Thơ cung cấp chất liệu cho các nhạc sĩ tài danh viết được ca khúc lừng lẫy, và thơ cũng giúp các nhạc sĩ thường thường bậc trung bớt rơi vào hoàn cảnh viết về cái gì thì cái đó ơi, như “công ty ơi”, “xí nghiệp ơi, “lúa gạo ơi”, “lợn giống ơi”, “phân bón ơi”…


 CA KHÚC PHỔ THƠ TRONG QUAN HỆ GIỮA THƠ VÀ NHẠC

TUY HÒA

Trong khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam 2024, Hội Nhà văn TP.HCM đã phối hợp với Hội Âm nhạc TP.HCM tổ chức hội thảo “Thơ – Nhạc tương sinh hay tương khắc” thu hút sự quan tâm của cả giới chuyên môn lẫn công chúng. Quan hệ giữa thơ và nhạc được thể hiện chủ yếu trong ca khúc phổ thơ, thực sự cũng có nhiều điều đáng suy ngẫm.

Khi tân nhạc phương Tây chính thức du nhập vào Việt Nam nửa sau thập niên 30 của thế kỷ trước, thì ca khúc phổ thơ cũng đã xuất hiện. Tính từ số báo Ngày Nay phát hành ngày 26/6/1938 lên tiếng cổ vũ hành trình của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên đi dọc Việt Nam tuyên truyền tân nhạc, thì đến nay số lượng ca khúc phổ thơ gần như không thể thống kê đầy đủ. Thơ cung cấp chất liệu cho các nhạc sĩ tài danh viết được ca khúc lừng lẫy, và thơ cũng giúp các nhạc sĩ thường thường bậc trung bớt rơi vào hoàn cảnh viết về cái gì thì cái đó ơi, như “công ty ơi”, “xí nghiệp ơi, “lúa gạo ơi”, “lợn giống ơi”, “phân bón ơi”…

Có một điều cần tái khẳng định, không phải bài thơ hay nào cũng có thể phổ nhạc thành ca khúc hay. Thế nhưng, tầm vóc của bài thơ đích thực luôn tạo cảm hứng cho nhiều nhạc sĩ. Một bài thơ được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc cũng khá phổ biến. Độc đáo nhất là trường hợp bài thơ “Lá diêu bông” của Hoàng Cầm. Không tính vài ca khúc phổ thơ lấy đúng câu chữ và tên gọi “Lá diêu bông”, thì sức quyến rũ của lá diêu bông cũng góp phần làm ra một số ca khúc khác, ví dụ “Chuyện tình lá diêu bông” của Nguyễn Tiến hoặc “Sao em nỡ vội lấy chồng” của Trần Tiến. Chưa hết, gần đây lá diêu bông xuất hiện trong ca khúc “Ngày mai người ta lấy chồng” của Đông Thiên Đức gây sốt giới trẻ trên các diễn đàn âm nhạc: “Hỏi mùa thu đang ru miên man, mỗi năm mùa rơi bao chiếc lá vàng/ Liệu có biết ở nơi nào không, có lá nào trông như lá diêu bông”. Nghĩa là bài thơ “Lá diêu bông” sau 65 năm ra đời, vẫn còn nguyên giá trị xao xuyến với người viết ca khúc.

Nhạc sĩ chọn phổ thơ có thể vì sự đồng cảm với nhà thơ hoặc do khô cạn ý tưởng sáng tác, nhưng quan trọng hơn là ca khúc phổ thơ làm thay đổi giọng điệu của chính nhạc sĩ. Không ai nghi ngờ khả năng viết lời của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý (1924-2019). Ông sáng tác đa dạng, từ “Dư âm” tình tứ, “Mẹ yêu con” nồng nàn đến “Dáng đứng Bến Tre” say đắm. Ông có thể đưa người giỏi chăn nuôi lẫn người làm tín dụng vào ca khúc một cách nhuần nhuyễn.

