Người Việt quen thuộc cái cày đến mức người ta sáng tạo ra câu chuyện ngụ ngôn "đẽo cày giữa đường" làm bài học giáo dục. Ý nghĩa câu chuyện phổ quát rộng rãi đến mức cô lại trong một thành ngữ


Cái cày trên cánh đồng văn hóa

NGUYỄN THANH TÚ

 

Có câu nói cửa miệng của giới lao động, kể cả lao động chân tay lẫn trí óc là "đi cày". Rủ đi chơi nhưng bạn nói "Còn phải đi cày…". Gặp nhau hỏi "Hồi này cày cuốc khấm khá chứ?"… Ai cũng hiểu "đi cày" theo nghĩa bóng là đi làm việc, như một sự bắt buộc. Đó là sự hắt bóng của cổ mẫu từ tận xa xưa về thời đương đại rồi ăn sâu vào tiềm thức con người, gặp hoàn cảnh phù hợp liền bật ra trong dạng ngôn ngữ. Sống trong vùng văn minh lúa nước thì người Việt nào cũng quen với hình ảnh cái cày: "Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa"…

Trong quan niệm cổ xưa thì đi cày là công việc thiêng liêng vì đó là sự khởi đầu của quá trình làm ruộng gian nan nhưng đầy hạnh phúc, có làm mới có ăn. Vì thế mà có lễ "Tịch điền". Sách "Việt sử lược" ghi: "Năm Đinh Hợi, hiệu Thiên Trù, năm thứ 7 (987) vua bắt đầu cày ruộng tịch điền ở Đọi Sơn, được một lọ vàng bạc; cày ở núi Bà Hối được một lọ nữa, vua đặt tên đất đó là ruộng Kim Ngân". Vẫn theo sử sách thì Lê Hoàn là ông vua xứ Việt đầu tiên tiến hành lễ cày tịch điền, vừa thể hiện tính bình dân, gần dân vừa để khuyến khích lao động sản xuất.

Thực ra lễ "tịch điền" có từ thuở xa xưa, thời Nghiêu Thuấn bên Trung Quốc rồi tiếp biến sang ta. Ban đầu nó chưa mang đầy đủ ý nghĩa như sau này mà mang nghĩa nguyên thủy của tín ngưỡng phồn thực sơ khai dưới dạng một hành vi mang tính thiêng cầu mong đất đai sinh nở. Cày luôn mang nét nghĩa khám phá, cắm sâu, lật xới rồi gieo hạt, nảy mầm, kết trái gần gũi với quá trình hôn nhân của con người với các hành vi tính giao, sinh con, nuôi dưỡng,… Vì lẽ này hai khái niệm "trồng cây" và "trồng người" trong triết học phương Đông rất gần nhau. Một con người thành đạt giỏi giang được ví như cây lớn (đại thụ). Ngôn ngữ phương Tây cũng tương tự. Hai chữ "văn hóa" (culture) được bắt nguồn từ chữ Latin "Cultus" có nghĩa gốc là gieo trồng, "Cultus Agri" là "gieo trồng ruộng đất", "Cultus Animi" là "gieo trồng tinh thần". Ngày nay triết học văn hóa vẫn ví von con người như cây xanh, phải trồng trọt, nâng niu, chăm bón…

Nhìn từ tín ngưỡng phồn thực có vẻ văn minh phương Đông đi trước phương Tây. Trong sử thi Ấn Độ, vợ của Rama là Sita, thì "sita" có nghĩa là luống cày (đất). Sita được sinh ra từ luống cày nhờ lưỡi cày (tức dương vật) lật đất lên. Lưỡi cày lại do thần Vishnu hóa thân… Trong hầu hết các nền văn hóa phương Đông thì chiếc cày gần gũi với nam tính (thuộc dương), luống cày gần gũi với nữ tính (thuộc âm). Có lẽ khái niệm "Đất Mẹ" gắn liền với sự sinh nở thoát thai từ quan niệm này. Có một hằng số chung ở nhiều nền văn hóa cổ cả phương Đông và phương Tây là "đi cày" đồng nghĩa với hành động gieo trồng và hành vi (làm cho) thụ thai!

