Rồng
là con vật trong tưởng tượng. Cả châu Âu, châu Á, người dân đều sáng tạo ra
hình dáng của nó từ hàng nghìn năm trước. Tuy nhiên, ở các nước Á Đông, rồng lại
được coi là biểu tượng của quyền lực, của vương mệnh, hình ảnh rồng tượng trưng
cho vua, cho hoàng đế.
VUA
VIỆT NÀO CÓ TƯỚNG RỒNG?
LÊ TIÊN LONG
Dù gần như chẳng ai nhìn thấy rồng, thì
trong quan niệm về tướng mạo thời xưa, người có "tướng rồng" là có được
thiên mệnh, có thể "thay trời" trị nước, trị dân.
Vua Lê Thái Tổ, Lê Hiến
Tông có “tướng rồng”
Nước ta, thời Lý về trước, quan niệm này
chưa thông dụng, nên chưa thấy sử sách ghi chép về "tướng rồng" của
các bậc quân vương, ngoại trừ những dấu hiệu "rồng hiện" báo trước về
sự nghiệp đế vương của Vua Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành. Tuy nhiên, từ thời Trần
sang thời Lê, sử sách miêu tả chân dung các vị vua nước ta với "tướng rồng"
nhiều lắm, từ mặt rồng, râu rồng, dáng đi của rồng... đủ cả.
Vị vua đầu tiên triều Trần là Trần Thái
Tông trong "Đại Việt sử ký toàn thư" mô tả: "Vua mũi cao, mặt rồng,
giống Hán Cao Tổ". Vậy, tướng mạo Hán Cao Tổ như thế nào? Theo dã sử thì vị
vua này có râu rồng, tướng quý, còn trong "Sử ký" của Tư Mã Thiên, phần
"Cao Tổ bản kỷ" chỉ chép "Cao Tổ rất có tướng của đế vương, mũi
cao, trán gồ, râu tóc đẹp, chân trái có 72 nốt ruồi đen" mà thôi. Như vậy,
lời sử quan Việt chép trong "Toàn thư" cũng chỉ là ước lệ, đại khái
Hán Cao Tổ có tướng ấy sáng lập ra nhà Hán thì Trần Thái Tông có tướng tương tự,
xứng đáng là vua khai mở triều Trần.
Đến vua sáng lập triều hậu Lê là Lê Thái
Tổ cũng được sử sách miêu tả với dáng vẻ hùng dũng hơn người, có tướng của cả hổ,
cả rồng. “Toàn thư" viết: "Vua sinh ra, thiên tư tuấn tú khác thường,
thần sắc đẹp mạnh, mắt sáng, mồm rộng, mũi cao, vai có nốt ruồi, tiếng to như
tiếng chuông, đi như rồng, bước như hổ, kẻ thức giả là người phi thường".
Đó là chưa kể sách "Lam Sơn thực lục" còn bổ sung thêm mấy chi tiết lạ
về tướng mạo của ngài: "Tóc, lông đầy người, ngồi như hùm ngồi. Kẻ thức giả
biết là bậc người cực sang! Kịp khi lớn, thông minh, khôn, khỏe, vượt hẳn bọn tầm
thường".
"Lam Sơn thục lục" là sách được
biên soạn lúc Vua Lê Thái Tổ đang trị vì và đích thân nhà vua còn viết lời đề tựa,
chỉ không biết rằng bản sách chúng ta đọc có đúng là nguyên bản soạn thời đó
hay không. Dù sao thì qua "Lịch triều hiến chương loại chí" của Phan
Huy Chú biên soạn cuối triều Lê, vẫn thấy tác giả nhấn mạnh vào tướng mạo của
Lê Thái Tổ là "đi như rồng, bước như hổ".
