Với những tác phẩm văn xuôi viết cho thiếu nhi thành công, ngoài vai trò quan trọng của một cốt truyện hấp dẫn, còn phải kể đến nghệ thuật kể chuyện của người viết và cảm xúc chân thành, lôi cuốn mà tác giả đưa được vào từng trang văn.


Mấy suy nghĩ về văn học thiếu nhi

ĐỖ ANH VŨ

Trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại, có thể thấy, sáng tác văn học dành cho thiếu nhi luôn là điều được quan tâm sâu sắc. Về văn xuôi, từ trước 1945, chúng ta đã có những tác phẩm viết cho thiếu nhi được xếp vào hàng kiệt tác, dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Đó là Dế mèn phiêu lưu ký (1941) của Tô Hoài.

Trong giai đoạn kháng chiến, các nhà văn vẫn dành nhiều sự quan tâm cho thiếu nhi qua một loạt tác phẩm tiêu biểu như: Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi, 1957), Lá cờ thêu sáu chữ vàng (Nguyễn Huy Tưởng, 1960), Cái tết của mèo con (Nguyễn Đình Thi, 1961), Cuộc truy tầm kho vũ khí (Đoàn Giỏi, 1962). Sau 1975, có thể tiếp tục kể đến những tác phẩm tiêu biểu như: Tuổi thơ im lặng của Duy Khán (1987), Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán (1988).

Về thơ, chúng ta có gương mặt nổi bật Trần Đăng Khoa với hàng trăm bài thơ viết cho thiếu nhi, trong đó tập thơ Góc sân và khoảng trời đã được tái bản vài chục lần, được dịch và xuất bản tại nhiều nước trên thế giới. Nhiều nhà thơ khác cũng có các thành tựu không nhỏ trong những sáng tác dành cho thiếu nhi như Võ Quảng, Phạm Hổ, Định Hải, Nguyễn Hoàng Sơn…

Nhiều tác giả khác trong hành trình sáng tác của mình, bên cạnh phần lớn sáng tác dành cho người lớn cũng đã có những bài thơ dành cho thiếu nhi sống mãi với thời gian. Đó là Huy Cận, Bế Kiến Quốc, Xuân Quỳnh, Đặng Hiển, Vũ Quần Phương, Thạch Quỳ, Nguyễn Ngọc Ký, Vân Long, Đỗ Trung Quân… Có một vấn đề dễ nhận thấy, đó là viết cho thiếu nhi dường như khó hơn nhiều so với việc viết cho người lớn. Khó nữa là làm sao để viết cho hay, để có được những tác phẩm thành công được xã hội ghi nhận, được đông đảo độc giả đón đọc.

Có nhiều nhà văn nhà thơ là những tên tuổi lẫy lừng trong văn học Việt Nam hiện đại, nhưng dường như lại chưa có tác phẩm dành cho thiếu nhi, chẳng hạn: Nam Cao, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Thế Lữ, Nguyễn Huy Thiệp… Lại cũng có nhiều người khác viết cho thiếu nhi nhưng các tác phẩm của họ còn chưa nổi bật, chưa mang lại thành công như tác giả kỳ vọng.

Nhìn lại các tác phẩm văn xuôi thành công dành cho thiếu nhi của văn học Việt Nam hiện đại, có thể chia ra làm mấy khuynh hướng chính như sau:

- Viết theo phong cách truyện đồng thoại, các nhân vật trong truyện là các con vật nhưng có khả năng giao tiếp, trò chuyện và bộc lộ cảm xúc như con người. Điển hình cho phong cách này là truyện dài Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài, Cái tết của mèo con của Nguyễn Đình Thi. Gần đây, tác phẩm Ong béo và ong gầy (NXB Kim Đồng, 2022) của Uông Triều cũng viết theo phong cách trên.

