Nữ sĩ Lê Thị Kim
không đột phá kỹ thuật để thích ứng trào lưu cách tân, cũng không đưa ra thông
điệp dữ dội để hòa nhịp ý thức nữ quyền. Nữ sĩ Lê Thị Kim vẫn tuân thủ vần điệu
nhịp nhàng của thơ Việt truyền thống, lấy sự dịu dàng làm bệ phóng, lấy sự bao
dung làm gia vị
NỮ SĨ NÍU THƠ XIN MỘT
ĐIỂM DỪNG
LÊ THIẾU NHƠN
Đã từng trình diễn
thơ và giao lưu thơ hàng trăm cuộc lớn nhỏ, nữ sĩ Lê Thị Kim ở độ tuổi “ngữ thập
niên tiền, nhị thập tam” lần đầu tiên được trở thành nhân vật chính trong cuộc
tọa đàm “Nhà thơ Lê Thị Kim sâu thẳm tình đầy” do Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí
Minh tổ chức ngày 19/10 vừa qua.
Nữ sĩ Lê Thị Kim được
xem như một gương mặt tiêu biểu của văn chương Thành phố Hồ Chí Minh trưởng
thành sau ngày đất nước thống nhất. Tính từ tác phẩm đầu tay “Khi tình yêu đến”
xuất bản năm 1988 cho đến hôm nay, nữ sĩ Lê Thị Kim có 4 tập thơ riêng. Số lượng
ấy không nhiều, nhưng nữ sĩ Lê Thị Kim có sức ảnh hưởng không nhỏ đến đồng nghiệp
và công chúng, nhờ lối sống năng động và đôn hậu của chị. Như một cách tôn vinh
và tri ân nữ sĩ Lê Thị Kim với nhiều đóng góp cho đời sống văn học đô thị
phương Nam, Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức tọa đàm “Nhà thơ Lê Thị
Kim sâu thẳm tình đầy”. Nhiều thế hệ cầm bút đã đến chung vui với nữ sĩ Lê Thị
Kim để cùng nhìn lại hành trình sáng tạo của một người đàn bà tài hoa và lận đận
nhưng vẫn luôn giữ được nguồn năng lượng tin yêu cuộc đời.
Nữ sĩ Lê Thị Kim thổ
lộ về con đường đến với văn chương: “Tôi may mắn có được người cha luôn hết lòng với
con cái. Những năm 60, 70 của thế kỷ trước, tôi là nữ sinh Gia Long, rồi
sinh viên Trường Đại học Khoa học Sài Gòn. Sinh thời, tuy là giáo viên dạy toán
và Pháp văn nhưng cha tôi là người rất yêu thơ và hội họa. Ông từng có nhiều
bài thơ viết trong sổ tay và là tác giả của nhiều bức tranh. Chính ông là người
đã hướng tôi đến với văn chương ngay từ khi còn thơ ấu. Tôi nghĩ, thơ chính là
vỏ ốc để trú ẩn giữa sóng gió của cuộc đời, là khoảng sân sau bí ẩn để cất giấu
kỷ niệm và sống với những kỷ niệm giàu yêu thương, là chỗ để tìm lại chính
mình, lắng nghe lòng mình để bước tiếp những bước đi của cuộc đời”.
Nữ sĩ Lê Thị Kim
không đột phá kỹ thuật để thích ứng trào lưu cách tân, cũng không đưa ra thông
điệp dữ dội để hòa nhịp ý thức nữ quyền. Nữ sĩ Lê Thị Kim vẫn tuân thủ vần điệu
nhịp nhàng của thơ Việt truyền thống, lấy sự dịu dàng làm bệ phóng, lấy sự bao
dung làm gia vị: “Đôi khi trong cõi thật/ Ta nói cười ước mơ/ Để giấu trong hư ảo/
trái tim mình bơ vơ/ Để giấu trong hư ảo/ Nửa vầng trăng không đầy/ Để giấu
trong hư ảo/ Mảnh tình gầy xót xa”. Bởi những câu chữ mềm mại và uyển chuyển,
thơ Lê Thị Kim rất được các nhạc sĩ ưa chuộng khi muốn tìm nguồn cơn cảm hứng
hoặc chất liệu trữ tình cho ca khúc nào đó. “Đừng nhìn em như thế” là bài thơ của
Lê Thị Kim được phổ nhạc có sức lan tỏa rộng nhất trong cộng đồng: “Đừng
nhìn em như thế/ Cháy
lòng em còn gì/ Sự
nồng nàn của biển/ Cuốn
mất hồn em đi/ Đừng
nhìn em như thế/ Khắc
giờ thành thiên thu/ Mắc
nợ đời dâu bể/ Mắc
nợ thời thơ si/ Em
đành làm chim nhỏ/ Đứng
hót chơi trong chiều/ Thả
đôi lời hoa cỏ/ Cho
đời bớt tịch liêu/ Bởi
tình yêu có thật/ Vĩnh
cửu trong cuộc đời/ Bởi
ghen tuông có thật/ Xuống
mồ biết có thôi”.
