Viết về nhà văn, rốt cuộc vẫn là một cách định dạng sự hiện diện của họ với cuộc đời ở tư cách người nghệ sĩ, tức là những gì họ đã sáng tạo nên. Những tên tuổi sáng giá nhất mà Trung Trung Đỉnh đã viết, ít nhiều anh chú trọng đến điều đó.


Người đi tìm chân dung các bạn văn

BÙI QUANG HUY

Tập chân dung văn học “Nhà văn thì phải biết đùa” của Trung Trung Đỉnh được NXB Trẻ in lần đầu năm 2018, gồm 33 chân dung các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, phần nhiều là các anh bạn vong niên, những người thầy và một ít về các bạn đồng nghiệp cùng trang lứa do cái duyên này duyên nọ có một thời chung sống với tác giả. Từ ngày đó đến nay, anh tiếp tục dựng thêm nhiều chân dung nữa.

Tên sách nghe có vẻ bông phèng, giễu nhại, dù anh có lời tựa rằng, ngày nay giới văn sĩ nước nhà ít khôi hài, ít hóm hỉnh hơn các cụ đã thành người thiên cổ như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nhất Linh, Khái Hưng…

Sự thực, Trung Trung Đỉnh rất nghiêm túc trong việc dựng chân dung các nhà văn. Anh nói “rắp tâm” làm việc này từ rất lâu bởi xưa nay người ta đã gán cho nhà văn bao thứ trọng trách vinh quang tự hào nhưng họ đã “làm việc và sống với nhau thế nào” thì mấy ai biết. Theo anh, nhà văn là gì thì trước hết cũng phải là một con người.

Tác giả Lạc rừng dựng chân dung văn học từ quan niệm ấy. Anh đi tìm con người ở nhà văn, đấy là một quá trình dài lâu và không đơn giản, nhất là với các văn nghệ sĩ nổi tiếng. Ba mươi ba nhân vật trong cuốn Nhà văn thì... đều hết sức quen thuộc. Đa phần cái sự quen của tác giả với các nhân vật của mình, thời gian tính hàng chục năm. Vậy mà, khi dựng chân dung họ, anh lại rất chật vật bởi người quen biết nhiều, ngưỡng mộ lắm, thời gian dựng chân dung càng cần tìm hiểu kỹ hơn, lâu hơn. Khoảng cách giữa hai lần công bố một chân dung đôi khi trên dưới hai mươi năm.

Lại có những bài, Trung Trung Đỉnh viết khá ngắn chừng đôi ba năm, dài hơn thì năm, mười năm. Hình như không có chân dung nào anh dựng chỉ một lần. Tôi nghĩ, trong quá trình viết, nếu có dịp, anh lại cặm cụi với những bức chân dung đang viết của mình. Bởi với anh, đây là dịp thể hiện sự biết, sự hiểu, sự nghiền ngẫm, nghĩ suy và nhất là, sự sống cùng với nhân vật của mình. Mà đấy họ đều là những con - người – nhà – văn - đời - thường, không phải là những nhân vật anh từng hư cấu ở trong các tiểu thuyết Lạc rừng, Lính trận hay Ngõ lổ thủng.

Ở Việt Nam ta, lâu nay không ít nhà văn viết chân dung văn học. Có người chuyên chú. Có người thảng hoặc viết một vài chân dung khi thấy cần. Nhiều nhà văn dựng chân dung văn học từ những chuyện kể, dĩ nhiên rất chọn lọc và độc đáo, qua từng câu chuyện, từng chi tiết, đôi khi rất đời thường, nhưng lại ít ai biết, nó hiện lên tính cách con người nhà văn sâu hơn, nó cung cấp những tư liệu rất quý của người cùng thời, người trong cuộc về nghề văn để độc giả cả đời nay lẫn đời sau có dịp tìm hiểu. Phổ biến trong lối dựng chân dung này là người viết đi từ cuộc đời đến văn nghiệp của nhà văn, từ cuộc đời mà cắt nghĩa được ý nghĩa của văn chương.

Kiểu viết chân dung văn học của Trung Trung Đỉnh khá đa dạng, không câu nệ. Ví dụ như viết chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đây là người duy nhất Trung Trung Đỉnh dựng chân dung mà kiểu viết khác biệt với tất cả các nhà văn, nhà thơ anh đã từng viết. Trung Trung Đỉnh dựng chân dung nhạc sĩ họ Trịnh theo cách riêng, không giống ai, qua cách nhìn, cách nghĩ của thi sĩ (Anh Ngọc). Thực ra anh khôn khéo “mượn” cái sắc thái tình yêu đầy chẩt thơ chất lãng mạn không phải ai cũng có thể “vịn” vào được!

