Để “dịch đúng”, bài thơ dịch không chỉ
trung thành với ý nghĩa mà còn phải tôn trọng cả phong cách, bút pháp, nhịp điệu…
của nguyên tác. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, dịch đúng không phải là
dịch chính xác từng chữ từng từ...
Quan điểm dịch thơ và bài học thực tiễn
NGUYỄN HỮU THĂNG
Hội nghị Liên đoàn dịch giả quốc tế diễn ra
ngày 9/7/1994 tại Oslo Na Uy đã thông qua bản Hiến chương dịch giả, trong đó Điều 4 và
Điều 5 trong Phần I “Nghĩa vụ chung của dịch
giả” đã chỉ rõ:
Điều 4: Mỗi một bản dịch phải trung thành và chuyển đạt chính xác tư
tưởng và hình thức của bản gốc – sự trung thành này là nghĩa vụ đạo đức và pháp
lý của dịch giả.
Điều 5: Tuy nhiên, không nên nhầm lẫn dịch trung thành với dịch đúng từng
từ; trung thành với bản dịch không loại trừ có sự thay đổi để có thể cảm nhận
được hình thức, bầu không khí và ý nghĩa sâu xa của tác phẩm trong một ngôn ngữ
và quốc gia khác.
Nội dung của 2 Điều trên khá giống với
tiêu chí “TÍN ĐẠT NHÔ của Nghiêm Phục (1853-1921), một chuyên gia về lý luận dịch
thuật của Trung Quốc cuối đời nhà Thanh. TÍN: là dịch đúng, trung thành với
nguyên tác; ĐẠT: là đảm bảo tính mạch lạc, dễ hiểu; NHÃ: là tiêu chuẩn thẩm mỹ,
trình độ nghệ thuật. Có thể thấy, nếu như tiêu chí “Tín” của Nghiêm Phục khá
trùng hợp với nội dung Điều 1 của Hiến chương dịch giả, thì tiêu chí “Đạt” và
“Nhã” của ông cũng có phần trùng hợp với Điều 2 của bản Hiến chương.
Đó là những
quan điểm, yêu cầu về dịch thuật nói chung. Trong dịch văn học, nếu dịch văn
xuôi đã phải đã phải đảm bảo những yêu cầu trên thì dịch thơ lại càng có đòi hỏi
cao hơn.
Tôi đã từng
phát biểu rằng, bản thân khái niệm “dịch thơ” đã bao gồm 2 tiêu chí là “DỊCH”
và “THƠ”. Đã gọi là “DỊCH” thì phải trung thành với nguyên tác cả về nội dung
và hình thức. “Nội dung” là bản dịch phải chính xác, sát nghĩa nguyên tác, phản
ánh được cả cả nghĩa đen, nghĩa rộng, nghĩa bóng, phản ánh được tứ thơ sâu xa
trong thơ nguyên tác.
Còn về hình thức, nên giữ đúng hoặc gần
đúng các thể thơ nguyên tác, như Đường luật của Trung Quốc, Sonnet của phương
Tây, Hai-cư của Nhật Bản…, bài thơ gốc thuộc thể thơ nào phải giữ nguyên thể
thơ đó khi dịch sang thơ Việt. Vì vậy, đã dịch thơ nước ngoài sang thơ Việt mà
dịch sang thể thơ truyền thống Việt Nam như Lục bát, Song thất lục bát thì tiêu
chuẩn “Tín” (dịch đúng) đã mất đi một phần rồi, vì nước ngoài không có thể Lục
bát, chỉ Việt Nam mới có. Hơn nữa, dịch như vậy người đọc không thưởng thức được
cái hay, cái “lạ” mang bản sắc văn hóa riêng của các dân tộc khác trên thế giới.
Do đó, yêu cầu về dịch thơ với tiêu chí “TÍN” đã cao hơn hẳn so với dịch văn
xuôi.
Tiêu chí “ĐẠT”
và “NHÔ khi dịch thơ lại càng đòi hỏi cao hơn, vì để cho người đọc cảm nhận được
nội dung và nghệ thuật, nhất là “ý tại ngôn ngoại” uyên thâm của bài thơ nguyên
tác, để bài thơ dịch có tính thẩm mỹ cao, hấp dẫn người đọc, đảm bảo đó là
“THƠ” đích thực thì càng khó khăn gấp bội.
Chỉ riêng
hiểu như thế nào là “Dịch đúng” cũng không hề đơn giản. Để “Dịch đúng”, bài thơ
dịch không chỉ trung thành với ý nghĩa mà còn phải tôn trọng cả phong cách, bút
pháp, nhịp điệu… của nguyên tác. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, dịch
đúng không phải là dịch chính xác từng chữ từng từ mà quan trọng là phải thể hiện
được hồn cốt của bài thơ, câu thơ, phải chọn từ dịch phù hợp với tư duy, tập
quán ngôn ngữ của người Việt; quan niệm chính xác là phải diễn đạt được tương đương ý của tác giả,
tương đương trong cách diễn đạt của tiếng Việt.
