Chấp nhận nỗi cô độc, chấp nhận thân phận khốn khổ và hình hài yếu đuối của mình, nhưng chấp nhận trong vẻ bi hùng rất đặc biệt. Đó là nhân cách của nhà thơ, cái mà nhà thơ có để mang ra đối đãi với đời.


NGÀY TẾT ĐỌC THƠ TÔ THÙY YÊN

THANH THẢO

 

Thơ Tô Thùy Yên lặng lẽ. Dù ông viết dài hay viết ngắn, thì thơ ấy vẫn lặng lẽ. Người đọc đồng cảm với thơ ấy, cũng trong lặng lẽ. Đó là thơ của Chim kêu bãi quạnh, hắt hiu và đau đớn:

“Cởi đôi giày vẹt, tấm áo tả

Xót xa như lột một lần da” (Chim kêu bãi quạnh)

Thơ ấy nhiều khi như bâng quơ, mà găm vào ta thật sâu:

“Mai có ai về ngang quãng sông này,

Xin ném cho hòn đất hỏi thăm” (Viễn Tây)

Khi người ta đã thấu lẽ tử sinh, đã thấu suốt phận người, thì:

“Nhớ, như cỏ, xô tràn…

Mơ, như mây, tản mạn…” (Đại Bình Nguyên)

Một nhà thơ như thế, có thể gọi là đạt đạo. Thì là đạo làm người, vậy thôi:

“Ở những mối đường tẽ ba tẽ bảy phân vân

Muốn xuống xe, làm như kẻ lang thang xưa,

Tung cao may rủi một đồng tiền hay một cành cây,

Nhờ tình cờ định hướng hộ” (Đại Bình Nguyên)

Không ai muốn rơi vào tâm trạng ấy để có thơ hay, nhưng khi đã lâm vào, thì chính những giọt thơ buồn như rượu mạnh sẽ giải thoát mình khỏi mọi trầm cảm. Tôi đọc bài thơ Đại Bình Nguyên của Tô Thùy Yên và chợt thoát ra với đúng cảm giác này của tác giả khi kết thúc bài thơ:

“Nước Mỹ này quá rộng và quá buồn

Anh không còn muốn tự định liệu”

Thơ là số phận của nhà thơ, không thể khác. Nếu số phận thăng trầm, thì thơ cũng không tránh được những trầm luân. Những câu thơ buồn đau, khắc khoải của Tô Thùy Yên có rất nhiều, nhưng tôi lại cảm thấy trong nhiều bài thơ khác của ông, một vẻ chấp nhận bi hùng nào đó. Chấp nhận nỗi cô độc, chấp nhận thân phận khốn khổ và hình hài yếu đuối của mình, nhưng chấp nhận trong vẻ bi hùng rất đặc biệt. Đó là nhân cách của nhà thơ, cái mà nhà thơ có để mang ra đối đãi với đời.

“Ta về cúi mái đầu sương điểm

Nghe nặng từ tâm lượng đất trời

Cảm ơn hoa đã vì ta nở

Thế giới vui từ mỗi lẻ loi” (Ta về)

Tô Thùy Yên là một nhà thơ lớn. Điều này những người đọc thơ ông, yêu thơ ông đều biết. Khi một nhà thơ Việt được công nhận bởi tài năng và nhân cách của mình, thì dù họ sống xa tổ quốc, thơ họ vẫn thuộc về đất nước, về dân tộc Việt Nam. Thơ thật sự là thơ, dù đau đớn hay xót xa, thơ ấy vẫn bồi bổ cho tâm hồn ta tình yêu con người, yêu quê hương, yêu đất nước.

Thời chiến tranh, Tô Thùy Yên đi lính thuộc quân đội Việt Nam cộng hòa, ông là một sĩ quan cấp thấp thuộc ngành tâm lý chiến. Điều đó giải thích vì sao, sau năm 1975, ông phải đi trại cải tạo nhiều năm như vậy.

Cũng do sự tình cờ của số phận, tôi trở thành một nhà báo chiến trường thuộc ngành binh vận, và tôi đã viết rất nhiều bài báo về hòa giải và hòa hợp dân tộc suốt những năm tháng chiến tranh mà tôi tham gia. Như thế, có thể nói tôi với Tô Thùy Yên “cùng ngành mà khác phía”. Nhưng chúng tôi đều là nhà thơ yêu nước mình, yêu quê hương mình dù đang ở phía nào. Đó là một nghịch lý có thật trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Vì thế mới cần hòa giải và hòa hợp dân tộc.

Tôi thực sự đọc thơ Tô Thùy Yên từ gần 20 năm nay, và tôi yêu thơ ông. Đó là thơ của một nhà thơ Việt thuần chất, trong đau khổ vẫn giữ được phẩm chất người của mình, vẫn yêu thương mà không oán hận, dù số phận mình hết sức trớ trêu.

“Nắng mưa đâu chẳng là mưa nắng

Sao nắng mưa này da diết hơn?”

Đó là hai câu thơ trong một bài thơ Tô Thùy Yên viết về Huế.

Với một nhà thơ Việt xa xứ, thì đất Việt đâu cũng quê nhà, đâu cũng đầy những nhớ thương day dứt.

Với nhà thơ như Tô Thùy Yên, mãi mãi thơ ông thuộc về nắng mưa của đất nước này.