Phần lớn dù có giấy phép là một tờ tạp chí điện tử
riêng biệt nhưng từ cơ cấu tổ chức, hoạt động, lịch sản xuất và xuất bản chỉ
như là một trang con, phụ bản, một phiên bản giới thiệu lại lần lượt các tác phẩm
trên báo in, phát thanh-truyền hình ra đời từ trước đó
TẠP CHÍ VĂN NGHỆ ĐIỆN
TỬ CẦN VẬN HÀNH RA SAO?
BÙI SỸ HOA
Tháng 7 năm 2022, Tạp chí Sông Lam (Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An) tổ chức Hội thảo Tạp chí văn nghệ các tỉnh Bắc miền Trung với
chủ đề “Đổi mới để phát triển”, trong đó có một nội dung mới rất được quan tâm
liên quan đến tạp chí văn nghệ điện tử.
Lâu nay, công việc với báo và tạp chí in, phát
thanh-truyền hình vốn quen thuộc với các cơ quan văn nghệ trung ương cũng như
ngành, địa phương, nhưng tạp chí văn nghệ điện tử thì vẫn khá mới mẻ và bỡ ngỡ
đối với nhiều người, nhất là các nhà văn làm báo.
Trên thực tế đã có nhiều cơ quan báo chí, phát
thanh-truyền hình, kể cả báo chí văn nghệ, khi có phép xuất bản điện tử đã
“phiên” từ con người đến bài vở sang bộ phận mới, phần lớn sử dụng lại nội dung
trên báo in, trên chương trình phát thanh-truyền hình, nếu có nội dung mới thì
cách thức thực hiện cũng không khác gì so với cách làm báo thông thường, quen
thuộc. Các báo, tạp chí văn nghệ điện tử cũng lặp lại tình trạng đó, nên nhìn
chung câu chuyện “đổi mới và phát triển” được đặt ra trong hội thảo nói trên
không chỉ có ý nghĩa với riêng Tạp chí Sông Lam hay tạp chí văn nghệ Bắc miền
Trung mà ở báo chí văn nghệ cả nước, từ trung ương tới ngành, địa phương.
Để góp phần giải quyết câu chuyện này, theo chúng tôi,
hãy đi từ nhận thức ban đầu liên quan đến báo chí điện tử nói chung và văn nghệ
điện tử nói riêng. Trước hết, lâu nay, người ta phân biệt sự khác nhau giữa báo
và tạp chí ở chỗ: báo đưa thông tin thời sự, cập nhật, đối tượng công chúng đa
dạng, phong phú, nhiều trình độ khác nhau; còn tạp chí đăng tải thông tin
chuyên sâu, chuyên ngành, đối tượng hẹp hơn, bị hạn chế bởi xuất bản có tính định
kỳ. Trong khi đó, tạp chí văn nghệ là tạp chí chuyên về văn học-nghệ thuật, xuất
bản định kỳ hàng tháng hay theo từng mùa, từng quý…theo quan niệm vừa nêu, theo
chúng tôi, có những điểm chung nhưng đồng thời cũng có điểm khác biệt cần được
tìm hiểu, làm rõ.
Điều quan trọng tiếp theo là nhìn rõ thực trạng hoạt động
hiện nay. Tạp chí in, phát thanh-truyền hình văn nghệ vốn hoạt động từ lâu,
quen thuộc nên không cần thiết phải nói thêm, trừ xu hướng ngày càng co hẹp của
báo chí in khi báo chí điện tử, mạng xã hội đang chiếm dần ‘thị phần” bạn đọc/bạn
nghe xem toàn cầu. Trên thế giới đang có “báo động” về một ngày không xa tới
đây, tạp chí in nói chung hay văn nghệ nói riêng chỉ còn là “kỷ niệm” ít ỏi còn
lại, mỗi năm người ta tuyển chọn, tập hợp những bài vở hay nhất để lưu lại,
trưng bày, báo cáo, biếu tặng…Lúc này, bạn đọc tập trung thưởng thức tác phẩm
văn học-nghệ thuật trên báo/ tạp
chí điện tử và mạng xã hội như thực tế diễn ra trong nước và trên thế giới mà
chứng ta đều đã biết và…lo lắng?
Cũng trên thực tế, hoạt động nghiệp vụ của báo/tạp chí
ở nước ta hiện nay đáng nói là khá gần nhau, nhiều khi khó phân biệt và hiện
đang được cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí lên tiếng cảnh báo về sự lấn sân,
đan xen, chồng lấp lẫn nhau này. Tạp chí văn nghệ không bị “mang tiếng” về câu
chuyện vừa nêu nhưng nhìn chung hoạt động còn lúng túng, nhất là tạp chí điện tử.