Thêm nữa, nhà văn Trung Trung Đỉnh tiếp tục khôn khéo “dựa” vào tấm lòng, say mê đến cuồng nhiệt với Trịnh công sơn và nhạc Trịnh của một chị bạn thuở phổ thông, bây giờ làm cô giáo nuôi dạy trẻ. Thi sĩ Anh Ngọc theo Trung Trung Đỉnh biết thì đấy là “người nhạy cảm, kiến thức âm nhạc xếp ở hàng đầu trong số những người bạn văn của tôi”. Cả hai người, yêu quý, ngưỡng vọng Trịnh Công Sơn đã đành, mà họ luôn luôn cho phép mịnh “tự sống” với Trịnh nữa. “Nhà thơ có thể ôm ghi ta hát say sưa nhạc Trịnh Công Sơn hết từ nhạc phản chiến, tình ca đến những bài ca về thân phận con người thấm đẫm một thứ triết học thân thiết và dịu dàng”. Còn “chị bạn phổ thông, mê nhạc Trịnh, vì thế chị đã sưu tầm được không dưới 100 đĩa nhạc Trịnh do các ca sĩ “trên thế giới” thể hiện. Chị còn sưu tầm tất cả những băng đĩa, sách, chỉ cần băng đĩa và sách ấy có ba chữ Trịnh Công Sơn…”

Chẳng lẽ Trung Trung Đỉnh dựng chân dung bằng những nét vẽ của người khác? Ồ, không! Anh mượn lời của họ đấy thôi. Mượn để xác tín, tô đậm nét vẽ của chính mình: ...Với Trịnh Công Sơn, Trung Trung Đỉnh viết: “tôi gọi ông là thiên tài vì tôi đi đến đâu dù nhà quê, dù sang châu Âu, châu Mỹ, hễ có người Việt ở đâu là có nhạc của ông, tức là có tấm lòng của ông. Ông cùng sống chung với họ. Tôi định nghĩa thiên tài là người được Trời phú cho một thứ tài nào đó phục vụ cho người đời...”

Trung Trung Đỉnh cho rằng, “Trịnh Công Sơn đến với người Việt bằng chính tâm hồn của họ”, và thú nhận, chính anh cũng đã cùng sống với Trịnh, dù chỉ gặp gỡ đôi lần và từng được Trịnh Công Sơn tặng một băng catset ghi ta ca khúc của ông do một người Nga  chơi…

Viết chân dung Nguyên Ngọc, dựng chân dung ông là một lối dựng khác. Toàn bộ bài Boók Ngọc không một lời tán, không tô vẽ tâng bốc, trái lại, có những đoạn mang văn phong của một nhà nghiên cứu, nghiên cứu về lối sống, cách làm việc, ứng xử, sáng tác và các thể loại viết mà nhà văn tài năng này chú trọng. Nó xen lẫn giữa những câu chuyện, lời thoại nhưng không phá vỡ chỉnh thể của một bức chân dung mà Trung Trung Đỉnh dụng công khám phá đối tượng. Anh đặc biệt khai thác ở chiều sâu tư tưởng và triết lý mà Nguyên Ngọc đã được nhiều nhà nghiên cứu gọi là minh triết. Có lẽ, với anh, việc hiểu được, hiểu đúng về Nguyên Ngọc quan trọng hơn là sự thể hiện tình cảm quý trọng, ngưỡng vọng đối với ông, một người anh luôn xem là thầy, là một lực hấp dẫn đặc biệt đối với mình.

Dựng được chân dung con - người – nhà - văn đã khó, viết thế nào mà người đọc tin ở những điều mình đưa ra, chia sẻ càng khó hơn! Tôi nghĩ, Trung Trung Đỉnh đã làm được điều đó ở nhiều chân dung văn học khác nữa của anh.

Chỗ khác biệt giữa chân dung nhà văn Nguyễn Minh Châu với các nhà văn mà Trung Trung Đỉnh viết, cũng là ở cách viết. Nói rằng anh biết và hiểu tác giả Bến quê là một lẽ. Anh muốn khám phá nhiều hơn ở chiều sâu sáng tạo nghệ thuật của nhà văn này. Trung Trung Đỉnh cho rằng Nguyễn Minh Châu ở vào số “không nhiều nhà văn Việt Nam suốt đời lúc nào cũng đau đáu nghĩ tới cái việc viết, cái sự viết. Còn người đánh thức trí thông minh, khiếu thẩm mỹ và kích thích tâm hồn nghệ sĩ, giúp ông (NMC) có đủ bản lĩnh để tự mình nhấn sâu mình thêm vào chốn thiêng liêng của nghệ thuật ngôn từ, một thứ nghệ thuật mà mỗi dân tộc có những đặc trưng riêng... lại chính là Nam Cao, người mà ông yêu nhất, kính trọng nhất…”

