Một trong những đặc điểm rất rõ trong các truyện của Lê Kiên Thành là yếu tố bất ngờ. Yếu tố bất ngờ đã tạo ra những bước ngoặt quan trọng trong diễn biến của truyện và nó mở ra những bí ẩn của đời sống.


Một người kể chuyện của thế gian

NGUYỄN QUANG THIỀU

MỘT

Tôi có xem một bộ phim của Hollywood nói về một nhóm người đi khắp thế gian kể những câu chuyện tốt đẹp để đánh thức lương tri con người. Nếu những người ấy ngừng kể thì trục trái đất sẽ ngừng quay và bóng tối sẽ phủ ngập thế gian. Bởi vậy, một thế lực hắc ám đã tìm mọi cách ngăn cản những người kể chuyện kia không thể tiếp tục được sứ mệnh của họ. Chúng muốn đẩy thế gian ngập chìm trong bóng tối vĩnh viễn để thống trị loài người. Chính vì lý do đó mà chúng đã dùng mọi ma thuật để làm cho những người kể chuyện ấy không thể kể những câu chuyện tốt đẹp về con người.

Câu chuyện mà bộ phim đề cập là một câu chuyện giả tưởng nhưng nó lại chứa đựng toàn bộ hiện thực trong đời sống thế gian, chứa đựng cuộc đấu tranh giữa Thiện và Ác của con người kéo dài trong toàn bộ lịch sử nhân loại. Và lúc nào nghĩ tới bộ phim ấy, tôi lại nghĩ đến những con người chân chính còn lại trên thế gian này. Họ chính là những người kể chuyện. Họ chính là những người làm cho trục trái đất vẫn quay.

Với tất cả nhũng gì tôi đã đọc của Tiến sỹ Lê Kiên Thành và gần đây nhất là bản thảo tập “Những khoảnh khắc sống” của ông, tôi gọi ông là “Một người kể chuyện của thế gian”.

Lê Kiên Thành là một người vừa bền bỉ cất tiếng về những điều tốt đẹp của đời sống con người trong thời đại ông đang sống, vừa cảnh báo về những gì có thể giết chết những điều tốt đẹp ấy. Ông cất tiếng một cách trung thực, xúc động, sâu sắc và đầy lo sợ; ông không đẩy câu chuyện đi quá bản chất của nó, ông không bi kịch hóa câu chuyện, nhưng ông nhìn thấy bản chất của câu chuyện. Chính vậy, ông trở thành một người kể chuyện tin cậy.

HAI

“Những khoảnh khắc sống” gồm hai phần Truyện và Tự sự; nội dung và thông điệp của mỗi truyện chứa đựng đủ yếu tố để làm nên một truyện ngắn, một truyện vừa hoặc một tiểu thuyết. Nhưng Tiến sỹ Lê Kiên Thành đã chọn hình thức và cách viết mang tinh thần “truyện kể”. Hình thức và cách viết ấy có một khả năng là đưa người đọc trở thành nhân chứng hoặc là người tham dự cùng ông trong mỗi câu chuyện. Người đọc có cơ hội được trở về quá khứ và sống trong những khoảnh khắc của đời sống ấy. Và lúc đó, tính chân thực trong mỗi câu chuyện được đẩy đến tận cùng.

Hai truyện điển hình về những năm tháng chiến tranh của dân tộc là Làng ven sông và Gia đình má Chín Nhơn. Một truyện nói về những con người ở một làng quê hậu phương miền Bắc, một truyện nói về một gia đình miền Nam. Chỉ hai truyện đó đủ dựng lên trọn vẹn tinh thần và sự hy sinh không gì bù đắp nổi của dân tộc trong cuộc chiến tranh vì hoà bình.

Truyện Làng ven sông là một bản tráng ca của thời đại đó. Sự tàn khốc của chiến tranh và sự mất mát quá lớn bởi chiến tranh lại được giấu kín trong sự lặng lẽ của mỗi số phận nhỏ bé. Những con người không biết khóc trước bom đạn của chiến tranh, nhưng họ đã khóc trong hòa bình, khóc trước những hạnh phúc nhỏ bé. Sự mất mát không làm họ tuyệt vọng mà lại làm cho họ lớn lên, kiêu hãnh và tràn ngập yêu thương.

