Một sản phẩm văn học nghệ thuật của AI theo đơn đặt
hàng nào đó ra đời có phải là “đạo văn”, “đạo ý tưởng”, “đạo bố cục”, “đạo nhân
vật”… của vô số tác giả, văn nghệ sĩ trước đó hay không? Nếu không có các dữ liệu
từ trước, AI có bó tay hay không?
TRÍ TUỆ NHÂN TẠO VÀ SÁNG TÁC NGHỆ THUẬT
PHÙNG VĂN KHAI
Trí tuệ nhân tạo (AI) dường như đang nổi lên thành một
vấn đề gây tranh cãi, không chỉ đối với giới văn chương nghệ thuật. Đây cũng là
điều tất yếu trong một xã hội văn minh. Các hoạt động, thậm chí là thành tựu xã
hội có sự đóng góp của AI cũng là chuyện bình thường, do con người tiến hành thực
hiện. Nói cách khác, dù phát triển tới đâu, AI cũng là sản phẩm con người.
Nhưng khi AI bước vào lĩnh vực văn học nghệ thuật,
lĩnh vực đòi hỏi khả năng sáng tạo từ trước tới nay chỉ riêng có ở con người,
nhất là đối với cánh văn chương chữ nghĩa, văn nghệ sĩ, đã không ít cho rằng,
chỉ con người mới có độc quyền sáng tạo văn học nghệ thuật, thì hôm nay, chỉ cần
sử dụng các thuật toán AI, đã cho ra các sản phẩm nghệ thuật, khiến các văn nghệ
sĩ đứng trước việc có thể trở nên không cần thiết.
Đã có nhiều cuộc luận bàn, thậm chí tranh cãi nảy lửa
về Chat GPT do hãng công nghệ chuyên về trí tuệ nhân tạo OpenAI kiến thiết đã lập
tức tạo ra cơn sốt về sự quan tâm, tìm hiểu, sử dụng trên toàn thế giới. Chỉ cần
đưa ra yêu cầu, bất luận về vấn đề gì, như việc soạn thảo văn bản chẳng hạn,
trong khoảng thời gian cực ngắn, Chat GPT đã đưa ra những kết quả khá tốt. Một
bài diễn văn. Một bản khóa luận. Một bài báo. Thậm chí một truyện ngắn, bài
thơ, chỉ cần nhập dữ liệu vào chatbot, lập tức chủ nhân sẽ có được văn bản, tác
phẩm theo yêu cầu.
Trong thời gian gần đây, trí tuệ nhân tạo AI đã mau
chóng được ứng dụng trong các lĩnh vực văn học nghệ thuật, tạo ra nhiều những sản
phẩm khiến văn nghệ sĩ sáng tác theo phương pháp truyền thống bỗng phải đối mặt,
cạnh tranh cùng AI. Những bài báo của AI, truyện ngắn của AI, kịch bản phim của
AI… khiến không chỉ giới văn nghệ sĩ phải sửng sốt. Như thế là như thế nào? Có
lẽ nào không cần đến vai trò cá nhân người nghệ sĩ trong sáng tác các tác phẩm văn
chương nghệ thuật?
Vấn đề được đặt ra là, liệu trí tuệ nhân tạo có thể
thay thế được hoàn toàn con người trong lĩnh vực sáng tạo văn chương nghệ thuật
hay không? Thay thế đến mức độ nào? Lợi ích và trách nhiệm của nó? Hướng đi lâu
dài của nó? Và nhất là những hoạch định có tính căn cơ toàn cầu trong sử dụng
AI trong mọi lĩnh vực trong đó có văn chương nghệ thuật? Những câu hỏi trên phải
được đặt ra và phải được trả lời một cách nghiêm túc.
Trong bài báo AI và nghệ thuật, nhà văn Tạ Duy Anh đã
rất có lý khi chỉ ra rằng: “Bộ não của con người có khoảng 85 tỉ tế bào thần
kinh… Đây là vấn đề thuần túy con số và khoa học, vì thế nó là hiển nhiên. Theo
đó mà suy, thì việc giải mã bộ não con người, nếu thành công, chắc phải tính bằng
hàng triệu năm, tỉ năm, cũng có nghĩa là không bao giờ! Đây là căn cứ để những
người lạc quan không tin robot có thể tiếm quyền con người”.
Từ những dữ liệu khoa học, có thể thấy, AI dù phát triển
tới đâu, đều phải trên cơ sở nhập các dữ liệu, số hóa nó và triển khai theo ý
muốn, những quy tắc đặt ra của con người. Ví dụ cần AI viết một truyện ngắn về
trẻ em, phụ nữ, người già…, thì phải đặt ra cho nó những hạn mức nhất định (số
lượng chữ, nhân vật, bối cảnh, không gian…), nghĩa là sản phẩm của AI thực chất
là gom nhặt, sao chép, quy hoạch và trình ra từ tất tần tật các sản phẩm của
các ông B, C, D, F, G… mà thành.
Vấn đề rất lớn nằm ở đây.
Một sản phẩm văn học nghệ
thuật của AI theo đơn đặt hàng nào đó ra đời có phải là “đạo văn”, “đạo ý tưởng”,
“đạo bố cục”, “đạo nhân vật”… của vô số tác giả, văn nghệ sĩ trước đó hay
không? Nếu không có các dữ liệu từ trước, AI có bó tay hay không? Ai
là người được hưởng lợi cũng như ai là người bị phương hại khi các sản phẩm về
văn học nghệ thuật của AI được mệnh lệnh ra đời? Nó có thể thay thế được toàn bộ
các sáng tác văn học nghệ thuật của giới văn nghệ sĩ bằng trí tưởng tượng của họ?
