Miền sông nước Nam bộ trở thành một không gian sáng tạo văn chương độc đáo trong tập truyện ‘Lạc đà bay’ của tác giả trẻ Võ Đăng Khoa quê quán An Giang.

Miền sông nước Nam bộ vài năm gần đây liên tục xuất hiện nhiều cây bút trẻ được độc giả cả nước mến mộ. Sau trường hợp vụt sáng của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, miền sông nước Nam bộ lại có thêm những tên tuổi khác như Lê Minh Nhựt, Huỳnh Thúy Kiều, Nguyễn Thị Việt Hà, Nguyễn Đức Phú Thọ, Lê Quang Trạng, Vĩnh Thông… và gần đây là Võ Đăng Khoa.

Tác giả trẻ Võ Đăng Khoa sinh năm 2001 tại Cù lao Ông Chưởng, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Hiện nay, anh đang là sinh viên Học viện Cảnh sát Nhân dân. Sau khi đoạt nhiều giải thưởng ở các cuộc thi, tác giả trẻ bước vào năm mới 2024 với tuổi 22 bằng tập truyện ngắn đầu tay “Lạc đà bay” do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành.

Trong tác phẩm của Võ Đăng Khoa, hình ảnh miền sông nước Nam bộ hiện lên với bến đò, gian bếp, sông nước, khói hun, cánh đồng trổ lúa, những phận người ít ai để tâm đến câu chuyện của họ: “Tôi sống trong ngôi nhà ngói xứ cù lao, ngôi nhà từ đời của bà. Những tấm cửa lá xách nhìn hướng ra con đường đất, nhón mắt chút nữa sẽ thấy sông. Cù lao xẻ thịt mình để nuôi chính mình, những dòng kinh mát rượi như vết sẹo lỏng, quặn lòng phù sa rượt đuổi. Chúng tôi tự xem là một phần của cù lao. Những trưa, bầy sẻ ùa xuống sân vọc cát, thấy người chúng lại bay lên mái ngói. Trông như đám lá héo rụng ngược lên trời”.

Trên quê hương miền Tây, tác giả Võ Đăng Khoa nhận ra nước công bằng và rộng lượng, không từ chối bất cứ điều gì, nước có thể ôm mọi thứ vào lòng mà không hề phân biệt”. Thế nhưng, anh đã quan sát từng chi tiết nho nhỏ, và kể lại tỉ mỉ: “Ngôi nhà đang mục, tôi nghe rõ ràng nó đang thở, thoi thóp, mỗi lúc càng cực nhọc. Tôi ngồi bên mé ván hàng ba, gom gọn một túi đồ, chờ tàu ngang qua hú gọi. Những cuộc đi thường bắt đầu bằng chuyến quá giang tàu rời khỏi bến. Cha nhìn nhưng không hỏi, khói thuốc nối nhau bay bạc tóc. Chỉ tiếng mối gặm cánh én cũng làm mình điếc cả tai.

Mùa nổi năm sau, cha sẽ vẫn nhìn ra chỗ nước. Tôi nghĩ về mùa nổi năm sau! Gợn nước làm xôn xao đôi mắt cha tôi, khi bóng người về khuấy nước trước sân. Lúc đắm ánh nhìn sâu gần hụt hơi trong nước, tôi tin cha đang nghĩ tới mình”.



“Lạc đà bay” gồm 10 truyện ngắn. Ngoài truyện ngắn được chọn làm tên chung cho cả tập, còn có các truyện ngắn đáng chú ý “Nhìn nước”, “Cuối bãi”, “Đất nở”, “Lạc đà bay”, “Ngược dòng”, “Thả mồi”, “Theo bầy”, “Cái gương”, “Rời Bình Đa”, “Dưới mái ngói”.

Giọng văn thủ thỉ trong “Lạc đà bay” viết về cuộc sống với cái nhìn cảm thông, trân trọng, và đầy thương mến: “Bóng chiều sập xuống, vàng rực, vàng rực, vàng rực…Bóng những con lạc đà ngược nắng, sẫm đen. Nhưng nếu ghi lại trong một bức ảnh, sẽ không dễ gì để nhận dạng được những con lạc đà ấy. Những cái cột làm trụ, những khúc gỗ bắc ngang làm rào, những dây chì... chúng đen lại, đâm vào vòng của lạc đà, trông lộn xộn như một mớ bùi nhùi”

Cắt gọt từng lát nhỏ của những số phận xung quanh, tác giả Võ Đăng Khoa gom lại chi tiết để có những câu chuyện rất riêng. Anh viết về cái chết, về những xấu xa với giọng văn ung dung, bình thản. Anh viết về những dằn vặt đeo mang một cách điềm tĩnh nhưng day dứt: “Có cảm giác trong ngôi nhà đó ai cũng muốn tránh mặt nhau. Như thể, khi bước chân vào nhà, họ phải bấm ngón chân sâu hơn lên ván sàn, gánh đỡ mớ không khí đậm đặc đè lên cơ thể. Ngôi nhà chỉ có ba người, mỗi người có một thế giới riêng của mình, khoảng cách giữa chúng xa tới nỗi nắm níu chỉ thấy mỗi chơi vơi”.

Tập truyện ngắn “Lạc đà bay” phác họa khung cảnh miền sông nước Nam bộ, mà ở đó đôi lúc con người phải chịu khổ sở, chịu bất công nhưng họ vẫn nhẫn nại với sự lương thiện và kiên trì với sự trong sạch: “Đường phố ngập trong không khí Tết rõ ràng hơn bao giờ hết. Những cửa hàng rợp sắc mai, đào, những câu đối đỏ, những lớp người xúng xính áo hoa, én chao đầy trên những tòa nhà cao vút. Trong xe, đài phát những bản nhạc xuân, những bản nhạc từ năm cũ nhưng luôn chào đón một năm mới với tinh thần nguyên vẹn, chẳng bao giờ phai nhạt. Lòng tôi dậy một niềm xôn xao khó tả, Tết luôn luôn làm tôi nao lòng. Những hình ảnh về một ngôi nhà sàn nhỏ nằm lọt thỏm giữa cù lao, trước sân nhà cánh mai rụng đầy trên đất mới, và những chậu bông thọ vàng cam dậy một mùi ngây ngất”.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã không ngần ngại tán thưởng tác giả trẻ Võ Đăng Khoa: “Chững chạc, tự tin, tưởng tượng phong phú, tinh tế trong chi tiết, đọc Lạc đà bay không có cảm giác đây là tập truyện đầu tay của một tác giả vừa mới bước qua tuổi hai mươi. Bằng thứ văn phong giàu chất thơ, hiện đại, sớm vượt qua khỏi rào vách vùng miền, trắc ẩn mà không ủy mị, phơi bày mà không sa đà kể lể, Võ Đăng Khoa tỉnh táo lần giở những buồn vui cuộc đời, nhìn vào thế giới nội tâm của những phận người dẫu bị dập vùi vẫn không thôi lấp lánh”.

                                    NNVN