Đọc những câu chuyện đó, tôi đã tự cất lên câu hỏi: tại sao trong đói rét, trong bi thương con người lại có thể sống ĐẸP như thế mà sao trong no đủ thì những vẻ đẹp của đời sống lại mất đi và con người lại trở nên tồi tệ như thế?

Tác giả Lê Kiên Thành kể những câu chuyện này không phải để tái hiện những năm tháng bi thương ấy mà để dội vào lương tâm những người đang sống một câu hỏi về ý nghĩa sống mà họ phải trả lời cho chính họ trong cái ghế họ đang ngồi, trong ngôi nhà họ đang ngủ và trong những lời họ đang rao giảng.

Trong truyện Gia đình má Chín Nhơn, mỗi chi tiết trong diễn biến của truyện tựa một lưỡi dao cắt từng khúc ruột người đọc. Nếu không có những gia đình như thế, không có những người mẹ như thế, dân tộc này không tồn tại. Họ chính là nhân dân. Nhân dân vĩ đại nhưng nhân dân đã bị phản bội. Đến khi nghe tin về sự sa ngã của S - một cán bộ đã từng chiến đấu anh dũng sau này trở thành một cán bộ có vị trí cao trong chính quyền và đã gục ngã bởi đồng tiền, má Chín Nhơn không tin. Má Chín Nhơn, hay nói cách khác là nhân dân không tin sự thật đó. Nhân dân không tin sự hy sinh không gì sánh được của mình lại bị phản bội. Sự phản bội niềm tin là sự phản bội kinh khủng nhất.

Câu chuyện là một sự thật đau đớn đang diễn ra trong đời sống chúng ta. Và lúc này, tôi nghe thấy tiếng khóc đau đớn của những người mẹ như má Chín Nhơn, nhưng không phải tiếng khóc chứng kiến cái chết của những người thân yêu trước họng súng của kẻ thù mà là tiếng khóc tuyệt vọng trước sự suy đồi của những người mà gia đình má cũng như bao gia đình khác đã phải mang cả mạng sống của mình để bảo vệ họ. Chúng ta phải tiếp tục kể lại cho đời sau những câu chuyện đó, Lê Kiên Thành phải kể lại những chuyện đó. Tất cả những người cầm bút chân chính phải kể những câu chuyện đó để đánh thức những hạt giống lương tri của con người đang nằm đâu đó trong bóng tối của dục vọng thấp hèn.

BA

Giá trị NGƯỜI là thông điệp lớn nhất mà tác giả gửi tới người đọc. Hay nói đúng hơn là những điều tối thượng mà một nhà văn phải tìm đến trong toàn bộ những trang viết của mình. Mọi thông điệp lớn lao trong Những khoảnh khắc sống lại được chứa đựng trong những câu chuyện vô cùng bình dị và xúc động trong đời sống. Sự hy sinh của con người vô danh trong các câu chuyện của tác giả thực sự làm tôi xấu hổ. Nó làm cho những thiệt thòi cá nhân nào đó của chúng ta lúc này trở nên vô nghĩa. Nó làm cho những tham lam quá độ của con người lúc này trở nên nhục nhã.

Cái giá trị NGƯỜI không chỉ hiện ra ở những thử thách lớn nhất. Đó là trước bom đạn và cái chết trong chiến tranh mà nó được hiện ra trong cuộc sống thường nhật trong các truyện Cô gái trong quán cà phê, Hai tiếng sét, Bàn học bên Hồ Tây, Hương ngọc lan, Tâm hồn Nga, Số phận một con người... Giá trị NGƯỜI trong hành trình đi tìm của tác giả không chỉ là sự hy sinh cuộc sống của mỗi con người cho sự sống còn của dân tộc mà trong thái độ sống, trong cả sự ân hận, lòng tự trọng, sự xấu hổ về những hành động của cá nhân mình. Đấy chính là sự tự vấn lương tâm của con người.