Một vị vua nữa của triều Lê cũng được mô
tả có "mặt rồng" như Trần Thái Tông, là Vua Lê Hiến Tông. Vị vua này
còn được sử chép với nhiều sự tích, từ "Thượng Đế ban con", đến
"đá bay núi Phật Tích", rồi cuối cùng là "rồng vàng bay xuống
cung Trường Lạc (chỗ Thái hậu Trường Lạc, vợ Vua Lê Thánh Tông ở) rồi một lúc
sau sinh ra vua", nên vẻ ngoài của nhà vua cũng được tả rất đặc biệt.
"Toàn thư" ghi rằng: "Vua sinh ra, dáng vẻ thiên tử, mũi cao, mặt
rồng, vẻ người đứng đắn, đẹp đẽ khác thường". Tướng mặt rồng, theo sách tướng
số, là gương mặt có trán thụt vào, từ sơn căn (điểm giữa sống mũi, ngang hai mắt)
đến cằm nổi rõ rệt. Người có tướng này thông minh, can đảm, có khả năng lãnh đạo,
lỗi lạc xuất chúng.
Sau đó, ở thời Hậu Lê, Vua Lê Thần Tông
cũng có tướng "mặt rồng" như vậy. "Toàn thư" viết rằng:
"Vua sống mũi cao, mặt rồng" và đánh giá nhà vua là người thông minh,
học rộng, mưu lược sâu, văn chương giỏi, nên "xứng đáng là một trong những
vua giỏi của nhà Hậu Lê".
Còn bộ sử triều Nguyễn, "Khâm định
Việt sử thông giám cương mục" tả diện mạo Vua Lê Hiển Tông rằng: "Duy
Diêu râu rồng, mắt phượng". Những lời mô tả "có cánh" này cũng
nhằm khẳng định tính chính danh của ngôi vua, vì hoàng tử Duy Diêu vốn là con
trưởng Vua Lê Thuần Tông và là cháu của Vua Lê Ý Tông. Đáng ra, Duy Diêu phải
được lập làm hoàng thái tử, nhưng vì chú ruột là Duy Mật dấy quân nên bị chúa
Trịnh Giang bắt giam và lập em Vua Thần Tông là Duy Duy Thận lên ngôi, tức Vua
Lê Ý Tông. Đến khi chúa Trịnh Doanh lên thay Trịnh Giang, đã sai người đem Duy
Diêu đến an trí ở nhà Bính quận công Vũ Tất Thận. Nhưng, trước đêm đó, Tất Thận
nằm mộng thấy một người "kẻ cả" đến nhà, cờ quạt âm nhạc, hệt như
nghi trượng thái bình thiên tử. Sáng hôm sau thì quân lính đưa hoàng tử Duy
Diêu đến. Tất Thận bèn đem việc này nói với Trịnh Doanh. Trịnh Doanh muốn nhờ
vào phúc đức Duy Diêu, mới cùng các đại thần bàn định tôn lập làm vua và xin
Vua Lê Ý Tông nhường ngôi cho Duy Diêu.
Các “tướng rồng” khác
Trên gương mặt con người, có "mũi rồng"
được mô tả là dáng mũi của đế vương. Vị vua gần cuối triều Hậu Lê có thời gian
trị vì lâu dài là Lê Hiển Tông cũng được mô tả có tướng mũi này. Theo "Đại
Việt sử ký tục biên" thì "Vua mũi rồng, mắt phượng, ngồi như núi, đi
như nước". Tướng mũi rồng, theo sách tướng số của Trung Quốc thì nếu nhìn
từ hướng chính diện sẽ thấy sống mũi to đầy, hơi cong, trụ mũi thấp, khó nhìn
thấy lỗ mũi, thường cánh mũi hơi bè.
