Hai từ “có
thật” được Hữu Ước sử dụng ít nhất hai lần trong thơ. Lần thứ nhất trong “Câu hỏi
niềm tin”: “Đi đánh giặc/ Tin ở ngày chiến thắng/ Niềm tin ấy là niềm tin có thật”.
Lần thứ hai trong “Khóc vợ”: “Chỉ khi vợ tôi mất/ Tôi mới nhận ra rằng/ Nỗi đau
là có thật”.
THỜI GIAN CŨ, KIẾP NGƯỜI CŨNG CŨ
ĐẶNG HUY GIANG
Sinh thời,
Chế Lan Viên có bài thơ “Sổ tay thơ” bàn về thơ hay và thơ dở rất rành mạch.
Trong “Sổ tay thơ” có mấy câu rất đáng lưu ý: “Thơ hay như gái đẹp/ Ở đâu, đi đâu cũng lấy được chồng/ Thơ dở không dịch được”. Hai câu đầu khỏi phải bàn, vì nó
quá chí lí và rõ ràng, như một lẽ đương nhiên. Còn câu thứ ba “Thơ dở không dịch
được”, phải hiểu là thứ thơ không ý tưởng, không thông điệp, chẳng chóng thì
chày cũng cũng sẽ bị độc giả lãng quên hoặc quay lưng. Và nó không dịch được vì
chẳng có gì để dịch.
Trên thực
tế, những bài thơ của các tác giả nước ngoài được chuyển ngữ (dịch) sang tiếng
Việt đều có ý, có tứ rõ ràng và có đơn vị thơ hay, câu thơ hay. Có thể ví câu
thơ hay như một vết chém nghệ thuật hằn dấu ấn.
Bài “Mặt
nạ kẻ ác” của B. Becht (nhà thơ Đức) là ví dụ thứ nhất: “Trong buồng tôi treo một điêu khắc
gỗ/ Mặt nạ ác thần
Nhật Bản thếp vàng/ Mạch
máu hằn trên trán nhăn khốn khổ/ Tôi
nhìn nó cảm thông: Làm
người ác khó nhọc vô cùng”. Rõ ràng, nếu không có câu “Làm người
ác vất vả vô cùng”, bài “Mặt
nạ kẻ ác” không đứng nổi.
Bài “N.”
Của K. Lubomirski (nhà thơ Áo) là ví dụ thứ hai: “Khi anh nói về em/ Trong tim anh/ Một bóng hình trỗi dậy/ Khi không nói về em/ Trong tim anh/ Một bóng hình trỗi dậy/ Như nói về vết sẹo trong đời. Rõ ràng, nếu không có câu “Như nói
về vết sẹo trong đời”, bài “N.”
Không đứng nổi.
Một bài
thơ hay, đôi khi chỉ nương nhờ vào một câu thơ hay, là như thế! Thơ ấy cũng là
thơ hiện đại. Viết một cách trực tiếp, trực diện. Không cần tu từ và cũng không
cần sử dụng một thủ pháp nghệ thuật nào cả. Lại giản dị khó làm. Lại giản dị một
cách sâu sắc. Và đằng sau chúng là gì? Thật khó giải thích.
Lâu nay,
tôi đã quen đọc những bài thơ ở dạng này. Và tạng thơ của tôi là như vậy. Cũng
không có gì là khó khi nhận ra ngay chúng là những áng thơ hay. Bởi vậy, tôi
cũng làm quen rất nhanh với thơ Hữu Ước ngay từ những bài thơ đầu, tập thơ đầu
của ông.
Trong
“Thưa Cụ Tổ”, khi nhận ra “Cửa quan thì hẹp, lối vòng khó chơi”, ông đã “Mượn
men ngang dọc với đời/ Hai vai gánh nặng cơ trời dọc ngang”. Rồi ông trở về bản
lĩnh vốn có của mình với hai câu kết như để coi nhẹ tất cả, thật khác lạ: “Điếu
cày, rượu đế xênh xang/ Công
danh thành đạt bằng tràng vỗ tay”. Chỉ thuốc lào và rượu đế, cũng đủ
làm thành một cuộc vui nghiêng ngả, thì công danh hay sự thành đạt, đôi khi
cũng phù du và ngắn ngủi thôi mà! Chỉ một tràng vỗ tay có khi đã là chấm hết.
Trong “Người
lính” có đoạn: “Ở giữa chiến trường chỉ đạn bom/ Những người lính không cần đến ghế/ Và giữa ùng oàng tiếng cười, tiếng
nổ/ Chẳng thấy ai chọn
một chỗ ngồi...”. Vâng!
Bạn chiến đấu là thế! Về cơ bản, họ là những người vô sản. Họ luôn chung gian
nan, chung chết chóc, không phân biệt chức tước, không phân biệt trên dưới vì
nghĩa lớn. Và đó là sự thật - sự thật đáng trân trọng. Nói như cổ nhân thì đấy
là những người “chung hoạn nạn”. Còn khi không ở chiến trường, hoà bình rồi,
lúc hữu sản rồi, người ta mới nghĩ đến “không chung phú quý”.