Tôi đọc đi đọc lại truyện Số phận một con người và tôi sống trong bời bời cảm xúc trước một số phận như vậy. Khi đọc xong truyện đó, tôi thấy ở bên ngoài bậc cửa nhà tôi có quá nhiều số phận như thế. Họ ngày ngày đi qua chúng ta, ở bên cạnh chúng ta mà chúng ta dễ dàng bỏ qua và không nhận ra một ý nghĩa nào từ những số phận ấy và chúng ta có thể từng nghĩ rằng những số phận như thế chẳng mang lại điều gì cho cuộc sống này. Nhưng Lê Kiên Thành đã làm cho tôi nhận ra rằng: cuộc sống sẽ chẳng còn giá trị gì khi chúng ta không nhận ra trong những số phận ấy chứa đựng một “nhân cách sống’’. Đấy là điều mà chúng ta đã đánh mất và đang kiếm tìm.

BỐN

Chủ nghĩa lãng mạn là một ngọn gió thổi không ngừng trong toàn bộ tác phẩm của Lê Kiên Thành. Đây là sức sống kỳ vĩ của một dân tộc. Sau 1975, khi một số tác phẩm viết về cuộc chiến tranh được dịch và xuất bản tại Mỹ đã làm cho những người Mỹ nhận ra sự kỳ vĩ này và họ hiểu rằng: không có sự lãng mạn ấy, dân tộc Việt Nam không thể đi qua được cuộc chiến tàn khốc nhất thế kỷ XX được. Sự lãng mạn chính là khát vọng sống, là giấc mơ bất diệt của con người Việt Nam về tương lai của họ. Trong máu chảy là tình yêu đôi lứa, là những bài ca vang lên, là sự chia sẻ và yêu thương lớn lao của con người trong mỗi ngôi nhà của họ.

Chủ nghĩa lãng mạn trong hiện thực đang mỗi ngày một thưa vắng trong đời sống và trong những tác phẩm viết về đời sống. Đấy cũng là dấu hiệu cảnh báo về “một cái chết tinh thần’’ của nhân loại. Tôi mang cảm giác những truyện của Lê Kiên Thành như những ngọn gió đêm gần sáng thổi không ngừng qua những ngôi nhà trên thế gian và bền bỉ kể những câu chuyện của một con người cũng như của một dân tộc. Nó làm cho một ai đó thức giấc trong đêm và thao thức nghĩ về một điều gì đó của chính mình, dù chỉ là một điều mơ hồ và xa xôi. Một tác phẩm văn học đôi khi chỉ cần làm như vậy chứ không phải những gì to tát viển vông.

Những câu chuyện đó thực sự đã đánh thức lương tri con người và luôn đặt một câu hỏi trong lặng lẽ vừa đau đớn, vừa kiêu hãnh cho người sống về lẽ sống, về giá trị sống của mỗi kiếp người.

NĂM

Một trong những đặc điểm rất rõ trong các truyện của Lê Kiên Thành là yếu tố bất ngờ. Yếu tố bất ngờ đã tạo ra những bước ngoặt quan trọng trong diễn biến của truyện và nó mở ra những bí ẩn của đời sống. Cũng như nó khám phá chân lý của đời sống. Yếu tố bất ngờ hay có thể gọi là thủ pháp thắt nút, mở nút được sử dụng trong các diễn biến của truyện và trong cả tuyến truyện của Lê Kiên Thành, đồng thời nó cũng cho thấy bản chất của đời sống luôn chứa đựng những vẻ đẹp mà chỉ khi ta dám sống đến cùng ta mới phát hiện ra. Yếu tố bất ngờ hay gọi một cách khác chính xác hơn là bước ngoặt của truyện luôn đẩy truyện lên một cao trào giống như người ta bật công tắc trong một căn phòng đầy bóng tối, làm cho câu chuyện bừng sáng và mở ra toàn bộ thông điệp của nhà văn gửi tới người đọc.

Hiện thực xã hội chúng ta đang sống có quá nhiều chuyện đau buồn, thù hận, thất vọng và lo sợ. Nhưng nhà văn không thể làm cho nó đau buồn hơn, thù hận hơn, thất vọng hơn và lo sợ hơn trong những trang viết của mình mà phải tìm trong đau buồn ấy, trong thù hận ấy, trong thất vọng ấy và trong lo sợ ấy những vẻ đẹp, những yêu thương, những giấc mơ của con người và từ đó đặt niềm tin vào con người. Và Lê Kiên Thành đã làm cho tôi tìm thấy những điều đó.

Cá nhân tôi xin cảm ơn ông!