- Viết theo phong cách lịch sử: dựa vào các sự kiện và nhân vật lịch sử có thật để khai triển tác phẩm, cũng có khi chỉ dựa một phần vào lịch sử rồi hư cấu thêm. Tiêu biểu theo phong cách này có thể kể đến: Lá cờ thêu sáu chữ vàng của Nguyễn Huy Tưởng, Ông Cản Ngũ của Kim Lân, Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, Sống như anh của Trần Đình Vân, Phạm Ngọc Đa của Xuân Sách… Các tác phẩm viết về danh nhân dành cho thiếu nhi cũng có thể xếp chung vào nhóm này.

- Viết theo phong cách hồi ký, hồi ức, tự truyện: Tiêu biểu cho phong cách này có thể kể đến Những ngày thơ ấu và Một tuổi thơ văn của Nguyên Hồng, Tuổi thơ im lặng của Duy Khán

- Viết theo phong cách phiêu lưu, mạo hiểm. Rất nhiều tác phẩm nổi tiếng viết cho thiếu nhi của văn học thế giới đi theo phong cách này nhưng ở Việt Nam chưa có nhiều tác phẩm đi theo hướng kể trên. Có thể kể đến các tác phẩm nổi tiếng của văn học thế giới như: Trên sa mạc và trong rừng thẳm của Henryk Sienkiewicz, Những cuộc phiêu lưu của Karik và Valia của Yan Larri, Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer của Mark Twain, Robinson Crosue của Daniel Defoe, Đảo giấu vàng của Robert Stevenson…

Một số tác phẩm nổi tiếng khác của thế giới pha trộn giữa chất phiêu lưu với việc xây dựng nhân vật trung tâm là những con vật, chẳng hạn: Tiếng gọi nơi hoang dã của Jack London, Con Bim trắng tai đen của G. Troieponxki, Ca dăng của James Oliver Curwood. Ở Việt Nam, mãi đến đầu thập niên 90 mới có một tác phẩm viết theo phong cách này và gây được nhiều sự chú ý của độc giả. Đó là tiểu thuyết Chó Bi đời lưu lạc của Ma Văn Kháng.

- Viết theo phong cách kể lại một số phận, một cuộc đời mà nhân vật chính phải là thiếu nhi: Có thể kể đến tác phẩm tiêu biểu như Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán. Văn chương thế giới có thể kể đến Không gia đình của Hector Malot

- Viết theo phong cách cổ tích. Có thể kể đến loạt tác phẩm Chuyện hoa chuyện quả của nhà văn Phạm Hổ. Các văn tài của thế giới cũng nhiều người đi theo phong cách này, trong đó có thể kể đến các tác phẩm cổ tích của Andecxen, Oscar Wilde, Con gà đen hay vương quốc dưới mặt đất của R. Kipling hay truyện dài Hoàng tử tí hon và chú bé nghèo khổ của Mark Twain

Với những tác phẩm văn xuôi viết cho thiếu nhi thành công, ngoài vai trò quan trọng của một cốt truyện hấp dẫn, còn phải kể đến nghệ thuật kể chuyện của người viết và cảm xúc chân thành, lôi cuốn mà tác giả đưa được vào từng trang văn.

Về thơ dành cho thiếu nhi, bài thơ muốn hay thường phải khai triển được một tứ thơ độc đáo với cách cảm cách nghĩ phù hợp với lứa tuổi của các em. Ngôn ngữ thơ phải là thứ ngôn ngữ có độ chắt lọc, trau chuốt, giàu biểu cảm và tu từ, có tính hình tượng và mang tính giáo dục cao. Có thể kể đến rất nhiều bài thơ thiếu nhi xuất sắc đã sống mãi cùng bao thế hệ tuổi thơ như: Con yêu mẹ và Chuyện cổ tích về loài người của Xuân Quỳnh, Chú bò tìm bạn của Phạm Hổ, Ngày hôm qua đâu rồi (Bóc lịch) của Bế Kiến Quốc, Đi học của Minh Chính, Mẹ vắng nhà ngày bão của Đặng Hiển, Bài học đầu cho con của Đỗ Trung Quân, Mẹ ốm của Trần Đăng Khoa, Quạt cho bà ngủ của Thạch Quỳ…