Giống như một “đại sứ
thân thiện”, hoạt động văn chương nào có nữ sĩ Lê Thị Kim thì đều xôm tụ và vui
vẻ. Chị cười nói luôn miệng, cười tươi tắn và nói nhỏ nhẹ. Thế nhưng, mấy ai biết
được ẩn sau sự lạc quan thường trực ấy, nữ sĩ Lê Thị Kim đã nếm trải bao nhiêu
cay đắng và nhọc nhằn. Người chồng qua đời khi hai con còn nhỏ, nữ sĩ Lê Thị
Kim vừa làm xong nghiên cứu sinh chuyên ngành Hóa hữu cơ, đã lặng lẽ chấp nhận
rời khỏi Viện Khoa học miền Nam mà chị gắn bó cả thời thanh xuân, để lo sinh kế
cho gia đình ở môi trường kinh doanh địa ốc. Chị chia sẻ: “Có
dạo, tôi mở một gallery để làm ăn, nhưng không được như ý muốn. Trong lúc đang
hoang mang, tôi đã may mắn được nắm tay vào một cái phao lớn. Cái phao lớn này
chính là một người chú gần như ruột thịt, lúc ấy là giám đốc Công ty Đầu tư
kinh doanh nhà. Ổng giúp đỡ tôi bằng cách giao cho làm phó giám đốc một trung
tâm tư vấn tiếp thị. Từ đó, đời tôi như chuyển sang một thế giới khác và tư duy
theo lối khác. Rồi tôi tự mở công ty
riêng, gặp
may và gặp thời nữa, nên mọi thứ dần hanh thông”. Sau khi cưới vợ cho con trai lớn, nữ sĩ Lê Thị Kim lại bôn
ba tìm kiếm công việc phù hợp cho con trai nhỏ bị khuyết tật. Nhiều gánh nặng
chồng chất nhưng nữ sĩ Lê Thị Kim không chùn chân, không bi lụy. Ở chị, luôn thấy
hiện diện sự say mê thăng hoa với nghề nghiệp, sự nồng nhiệt hiếm có với bạn bè
và sự đòi hỏi không ngừng với cuộc sống: “Góc phố chiều/ Nơi ta đến/ Giờ có hương thơm tường vi/ Góc phố chiều/ Xưa ta đến/ Giờ bóng anh đâu xa mờ”.
Nữ sĩ Lê Thị Kim hoạt
động song song ở hai lĩnh vực thi ca và mỹ thuật. Thậm chí có nhiều giai đoạn,
thành tựu mỹ thuật của chị còn lấn lướt thành tựu thi ca của chị. Những triển
lãm của chị, nhận được sự tán thưởng của giới hội họa. Một điểm độc đáo của
tranh Lê Thị Kim là chân dung những cô gái có cổ rất dài. Vì sao như vậy? Chị
giải thích: “Phái nữ luôn phải chịu đựng nhiều thiệt thòi và cũng không ít trái
ngang. Cho nên, tôi muốn những cô gái trong tranh của tôi được ngẩng cao đầu để tìm hướng đi, để vượt
qua chính mình, để chu toàn bổn phận làm người. Cho nên tôi thường vẽ họ có cổ dài hoặc rất
dài”.
