Các truyện ngắn của Đặng Nhật Minh thường giàu chất điện ảnh. Ông quan niệm mỗi truyện ngắn được viết ra là một bộ phim trên giấy. Không có sự tách bạch giữa sáng tác điện ảnh hay viết văn.


Từ truyện ngắn ''Ngôi nhà xưa'' đến phim ''Mùa ổi'' của Đặng Nhật Minh

LƯU KHÁNH THƠ

"Ngôi nhà xưa" của gia đình luật sư Bách là ngôi biệt thự hai tầng nằm trên một con phố yên tĩnh của Hà Nội. Đó là nơi trú ngụ của một gia đình trí thức. Người chủ nhà là một luật sư. Ngôi nhà được xây do tiền của ông dành dụm cùng với một ít của hồi môn bố mẹ để lại. Bốn người con của ông, ba trai và một gái đã sinh ra và lớn lên ở đây.

Đặc biệt trước sân nhà có một cây ổi cành lá sum suê, rất sai quả. Hòa - người con trai thứ ba của gia đình năm 13 tuổi bị ngã từ trên cây ổi xuống, trở nên ngớ ngẩn, trí óc không phát triển nữa. Năm 1954, ông luật sư đã cho một cơ quan nhà nước đến ở tầng 1. Ít lâu sau họ yêu cầu ông nhường lại cả ngôi nhà. Gia đình ông phải chuyển đến chỗ ở mới.

Riêng Hòa không quen được với thực tế đó. Lúc này, khi đã gần 50 tuổi trí óc anh chỉ dừng lại ở tuổi 13 khi bị tai nạn. Hòa luôn kể với em gái mình về những kỷ niệm thời thơ ấu gắn liền với cây ổi. Mùa ổi chín, Hòa lại trèo vào ngôi nhà hái quả. Có lần anh đã bị bắt ra đồn Công an.

Khi Thủy - con gái ông cán bộ cao cấp, chủ nhân mới của ngôi nhà, biết rõ sự tình đã mời anh vào nhà, thậm chí còn dành riêng một căn phòng cho anh đến ở. Một thời gian sau, Thủy tốt nghiệp chuyển vào Nam làm việc. Bố mẹ cô sau khi nghỉ hưu cũng trở về Hà Nội. Căn nhà được sửa sang lại và cho người nước ngoài thuê, gia đình Thủy dọn đến ở nơi khác... Lúc này ngôi nhà xưa và cây ổi thực sự không còn nữa.

Truyện ngắn "Ngôi nhà xưa" sau khi đăng trên Báo Văn nghệ năm 1993, lập tức được nhiều độc giả chú ý, đặc biệt là những người Hà Nội cũ. Đài Tiếng nói Việt Nam đọc lại trong mục "Đọc truyện đêm khuya". Từ câu chuyện riêng trong một gia đình trí thức đã động chạm đến số phận của rất nhiều người. Những điều xảy ra với ngôi nhà được miêu tả trong truyện, rất phổ biến ở Hà Nội trong thời kì cải tạo nhà cửa vào những năm 60 của thế kỉ XX.

Đặng Nhật Minh đã chuyển thể truyện ngắn này sang kịch bản điện ảnh vào năm 1998 lấy tên là "Mùa ổi". Ở bộ phim này diễn viên Bùi Bài Bình vào vai Hòa đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với khán giả; diễn viên Lan Hương của Nhà hát Kịch Việt Nam vào vai Thủy đã giành được Giải nữ diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim quốc tế Singapore năm 2000. Tháng 8 năm 2000, phim "Mùa ổi" đã được công chiếu lần đầu tại Liên hoan phim Locarno (Thụy Sĩ) đã được đón nhận tình cảm rất nồng nhiệt của khán giả. Bộ phim đã nhận được giải thưởng Don Quichote của Hiệp hội các Câu lạc bộ Điện ảnh thế giới, và Giải nhì của Ban Giám khảo trẻ.

Đến tháng 4 năm 2002, "Mùa ổi" chính thức ra mắt khán giả Pháp. Hầu hết các báo ở Pari đều có bài viết về phim với nhiều thiện cảm. Tạp chí điện ảnh Studio cho rằng: Bộ phim là một kiệt tác về chất thơ. Tờ báo Canard Enchaine đã ví: Bộ phim có hương vị như một trái ổi nhỏ của Proust (Marcel Proust - nhà văn Pháp, tác giả tiểu thuyết nổi tiếng "Đi tìm thời gian đã mất").

Còn báo Nouvel Obsevateur thì nhận định: phim "Mùa ổi" có nội dung đề cao nhân cách và phẩm giá. Quả đúng vậy, qua bộ phim này, Đặng Nhật Minh muốn nói đến nhân cách của những con người Hà Nội gốc (qua gia đình luật sư Bách và các con ông) hơn là nói về ngôi nhà xưa cụ thể đã mất. "Mùa ổi" nhắc nhở cho chúng ta biết rằng có những kí ức của một thời tưởng chừng như không có gì đáng nói nhưng người ta vẫn phải trân trọng, giữ gìn nó như một di sản, như một lời căn dặn đặt trước lương tâm của con người.

Mỗi cuốn phim của Đặng Nhật Minh thực hiện là một lời tuyên ngôn của người nghệ sĩ trước cuộc đời. Lần đầu tiên trên đường phố lớn ở Paris xuất hiện những tấm áp phích của một bộ phim Việt Nam, một sự kiện được cho là lịch sử đối với điện ảnh Việt Nam. Cuối năm 2001, tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 13 tổ chức ở Vinh, phim Mùa ổi đã nhận được Giải Bông sen Vàng.

Chất trữ tình và cảm hứng nhân văn sâu sắc là những nét chủ đạo trong hầu hết các truyện ngắn và các bộ phim của Đặng Nhật Minh. Cách kể chuyện truyền thống, chân thực, giản dị nhưng có sức ám ảnh người đọc khá lớn. Mỗi câu chuyện của nhà văn thực sự là những lát cắt của hiện thực đời sống và số phận con người. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã có nhận định xác đáng khi gọi NSND Đặng Nhật Minh là "người kể sự tích dân tộc mình bằng điện ảnh".

 

Nguồn: Văn Nghệ Công An