Để có được một bài thơ thiếu nhi hay và lan tỏa rộng rãi trong công chúng, ngoài tài năng của người viết, có khi còn phải có được một nhân duyên thật đặc biệt khiến cho tác phẩm được cất cánh. Bài thơ hay cần nói ít mà gợi nhiều, thơ viết cho thiếu nhi lại cần có vần điệu mượt mà, âm hưởng trong sáng. Quan sát các tác phẩm thơ viết cho thiếu nhi trong khoảng hai thập kỷ trở lại đây, những bài thơ xuất sắc thực sự không nhiều, nhưng cũng đã có những tập thơ để lại ấn tượng khá tốt. Đó là hai tập thơ Đố mẹ và Dế mèn học chữ của Mai Quyên (NXB Văn học 2022), Chiếc bánh trăng của Lâm Ngọc Quỳnh Anh (NXB Kim Đồng, 2002). Cả hai đều là những cái tên mới mẻ trong làng thơ, nhưng chỉ cần đọc một vài bài trong mỗi tập, có thể thấy ngay những điểm độc đáo và thú vị trong cách lập tứ, tạo tình huống hay ngôn ngữ biểu cảm của mỗi tác giả.

Với Mai Quyên (sinh năm 1985), xin được dẫn: Buổi sáng bé đi học/ Bất ngờ gặp cơn mưa/ Chắc đám mây hay dỗi/ Khóc nhè không đúng giờ/ Buổi chiều mẹ về muộn/ Lớp còn mỗi bé thôi/ Đứng bên thềm bé ngóng/ Đếm bao nhiêu mây trời/ Thoáng từ xa bóng mẹ/ Nước mắt nó tuôn ra/ Chẳng phải là bé khóc/ Bé vừa mưa đấy mà (Bé mưa)

Với Lâm Ngọc Quỳnh Anh (sinh năm 1979), điểm thú vị ở chỗ tác giả lần đầu tiên công bố những bài thơ của mình làm từ lúc 8 đến 15 tuổi. Cho nên dù tuổi của tác giả hiện nay không còn trẻ, người đọc vẫn được thưởng thức vẻ trong lành tinh khôi của một hồn thơ tươi sáng. Xin được dẫn một bài tiêu biểu mà tác giả viết năm 1994: Một làn sương tím biếc/ Bắc cầu qua cánh đồng/ Chiều bước đi rất nhẹ/ Lá mạ vờn trăng cong/ Em nghe tiếng chiều rung/ Trong từng tơ nắng rớt/ Cành tre con chim hót/ Nồi cơm nào mở vung/ Mẹ đã về đầu thôn/ Chiều vội tan lặng lẽ/ Em ơi trên tóc mẹ/ Có bao nhiêu sợi chiều (Sợi chiều)

Trong ba bài thơ tôi vừa dẫn ở trên của hai tác giả, bài Bé mưa hay ở ngôn ngữ diễn đạt phù hợp với tâm lý trẻ thơ, bài Phần kiến hay ở tình huống và cách suy nghĩ ngây thơ hồn nhiên của trẻ, bài Sợi chiều hay ở sức biểu cảm của ngôn ngữ và vẻ đẹp của hình ảnh/ hình tượng thơ, giàu giá trị tu từ.

Bằng nỗ lực sáng tạo của mỗi người viết, bằng tình yêu dành cho trẻ thơ, cho thiếu nhi, chúng ta có thể tin tưởng và chờ đợi nhiều tác phẩm có chất lượng tốt sẽ tiếp tục đến với đông đảo bạn đọc.

 

Nguồn: Văn Nghệ