Nhà văn Ivan Alekseevich Bunin (đoạt giải
Nobel năm 1933) đã chết trong tình trạng một người không quốc tịch, một người
không có quyền công dân kể từ thời điểm ông tạm biệt nước Nga.
70 năm trước, vào ngày 8 tháng 11, lúc 3
giờ sáng, tại Paris, trên phố Jacques Offenbach, một người đàn ông “nhảy dựng
lên như bị điện giật và ngồi bật dậy trên giường với vẻ mặt kinh hãi khôn tả...
Ông ấy muốn nói điều gì đó, thậm chí có thể hét lên... Rồi ông ấy ngã vật xuống
giường. Và chết”.
Đó là cách bà Vera Bunina, vợ góa của nhà
văn mô tả những giây phút cuối đời của chồng mình. Nhà văn Nga cổ điển, người
đoạt giải Nobel văn học đầu tiên- Ivan Alekseevich
Bunin, đã qua đời.
Nguyên nhân cái chết có thuộc về chúng ta
không đây? Đúng, nhà văn đã chết trong tình trạng một người không quốc tịch - một
người không có quyền công dân kể từ thời điểm ông tạm biệt nước Nga vào tháng 1
năm 1920.
Quyền công dân của Đế quốc Nga đã được bị chính
quyền bãi bỏ. Bunin không nhận được quyền công dân Pháp, quốc gia đã trở thành
nơi ẩn náu của ông và thậm chí ông không xin xỏ. Còn quốc tịch Xô Viết ư?
Nhưng đây là một cuộc trò chuyện đặc biệt.
Đặc biệt bởi toàn bộ câu chuyện lưu vong của Ivan Bunin đã kể về ước mong được
trở lại quê hương của ông, cuộc hành trình không chính thức diễn ra, nhưng ở mức
độ này hay mức độ khác, nhà văn đã luôn sẵn sàng gần như ngay lập tức. Và nếu bạn
theo dõi diễn tiến suy nghĩ của nhà văn về khả năng quay trở lại Nga, bạn sẽ thấy
tại sao Bunin vẫn là của người Nga chúng ta.
“Bách khoa toàn thư Liên Xô” năm 1927 mô tả
Bunin như sau: “Một kẻ phản bội, đầy lòng căm thù mãnh liệt và đau đớn đối với
chính quyền Xô Viết, với giai cấp vô sản và giai cấp nông dân”. Nói chung mọi
chuyện là như thế đấy. Cuộc cách mạng khơi dậy lòng căm thù và sợ hãi ở nhà văn,
và ông không giấu giếm sự coi thường đối với những người thực hiện cuộc cách mạng
ấy: “Một phòng trưng bày khủng khiếp của những kẻ bị kết án”. Bunin nói về nhà
lãnh đạo đầu tiên của Liên Xô theo cách mà có thể thấy rõ rằng “Bách khoa toàn
thư Liên Xô” không vu khống:“ Ông ta đã tiết lộ cho thế giới ngay khi đang ở đỉnh
cao hoạt động của mình một điều gì đó quái dị và đáng kinh ngạc. Ông ta đã tàn
phá đất nước vĩ đại nhất thế giới và giết chết hàng triệu người”.
HỒI CHUÔNG ĐẦU TIÊN
Nhưng trong nhóm những người cách mạng mà
Bunin vô cùng căm ghét, ít nhất cũng có một ngoại lệ. Yuly Bunin. Anh trai của
nhà văn cũng là một nhà báo và nhà văn. Đồng thời, người đàn ông này- người thực
sự đã thay thế cha của em trai mình-là một nhà cách mạng, một thành viên có
quan điểm cánh tả.Sau cuộc cách mạng, Bunin - anh làm việc trong cơ cấu của Ủy
ban Giáo dục Nhân dân và qua đời ở Moscow vì đói, lạnh vào năm 1921.
Và rồi tiếng chuông đầu tiên vang lên.
Ivan Bunhin, khi biết về cái chết của anh trai mình, không thể tìm được chỗ đứng
cho mình: “Bunhin-em đã hét to, bắt đầu đi quanh phòng và lặp lại: “Tại sao, tại
sao tôi lại bỏ đi? Nếu tôi có mặt ở đó thì tôi đã cứu được anh ấy rồi!”. Vâng,
đấy chỉ là những cảm xúc nhất thời. Và Bunin không đau buồn nhiều về nước Nga bị
bỏ rơi mà đau buồn về người anh trai của mình bị bỏ lại ở đó. Nhưng một sự khởi
đầu đã được thực hiện.