Hữu Ước là
người cô đơn. Ông cô đơn đến nỗi con gái ông phải thốt lên: “Gia tài lớn nhất của
bố là sự cô đơn”. Bởi thế trong “Đêm”, ông mới viết hai câu thơ thể hiện sự cô
đơn đến độ: “Nhìn
ngang, nhìn dọc... Đơn
côi/ Và một cái bóng cùng tôi chập chờn”.
Đấy là lúc
ông nghĩ về mình lúc hướng nội. Còn khi hướng ngoại, ông còn nhìn ra sự cô đơn
đến cả khi không còn nữa của “Thánh thi” Đỗ Phủ trong “Viếng Đỗ Phủ”: “Lưu danh thiên cổ còn ai nhỉ? Một nấm
mồ xanh ông với ông”.
Hai từ “có
thật” được Hữu Ước sử dụng ít nhất hai lần trong thơ. Lần thứ nhất trong “Câu hỏi
niềm tin”: “Đi đánh giặc/ Tin ở ngày chiến thắng/ Niềm tin ấy là niềm tin có thật”.
Lần thứ hai trong “Khóc vợ”: “Chỉ khi vợ tôi mất/ Tôi mới nhận ra rằng/ Nỗi đau
là có thật”. Phải có niềm tin lớn như thế nào, ông mới viết như thế và khẳng định
như thế? Phải có nỗi đau lớn như thế nào, ông mới viết và khẳng định như thế?
Khi vợ không may qua đời, trước mất mát lớn lao không có gì có thể bù đắp nổi,
Hữu Ước đã biến điều bình thường thành khác thường trong “Lá vàng rơi” bằng câu
thơ: “Cái ngõ nhỏ không còn hơi thở cũ”.
Về hai từ “niềm
tin” được Hữu Ước sử dụng ít nhất hai lần trong thơ. Lần thứ nhất trong “Niềm
tin” được ông bộc bạch: Đã có một thời tôi luôn tin và yêu/ Có phải vì niềm tin
trong tôi quá lớn/ Rồi tôi ngã chính vì niềm tin quá lớn/ Để rồi ngơ ngác xót
xa...Lần thứ hai trong “Lá bùa” được ông diễn đạt kín đáo hơn: Bước vào vòng
lao lý/ Vợ đưa tôi lá bùa/ Đêm ngày tôi cầu nguyện/ Nam Mô A Di Đà.../ Lá bùa
trong địa ngục/ Nuôi tôi tròn ba năm...Lần thứ nhất là sự trả giá cho “niềm tin
trong tôi quá lớn”. Lần thứ hai: Chính niềm tin (đức tin) đã nuôi sống ông.
Theo tôi, “Lá bùa” là tứ thơ lạ, viết như không, viết như bắt được và nó được
thăng hoa từ sự chân thành, xuất phát từ một hiện thực thật khắc nghiệt.
“Phải sống” thì nhiều người đã nói đến. Ở
Trung Quốc, Trương Nghệ Mưu có phim “Phải sống”. Ở Đức, B. Brecht có bài thơ
“Chờ thay lốp xe” nói về sự phải đi, phải sống. Đến “Bước”, Hữu Ước cũng có hai
câu thơ liên quan đến phải đi, phải sống theo cách của ông: Cuộc đời là những
bước đi/ Ta phải bước...
Như một
người chạm khắc trong thơ, đóng đinh vào trí nhớ độc giả qua thơ nhờ sự trải
nghiệm khác người, Hữu Ước đã đến thế giới thơ bằng đôi mắt có khả năng quán
chiếu và có những bước đi có nhận biết.
Ông sở hữu
nhiều câu thơ thật triết lý, đọc lên không khỏi giật mình: Giọt sương chỉ thấm
lên môi má hồng (“Vịnh thi sĩ”); Mặt đất hẹp, miếng ăn chật chội/ Chốn quan trường
vương bụi hư vô/ Thời gian cũ, kiếp người cũng cũ (“Một mình”); Nhân gian hai
chữ sao mà nặng/ Ta gánh sao đây hở đất trời? (“Thế sự”); Cái đang có nghĩa là
cái không có/ Cái đang có nghĩa là cái đang đi (“Chim bìm bịp”); Đời người dâu
bể phân bua/ Phần thắng thì ít, phần thua thì nhiều (“Chỗ dựa”); Người không biết
nhìn xuống/ Làm sao biết nhìn lên (“Cỏ và đời”)...
Riêng hai câu: “Người không biết nhìn xuống/ Làm sao biết nhìn lên” như chỉ ra lẽ ứng xử từng trải, vừa phải với mình, vừa phải với người và như một sự ngộ ra một điều gì đó rất lớn lao, mà cũng rất gần gũi, cũng rất nhân bản trong cuộc đời này.