‘Tật xấu người Việt’ là cuốn sách của nhà văn nữ chuyên viết truyện trinh thám Di Li, vừa được ra mắt tại La Mejor Hotel, Hà Nội vào chiều 6/12.
“Tật xấu người Việt”
cũng có cảm hứng như cuốn sách “Người Trung Quốc xấu xí” nổi tiếng của Bá
Dương. “Tật xấu người Việt” bao gồm 48 câu chuyện khác nhau, xoay quanh những
thói quen kém lành mạnh của người Việt có thể dễ dàng nhận ra trong thời hội nhập.
“Tật xấu người Việt”
được viết bởi một tác giả có bút lực đang dồi dào là nữ sĩ Di Li. Ngoài công việc
giảng viên Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội, nữ sĩ Di Li tạo chú ý
với những tác phẩm trinh thám. Sau hai tập truyện trinh thám “Tầng thứ nhất” và
“Điệu valse địa ngục”, nữ sĩ Di Li có hai tiểu thuyết trinh thám gây tiếng vang
là “Trại hoa đỏ” và “Câu lạc bộ số 7”.
Buổi ra mắt cuốn sách
“Tật xấu người Việt” được tổ chức tại tầng 11, La Mejor Hotel ( 22 Tạ Hiện, Hà Nội) vào chiều 6/12. “Tật xấu người Việt” do Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn liên kết ấn hành.
Nữ sĩ Di Li tiết lộ
chị đã mất khoảng 15 năm để ngẫm nghĩ về “Tật xấu người Việt”, với những sắc
thái như tính tự ái, trọng tình hơn lý, sự phiến diện, thích đổ
lỗi, lười cảm ơn, lười đọc sách, lười biểu hiện cảm xúc tích cực mà chỉ ưa nói
thẳng những điều tiêu cực, chê vùi dập khen bốc giời, vô duyên hay xen vào chuyện
cá nhân, trọng nam khinh nữ, hay cả nể, hay gây ồn ào.
Thậm chí, trong “Tật
xấu người Việt” còn có các biểu hiện như quan cách, ưa hối lộ,
tham nhũng vặt, ưa thành tích, thích làm thầy không thích làm thợ, sính bằng cấp,
học chỉ để thăng tiến, thiếu tính độc lập, sĩ diện, hay khoe khoang, tham lam
chủ nghĩa, không bảo vệ tài sản công cộng, ích kỷ, nghĩ ngắn chỉ thấy lợi ích
trước mắt, thói quen phạm luật, không bao giờ biết đủ, lãng phí…
Nhà báo Yên Ba khi đọc bản thảo “Tật xấu người Việt”
đã cho rằng “Có đủ hết trong cuốn sách này những tính cách (và tính nết) mà người
ta kiêng kị không nói đến một cách công khai, lại càng tránh tập trung chúng
vào một chỗ. Lắc rắc vài hạt tiêu làm cho bát cháo ngon hơn, nhưng cả một bát
cháo toàn hạt tiêu thì cay lắm, làm sao mà nuốt nổi! Nhưng, câu chuyện ở đây
không phải là một bát cháo quá nhiều hạt tiêu; đây là một bát thuốc và nó rất đắng!
Viết về tật xấu của người khác là một công việc đầy rủi
ro. Viết về tật xấu của một dân tộc, hơn thế, là một công việc nguy hiểm. Nhưng
tác phẩm này là một trong những bước đi văn chương đầu tiên cho thấy người Việt,
ở đây là người viết, người xuất bản, người đọc, đang trưởng thành”
Tương tự, nhà
báo Hoàng A Sáng nhận xét: “Nữ sĩ Di Li viết cuốn sách này như một
cách tự răn dạy bản thân mình, để mỗi ngày bớt đi được một tật xấu. Cô không viết
theo lối thống kê, kể lể hoặc lên án những cố tật của người Việt, mà qua đó tác
giả và bạn đọc cùng nhau rút ra những bài học bổ ích cho cuộc sống”.
Còn chính nữ sĩ Di Li
thì chia sẻ, “Tật xấu người Việt” cùng “Tính tốt người Việt” là bộ đôi được chị dành một thời gian khá lâu để nghiên cứu
tư liệu cổ của các nhà truyền giáo, thương nhân, chính khách, bác sĩ, tri thức
người Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Hà Lan… đã đến Việt Nam từ thế kỷ 16, 17, 18. Cũng như hơn 10 năm chị có cơ hội được đi một số châu lục và tiếp
xúc với những con người, vùng đất khác nhau để có thể phỏng vấn, so sánh, đối
chiếu với tính cách dân tộc mình.
Nữ sĩ
dự đoán cuốn sách “Tật xấu người Việt” sẽ gây nhiều tranh cãi,
bởi quan điểm là thứ không thể “định lượng”, nên sẽ không bao giờ có đáp số
chung nhất. Hơn nữa, khi những quan điểm ít nhiều “va chạm” đến một số người, rất
có thể sẽ gây chạnh lòng. Nhưng chị thực
bụng mong muốn độc giả tiếp nhận những câu chuyện này với thái độ thiện chí nhất,
bởi cuốn sách là một kết quả nghiêm túc đã được chị nghiên cứu trong suốt thời gian dài về
tính cách của dân tộc Việt.
Vậy thì nữ sĩ Di Li
dùng thế mạnh của người say mê viết truyện trinh thám để “soi rọi” các tật xấu
cộng đồng như thế nào? Tại buổi giới thiệu “Tật xấu người Việt”, nữ sĩ Di Li bày tỏ: “Bằng
sự tò mò cố hữu và tính ưa truy tìm căn nguyên, tôi tìm hiểu tại sao chúng ta lại
sở hữu những tính cách này, chứ không phải kia, chúng bắt nguồn từ đâu ra. Cuốn
sách được hình thành sau một quá trình nghiên cứu mà cá nhân tác giả cảm thấy
vô cùng thú vị, với thời gian không ngắn dành cho việc quan sát, so sánh, đối
chiếu, chiêm nghiệm, tìm đọc và học hỏi. Dù vậy, rất có thể không tránh khỏi những
luận điểm chủ quan và chưa hoàn hảo.
Bởi nghiên cứu
về tính cách của cả một dân tộc có bề dày lịch sử hơn 4000 năm là một công việc
khoa học không đơn giản ngay cả với một tập thể chuyên môn. Tuy nhiên, tôi hy vọng
đây sẽ là một ý kiến, một góc nhìn, một đóng góp dù rất nhỏ nhoi với cộng đồng,
nhưng thể hiện niềm yêu thương, gắn kết với văn hóa, lịch sử và con người ở mảnh
đất mà tôi chưa bao giờ và không thể rời xa”.
NNVN