Năm 1933, thế giới người Nga lưu vong vui
mừng - Ivan Bunin được trao giải Nobel Văn học. Tuy nhiên, cũng có người không
hài lòng. Vì vậy, một bộ phận đáng kể những người lưu vong, đặc biệt là những
người tuân theo tín ngưỡng quân chủ, bắt đầu châm chỉa nhà văn. Đặc biệt, Bunin
bị đổ lỗi vì tính chất trung lập trong bài phát biểu khi nhận giải Nobel.
Theo ý kiến của họ, nhà văn gần như đã
phản bội "những người Nga đúng đắn" - lẽ ra ông ta nên biến bài phát
biểu của mình thành một tòa án chính trị, ném sấm sét vào "chính phủ vô thần",
kêu gọi phương Tây tiến hành một "cuộc thập tự chinh" chống lại những
người Bolshevik, nhưng nhà văn đã không làm điều này.
Và nhà văn không làm thêm điều đó nữa. Năm
1937, Bunin rõ ràng bị giằng xé bởi những cảm xúc mâu thuẫn. Năm ấy, người bạn
và đồng nghiệp lâu năm của ông- Alexander Kuprin, trở lại Nga. Cùng năm đó,
Ariadna Efron, con gái của nữ thi sỹ Marina Tsvetaeva,Ariadna Efron tới Nga,
người được Bunin nói lời tạm biệt như thế này: “Đồ ngốc, cô gái! Cô sẽ đến nơi
nào đấy? Họ sẽ bắt cô ngay vào ngày đầu tiên! Họ là những kẻ thô lỗ, họ đã bãi
bỏ ngay cả lỗi chính tả. Không thể sống ở đó được! ... Mọi thứ đều biến thái, đất
nước hèn hạ! Xám xịt, kinh tởm! Ôi chúa ơi! Nhưng nếu tôi 22 tuổi như bạn, tôi vẫn
sẽ đi bộ tới đó, mỏi chân đến đầu gối, tôi vẫn lết bò về Moscow!” Vâng, lòng
căm thù vẫn còn mạnh mẽ. Nhưng mong muốn được trở lại ít nhất cũng ngang bằng với
lòng căm thù.
MỌI KẾ HOẠCH ĐỀU BỊ CHIẾN TRANH HỦY BỎ
Và vào năm 1941, ý định này của nhà văn đã
thành hình. Ví như, với người bạn của Ivan Bunhin trong nhóm văn học “Thứ Tư”-
nhà văn Nikolai Teleshov, sống và làm việc ở Liên Xô, vào mùa xuân năm 1941, Bunin
đã viết cho ông này: “Tôi thực sự muốn về nhà”. Và vào tháng 5 cùng năm, ông đã
trực tiếp đến gặp Alexei Tolstoy (tác giả bộ ba “Con đường khổ ải”) với đề nghị
hãy thỉnh cầu Stalin cho ông trở về quê hương. Alexei Tolstoy thực hiện yêu cầu
ấy trong một lá thư gửi Stalin: “Joseph Vissarionovich thân mến, tôi viết cho
ông về một vấn đề quan trọng khiến nhiều nhà văn Liên Xô lo lắng - liệu tôi có
thể trả lời tấm bưu thiếp của Bunin, mang lại cho Bunin hy vọng rằng ông ấy có
thể trở về quê hương được không?”
Bức thư của Tolstoy đề ngày 17 tháng 6 năm
1941. Nếu ngày đó sớm hơn, vẫn chưa biết mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào.
Nhưng những gì bắt đầu 5 ngày sau đó không chỉ hủy bỏ kế hoạch quay trở lại Nga
của Bunin mà còn đặt ra câu hỏi về sự tồn tại của bản thân Liên bang Xô Viết. Tuy
nhiên, ngày cuộc chiến tranh Vệ quốc bắt đầu sẽ trở thành bước ngoặt đối với
Bunin. Đây là những gì Ivan Bunin thú nhận sau Cuộc chiến tranh Vệ quốc
1941-1945 toàn thắng với nhà thơ, nhà văn Liên Xô, phóng viên chiến trường
Konstantin Simonov: “Các bạn nên biết rằng vào ngày 22 tháng 6 năm 1941, tôi,
người đã viết tất cả những gì tôi đã viết trước đó, kể cả cuốn “Những ngày bị
nguyền rủa” chống Liên Xô, tôi xin gửi đến những người hiện đang lãnh đạo nước
Nga, hãy tra gươm vào vỏ mãi mãi”.
