Là người đắm mình trong thế thái nhân tình, coi cõi nhân gian không thể ở ngoài mình, Quang Hoài luôn dằn vặt, xót xa trước thời cuộc, trước cái nhất thời và cái mãi mãi. Trong ông, sự cập nhật đã ăn vào máu thịt như không thể tách rời. 

                                         

CÓ MỘT MIỀN CHỈ MỘT…

(Đọc “Miền Hoài Phương” của Quang Hoài, NXB Văn học tháng 12 năm 2023)

ĐẶNG HUY GIANG

Cách nay không lâu, nhà thơ Quang Hoài trải qua một cơn bạo bệnh. Rất nhiều bạn thơ lo lắng và không khỏi ái ngại cho ông. Rồi may mắn thay, ông đã “thoát hiểm”! Đó cũng là sự ngạc nhiên mà số phận dành cho ông. Càng ngạc nhiên hơn là sau đó cũng không lâu, gần như ngay lập tức, ông cho hạ sinh đứa con tinh thần thứ mười ba mang tên “Miền Hoài Phương”- một cái tên thật có ý nghĩa, lại rất lạ và hấp dẫn độc giả. Hỏi tác giả, mới hay: Đó là cái tên được kết nối, gắn kết thật khéo bởi tên ông (Hoài) cùng tên người bạn đời của ông (Phương) và “miền Hoài Phương” chính là “miền nhớ Phương”.

Tất nhiên Quang Hoài không chỉ có “miền Hoài Phương”, mà còn có “miền chỉ một”, “miền lênh loang”, “miền tôi” trong “giấc người” và “giấc thơ”, hướng tới “giấc chân trời”, đồng hành không dứt trong đời người và đời thơ của mình.

 Ngoài hơn mười bài thơ mang thương hiệu Quang Hoài như: “Nguyện cầu”, “Mưa đền tình”, “Lời yêu rượu đắng”, “Gió sông Hồng vẫn thổi”, “Kiếp này ta chửa thương ta”, “Chớp lửa đường cong”, “Giữa hai bờ trăng khuất”, “Giọt trời trên lá sen”, “Trong veo nước suối nguồn”, “Trước mùa nước dâng”, “Quả càng già càng chín ngọt thơm”, “Giấc người”... đã từng công bố ở những tập thơ trước (Phần 1: DÂNG NGƯỜI), trong tập thơ mới xuất bản lần này là 47 bài hoàn toàn mới (hầu hết ở Phần 2: MỖI NGÀY TÔI LẠI MỘT TÔI).

Mùa đến... mùa đi... mùa không mùa

trong vô tận giọt giọt

anh tìm những giọt em...

  Và:

Rượu đắng thì uống em ơi

Lời yêu thì nửa chừng thôi. Nửa chừng...”.

 Đó là 5 câu thơ thật hay viết về tình yêu được trích từ “Giọt trời trên lá sen”“Lời yêu rượu đắng”. Đọc câu “Lời yêu thì nửa chừng thôi. Nửa chừng...”, tôi không khỏi liên hệ đến “Những lời chưa nói” của R. Tagore với câu kết: “Những lời chưa nói ấy...”. Theo Đại thi hào Ấn Độ thì khi hai người yêu nhau, trong lòng họ “luôn có những lời chưa nói” và nợ nhau “những lời chưa nói” cũng là để trả lại cho tình yêu những gì vẫn còn bí ẩn cần khám phá về nhau. Viết bài thơ này, R. Tagore muốn nhắn gửi: Các lứa đôi ơi, khi say đắm yêu nhau, hãy nhớ trước mắt và lâu dài của hai bạn, vẫn còn những lời chưa nói ấy... Vậy là rất vô tình, đã có sự gặp gỡ tương đồng trong cách nghĩ và khác nhau ở cách nói  giữa  “Lời yêu rượu đắng” và “Những lời chưa nói ấy”.

