.

Nhà thơ Lê Xuân Đố.


Chấm dứt những năm bom đạn, Đỗ Nam Cao có tập thơ “Những cánh cò lửa” in chung với Nguyễn Khắc Thuần. Sau khi non sông thống nhất, thơ Đỗ Nam Cao tiếp tục phô diễn nét tài hoa “Mùa đông như ướp lửa/ Lên mặt lá bàng xanh”. Thế nhưng, những cảm hứng hào sảng dần được thay thế bằng những ánh mắt băn khoăn. Đỗ Nam Cao thoát ra khỏi những ám ảnh khói lửa để ngụp lặn trong hiện thực day dứt: “Sài Gòn mùa gió lá bay cuồng lên nhớ/ Thu đã thu rồi/ Mưa phùn hay là khóc/ Hay tiếc nuối thở than hay ước mộng muộn màng”.

Đô thị lớn nhất phương Nam, nơi đã cho Đỗ Nam Cao một mái ấm cùng nhiều ngổn ngang, cũng đã thúc giục ông phải soi rọi xã hội thấu đáo hơn. Sài Gòn đâu chỉ có phồn hoa mơ mộng, Sài Gòn có góc khuất lam lũ khiến ông dằn vặt: “Còn những gốc me nơi thường trú người nghèo/ Hàng núi tin đồn dồn về thành phố/ Trong xoáy lốc những ưu tư nghèo cực âu lo/ Đường phố rực vàng hoa lim sẹt”. Nhờ sự lãng mạn vốn có, Đỗ Nam Cao nhìn ba cây vông cụt ngọn chết khô trên đường Nguyễn Thị Minh Khai để bần thần về nhịp điệu phát triển nhiều thử thách: “Cùng ta dạo chơi ba cây tức tưởi/ Say mềm ngả lưng ngửa nằm cùng ta/ Cuồng nộ khô da ba cây cụt ngọn/ Ba thanh nóng nhọn nhúng vào thơ ca.

Chứng kiến sự đổi mới đất nước, Đỗ Nam Cao cũng tự đổi mới thơ mình Thơ tôi phát khóc/ Mỗi khi chực cười”. Ông khước từ những mơn trớn, ông dẹp bỏ mọi những du dương, ông xóa sạch những ẩn dụ. Đỗ Nam Cao mong muốn thơ ông phải khác và thực sự thơ ông đã khác: “Thơ tôi lộn đầu xuống đất/ Giơ chân lên đỡ sao trời/ Thơ tôi trái điều lộn hột/ Bao nhiêu tinh chất phơi ngoài”. Đỗ Nam Cao đổi mới thơ, không phải vì chạy theo những thanh âm tân kỳ hay những trường phái cách tân. Ông đổi mới thơ vì ông nhạy cảm nhận diện được những sự thật bủa vây thơ: “Cái thời đầy ứ ự thông tin/ Bộ lọc ta quen một chiều một cửa/ Có tin vui lại ngỡ tin buồn/ Đời sống động bỗng thấy đời phát sợ”.

Chương trình tổ chức tại Hội trường 81 Trần Quốc Thảo, quận 3, TP.HCM


Thơ ông không còn là những tiếng ru theo thói quen nữa, mà là tiếng ru mở rộng biên độ sang những miền tâm tưởng xa xôi: “Người mẹ nằm ru con/ Chim sẻ ru mái ngói/ Mái ngói ru trời xanh/ Trời xanh ru hiểm họa”. Thơ ông xoa dịu ngậm ngùi riêng tư “Có lẽ sẽ còn lần vấp ngã/ Rượu bóp xoa rượu đã ngấm sâu/ Lòng nguyên vẹn mái đầu xưa đã chợt/ Bạc âm thầm những sợi buồn đau” và can đảm đối diện bẽ bàng “Không thể vượt lên số phận nghiệt ngã/ Cõi âm dương nằm giữa lòng tay/ Anh có thể là hồn ma bóng quế/ Hù dọa em trong mộng mị đêm đêm”.

Thơ Đỗ Nam Cao vượt lên bi kịch của cá nhân “Một vụ nổ nội tâm/ Nhiều vụn vỡ âm thầm/ Sẽ còn đau đớn nữa/ Sẽ còn mất mát hơn” để chọn lựa thái độ rõ ràng “Khóc một mình nuốt ực/ Cười một mình bật rên”. Nhà thơ Nguyễn Trác bày tỏ: Đỗ Nam Cao có một câu thơ thật giản dị và sâu sắc “có một người đàn ông trong một người đàn ông khóc”. Ở nhà thơ này và những người bạn tốt của anh đều có chung phẩm chất ấy. Họ là những người đàn ông đích thực biết yêu biết hy sinh vì tình yêu biết bảo vệ tình yêu và vững vàng trong đau khổ dù có lúc họ đã phải khóc. Một Đỗ Nam Cao gai góc và nhân hậu.

Những năm cuối đời, Đỗ Nam Cao viết nhiều nhưng ít công bố. Nhà thơ Lê Thành Nghị phân tích: “Thơ Đỗ Nam Cao không còn là những vui buồn dễ dãi, không còn là những mơ mộng hão huyền. Vẻ đẹp của thơ Đỗ Nam Cao là vẻ đẹp của tâm hồn anh ký thác trong những câu thơ, như những cột mốc của một chặng đường. Khi còn tuổi trẻ, thơ anh là tiếng hát lạc quan của người ra trận. Đến khi có tuổi, thơ anh là tiếng kêu buồn đau, nhói buốt của một tâm hồn đa cảm từng trải, yêu thương sâu nặng, đau đớn tận cùng.

Khán phòng nhiều cảm xúc tưởng nhớ nhà thơ Đỗ Nam Cao.


Lúc sắp mất, nhà thơ Đỗ Nam Cao viết mấy câu trăng trối: “Có không trong cõi vĩnh hằng/ Có cô cắt cỏ có trăng lưỡi liềm/ Có không trong cõi thần tiên/ Rượu ngon lại uống bạn hiền lại chơi/ Chỉ còn sờ sợ chút thôi/ Có thơ không để tôi rơi xuống trần”. Phó Giáo sư Tiến sĩ Hồ Thế Hà đồng cảm: Tất cả những câu hỏi đó dường như tự Đỗ Nam Cao đã trả lời cho chính mình. Rằng có: Có cõi vĩnh hằng, có cô cắt cỏ, có trăng lưỡi liềm, có cõi thần tiên trong linh cảm cuả anh để anh còn có rượu ngon và bạn hiền cùng anh tuý luý và anh có thơ hay để anh rơi xuống trần, lưu lại cõi tạm trần gian trước khi về với thế giới xa xanh của thi ca và tự do. Không sờ sợ gì cả! Tất cả đều có! Đỗ Nam Cao đã ra đi nhưng thơ còn ở lại trong lòng bằng hữu và bạn đọc yêu thơ”.

                                                 TUY HÒA