Ở Trung Hoa cổ, các hoàng đế mới lên ngôi thường có nghi thức cày đường cày biểu trưng trên ruộng, ngoài các ý nghĩa khác, có một ý nghĩa chủ yếu là biểu hiện quyền lực làm chủ và sự chế ngự đất đai. Mà đất đai luôn là tài sản quý giá nhất. Sở hữu đất đai tức là sở hữu sức mạnh và tài sản. Ở ta hình thức các vua chúa phong kiến "cắt đất phong hầu" cho người có công cũng là hình thức ban cho quyền lực, tài sản.

Cái cày gồm lưỡi cày (sau này thường làm bằng gang); bắp cày bằng gỗ; gọng cày nối từ bắp cày đến vai cày (bằng gỗ hình tam giác) gác lên vai trâu, bò. Ở nhiều ngôn ngữ cái cày là biểu tượng mang tính thiêng hoặc thân mật, tùy hệ quy chiếu văn hóa mà được so sánh (gần giống) với cái gì to lớn, cao cả hoặc gần gũi.

Ví như chòm sao Bắc đẩu có 7 ngôi sao thì người nông dân làm ruộng Việt Nam nhìn nó là cái gầu tát nước, người Pháp nhìn nó giống như cỗ xe, người Mỹ nhìn nó giống cái thìa/muỗng, người Anh nhìn nó là cái cày. Người Anh quan niệm vậy vì tập quán canh tác cùng bạt ngàn đất đai rất cần đến chiếc cày và ngựa kéo. Họ quý cái cày, đến mức hiện nay những chiếc ghế băng trong Bảo tàng Khoa học Anh cũng mang hình chiếc lưỡi cày… Người Anh cũng có câu gần với ta: con ngựa đi trước cái cày theo sau.

Ở ta, cày bằng trâu nên có câu: "Lao xao gà gáy rạng ngày/ Vai vác cái cày, tay dắt con trâu/ Bước chân xuống cánh đồng sâu/ Mắt nhắm mắt mở đuổi trâu ra cày". Người Việt quen thuộc cái cày đến mức người ta sáng tạo ra câu chuyện ngụ ngôn "đẽo cày giữa đường" làm bài học giáo dục. Ý nghĩa câu chuyện phổ quát rộng rãi đến mức cô lại trong một thành ngữ cùng tên để chỉ ai đó có hành động ngu ngốc, không chủ kiến, luôn bị động, chạy theo đuôi người khác, cuối cùng chẳng đạt được kết quả gì.

Lại quen thuộc đến mức lấy bộ phận quan trọng nhất của cái cày là lưỡi cày để chỉ bộ phận quan trọng nhất của người là khuôn mặt - Mặt lưỡi cày, để chỉ khuôn mặt thô kệch, gãy, sắc cạnh. Ngày nay y học tìm ra nguyên nhân là khi phần xương hàm dưới phát triển quá mạnh, đẩy nhiều về phía trước khiến phần xương hàm trên không khớp chặt khít với xương hàm dưới, phẫu thuật thẩm mỹ hoàn toàn chỉnh lại bình thường.

Ngụ ngôn La Phông ten có câu chuyện "Hai lưỡi cày" để giáo huấn con người phải siêng năng làm việc, chỉ nhờ chăm chỉ lao động mới tốt đẹp sáng láng được. Ông nông dân nọ có hai cái lưỡi cày để thay phiên làm việc. Ông quên nên chỉ dùng một chiếc. Chiếc được dùng thì sáng loáng, chiếc bị quên thì đen thui, cáu bẩn. Khi ông nhớ ra đem đi làm việc thì nó lại sáng bóng như thường.