Ví dụ, nếu dịch chính xác từng chữ ngạn ngữ
Hán “Thử địa vô ngân tam bách lượng” thành
“Đất này không có ba trăm lạng bạc”,
người Việt có thể không hiểu nguyên tác định nói gì. Câu này liên quan đến điển
tích: một người chôn giấu ba trăm lạng bạc, sợ người khác phát hiện, lại cắm bảng
đề mấy chữ đó lên chỗ chôn giấu; nếu dùng một ngạn ngữ mang ý nghĩa tương đương
“Lạy ông tôi ở bụi này”, người Việt sẽ
hiểu ngay. Như vậy là dịch đúng (Tín) nhưng không hẳn đã “Đạt”, phải dịch
sao cho người đọc dễ hiểu, cảm nhận được ý nghĩa nguyên tác. Người dịch thơ nếu
không tìm hiểu kỹ về tác giả và bối cảnh ra đời của tác phẩm cũng dễ dịch sai.
Thơ của dân
tộc nào cũng gắn liền với văn hóa, tư duy, tập quán ngôn ngữ của dân tộc đó nên
hiểu đúng, đầy đủ và diễn đạt cho người Việt thấy dễ hiểu, gần gũi với người Việt
là vô cùng khó. Điều này lại càng đúng khi dịch thơ Hán ngữ cổ. Thơ cổ của
Trung Quốc cũng như thơ chữ Hán của các nho sĩ Việt Nam trong lịch sử thường sử
dụng từ ngữ cô đọng, súc tích, đặc biệt là dùng nhiều điển tích, điển cố, lại
có những bài thơ “chiết tự”, thơ “chơi chữ”, sử dụng từ đa nghĩa…, nên để hiểu
đúng, dịch đúng, đảm bảo tiêu chí “Tín” thôi đã vô cùng khó, thậm chí là bất khả
thi, khi dịch thơ chỉ phản ánh được một phần nội dung, còn lại phải chú thích
bên ngoài bài thơ. Đây là điều buộc phải chấp nhận.
Ví dụ, bài
thơ “Chiết tự” của Bác Hồ : Tù nhân xuất
khứ hoặc vi quốc/ Hoạn quá đầu thì thuỷ kiến trung/ Nhân hữu ưu sầu ưu điểm đại,/
Lung khai trúc sản, xuất chân long.Theo lối chiết tự, bài thơ này có nghĩa
đen: chữ “tù” 囚 bỏ chữ “nhân” 人, cho chữ “hoặc” 或 vào, thành
chữ “quốc” 國. Chữ “hoạn” 患 bớt phần trên đi thành chữ “trung”
忠. Thêm bộ “nhân” 人 đứng vào chữ “ưu” 憂 trong “ưu
sầu” thành chữ “ưu” 優 trong “ưu điểm”. Chữ “lung” 籠 bỏ bộ “trúc” 竹 thành chữ “long”
龍. Khi dịch thơ, cụ Nam Trân cũng chỉ có thể dịch theo nghĩa bóng : Người thoát khỏi tù ra dựng nước/ Qua cơn hoạn nạn,
rõ lòng ngay/ Người biết lo âu, ưu điểm lớn/ Nhà lao mở cửa, ắt rồng bay! (N.T
dịch)
Đã gọi là
“THƠ” thì phải khác với văn xuôi. Dịch thơ nước ngoài sang thơ Việt để người Việt
đọc, phải thấy đó là đúng là thơ. Ngay cả “thơ văn xuôi” cũng không phải là
“văn xuôi”. Dịch đúng theo nghĩa, theo thể thơ nguyên tác mà người đọc thơ dịch
thấy lủng củng, không nhạc điệu, không có ngôn ngữ thơ, thiếu tính thẩm mỹ thì
không còn là dịch thơ nữa. Thơ dịch không hay còn ảnh hưởng cả tiêu chuẩn “dịch
đúng”, vì làm mất giá trị hay của nguyên tác, người đọc tưởng rằng nguyên tác
cũng dở như bản dịch. Thậm chí, nguyên tác có chỗ sai sót về niêm luật, lủng củng,
ta vẫn nên dịch cho đúng niêm luật, chau chuốt; nếu không người đọc cũng dễ hiểu
lầm là dịch dở, để có tiêu chuẩn dịch hay đòi hỏi sự sáng tạo và nâng cao.
Thực tế
không phải không có những bài thơ dịch thuộc loại “kinh điển” vừa đúng hoàn
toàn ý nghĩa, giữ thể loại nguyên tác, lại vừa hay, như bài thơ Vô đề của Bác Hồ được Khương Hữu Dụng
dịch:
Nguyên tác: Tam niên bất ngật tửu xuy yên/ Nhân sinh vô bệnh
thị chân tiên/ Hỷ kiến Nam phương liên đại thắng/ Nhất niên tứ quý đổ xuân
thiên.