Phần lớn dù có giấy phép là một tờ tạp chí điện tử riêng biệt nhưng từ cơ cấu tổ
chức, hoạt động, lịch sản xuất và xuất bản chỉ như là một trang con, phụ bản, một
phiên bản giới thiệu lại lần lượt các tác phẩm trên báo in, phát thanh-truyền
hình ra đời từ trước đó, thậm chí có nơi còn chậm hàng tháng trời. Chưa kể các
lỗi to nhỏ thường nhật về kỹ thuật xuất bản trên báo điện tử đang từng ngày, từng
giờ khiến bạn đọc khó chịu bởi họ đang “tiêu dùng” những sản phẩm nguội, chậm,
sai quy cách, vô thưởng, vô phạt rất không đáng có thời thế giới phẳng.
Cần nắm vững nhận thức báo chí điện tử có các đặc
trưng: cập nhật, hệ thống và tương tác, nói gọn là thông tin, bài vở được đăng
phát liên tục trong ngày; các nội dung/vấn đề liên quan luôn được hệ thống hóa
giúp bạn đọc dễ tìm tòi, khai thác; tờ báo tương tác thường xuyên với bạn đọc để
tiếp nhận, phản hồi thông tin…Từ đó, có thể hiểu tạp chí văn nghệ thông tin cập
nhật, ngắn gọn về mọi mặt đời sống văn nghệ nhưng chắc chắn lượng thông tin này
là không nhiều, không thể chiếm trang, chiếm thời lượng trong tổng thể chung.
Phần cốt tử nhất, đúng với tính chuyên sâu, chuyên ngành nhất chính là các
chuyên mục, chuyên trang, chuyên đề văn học-nghệ thuật như vốn có, phải có.
Tạp chí văn nghệ điện tử nếu biết cách làm tốt sẽ từng
bước xây dựng được một hệ thống các chuyên mục, chuyên trang, chuyên đề, từng
“gian” tác giả, tác phẩm tiêu biểu, chọn lọc trong cả “hệ thống siêu thị” đa dạng,
phong phú, nhiều tầng nấc, được bày biện công phu, khoa học, tiện lợi của tờ tạp
chí. Việc xây dựng và củng cố được hệ thống “nội dung-kỹ thuật” này bao giờ
cũng là mục tiêu cao nhất cần hướng tới, sẽ giúp ích rất nhiều cho việc tìm đọc,
nghiên cứu, tìm hiểu tác giả, tác phẩm, khiến tờ báo có thể trở thành một kho
tư liệu, một thư viện “ảo”, phục vụ tốt nhất cho việc lưu trữ, khai thác và
phát huy các giá trị văn học nghệ thuật của địa phương, cả nước và trên toàn thế
giới.
Ngoài ra, đặc trưng tương tác của báo chí điện tử là một
bước tiến lớn của thời công nghệ số, giúp bạn đọc gần xa có thể trao đổi, bàn
luận về các vấn đề đáng quan tâm, giúp cơ quan quản lý, cơ quan báo chí nắm được
xu thế, xu hướng chung để điều chỉnh, uốn nắn các hoạt động và công việc cụ thể
liên quan. Đáng tiếc là các tạp chí văn nghệ điện tử hầu như “đóng” mục tương
tác quan trọng này vì nhiều lý do và đây là một vấn đề mang tính thiết thực,
lâu dài cần được tính toán kỹ càng để thực hiện thường xuyên, liên tục như nó vốn
có.
Ở nước ta, một số tờ báo điện tử như VnExpress, Dân
trí, VietNamNet…, các báo Tuổi trẻ điện tử, Thanh Niên điện tử…tạo được “sức mạnh”
không thua kém gì so với các tờ báo hàng đầu khác, trong khi các tạp chí điện tử
chưa chứng minh được nhiều tiềm lực, sức mạnh riêng có của mình. Tạp chí văn
nghệ điện tử, nhất là ở các địa phương đi chậm, đi sau về công nghệ và nghiệp vụ
thì càng gặp khó khăn về nhiều mặt, từ hệ thống hạ tầng đến đội ngũ công nghệ-kỹ
thuật, từ lãnh đạo cho đến phóng viên-biên tập viên vốn là “nhà văn đi làm
báo”.