Để cắt nghĩa điều đó, Trung Trung Đỉnh đi sâu vào thế giới tinh thần bí ẩn của nhà văn, anh mường tượng đến những cuộc tiếp kiến của tác giả Khách ở quê ra, Phiên chợ Giát với cha đẻ của Sống mòn, Chí Phèo. Thậm chí, có lần Nguyễn Minh Châu hoá thân thành lão Khúng; cùng với Nam Cao đưa nhau về quê, một chốn “sơn cùng thuỷ tận, chó ăn đá gà ăn sỏi, quanh năm chèo chống với bão lũ, với sấm sét đùng đùng...”

Sự mường tượng về những cuộc hoá thân của Nguyễn Minh Châu đã giúp Trung Trung Đỉnh đi vào thế giới huyền ảo trong tâm hồn tác giả Phiên chợ Giát. Và anh đã đến thế giới ấy, không chỉ một lần.

Hoá ra, ý kiến cho rằng, thể tài chân dung văn học là phi hư cấu, không phải là tất cả. Đương nhiên là cũng đừng bao giờ nhầm lẫn giữa hư cấu và chân thật.

*

Viết về nhà văn, rốt cuộc vẫn là một cách định dạng sự hiện diện của họ với cuộc đời ở tư cách người nghệ sĩ, tức là những gì họ đã sáng tạo nên. Những tên tuổi sáng giá nhất mà Trung Trung Đỉnh đã viết, ít nhiều anh chú trọng đến điều đó. Điển hình là Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu. Không chỉ tất cả những gì ông, nhà văn Nguyên Ngọc viết ra đã gần như là một thứ “cẩm nang” cho cuộc đời lính tráng giàu lý tưởng của tôi (TTĐ) mà quan trọng hơn là sau này, ông đã đánh thức các nhà văn và các học giả, nhắc họ cần phải tham gia trực tiếp vào đời sống của nhân dân, nhóm lên các phong trào yêu nước mới...

Viết về nhà thơ Thanh Thảo, một “nhà thơ không bao giờ chịu ngồi yên trên lưng con ngựa thơ bất kham của mình. Dù xuất hiện hơi muộn so với các nhà thơ cùng thế hệ, nhưng bù lại, nó tạo nên một luồng không khí mới, một vẻ đẹp mới mẻ của thi ca thời chống Mỹ”

Hay viết về Thu Bồn thì phải nói ngay đến Tây Nguyên: “riêng đối với Tây Nguyên, cho tới bây giờ, chưa thấy một nhà thơ nào viết được hay và nhiều như ông. Ông đã đánh thức đúng lúc một thể loại văn học nhiều năm trước đó gần như bị bỏ quên”... Và nhất là, “cuộc đời của nhà thơ Thu Bồn chính là bản du ca về tình bạn và tình người”…

 Rồi đến nhà văn Thái Bá Lợi, người đã dũng cảm và chính xác nhìn nhận về mình, về thế hệ mình ngay sau chiến tranh kết thúc. Mãi tới lúc “mọi người còn đang chưa đủ bình tĩnh nhìn nhận nhân tình thế thái thời hiện tại, thì Thái Bá Lợi đã hơn một lần tiếp cận vào bên trong những nhức nhối lớn thường ngày của đời sống xã hội”. v.v.. và v.v...

Rõ nhất ở tất cả các chân dung văn học của Trung Trung Đỉnh là tình cảm thương mến, quý trọng, cảm thông của người viết. Đọc Nhà văn thì phải biết đùa”, tôi cứ ám ảnh mãi cái buổi chiều u ám mà nhà văn Lê Lựu đãi Trung Trung Đỉnh món bún lá với mắm tôm và đậu phụ rán cùng món “kể lại cốt truyện và ý tưởng cái truyện ngắn mới nhất của Nguyễn Minh Châu” tình cờ chính tác giả truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa ấy ghé đến và biết Lê Lựu sẽ đăng ở số tạp chí tới, ông nằng nặc đòi lấy lại vì sợ bị suy diễn. Nghe vậy, Lê Lựu lập tức lấy giấy bút, viết một “lá thư” gửi... Nguyễn Minh Châu! Trong “thư” bảo rằng, ông nhà văn này bỏ quên cái túi tại phòng mình, trong đó có cái truyện quá hay, không kịp xin ý kiến đã đưa in. Nay, viết thư để xin lỗi tác giả và xin được hoàn toàn chịu trách nhiệm. Có thể gọi đây là tình bạn văn chương đúng chăng? Đây cũng là một cách gọi một thứ tình cảm Liên tài và thương yêu quý trọng tài của nhau. Một cách thương người và cả thương cái thân mình nữa!