Tuy nhiên, khi phổ bài thơ “Em hát” của Hoàng Huế thành ca khúc, thì công chúng lại thấy một nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý lạ hơn. Những ca từ “Em hát vào gỗ mục, gỗ mục bèn ra nấm/ Em hát vào gỗ cứng, gỗ cứng chợt ra hoa/ Em hát vào lau khô, lau khô xanh thành ruộng/ Em hát vào suối cạn, suối cạn chảy thành sông” là một dạng cấu trúc văn bản và hệ thống ngôn ngữ hoàn toàn khác biệt với hầu hết ca khúc do nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý tự trau chuốt ca từ.   

Sự gặp gỡ giữa nhà thơ và nhạc sĩ qua ca khúc phổ thơ dĩ nhiên mang tính hạnh ngộ quý báu. Có những ca khúc nâng đẳng cấp bài thơ lên, có những ca khúc tương đương với đẳng cấp bài thơ, và cũng có những ca khúc hạ đẳng cấp bài thơ xuống. Nếu quan sát thật kỹ lưỡng thì có hai hệ lụy cực kỳ trớ trêu cho giới làm thơ.

Hệ lụy thứ nhất, bài thơ được phổ nhạc đôi khi không phải vì ý tứ sâu sắc, mà vì có tiết tấu thuận lợi để phát triển thành một ca khúc. Sự thánh thót đưa ca khúc phổ thơ lan tỏa rộng rãi, và nhà thơ lại ngỡ tìm thấy mỏ quặng kỳ diệu nên hứng thú lao theo kiểu thơ ấy. Kết quả, những bài thơ được viết nhầm để phổ nhạc lại rất ít chất thơ, nên chỉ tồn tại như một dạng ca từ dang dở mà thôi. Hệ lụy thứ hai, vì tuân thủ nhạc tính của ca khúc, nên nhạc sĩ tự cho phép mình chỉnh sửa một số câu chữ trong bài thơ mà không cần tham khảo ý kiến nhà thơ. Công chúng nghe ca khúc phổ thơ mà không có cơ hội đọc nguyên bản bài thơ, thì sẽ ngộ nhận về năng lực chữ của nhà thơ.

Cứ lấy trường hợp thành công bậc nhất về phổ thơ là nhạc sĩ Phú Quang để phân tích. Nguyên văn trong bài “Thơ viết ở biển” của nhà thơ Hữu Thỉnh: “Anh xa em/ Trăng cũng lẻ/ Mặt trời cũng lẻ/ Biển vẫn cậy mình dài rộng thế/ Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn”, được chuyển thành ca khúc “Biển, nỗi nhớ và em” của nhạc sĩ Phú Quang: “Anh xe em, trăng cũng chợt lẻ loi thẩn thờ/ Biển vẫn thấy mình dài rộng thế/ Xa cánh buồm một chút đã cô đơn”. Rõ ràng, ca từ “lẻ loi thẩn thờ” vừa sến vừa sáo, còn chữ “cậy” đắt địa hơn chữ “thấy” rất nhiều.

Thêm ví dụ nữa. Khi nhạc sĩ Phú Quang hoàn thành ca khúc phổ thơ “Mùa thu giấu em” đã mời nhà thơ Thanh Tùng thưởng thức đầu tiên. Nghe xong ca khúc, nhà thơ Thanh Tùng lộ vẻ không vui thì hai câu thơ tâm đắc cũng ông đã bị biến đổi một cách hao hụt vẻ đẹp thi ca. Đọc bài thơ và nghe ca khúc, thì dễ dàng nhận ra khoảng cách kia. Nguyên văn của nhà thơ Thanh Tùng: “Em hôn lên anh theo cách hôn dài của gió/ Và ngã vào anh theo cách ngã của mùa thu”. Còn ca từ được nhạc sĩ Phú Quang gia công: “Em hôn anh đắm say như gió/ Và ngã vào anh dịu dàng như mùa thu”.

