Nhạc sĩ Phạm Đình Chương là người đầu tiên dùng âm nhạc để chúc Tết, với ca khúc ‘Ly rượu mừng’ ra đời từ 70 năm trước ‘ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi’.
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương (1929-1991) là một tên tuổi rất
quen thuộc trong đời sống âm nhạc Việt Nam. Ban đầu công chúng biết đến nhạc sĩ
Phạm Đình Chương với tư cách một ca sĩ có nghệ danh Hoài Bắc trong ban nhạc Thăng
Long lừng lẫy.
Ban nhạc Thăng Long quy tụ những thành viên cùng huyết
thống, bao gồm Hoài Trung (Phạm Đình Viêm, 1920-2002) Thái Hằng (Phạm Thị Quang
Thái, 1927-1999) Thái Thanh (Phạm Thị Băng Thanh, 1934-2020) và Hoài Bắc. Năm
1953, nhạc sĩ Phạm Đình Chương kết hôn với ca sĩ Khánh Ngọc (Hàn Thị Lan Nam,
1936-2021) và ban nhạc Thăng Long được bổ sung thêm một thành viên có quan hệ
gia đình.
Ca khúc “Ly rượu mừng” được nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng
tác năm 1953 và in trên số tết Giáp Ngọ 1954 của báo Đời Mới. Cùng năm ấy, ca
khúc “Ly rượu mừng” được ban nhạc Thăng Long đưa lên sân khấu biểu diễn và ngay
lập tức trở thành bài hát viết về mùa xuân nổi tiếng bậc nhất.
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương có ba ca khúc phổ thơ bất hủ là
“Đôi mắt người Sơn Tây” (thơ Quang Dũng), “Mộng dưới hoa” (thơ Đinh Hùng) và “Nửa
hồn thương đau” (thơ Thanh Tâm Tuyền). Ngoài ra, ông có trường ca “Hội trùng dương”
hát về vẻ đẹp đồng cảm của sông Hồng, sông Hương và sông Cửu Long. Thế nhưng, “Ly
rượu mừng” lại có một chỗ đứng đặc biệt trong đời sống tinh thần, vì đó là một
lời chúc tết bằng âm nhạc đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.
Thấu hiểu dân tộc Việt Nam được xây dựng trên nền văn
minh lúa nước, nên nhạc sĩ Phạm Đình Chương chọn đối tượng nông dân để chúc tết
trước nhất: “Ngày xuân nâng chén
ta chúc nơi nơi/ Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi/ Người thương gia lợi tức/ Người công nhân ấm no/ Thoát ly đời gian lao nghèo khó”.
Nhân vật “anh nông phu”
được nhạc sĩ Phạm Đình Chương chúc tết, không hề là trường hợp cá biệt về sự ân
cần dành cho người lao động nông thôn. Bởi lẽ, nhạc sĩ Phạm Đình Chương cũng có
ca khúc “Tiếng dân chài” quan tâm đến người đánh cá: “Lưới vung chụp ánh trăng
vàng/ Mồ hôi tôi đổ xuống hàng bờ lau/ Ới ai đời sống dân chài, đêm đêm soi bóng sông dài mà ca”.
Trong ca khúc “Ly rượu
mừng” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, một số phận lầm lũi cũng không vắng mặt, đó
là bà mẹ già miền hiu hắt. Nhạc sĩ Phạm Đình Chương gửi gắm: “Kìa nơi xa xa có
bà mẹ già, từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa/ Chúc bà một sớm quê hương, bước
con về hòa nỗi yêu thương”.
Ca khúc “Ly rượu mừng” được viết theo
điệu valse với nhịp 3/4 có tiết tấu nhanh, mang đặc trưng của âm nhạc phương
Tây nhưng lại chất chứa hồn vía lễ nghi rất truyền thống của dân tộc Việt Nam: “Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương, xây tổ ấm trên cành yêu
đương/ Nào cạn ly, mừng người nghệ
sĩ, tiếng thi ca nét chấm phá tô
thêm đời mới”.
Suốt 70 năm qua, ca khúc
“Ly rượu mừng” đã mang lời chúc tết ấm áp đến cho nhiều thế hệ người Việt Nam: “Nhấp
chén đầy vơi chúc người người vui, muôn lòng xao xuyến duyên đời”. Quan trọng hơn,
thông qua ca khúc “Ly rượu mừng”, nhạc sĩ Phạm Đình Chương bày tỏ khát vọng muôn
đời của người Việt Nam: “Bạn hỡi, vang lên/ Lời ước thiêng liêng/ Chúc non sông hoà bình, hoà bình”.
Sau một thời gian gián đoạn từ sau năm 1975, ca khúc “Ly
rượu mừng” chính thức được cấp phép phổ biến trở lại tại Việt Nam từ mùa xuân 2016,
để tiếp tục truyền đi thông điệp nhân ái: “Ước mơ hạnh phúc nơi nơi, hương
thanh bình dâng phơi phới”.
PHẠM TUẤN