Ở ta có thành ngữ tương tự: "Dao có làm mới sắc". Thì ra ở đâu con người cũng ca ngợi lao động cả. Xin nói thêm, cụ Nguyễn Khuyến trong bài thơ "Anh giả điếc" có câu thơ về đi cày: "Trong thiên hạ có anh giả điếc/ Khéo ngơ ngơ ngác ngác, ngỡ là ngây!/ Chẳng ai ngờ "sáng tai họ, điếc tai cày"… Người đi cày khi hô "họ" tức ra lệnh trâu dừng lại, "sáng tai họ" là để chỉ những anh khôn lỏi, lười lao động, chỉ thích nghỉ ngơi chơi bời.

Tại sao ở ta lại gọi cày chìa vôi? Đó là cái cày truyền thống, không có bộ phận "guốc" dưới lưỡi cày để giữ thăng bằng nên cày đất lật ra hai bên. Năm 1951 nông dân ta cải tiến lắp thêm "guốc" vừa giữ thăng bằng khi cày, đất lại lật về một bên, thẳng tắp. Người ta liền đặt tên cho loại cày mới là cày 51. Có hai ý kiến giải thích về "cày chìa vôi". Một là, căn cứ vào câu ca dao cổ: "Cố công đẽo một cái cày/ Đẽo được ba ngày, ra chiếc chìa vôi" thì lưỡi cày giống cái "chìa vôi" (dụng cụ làm bằng gỗ mũi hình tam giác dùng để lấy vôi từ trong bình ra để ăn trầu). Hai là, lưỡi cày xa xưa của cha ông ta dùng giống lá chìa vôi, một loại cây thuốc dân gian gần gũi, quen thuộc chữa nhiều loại bệnh. Vẫn chưa thấy ý kiến nào đúng hơn.

Cày lên những đường cày văn hóa trong văn học dân gian nhưng đến thời hiện đại, do cuộc sống thay đổi nhanh chóng nên chiếc cày ít được coi như một chất liệu nghệ thuật. Trong văn học trước 1975 có hình tượng "đường cày ba đảm đang" ca ngợi các nữ dân quân vừa cày ruộng vừa bắn máy bay giặc. Sau 1975, vì nông nghiệp được hiện đại hóa, ít cày bằng trâu mà cày máy nên không hấp dẫn các tác giả văn chương. Nhưng mượn chiếc lưỡi cày làm thi liệu thì vẫn còn, và vẫn hay.

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ có một triết lý về nỗi đau và hạnh phúc - một nét phong cách đối cực trong thi pháp thơ chị: "Ôi trái tim/ Sao em lại mang dáng lưỡi cày/ Để suốt đời không bao giờ yên ổn/ Để suốt đời cày lên/ Cày lên/ Đớn đau và hạnh phúc..." (Nói với trái tim) làm ngỡ ngàng nhiều người bởi tính hàm súc sâu xa của biểu tượng. Nhà thơ Võ Văn Vinh trong tập thơ "Biển và cây xương rồng" (Giải thưởng Văn học nghệ thuật Hồ Xuân Hương lần thứ VI, 2015 - 2020) có câu thơ lóe sáng: "Lưỡi cày vỡ nắng mặt trời/ Nắng chang chang nắng rợn người tháng năm" (Cày đêm). Chỉ một câu "Lưỡi cày vỡ nắng mặt trời" đủ cho thấy phẩm chất thi sĩ của tác giả.

Gần đây tập thơ "10 ngón thu" của Võ Văn Luyến (NXB Hội Nhà văn Việt Nam, 2023) có câu tả về cái gian khó miền Trung rất gợi: "Hết nắng cháy lại mưa dầm/ miền Trung nhẫn chịu âm thầm bấy nay/ mùa đông lạnh cả lưỡi cày/ xâu tươi lộc biếc còn đầy trân cam" (Cơn mưa nhắc nỗi nhớ người). Vốn bằng kim loại đã lạnh, thế mà cái lạnh mùa đông còn ngấm cả vào làm lưỡi cày dường như lạnh thêm. Phải có sự khám phá tinh tế, quen với nghề làm ruộng, nhất là từng thấm thía cái lạnh miền Trung mới có cảm nhận ấy! 

 

Nguồn: Văn Nghệ Công An