Đây là những câu hỏi cần trả lời nghiêm túc cũng như phải giải mã, tường minh,
thậm chí xác lập chế tài với AI.
Nhà văn Y Ban, trong bài AI liệu có thể thay thế nhà
văn nhà thơ chúng ta? đã cho rằng: “Mạng xã hội đang chi phối nhiều đến việc đọc,
viết nên dễ quyến rũ những người viết nhanh và muốn nổi tiếng nhanh. Muốn viết
nhanh mà chưa kịp sống, chưa kịp trải nghiệm, chưa kịp đào sâu suy nghĩ thì lại
lên mạng tra google hoặc ChatGPT. Với các dữ liệu, những cái đầu thông thái bậc
nhất làm AI có thể khiến con người phải phụ thuộc vào nó. Thế nhưng, những tâm
tư tình cảm, những thứ thuộc về trái tim thì không một AI nào có thể làm thay”.
Là một người chuyên tâm viết tiểu thuyết lịch sử, đã
có lúc tôi rất băn khoăn, thậm chí e sợ AI. Có cần thiết không phải viết ra những
bộ tiểu thuyết lịch sử lấp vào khoảng trống, thậm chí là những vùng trắng về
văn bản sử liệu trong lịch sử. Thời kỳ Hồng Bàng đời sống kinh tế chính trị văn
hóa xã hội là như thế nào? Thời kỳ Hùng Vương là như thế nào? Các thời kỳ nghìn
năm Bắc thuộc cụ thể như thế nào? Việc trang phục, phép tắc, triều nghi, âm nhạc,
lễ hội của các triều đại trên được quy định như thế nào? Điều này AI có câu trả
lời đích đáng không? Chắc là không thể thỏa mãn chúng ta. Nếu đặt hàng AI hãy
viết ra các tác phẩm giống như Tam Quốc, Thủy Hử, Hồng Lâu Mộng, Tây Du Ký…
theo phong cách và dữ kiện của con người, đất nước Việt Nam, liệu AI có thực hiện
được không? AI có thể thay thế được những Nam Cao, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyên
Hồng, Nguyễn Đình Thi… để viết ra các tác phẩm tương tự không? Tất cả những điều
đó, chúng ta đều dễ tìm được câu trả lời là không thể.
Cái mà AI đưa ra, thực chất đều là những “hàng nhái”
được lấy bằng cung cách “đạo văn” với trí tuệ siêu việt của các bộ óc siêu việt.
Chúng đã và đang làm chúng ta bối rối. Chúng tưởng chừng rất khoa học, văn
minh, thiết thực, giảm tải sức lao động của con người, song vô hình trung đã tạo
ra những bất bình đẳng, xâm phạm, trục lợi trí tuệ của chính con người không hề
nhỏ.
Vấn đề này, trước khi có AI cũng từng diễn ra, thậm
chí có khu vực như thực hiện các luận văn Thạc sĩ, luận án Tiến sĩ chẳng hạn, chúng
đã được sao chép, copy paste vô thiên lủng, trầm kha, khiến vô số luận văn, luận
án, thậm chí các công trình khoa học lớn, cuốn sách được trao giải thưởng đã phải
bị thu hồi, tước bỏ như truyền thông đã đưa tin. Bản thân tôi, không ít các
tham luận khoa học xã hội nhân văn về lịch sử, danh nhân, danh thần, danh tướng
đất nước, nghệ thuật quân sự các triều đại… đều bị nạn đạo văn lấy đi nhiều
trang viết của mình. Có người cứ thế lờ tịt đi, cũng có người tìm đến gặp mặt,
xin xỏ… khiến tôi chỉ biết cười trong nước mắt.
Từ khi có AI, vấn đề đạo văn và không chỉ đạo văn của
khối trí tuệ khổng lồ nay đã và đang diễn biến ra sao? Thật là một câu hỏi quá
rộng lớn, đến mức ngay cả khi trao cho AI làm công tác thống kê cũng chưa chắc
chính xác. Văn minh của nhân loại trong đó có các tác phẩm văn chương nghệ thuật
từ thượng cổ đến nay là vô giá. Khi con người sử dụng AI, về mặt tích cực, cũng
chính là khai thác mọi lợi ích vật chất và tinh thần từ văn minh của chính con
người để phục vụ con người. Điều này là đúng đắn và tất yếu. Chỉ có điều, khi sử
dụng AI, với mỗi con người, tổ chức khác nhau với mục đích khác nhau, chúng ta
cần rành mạch và có chế tài chặt chẽ về lợi ích cũng như những phương hại mà AI
đem lại. Chúng ta vẫn biết, có rất nhiều điều trong cuộc sống, lợi ích của người
này chưa chắc đã là lợi ích của người khác, và ngược lại. Lợi ích cộng đồng bền
vững phải dựa trên những nguyên tắc căn bản nhất do chính con người xác lập, mà
ở đây phải là trí tuệ của cộng đồng thông thái nhất chứ không phải là những thuật
toán chính xác nhất.
Trí tuệ nhân tạo và sáng tạo văn chương là hai vấn đề
riêng biệt, độc lập, dù chúng hoàn toàn có thể tương hỗ nhau, liên thông với
nhau. Trong kỷ nguyên công nghệ, thời kỳ mà AI với vai trò quan trọng của mình,
các văn nghệ sĩ với nhiệm vụ sáng tạo các tác phẩm văn học nghệ thuật hãy nên
dành thời gian tìm hiểu ngọn ngành về AI; nhưng cái quan trọng nhất, làm nên
thành công của người nghệ sĩ nhất, chính là hãy dành thời gian và trí tuệ của
mình, nhiệt huyết và trái tim của mình, sáng tạo nên các tác phẩm văn học nghệ
thuật đặc sắc mà không một AI nào có thể thay thế.