Nhiều bức tranh của
chị có mặt trong các bộ sưu tập cá nhân trong và ngoài nước. Đặc biệt, phần lớn
thu nhập từ việc bán tranh, đều được nữ sĩ Lê Thị Kim quyên góp cho các quỹ từ
thiện. Đó là phẩm cách đáng trân trọng của nữ sĩ Lê Thị Kim, luôn thấu hiểu và
chia sẻ với những mảnh đời khốn khó xung quanh. Đó cũng là bài thơ khác,
vô lời và ấm áp, của nữ sĩ Lê Thị Kim.
Bài thơ không viết bằng ngôn ngữ
mà viết bằng tấm lòng, bài thơ viết bằng ánh mắt ân cần hướng về những thân phận
thua thiệt hơn mình.
Không dễ đánh giá trọn
vẹn về những đóng góp nghệ thuật của nữ sĩ Lê Thị Kim. Bởi lẽ, khi nhìn nữ sĩ
Lê Thị Kim phía thi ca lại thấy chị lấp lánh phía mỹ thuật, còn khi nhìn nữ sĩ
Lê Thị Kim phía mỹ thuật lại thấy chị lung linh phía thi ca. Tuy nhiên, cũng
may, chính nữ sĩ Lê Thị Kim xác định con đường cống hiến bản thân khá cụ thể:
“Lúc
nào một niềm mơ ước hiển hiện, một nỗi khao khát dâng trào, tôi viết. Có thể là
những dòng thơ, có thể là những
dòng vu vơ không biết rồi nó có được chắt lọc thành thơ. Cho nên, tôi không mộng tưởng điều gì, bởi khi làm thơ, tôi cảm thấy như mình
đang lạc vào chốn nơi nào đó, một cõi riêng mình, nghe lại chính giọng nói của
mình và đôi khi còn như một kẻ lữ hành đang đi ngược chiều gió thổi…Tuy nhiên
khi có những bài thơ được độc giả nhớ,
vẫn là niềm động lực khuyến khích tôi. Hãy
đi, đi nữa, cố gắng lên tới đỉnh tuyết kia”.
Dòng thơ chảy dọc
theo dòng đời của nữ sĩ Lê Thị Kim không có nhiều thay đổi. Các tập thơ “Đóa quỳ
hư ảo”, “Sương khói tình yêu” hay “Em lạc đâu Sao Kim” vẫn nhất quán một phong
thái thong dong. Thơ chị cứ ngơ ngác thủ thỉ “Mùa đông
mang nỗi nhớ của ta về đâu/ Mùa đông em có về ngang cầu tóc xõa?”. Thơ chị cứ bâng quơ giãi bày “Chiều
nay ta đến phố gầy em ngày xưa/ Người
đâu, chỉ còn đây thảm
hoa vàng ngơ ngác”. Thơ chị cứ mong
manh gửi gắm “Khi chúng mình yêu nhau/ Đất trời không có tuổi/ Ngọn gió đến từ đâu/ Mang theo nghìn câu hát”. Cả khi chị hân hoan nhập cuộc rộn ràng “Tà
áo em trôi, trời
xô lệch/ Cả
lòng ta cuốn với chiều say/ Tứ
thân một dải đà ngây dại/ Huống
hồ chìm nổi bốn dòng mây” lẫn
khi chị đứng riêng mất mát lặng lẽ “Anh bây giờ xa quá/ Bên trời hoa em héo gầy/ Anh bây giờ xa quá/ Nửa vầng trăng khuyết trên tay”.
Ở tuổi 73, nữ sĩ Lê Thị Kim có thể tạm kết một sự nghiệp nhiều nỗ lực lắm mộng thơ. Những chen lấ giải thưởng hay những ồn ào bình chọn chẳng mấy khi khiến chị bận tâm. Chị không cưỡng cầu danh vọng mà chỉ kiếm tìm an ủi ở thi ca. Chị dự phần với thi ca, và thi ca dắt chị qua những ngày tháng tĩnh tại nhớ thương: “Thơ ơi ở lại cùng em/ Xin làm lửa ấm những đêm buồn này/ Tình đã vút khỏi tầm tay/ Em giờ như chiếc lá quay giữa dòng/ Giữa đời yêu ghét vô thường/ Còn đâu chốn nọ dịu dàng mà mong/ Xin hồn thơ mở bao dung/ Cho em chất chứa những cung bậc buồn/ Thôi đành phận cát long đong/ Níu thơ xin một điểm dừng thơ ơi”./.