Làm báo vốn đã không giống nhau giữa báo in, phát
thanh-truyền hình và báo điện tử. Làm báo điện tử càng “nhọc nhằn” hơn khi bên
cạnh sản phẩm là bản đánh máy nội dung, còn sử dụng tấm ảnh, bộ ảnh, với phai
âm thanh, với clip hình ảnh động, với kỹ thuật trình bày đa dạng của một tác phẩm
báo chí đa phương tiện, hiện đại và hấp dẫn, mới mẻ, trước đó chưa từng có. Hơn
nữa, bạn đọc hiện nay đa số đọc báo trên điện thoại thông minh nên người làm
báo phải nắm bắt nhu cầu, thói quen, thị hiếu của họ để thiết kế giao diện thân
thiện, gần gũi nhất, dễ đọc nhất có thể, cách sắp xếp trang chủ, trang chính, lớp
trước, lớp sau, trang ngoài, trang trong trong “siêu thị” đó sao cho tiện lợi,
dễ tìm, hệ thống nhất có thể. Báo chí điện tử không “ưa” bài dài, tít dài, chữ
đổ tràn đặc mỗi trang…có thể là điều bất lợi đối với tạp chí văn nghệ điện tử
khi đăng tiểu thuyết dài kỳ, truyện ngắn…chẳng hạn. Nhưng nếu người làm tạp chí
hiểu được điều đó thì sẽ biết cách khắc phục, hạn chế bằng “nghiệp vụ cơ bản”
và năng lực sáng tạo riêng để làm cho tạp chí luôn gần gụi với bạn đọc không và
không thể để mắc một lỗi “chưa sạch nước cản” nào trong nghề làm báo điện tử.
Vì vậy, chúng tôi cho rằng, để hướng tới một tờ tạp
chí văn nghệ điện tử đứng được và ngày càng mạnh, bên cạnh việc đầu tư, nâng cấp
hệ thống hạ tầng, đội ngũ kỹ thuật-công nghệ đảm bảo cho hoạt động của tạp chí,
cần thiết phải bồi dưỡng “nghiệp vụ” làm báo điện tử cho lãnh đạo, đội ngũ
phóng viên, biên tập viên theo yêu cầu. Người lãnh đạo một cơ quan báo chí điện
tử bên cạnh việc thích ứng tốt với yêu cầu cập nhật thông tin, còn phải làm
quen với việc phân cấp trong quản lý xuất bản. Thường xuyên đảm bảo hệ thống hoạt
động trôi chảy, đảm bảo yêu cầu về nội dung và chất lượng thông tin, điều phối
tốt các trang báo theo “nhịp cầu bạn đọc” để nhanh nhưng không nhanh nhẩu đoảng,
“không quản mà tốt hơn quản”, phát huy được sức mạnh của từng người cũng như cả
tập thể trong mọi nơi, mọi lúc-ấy là một nhà quản lý báo điện tử thành công.
Điều quan trọng bậc nhất là trong quá trình làm việc
đó, các “nhà văn làm báo điện tử” này còn từng bước vươn lên, am hiểu và bắt kịp
với những thành tựu khoa học-công nghệ mới, đi liền với đó là các nhà khoa học-công
nghệ có lòng yêu mến văn học-nghệ thuật, đồng cảm sâu sắc với từng tác giả, tác
phẩm để cùng nhau phối hợp làm việc, cộng đồng sáng tạo, cho ra đời những trang
báo đẹp, hấp dẫn, thu hút đông đảo bạn đọc gần xa.
Phải chăng, điều khác biệt của một tạp chí văn nghệ điện
tử là ở chỗ đối tượng bạn đọc không bị bó hẹp, chuyên sâu như một tờ tạp chí
thông thường mà thực ra là rất nhiều lĩnh vực, trong cả một “liên hiệp văn học-nghệ
thuật” gồm nhiều bộ môn chuyên ngành như thơ, văn xuôi, nghiên cứu-lý luận-phê
bình, sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, âm nhạc, hội họa, múa…chưa kể đối tượng là
bạn đọc yêu thích và am hiểu các bộ môn văn học-nghệ thuật.
Với tạp chí điện tử có ‘bạn đọc toàn cầu” thì điều đó
càng trở nên thuận lợi nếu biết cách làm và làm hiệu quả thực sự. Riêng Tạp chí
Sông Lam chẳng hạn, khi được quy hoạch thêm phần Văn hóa sẽ càng được mở rộng
thêm không gian hoạt động và những vấn đề cốt yếu liên quan. Vì vậy, nếu làm tốt
các yêu cầu đặt ra, thì tờ tạp chí sẽ có những chuyên mục đặc biệt, đặc trưng
thu hút rất lớn lượng “view” cần thiết, chưa kể việc được chia sẻ trên mạng xã
hội, mở rộng diện xuất bản, phủ sóng của tờ tạp chí, vượt ra ngoài mong muốn
ban đầu của ban biên tập.
Tất nhiên, đó là cả một quá trình vừa làm vừa học, vừa tích lũy, tự rút kinh nghiệm, kể cả những non nớt, sai sót tạm thời buộc tạp chí phải thay đổi, tìm cách làm mới phù hợp hơn trong khi thực tiễn vốn chưa có một mô hình thành công nào khả dĩ có thể tham khảo, làm gương, nhất là ở các tạp chí văn nghệ điện tử./.