Loại tình cảm mà anh nhà văn “lạc rừng” thể hiện với các bạn văn đàn anh, cùng thời, cùng lứa ở các bức chân dung không mấy khi hiển lộ. Nó lẩn khuất ở những chi tiết không đâu, những chuyện đời vặt vãnh, những câu nói đùa tếu táo, giễu nhại nhau; có lúc lẩn khuất trong nỗi xót xa, ngậm ngùi của “một lứa bên trời lận đận”

Cánh tôi, đây là cách viết về nhà văn Thái Bá Lợi của Trung Trung Đỉnh, ít nhất là tôi và Thái Bá Lợi, đều chỉ biết cắm mặt trước những câu hỏi không có câu trả lời. Cắm mặt vào lòng mình không còn giận hay thương nữa. Đó là nỗi đau đớn mịt mù xáo trộn trắng đen, bất kể đúng sai của mình, của ai, của ta, của nẫu! Nhà văn Thái Bá Lợi “Không nhanh, không chậm, không vừa phải...”.

Còn xin nhắc lại khi viết về nhà văn Nguyễn Minh Châu thì… “Tôi không ngờ “lão Khúng” của tôi lại phá lên cười. Cái lối cười phá lên ấy, bề ngoài có vẻ sảng khoái, nhưng bên trong thì nẫu buồn”.

Tác giả viết về bạn văn Phạm Xuân Nguyên, một ông bạn thân thì… “Tôi đã có lần cùng Nguyên đi viếng mộ người em cùng cha khác mẹ của hắn trên nghĩa trang liệt sĩ tận Tây Ninh... Tôi thấy Nguyên mồ hôi đầy mặt đi tìm em, rồi cắm hoa, rồi thắp hương, rồi hai đứa tôi cùng đứng lặng, không nói. Còn nói được gì lúc này, hỡi tuổi trẻ! Tôi cũng có người anh chết trận năm 1969, khi anh mới 23 tuổi đầu, chưa vợ, chưa cả yêu đương...” (Phạm Xuân Nguyên – chém gió mà gió ngược chiều);

Trong bài Ngẫu hứng với bác Kim Lân thì Trung Trung Điỉnh viết về tình cảm riêng tư... “Đêm hôm kia nhà tôi mơ thấy ông về ăn cơm với chúng tôi, sáng ra kể cho tôi nghe giấc mơ rồi nhắc tôi đi thăm ông, thế mà đến chiều có tin ông mất!!!”

Với Bảo Ninh, Trung Trung Đỉnh nhớ lại những ngày đầu quen tác giả truyện ngắn có tên lạ lùng: Trại bẩy chú lùn. Trong các cuộc chén chú chén anh ngày ấy, những người bạn thi nhau kể về Tây Nguyên, về Trường Sơn thời chiến tranh, còn Bảo Ninh, ngồi im, ậm à, ậm ừ, rót tì tì, uống tì tì nhưng vẻ mặt thờ ơ, miệng lẩm bẩm, chả ra hưởng ứng, cũng chả ra không... Vậy mà cuối cuộc khi tôi đòi về, hắn bảo tôi, hôm rồi tôi về Đăk Tô thấy lão gác nghĩa trang nom giống ông như đúc. Nếu ông không viết văn thì lão ấy chính là ông. Vớ vẩn!

Đúng. Cái ông “Nỗi buồn chiến tranh” vớ vẩn thật. Cả ông “Lính trận” mà “Lạc rừng” cũng vớ vẩn nốt, bởi sau đó ông viết: “Một câu nói tưởng như vu vơ vớ vẩn nhưng ẩn chứa nhiều ý nghĩa, càng sau này càng thấy nó tinh tế và vớ vẩn thật”.

Hèn gì, lúc bước vào tuổi bảy mươi, ngồi buồn, ông gom những bài ký hoạ chân dung thành cuốn sách Nhà văn thì phải biết đùa!

Mấy năm nay và bây giờ, tuổi đã U80, ông vẫn viết tiếp. Làng văn nước Việt ngày nay vẫn còn ít chất khôi hài, hóm hỉnh quá chăng? Rất mong tập tiếp sau chúng ta sẽ được Trung Trung Đỉnh dẫn dắt các bạn đọc của mình tới gặp các văn sĩ đương đại với giọng mới mẻ hóm hỉnh và tiếp tục bớt bớt cái cách nhìn nghiêm trọng…