Ít nhất trong “Miền Hoài Phương”, Quang Hoài còn trở lại với tình yêu, với những gì liên quan chặt chẽ mang tính chất hữu cơ với tình yêu đến “quá tam ba bận” một cách triệt để hơn, quyết liệt hơn. Ấy là sự xác quyết: “Quá khứ và tương lai/ Trong dâu bể cõi người/ Có một miền chỉ một/ Miền Hoài Phương người ơi!” trong “Có một miền chỉ một” và “Anh cùng em sánh bước/ Bóng in trên đường đời/ Rõ ràng là đôi đấy/ Sao vẫn chỉ một thôi?”. Ấy là sự mới mẻ duy nhất: “Mỗi ngày tôi lại một tôi/ Một miền tôi với một người tôi yêu” trong “Mỗi ngày tôi lại một tôi”.

Là người đắm mình trong thế thái nhân tình, coi cõi nhân gian không thể ở ngoài mình, Quang Hoài luôn dằn vặt, xót xa trước thời cuộc, trước cái nhất thời và cái mãi mãi. Trong ông, sự cập nhật đã ăn vào máu thịt như không thể tách rời. Đây là sự cập nhật cụ thể với những câu hỏi và những lời oán than không dứt: “Ai gây sứt mẻ đất trời/ Khí đen ám phủ lõm lồi nhân gian?/ Khiến ai thịt nát xương tan/ Xe tăng, tên lửa... giết oan bao người?(“Không đề”). Đây là sự cập nhật phổ quát hơn, bao trùm hơn: “Nhìn từ lỗ thủng nhìn ra/ Nhìn đi nhìn lại vẫn là lỗ thôi/ Thấy bầu mà chẳng thấy trời/ Thấy người mà chẳng thấy đời bao la” (“Nhìn từ lỗ thủng) và “Thương bao luận thuyết tung hoành/ Chửa lời ai điếu đã thành tro than!/ Thương con đò mộng bến Vàng/ Chửa chèo gác mái đã tàn giấc mơ!”… (“Thương”).

 Tôi không khỏi giật mình khi đọc “Trước lưới trời”. Bài thơ nói về sự “tạo nghiệp” (nhân quả) theo quan niệm nhà Phật:

Thanh thản hay tức tưởi

Khi nhắm mắt xuôi tay?

Hiện nguyên hình thiện - ác

Trước lưới trời bủa vây!”.

 Từ sự thức tỉnh của một cá nhân từ bản thể, thiết nghĩ những câu thơ trên, đương nhiên mang giá trị thức tỉnh rộng lớn hơn. Những câu thơ ấy cũng là những câu thơ giản dị, sâu sắc và hữu ích, mang lại hiệu quả nghệ thuật và hiệu quả xã hội rõ rệt.

Ông cũng không khỏi đau đớn đến tận cùng từ bản chất, tư cách, ý chí, đức tin của một người lính thời chiến và sự nhân danh một người lính đích thực khi viết trong “Lời canh khuya”: “Chỉ mong hồn lính trận/ Không chết trong thời bình” và cũng là “Lời canh khuya đau đáu!” của ông. Mặt khác, Quang Hoài cũng là người tỉnh táo một cách bản lĩnh khi ông nhất quyết: “Đã lạc lối vào/ Lẽ nào lạc nốt lối ra?”. Tôi tin người viết hai câu thơ này là người “biết” theo quan niệm của Trang Tử. Và đây là nguyên văn bài “Lối” ấn tượng và độc đáo:

Đã lạc lối vào

Lẽ nào lạc nốt lối ra?

 

Mịt mù vây bủa quanh ra

Ai người

chỉ lối giùm ta

ra - vào?

 

Ngước lên thăm thẳm trời cao

Hốt nhiên thấy Phật chỉ vào trán ta...”.        

Ở tuổi xấp xỉ bát thập, Quang Hoài vẫn không chịu cũ. Bằng chứng là ông luôn luôn thấy: “Mỗi ngày tôi lại một tôi” và trên mỗi bước đi của mình, ông vẫn coi là sự tiếp tục của một hành trình tới đích vô giới hạn: “Phía ấy một con đường lạ/ Một người rượt bóng muôn người/ Gót chân mòn vẹt cuối trời” (“Đường lạ”).

Và hành trình tới đích vô giới hạn ấy cũng là hạnh ngộ và ân sủng do tình yêu đem lại:

Có một miền như thế

Miền Hoài Phương

Cùng miền nước, miền đất

Cùng miền mây, miền trời

Giữa biển đời dong khơi!”.

                                               Phố Khuất Duy Tiến, đêm cuối năm 2023