Dịch thơ:
Thuốc kiêng, rượu cữ đã
ba năm/ Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần/ Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn/
Một năm là cả bốn mùa xuân.
Bài thơ dịch
này không những hoàn toàn đúng nghĩa nguyên tác, giữ đúng thể Đường luật mà
ngôn ngữ thơ thật tuyệt vời, như câu đầu, nghĩa là “Ba năm không uống rượu, hút
thuốc” được dịch “Thuốc kiêng, rượu cữ
đã ba năm”. Từ “kiêng” và “cữ” dùng rất hay!
Nhưng cũng
không hiếm trường hợp, có những bài thơ dịch Đường luật, do muốn thể hiện trung
thành với nghĩa gốc và thể thơ, có dịch giả kỳ cựu cũng đã làm cho bài thơ dịch
trở nên khô cứng, thậm chí khó hiểu.
Tôi
không phản đối dịch thơ nước ngoài sang thể Lục bát, Song thất lục bát nếu nội
dung tư tưởng, tình cảm của bài thơ phù hợp. Ví dụ tiêu biểu nhất là thành công
của Đoàn Thị Điểm khi dịch Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn sang thể Song thất
lục bát. Ví dụ khác như bài thơ Mẫn nông của Lý Thân
(772–846) đời Đường: “Sừ hòa nhật đương ngọ/
Hãn trích hòa hạ thổ/ Thùy tri bàn trung xan/ Lạp lạp đa tân khổ”, được dịch
sang Lục bát hay đến mức nhiều thế hệ người Việt Nam cứ tưởng là ca dao :
Cày đồng đang buổi ban
trưa,
Mồ hôi thánh thót như
mưa
ruộng cày.
Ai ơi, bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt, đắng
cay muôn phần!
Từ những dẫn
chứng trên, mặc dù dịch Đường luật sang thể Lục bát hay Song thất lục bát bị giảm
mất tiêu chuẩn TÍN do không giữ được thể thơ nguyên tác; bù lại, sẽ dễ tăng điểm
thêm cho tiêu chuẩn NHÃ. Tuy nhiên, không nên một chiều quá mức, bài nào cũng
chỉ dịch sang thể Lục bát. Thơ tự do của nước ngoài có nhiều câu quá dài hoặc
quá ngắn, biểu thị cung bậc tình cảm khác nhau mà chỉ toàn dịch sang thể Lục
bát thì không phù hợp và thường là không sát nghĩa nguyên tác.
Dù là dịch sang thể Đường
luật, lục bát hay thơ tự do thì thơ dịch phải là “thơ”. Đã là thơ có luật thì phải đúng luật, đã là “thơ” thì dù sử dụng
thể loại nào cũng phải có ngôn ngữ thơ chau chuốt, có nhạc điệu, có vần hay
không vần cũng phải hài hòa bằng – trắc; vần, đối không gò ép…
Để vừa dịch
đúng hoàn toàn, lại vừa dịch hay là điều vô cùng khó. Thực tế thường thấy hiện
tượng có người quá quan tâm đến TÍN nên bài thơ gần như là bản “dịch nghĩa”, ít
chất thơ; lại có người do quá quan tâm đến NHÃ nên bài thơ dịch trở thành
“phóng tác”, xa rời ý nghĩa nguyên tác.
Do thơ Đường
luật cổ chữ Hán của Trung Quốc cũng như Việt Nam đều có đặc điểm ngôn ngữ chắt
lọc ngắn gọn, hàm ý sâu sắc, để diễn đạt được đủ ý nghĩa sang thơ Việt mà vẫn
giữ nguyên thể Đường luật là điều khó, nên phải đưa ra sự lựa chọn hợp lý, nhiều
khi buộc phải lược bớt không dịch những từ là thứ yếu, chỉ dịch những từ là hồn
cốt của bài thơ.
Do đòi hỏi
về tiêu chuẩn dịch đúng và dịch hay nên thế hệ dịch giả trước đây đã thống nhất,
người dịch thơ vừa phải giỏi ngoại ngữ, vừa phải biết làm thơ, giàu vốn ngôn ngữ
Việt; để dịch được một bài thơ, phải qua các bước dịch nghĩa, tìm hiểu đặc điểm
văn hóa dân tộc, bối cảnh ra đời của bài thơ, lựa chọn thể loại thơ dịch phù hợp,
tìm từ ngữ vừa sát nguyên tác, vừa có “chất thơ”. Yêu cầu này đối với dịch giả
cũng phù họp với Điều 6 và Điều 7 của Hiến chương dịch giả quốc tế năm 1994:
Điều 6: Dịch giả phải có kiến thức chắc chắn về ngôn ngữ được dịch và
đặc biệt phải nắm vững ngôn ngữ dịch ra.
Điều 7: Dịch giả cũng phải có kiến thức tổng hợp đủ rộng, đủ để hiểu về
đối tượng dịch và không được tiến hành dịch về một lĩnh vực vượt quá năng lực của
mình.
Nguồn: Văn Nghệ