Tin Bunin gặp Đại sứ Liên Xô tại Pháp
Alexander Bogomolov vào tháng 12 năm 1945, khiến một số nhóm người lưu vong phải
cảnh giác. Vào ngày 22 tháng 6 năm 1946, ở Paris họ biết được rằng Liên Xô có ý
định cấp quyền công dân cho tất cả những người lưu vong có yêu cầu. Lập trường
của Bunin là hoan nghênh bước đi này lại như đã đổ thêm dầu vào lửa đối với đám
dân lưu vong. Và một loạt cuộc gặp giữa người đoạt giải Nobel và nhà thơ Liên
Xô Constantin Simonov cũng như những mô tả về bữa tối chung giữa hai người, trong
đó bánh cuộn, trứng cá muối và các món ngon khác được chuyển đến bằng máy bay từ
Moscow tới Paris, đã dẫn đến một vụ bùng nổ thực sự.
Vào ngày 20 tháng 5 năm 1947, tại một cuộc
họp của Liên hiệp Nhà văn và Nhà báo ở Paris, vấn đề loại khỏi liên minh này những
người đã chấp nhận lời đề nghị của Liên Xô và nhận hộ chiếu Liên Xô đã được thảo
luận. Ivan Bunin, mặc dù không làm điều này, nhưng đã mất bình tĩnh và lần đầu
tiên xin ra khỏi hội đồng quản trị của tổ chức này, sau đó rời bỏ nó hoàn toàn:
“Liên hiệp đang biến thành một nhóm nhân viên của tổ chức “Tư tưởng Nga”, trong
đó có Shmelev, một người đã từng ủng hộ Hitler".
Hành động này rất có giá trị. Ấn phẩm
chính của những người lưu vong- “Tạp chí Mới” xuất bản ở New York, đã
chính thức cắt đứt quan hệ với nhà văn. Tình bạn lâu dài của Bunin với nhà văn
Boris Zaitsev đã sụp đổ, người sau khi đảm nhận vị trí của Bunin trong hội đồng
quản trị của Liên hiệp Nhà văn và Nhà báo, đã cố gắng lôi kéo toàn bộ những người
lưu vong Nga chống lại Ivan Bunin-thần tượng cũ của họ.
Trên thực tế, vào thời điểm đó, Bunin chỉ
còn một bước nhỏ nữa là có thể nhận được hộ chiếu Liên Xô để trở về quê hương.
Và bước này có thể được thực hiện. Nhưng đã không thành công. Đây là những dòng
Konstantin Simonov viết: “Ý nghĩ về chuyến đi vừa khiến ông sợ hãi vừa quyến
rũ. Bunin nghĩ tới những tác phẩm của mình đã được Moscow quan tâm. Chúng tôi
đã nói rất nhiều để ông yên tâm về điều này... Nhưng đúng vào thời điểm đó báo
cáo của Zhdanov (nguyên Bí thư Tư Đảng CS Liên Xô-phụ trách về tư tưởng) xuất
hiện lên án các tạp chí "Ngôi sao" và "Leningrad", nhà văn Zoshchenko
và nhà thơ Akhmatova... Khi tôi biết được những điều ấy, tôi nhận ra rằng vấn đề
với Bunin đã kết thúc, rằng bây giờ ông ấy sẽ không bao giờ lên đường trở về
Nga nữa”.
Ai biết được Ivan Bunin muốn nói gì, thậm
chí có thể hét lên là vì sao trước khi chết? Rất có thể đó là một tiếng kêu đau
đớn. Đau đớn vì giấc mơ trở lại nước Nga của nhà văn không bao giờ thành hiện
thực…
TÔ HOÀNG chuyển ngữ