Để có được tác phẩm hay, thì ca khúc phổ thơ chỉ là sự hợp tác thụ động giữa nhạc sĩ và nhà thơ. Nếu nhà thơ tham gia viết lời cùng nhạc sĩ chắc chắn sẽ mang lại nhiều ca khúc bất ngờ hơn. Dĩ nhiên, để có thể làm việc ấy, không đòi hỏi nhà thơ trạng bị kiến thức âm nhạc theo trường lớp đào tạo mà ít nhất cũng phải có chút nhạc cảm nhất định. Năm 1944, nhà thơ Thế Lữ khi nghe một ca khúc của nhạc sĩ La Hối với lời Hoa của Diệp Truyền Hoa, đã viết lời Việt có tên gọi “Xuân và tuổi trẻ” tồn tại đến hôm nay. Với phẩm chất mơ mộng có sẵn, nhiều nhà thơ cảm thấy hát thơ đơn giản nên cũng hăng hái chuyển sang viết nhạc, nhưng không mấy người có ca khúc phổ biến.

Nhà thơ Nguyễn Đình Toàn từng viết lời cho hai ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Vũ Thành An là “Bài không tên thứ nhất” và “Anh đến thăm em đêm ba mươi” mang lại cho công chúng những câu hát ấn tượng như “có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai” hoặc “ngày sắp tết hay lòng mình đang tết”. Sau này, nhà thơ Nguyễn Đình Toàn sáng tác ca khúc thì ca từ vẫn là ưu điểm vượt trội. Trong ca khúc “Quê hương thu nhỏ” của Nguyễn Đình Toàn có hai câu hát viết về tâm trạng người xa xứ đích thị là hai câu thơ rung động: “Một cơn gió thoáng qua cũng nghe lòng tha thiết/ Tưởng một mùi hương nơi vườn cũ bay theo mình”.

Giải Nobel văn học đã bổ sung hạng mục ca từ vào danh sách được đề cử xét thưởng, nghĩa là nhân loại không chỉ cần những lời hát mềm mại êm tai nữa. Giải Nobel văn học năm 2016 trao cho nhạc sĩ Bob Dylan với những ca từ phản đối chiến tranh và cường quyền, như một sự nhắc nhở người viết ca khúc đừng ru ngủ đám đông mà phải thức tỉnh đám đông. Nói cách khác, người viết ca khúc cũng cần dấn thân đấu tranh cho công bằng và lẽ phải. Vì vậy, ca khúc phổ thơ sẽ có ý nghĩa tích cực hơn, nếu góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội. Bởi nhà thơ bắt tay với nhạc sĩ để có những ca khúc phổ thơ đong đưa ủy mị hoặ hô hào sáo rỗng, kiểu như “nay xua tan nghèo đói đi lên” hoặc “mai quê hương đổi mới sang trang”, thì thật không xứng đáng với sự tin cậy và sự chờ đợi của công chúng.

Nhạc sĩ Trần Tiến trong ca khúc “Trần trụi 1987” đã cảnh tỉnh: “Đừng hát, xin đừng mãi ngợi ca, những lời hát nhàm chán ru quê hương ta vinh quang thăng hoa trong bao niềm kiêu hãnh, mà quên đi áo cơm và hoa hồng”. Nhạc sĩ Trần Tiến không nhận mình là nhà thơ, nhưng ca từ của ông chứa đựng không ít tâm tư đáng trân trọng. Nếu không cẩn thận, thì thơ của các nhà thơ khi đặt cạnh ca từ của nhạc sĩ Trần Tiến sẽ trở nên ốm o tội nghiệp.

Bởi lẽ, trong ca khúc Trần Tiến có sự day dứt “Tôi đã thấy bạn tôi lao công trên đường phố Nga, bạn tôi xây bao công trình cho Mỹ/ Người Việt tài năng lang thang nơi đâu, xa dấu quê nhà/ Anh có đau không?”. Bởi lẽ, nhạc sĩ Trần Tiến trong ca khúc “Chuyện 5 người” từng đau đáu về viên chức quẩn quanh thời bao cấp: “Có một người không quên, không say, không buồn vui, chẳng thương nhớ ai bao giờ/ Sớm lại chiều đi lên cơ quan, chiếc xe cà tàng một lon cơm khô/ Họ chẳng chết bao giờ vì có sống bao giờ đâu” đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị để sốt ruột về hiện tượng cán bộ vô cảm, đùn đẩy và sợ trách nhiệm./.