Người có tướng mũi rồng được cho là sẽ hội
tụ đủ mọi tư chất tốt đẹp như: Thông minh, vốn am hiểu sâu rộng, đầu óc sáng suốt,
nhạy bén, tinh tế, khéo léo nên có khả năng chi phối người khác rất tốt, quyền
cao chức trọng và đa phần là những người lãnh đạo tài ba. Tuy nhiên, điều đó nếu
áp vào Vua Lê Hiển Tông thì khó bề chính xác, vì theo "Tục biên", lúc
đó quyền hành đều ở trong tay chúa Trịnh, từ "quyền ban tước, khen thưởng,
cho hay lấy, tha hay giết, việc chinh phạt đều do nhà chúa cả". Công việc
triều chính của Vua Lê Hiển Tông gần như không có gì: "Vua chỉ tỏ ra khiêm
nhường, vô tâm, ỷ lại, rủ áo, chắp tay, trông đợi thành công". Nhưng, có lẽ
nhờ có tướng quý, lại biết nhẫn nại, nên nhà vua mới có thể yên tâm ở ngôi tới
47 năm, thọ 70 tuổi, là vị vua có thời gian trị vì dài nhất và cũng sống thọ nhất
của triều Hậu Lê. Sử viết: "Chúa Trịnh cũng sợ danh nghĩa nhà vua mà không
dám xâm phạm".
Ngoài các tướng mặt rồng, râu rồng, dáng
rồng của các vị vua Việt, sử sách thời xưa cũng ghi chép nhiều đặc điểm dung mạo
có liên quan đến rồng khác. Như, ngoài "mắt phượng" thì có tướng
"mắt rồng", được mô tả là cặp mắt không có mí, lòng đen và lòng trắng
rõ ràng, phân minh, phần đuôi mắt dài và đẹp. Theo quan niệm xưa thì người có mắt
rồng là quý tướng, có trí tuệ hơn người, tư duy nhạy bén, xử lý mọi việc linh
hoạt, được mọi người xung quanh kính trọng, nể phục.
Một tướng quý khác liên quan đến rồng là
tướng cửu long, hay "cửu long xương", chỉ người có 9 xương rồng hoặc
9 xương quý trên đầu. Ai may mắn có dù chỉ một cũng đều có ý nghĩa đó là người
đặc biệt, dễ gặp may mắn.
Sách tướng số nhà Thanh bên Trung Quốc
có nhắc đến một tướng quý là "long đầu cách cục". Đó là câu chuyện về
Tổng đốc Quảng Châu thời Vua Quang Tự là Trương Thụ Thanh. Theo lời mô tả của
người đương thời thì ông này có nhiều tướng xấu, nhưng học giỏi, thi đỗ tiến sĩ
và làm quan to. Phải đến khi có một ông thầy tướng số rất giỏi quan sát mới
phát hiện ra Trương Thụ Thanh khi quay đầu nhìn lại phía sau mà thân mình không
hề chuyển động. Đó là tướng "long đầu cách cục" rất hiếm có, kẻ nào
có được thì quan đến cực phẩm triều đình. Các mô tả của sách tướng số cho thấy
tướng "đầu rồng" này giống như đầu các loài chim, khi chúng quay đầu
mà không cần ngoái cổ.
Cuối cùng là chuyện ăn của vua cũng liên
quan đến rồng. Chuyện chép trong "Toàn thư" cho biết thời Vua Trần
Minh Tông, có lần Thượng hoàng Trần Anh Tông ban bữa ăn cho vua. Vua nhai rất kỹ,
thượng hoàng nói: "Đàn ông phải ăn như rồng nuốt, cọp cắn, cần gì phải
nhai kỹ?". Khi ban bữa ăn cho vương hầu, thượng hoàng cũng dụ như thế. Tuy
nhiên, sử không chép rằng sau lời dạy này của thượng hoàng, Trần Minh Tông có
"ăn như rồng cuốn" hay không. Chỉ biết sử thần Ngô Sĩ Liên khen rằng:
"Minh Tông được nên tính tốt, tuy là tư trời có tốt, cũng là do ở sức dạy
bảo của vua cha. Được sự răn dạy nghiêm ngặt như thế, cho nên đức của nhà vua
vì thế mà nên, cả các con của vua cũng đều có tài nghệ cả".
Nguồn: An Ninh Thế Giới cuối tháng