Nhà thơ Hải Như được thế hệ hậu sinh tưởng nhớ, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, qua tọa đàm do Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức sáng 20/12.
Nhà thơ Hải Như chào đời ngày năm 1923 tại Nam Định. Sau một hành trình dài cống hiến cho cách mạng và văn
chương, nhà thơ Hải Như đã vĩnh biệt nhân gian ngày 30/6/2017 tại TP.HCM.
Nhắc đến nhà thơ Hải
Như, công chúng phổ thông nhớ ngay đến những ca khúc nổi tiếng được dựa trên lời
thơ của ông, đó là bài hát “Như hoa hướng dương” do Tô Vũ phổ nhạc, bài hát “Thành
phố hoa phượng đỏ” do Lương Vĩnh phổ nhạc, hoặc bài hát “Nơi ấy điểm hẹn” do
Trương Tuyết Mai phổ nhạc.
Thế nhưng, sự nghiệp
văn học của nhà thơ Hải Như có chiều kích rộng lớn hơn những điều độc giả bình
thường đã cảm nhận được qua những kênh truyền thông đại chúng. Nhà thơ Hải Như
còn có thành tựu ở lĩnh vực văn xuôi, kịch bản và thơ dịch... mà thời gian càng
lùi xa thì những đóng góp của ông càng hiển lộ trong sự ngạc nhiên của bạn đọc
hậu sinh thiện chí và sự thán phục của đồng nghiệp tiếp nối sáng tạo.
Nhân dịp kỷ niệm 100
năm Ngày sinh của nhà thơ Hải Như, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã ấn hành tuyển tập
“Hải Như – Thơ và tiểu luận” như một phác thảo sơ lược về di sản văn chương mà
ông để lại cho cộng đồng.
Sáng 20/12, Hội
Nhà văn TP.HCM tổ chức tọa đàm “Hải Như một thế kỷ suy tư” với mục đích thông qua tuyển tập “Hải Như – Thơ
và tiểu luận” để có cuộc gặp gỡ ấm áp giữa giới cầm bút phương Nam và thân nhân
của cố nhà thơ Hải Như, nhằm ôn lại những kỷ niệm về Hải Như và tôn vinh những
ngày Hải Như tận tụy cống hiến cho văn chương.
Nhà thơ Hải Như có thành tựu nổi bật ở mảng thơ viết về
Hồ Chí Minh. Ông có cách lập ý, lập tứ riêng biệt để xây dựng biểu tượng vị lãnh
tụ gần dân và cao thượng: “Bác Hồ đi dép lốp cao su/ Đâu chỉ vì giản dị/
Mà vì lẽ cao hơn/ Ta lười nghĩ chẳng tìm thêm/
Khi trái đất này còn những trẻ em chưa có đủ giày đi/
Người không sao sống khác” hoặc
“Bác
Hồ đứng/ Người
sau không bị khuất/ Ta
đứng (thường quên)/ Che
lấp/ Bạn mình”.
Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Bích Ngân chia sẻ: “Thơ Hải
Như giàu chất suy tư. Ông luôn ngắm nhìn xung quanh ở cả chiều sâu số phận lẫn
chiều rộng văn hóa. Hôm nay chúng ta
tưởng nhớ nhà thơ Hải Như, còn là dịp để chúng ta cùng nhau xác định một sự thật: tác phẩm Hải
Như vẫn còn tiếp tục sức sống ở tương lai”.
Với quê hương chôn nhau cắt rốn Nam Định, nhà thơ Hải
Như viết: “Nguyễn Khuyến sống rất vui với năm gian lều cỏ/ Nhà Tú Xương
cửa không khép - đang chờ/ Chúng ta đến nhớ mang hoa theo đến/ Tiếng ếch kêu tưởng
đâu tiếng gọi đò/ Mỗi ngõ trúc đều nặng hồn năm tháng/ Mảnh đất này giàu có những
nhà thơ”. Còn với quê hương thứ hai là
đô thị lớn nhất phương Nam mà nhà thơ Hải Như gắn bó những năm cuối đời, ông viết:
“Thành phố này tôi đến tôi yêu/ Bởi dễ hiểu được gặp mình trong đó/ Thành phố
bông bụt nhiều và cả bông sứ nữa/ Thành phố của những tấm lòng sau trước đỏ như
son/ Chưa có nơi nào khuôn mặt quê hương/ Hiện rõ nét như nơi này đậm đà ý nhị/
Một tiếng Dạ cũng trở thành vũ khí/ Một tà áo bay nuôi ý nghĩ yêu đời”.
Phó giáo sư tiến sĩ Phùng Quý Nhâm
phân tích: “Thơ Hải Như không nặng về chi tiết cụ thể, về thi ảnh tạo hình, mà ông thiên về hình ảnh
nặng biểu tượng, hình ảnh suy cảm – thức tỉnh con người, khơi gợi
dậy một lẽ sống nhân sinh cao đẹp. Vậy, với lối riêng trong nhận thức
và sáng tạo, thơ của Hải Như đã có những thành công nào đáng ghi nhận?
Thứ nhất, ông đã tạo một dòng thơ suy cảm –
thức gọi một lẽ sống nhân sinh cao cả; khác với dòng thơ suy cảm – triết lý của
Chế Lan Viên; khác với dòng thơ suy cảm – trữ tình của Tố Hữu khi viết về Bác.
Thứ hai, trong sáng tạo của mình, Hải Như đã tạo
dựng hai tượng đài thơ “Thành phố hoa phượng đỏ” và “Chúng cháu
canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi”. Tôi ví như đó là hai chiếc giày vàng để ông có thể tự tin bước vào làng thơ hiện đại Việt
Nam. Và thực sự hai bài thơ này đã khẳng định tên tuổi của Hải Như.
Cuối cùng, tôi có một tâm nguyện: Đề
nghị các cấp lãnh đạo thành phố Hải Phòng chọn một con đường nào đó, đặt tên: đường Hải Như”.
Nhà thơ Hải Như cả đời
lặng lẽ và miệt mài cầm bút. Ông có sức thuyết phục độc giả ở nhiều thể loại
khác nhau. Ngoài tùy bút “Xin ai chớ phụ hoa ngâu” và tập kịch “Vị thượng khách
nhà tù Hương Cảng”, nhà thơ Hải Như còn có những trang tiểu luận mang tính gợi
mở về biên độ thẩm mỹ của văn chương. Trong đó, ông nhấn mạnh vai trò của nhà
thơ đích thực: “Theo tôi người làm thơ phải ý thức được
quyền lực thơ ca và quyền uy thi sĩ… Trước trang giấy nhà thơ không được quên đối
tượng cần được thức tỉnh của mình bao gồm cả nhà cầm quyền”.
TUY HÒA